Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Các hình thức ẩn dụ

- Tạp chí Da Màu - Văn Chương Không Biên Giới  Trần Hữu Thục
Kubale_JAS_2850_789x600
Nancy Kabale, Circus Metaphors (Những Ẩn Dụ về Xiệc) (2011)
Ceramic và vật liệu hỗn hợp


Aristotle và các loại ẩn dụ
Aristotle thảo luận về ẩn dụ trong hai tác phẩm: Poetics (Thi pháp học) và Rhetoric (Tu từ học).
Trước hết, trong Poetics[i], Aristotle phân biệt các loại danh từ. “Bất chấp cơ cấu của nó như thế nào, một danh từ luôn luôn phải, hoặc là (1) chữ thông thường để chỉ sự vật, hoặc (2) một chữ lạ, hoặc (3) một ẩn dụ, hoặc (4) một chữ có tính cách trang trí , hoa hòe, hoặc (5) một chữ mới tạo ra, hoặc (6) một chữ kéo dài, hoặc (7) một chữ rút gọn hoặc (8) thay đổi hình thức. Ông lần lượt giải thích từng loại danh từ một. “Một chữ thông thường” là chữ sử dụng chung trong một xứ sở và một chữ xa lạ (nước ngoài) là chữ sử dụng ở một nơi khác. “Một chữ sáng tạo” là chữ chỉ được dùng bởi nhà thơ, hoàn toàn xa lạ đối với mọi người…
Trong định nghĩa ngắn gọn: “Ẩn dụ có nghĩa là quy cho sự vật nào đó một cái tên mà tên này thuộc về một sự vật khác; sự dịch chuyển có thể là từ loại (species) đến giống (genus)[ii] (lấy giống thay loại), hoặc từ giống đến loại (lấy loại thay cho giống), hoặc từ loại đến loại (lấy loại thay cho loại), hoặc dựa trên nền tảng của sự tương tự”, Aristotle muốn kết hợp tất cả mọi thành phần của ẩn dụ vào trong một toàn thể mạch lạc. Đó là một ý niệm xuất hiện theo trật tự: để tạo ra một ẩn dụ, người ta phải, hoặc là hướng lên trên để tìm một hạn từ tổng quát hơn; chuyển xuống dưới để tìm một hạn từ đặc thù hơn; đi ngang để tìm một hạn từ tương đương; hay sử dụng một loại tương tự cổ điển dựa theo tỷ lệ.
Như thế là có bốn hình thức ẩn dụ. Aristotle đưa ra những ví dụ sau để giải thích các hình thức đó:
Hình thức 1: giống thay loại. Ví dụ: This ship of mine stands there (Chiếc tàu tôi đậu ở đó.) Đậu (loại) thay cho “thả neo” (giống). (stand thế cho lying at anchor). Chữ “đậu” có ý nghĩa tổng quát (vì dùng chung để chỉ sự dừng lại ở một chỗ nào đó) hơn chữ “thả neo” (chỉ dùng sự dừng lại của chiếc tàu).
Loại ẩn dụ này về sau được các nhà nghiên cứu ngữ học gọi là hoán dụ (metonymy), qua đó có sự tương cận giữa hai yếu tố, lấy cái “toàn thể” thay cho cái “thành phần” (whole for part)
Hình thức 2: loại thay giống. Ví dụ: Indeed ten thousand noble things Odysseus did. (Quả thực là Ulyssis đã thực hiện cả chục ngàn công việc cao cả.) “Chục ngàn” (loại) thay cho “một số rất lớn” (giống); “chục ngàn” có ý nghĩa đặc thù hơn “một số rất lớn” có ý nghĩa tổng quát.
Loại ẩn dụ này về sau được gọi là đề dụ (synecdoche), cũng có sự tương cận giữa hai yếu tố, nhưng ngược hẳn với loại 1, ở đây, lấy cái “thành phần” thay cho cái “toàn thể” (part for whole).
Hình thức 3: loại thay loại. Ví dụ: Then he drew off his life with the bronze (sword)/Then with the bronze cup he sever the water (cut the flow of blood). (Rồi hắn kết liễu đời mình với lưỡi gươm đồng và với lưỡi gươm đồng hắn cắt đứt mạch máu). Nhà thơ dùng chữ “draw” theo nghĩa của từ “sever” và từ “sever” theo nghĩa của từ “draw”. Cả hai đều cùng có nghĩa là “lấy đi” (take away). Umberto Eco gọi ẩn dụ này là “ẩn dụ ba hạn từ” (metaphors of three terms), một là “hạn từ ẩn dụ” (metaphorizing, tức là vehicle), hai là “hạn từ được ẩn dụ” (metaphorized, tức là tenor) và ba là “hạn từ trung gian” (intermediary)[iii]
Loại ẩn dụ này về sau cũng được sắp xếp trong loại dụ pháp “hoán dụ”, trong đó lấy cái “thành phần “ thay thế cho cái “thành phần” (part for part).
Hình thức 4: Tương tự. Có 4 hạn từ A,B,C,D liên hệ với nhau chặt chẽ đến nỗi, nếu hạn từ A so với hạn từ B cũng như hạn từ C so với với hạn từ D, thì người ta có thể thay hạn từ D cho hạn từ B hay B thay cho D.
Nếu A -> B cũng như C -> D, thì ta sẽ có ẩn dụ: “A là C của B” hay “C là A của D”
Ví dụ aThe wine cup (A) is to Dionysus (B) as the shield (C) is to Ares (D)
Chiếc tách (A) đối với Dionysus (B) cũng giống như cái khiêng (C) đối với Ares (D).
Từ đó, ta có thể nói: “Chiếc tách là cái khiêng của Dionysus” hay “Cái khiêng là chiếc tách của Ares.”
Ví dụ bold age (A) to life (B) as the evening (C) to day (D)
Tuổi già (A) đối với cuộc đời (B) cũng như buổi chiều (C) đối với một ngày (D).
Từ đó, ta có cách nói ẩn dụ: “Tuổi già là buổi chiều của cuộc đời” hay “Buổi chiều là tuổi già của một ngày.”
Ví dụ c: Cũng có 4 hạn từ, nhưng trong đó, hạn từ C không có tên riêng (gọi là x như một ẩn số):
Nếu “A thì B” tương tự với “x thì D”: A/B = x/D
Bằng cách thay A vào x, ta sẽ có: “A là D” là hình thức ẩn dụ
Chẳng hạn: Ném một “hạt mầm” xuống đất thì gọi là “gieo” trong lúc “tia sáng mặt trời” cũng ném ánh sáng xuống nhưng không hay chưa có tên (ẩn số x) để chỉ chuyển động đó[iv]. Nói khác đi, gieo (A) đối với mầm (B) cũng như không tên (x) đối với tia sáng mặt trời (D). :
“Gieo hạt mầm” (sowing seed) tương tự như “x…tia sáng mặt trời”
Do đó, dựa vào sự tương tự, ta thay A vào x: gieo những tia sáng mặt trời. (sowing of sun rays)
Để làm rõ loại ẩn dụ này, Umberto Eco đưa ra thí dụ khác, là loại ẩn dụ “giả tá” (catachrese)[v]:
- cái chân (A) đối với cơ thể (B) cũng giống như x đối với cái bàn (D): “chân bàn” (the leg of the table).
- một “cái cổ” (A) đối với cơ thể (B) cũng như x đối với “cái chai”: “cổ chai” (the neck of the bottle).
Do quan hệ lân cận, cả ba hình thức 1,2 và 3 về sau đều được gọi là hoán dụ và bao gồm ba phó loại: toàn thể thay cho thành phần, thành phần thay cho toàn thể và thành phần thay cho thành phần.[vi]
Chỉ có hình thức thứ 4 mới là ẩn dụ, theo cách hiểu của các nhà nghiên cứu về ẩn dụ ngày nay.

Các hình thức ẩn dụ theo Pierre Fontanier

Theo Pierre Fontanier, ẩn dụ là “trình bày một ý tưởng dưới ký hiệu của một ý tưởng khác sinh động (frappante/gây ấn tượng) hơn hay được biết nhiều hơn (connue), mà ý tưởng này lại chẳng có một liên hệ nào với ý tưởng đầu tiên ngoài liên hệ của một sự giống nhau (conformité) hay tương tự nào đó (analogie). Fontanier rút gọn thành 5 loại[vii]:
1. Trình bày một sự vật sinh động (chose animée) bằng một sự vật sinh động khác; nghĩa là chuyển đến một sự vật sinh động cái vốn là đặc điểm của một sự vật sinh động khác. Ví dụ: Người đàn ông này là một con chồn. Chuyển đặc điểm (tinh ranh) của con chồn (một sự vật sinh động) đến cho con người (một sự vật sinh động khác); ý nói người đàn ông này tinh ranh (như con chồn). Cũng thế: Nàng là một con chim bồ câu. Chuyển ý nghĩa (hiền lành) của chim bồ câu đến cho “nàng”
2. Trình bày một sự vật trừu tượng bằng một sự vật vật lý không sinh động (inanimée/physique). Ví dụ: Mùa xuân của cuộc đời. Chuyển ý nghĩa “thời gian khởi đầu” chứa đựng trong “mùa xuân” là sự vật vật lý không sinh động đến “cuộc đời” là một sự vật không sinh động có tính cách trừu tượng.
3. Trình bày một sự vật sinh động bằng một sự vật không sinh động. Ví dụ: tên sát nhân này là một tai họa của xã hội. Dùng “tai họa” là sự vật không sinh động để chỉ “tên sát nhân”, một con người, là sự vật sinh động.
4. Trình bày một sự vật vật lý không sinh động bằng một sự vật vật lý sinh động. Là loại ẩn dụ qua đó, người ta nói về một sự vật không sinh động có tính cách vật lý bằng một cái thường để chỉ một sự vật sinh động. Ví dụ:dày vò bởi lòng hối hận, trút bớt nỗi phiền muộn, chận đứng sự giận dỗi, thả lỏng dục vọng. Lòng hối hận, nỗi phiền muộn, sự giận dỗi, dục vọng là những điều bất động có tính cách vật lý được trình bày như những sự vật sinh động: dày vò, trút bớt, chận đứng, thả lỏng. Vì cả hai đều thuộc về thế giới vật lý, Fontanier gọi đây là những “ẩn dụ vật lý” (métaphore physique)
5. Trình bày một sự vật trừu tượng bằng một sự vật sinh động. Là loại ẩn dụ qua đó, người ta nói về một sự vật không sinh động có tính cách tinh thần bằng một cái vốn được dùng để nói về sự vật sinh động, có tính cách trí tuệ và tự do. Ví dụ: Kinh nghiệm là bậc thầy của nghệ thuật; Thời gian là người an ủi tốt nhất. Bậc thầy, người an ủi là sự vật sinh động (có tính cách tinh thần) để chỉ sự vật trừu tượng là kinh nghiệm, thời gian. Vì cả hai yếu tố đầu có tính cách trừu tượng, thuộc về tinh thần nên Fontaniet gọi đây là những “ẩn dụ tinh thần” (métaphore morale)
Nếu giản dị hóa, Fontanier cho rằng chỉ có hai loại ẩn dụ: ẩn dụ vật lý (métaphore physique) và ẩn dụ tinh thần (métaphore morale).

Hình thức từ vựng và chức năng văn phạm của ẩn dụ [viii]
1. Ẩn dụ danh từ:
Đây là hình thức ẩn dụ thông thường nhất. Tùy theo chức năng văn phạm của danh từ, loại ẩn dụ này có thể chia thành:
· Danh từ làm chủ từ:
Đóa hoa trong tiệc cưới này thật kỳ diệu (Đóa hoa là ẩn dụ ám chỉ một người phụ nữ)
Con cọp này đã chiến đấu đến cùng (Con cọp là ẩn dụ ám chỉ một người dũng sĩ)
Loại ẩn dụ này thường được gọi là ẩn dụ quy chiếu (référentielle) và có tính lặn (in absentia), nghĩa là vắng mặt, vì chỉ có danh từ quy chiếu (tức là đóa hoa trong ví dụ trước, con cọp trong ví dụ sau) có mặt còn danh từ ẩn dụ (tức là người phụ nữ trong ví dụ trước, người dũng sĩ trong ví dụ sau) không có mặt trong câu.
· Danh từ làm thuộc từ của chủ từ:
Phụ nữ này là một đoá hoa
- Người đàn ông này là một con cọp trong cuộc chiến đấu
Người ta còn gọi đây là ẩn dụ vị ngữ (predicative). Loại ẩn dụ này được gọi là ẩn dụ trội (in praesentia), nghĩa làcó mặt, vì cả danh từ ẩn dụ lẫn danh từ quy chiếu đều có mặt trong diễn ngôn. Ẩn dụ quy chiếu thường phát sinh từ sự thay thế (substitution). Đại diện cho khuynh hướng này là Aristotle, Jakobson, Genette, Fontanier. Danh từ ẩn dụ thay thế cho một danh từ khác (mà nó thay thế) vắng mặt trong câu. Người ta có thể cải tả (paraphraser) câu này bằng cách thế danh từ làm ẩn dụ (métaphorisant) bằng danh từ được dùng làm ẩn dụ (métaphorisé). Ở đây, ẩn dụ chỉ quan tâm đến một từ duy nhất trong câu.
· Danh từ làm tán thán từ:
Nàng tiên của tôi ơi!
Loại ẩn dụ này ít khi được khảo sát.
· Danh từ làm đồng vị ngữ (apposition)
- Người phụ nữ này, một đóa hoa của thành phố, đã đến dự hội
- Giáo sư X, một Einstein của thế kỷ 21, sinh trưởng ở Việt Nam
Trong những ẩn dụ như thế này, ta thấy sự có mặt của hai hạn từ, hạn từ ẩn dụ và hạn từ được ẩn dụ, nghĩa là một hạn từ nghĩa đen và một hạn từ nghĩa bóng.
· Danh từ làm bổ ngữ:
- Paris là trái tim của nước Pháp
- Nàng là vị cứu tinh của đời tôi
Loại ẩn dụ này có thể phân tích theo kiểu ẩn dụ tỷ lệ (proportionnelle), tức là ẩn dụ loại 4 của Aristotle:
- “Paris là trái tim của nước Pháp” có thể hiểu là “Paris đối với nước Pháp cũng như trái tim đối với cơ thể con người”.
- “Nàng là vị cứu tinh của đời tôi” có thể hiều là: “Nàng đối với cuộc đời tôi cũng như một người anh hùng đối với đất nước”.
· Danh từ làm bổ ngữ gián tiếp (complément indirect) hay bổ ngữ chỉ nơi chốn, phương tiện…
- Cách đây hai tuần tôi đã trải qua những ngày hè trong một thiên đường thực sự.
· Danh từ riêng:
Tay Pisasso của thế kỷ này đã hoàn thành hai bức tranh kiệt xuất.
- Ông X, một Mozart của thế kỷ 21, đã từ trần hôm qua.
2. Ẩn dụ tính từ:
- tĩnh mạch hiu quạnh (Lưu Diệu Vân)
- tình yêu chín tới
- sân ga ngái ngủ
- dãy phố già nua
Kết hợp giữa danh từ và tính từ, ta có “ẩn dụ liên giác” (cross-sensory) hay “synesthesia”[ix] là sự kết hợp hai giác quan khác nhau. Ví dụ:
- giọng nói lạnh lùng (giọng nói: thính giác; lạnh lùng: xúc giác)
- cái nhìn sắc lẻm (thị giác + xúc giác)
- niềm vui rổn rảng (Chinh Yên),
- tiếng chìa khóa lạnh lẽo, khô khốc tra vào cửa (Ngô Nguyên Dũng)
Cũng với cách kết hợp như thế, ta còn có “nghịch dụ” (oxymore)[x] là loại ẩn dụ mang lại gần hai hạn từ có ý nghĩa trái ngược nhau. Ví dụ:
- nắng khuya (TCS)
- một nỗi dịu dàng cay đắng,
- một ánh lửa lạnh lẽo,
- un silence assourdissant/một sự lặng lẽ ồn ào; soleil noir/mặt trời đen (Beaudelaire)
- jeune vieillard/một ông già còn trẻ (Molière)
3. Ẩn dụ phân từ (participe): loại ẩn dụ này thường được tìm thấy khá phổ biến trong tiếng Pháp. Ví dụ: pétrifié d’étonnement (ngạc nhiên đến sững sờ), fondant en larmes (đầm đìa nước mắt), glacé de crainte (lạnh cóng vì sợ hãi), brûlé de désirs (cháy bỏng khát vọng)
4. Ẩn dụ trạng từ (phó từ):
- Nàng hôn tôi (một cách) nồng nàn, tôi nắm tay em (một cách) tha thiết; mưa vẫn bướng bỉnh rơi (rơi một cách bướng bỉnh), những cây súng nằm (một cách) hiền lành (Nguyễn Phan Thịnh)
5. Ẩn dụ động từ:
- chiều rơi, chiều buôngươm nắng, lùa nắng cho buồn vào mắt em (TCS)
- Pháo bông đã làm tổn thương bầu trời
- Lời tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao đã hàn gắn lại tình hữu nghị giữa hai nước.
Trong các loại ẩn dụ trên, những ẩn dụ động từ và tĩnh từ hay trạng từ thường đưa đến tình trạng vi phạm ngữ nghĩa (semantic violation) trầm trọng nhất, thậm chí đưa đến sự phi lý, sự lệch lạc (écart/deviation), nhưng lại khiến cho câu văn hay câu thơ đậm đà hơn, lạ lùng hơn và gây nhiều ấn tượng đặc biệt, đưa đến những chuyển biến ý nghĩa vô cùng phong phú. Mặt khác, sự lạm dụng loại ẩn dụ này cũng sẽ khiến cho văn phong trở nên màu mè, kênh kiệu và rỗng tuếch.

Thang ẩn dụ [xi]

Genette thành lập một thang ẩn dụ, từ những ẩn dụ hiển lộ (explicite) cho đến những ẩn dụ ngầm (implicite).
Lấy một ẩn dụ với hai yếu tố: tình yêu (amour) và ngọn lửa (flamme). Tình yêu là cái được ẩn dụ (métaphorisé), tức là yếu tố chính (“tenor” theo Richards hay target/đích theo Lakoff). Ngọn lửa là cái tạo nên ẩn dụ (le métaphorisant), tức là yếu tố phụ (“vehicle” theo Richards hay “source”/nguồn theo Lakoff)[xii]. Mặt khác, thang này còn dựa vào hai tính chất căn bản: trội/có mặt và lặn/vắng mặt.
1. Ẩn dụ so sánh năng động:
Tình yêu tôi cháy bùng như ngọn lửa.
Đặc tính của ẩn dụ này là:
- trội: chủ đề chính và chủ đề phụ đều có mặt.
- nghĩa tố (sème isolé) rõ ràng, đó là “cháy bùng”, một tính chất của nhiệt hay hơi nóng. Nó là điểm nối, là trung gian giữa hai yếu tố tình yêu và ngọn lửa, tạo ra một sự tương tự. Với sự có mặt của yếu tố trung gian này, ẩn dụ có tính chất năng động (motivée), xác định khiến ta không lẫn lộn với một vài tính chất khác, cũng của nhiệt như tạo ra ánh sáng, có sự linh động (lung linh)…
- có một hệ từ (modalisateur) là “như”. Chính hệ từ này đóng vai trò hình thức then chốt của ẩn dụ.
2. Ẩn dụ so sánh không-năng động:
Tình yêu tôi giống như một ngọn lửa.
Ẩn dụ này có đặc tính:
- trội
- nghĩa tố ẩn tàng (implicite). Không cho ta biết tính chất của ngọn lửa để từ đó liên hệ với tình yêu. Ẩn dụ này là không-năng động, bất xác, để tùy nghi cho trí tưởng tượng.
- có hệ từ trung gian là “giống như”, có tính chất so sánh, ví von
3. Ẩn dụ đồng hóa năng động:
Tình yêu tôi là một ngọn lửa rực cháy.
Ở đây, cần phân biệt giữa “so sánh” (comparaison) và “đồng hóa” (assimilation). Cả hai đều mô tả sự so sánh, nhưng khác nhau ở chỗ: so sánh thì có hệ từ “như”, “giống như”, “y như” còn đồng hóa thì không. Trong ví dụ này, hai yếu tố xem như “đồng hóa” nhau: tình yêu là ngọn lửa
Ẩn dụ này có đặc tính:
- trội.
- nghĩa tố rõ ràng, đó là “rực cháy”
- không có hệ từ trung gian.
4. Ẩn dụ đồng hóa không năng động:
Tình yêu tôi là một ngọn lửa.
Ẩn dụ này có đặc tính:
- trội.
- nghĩa tố ẩn tàng, nó không cho ta biết tình yêu giống ngọn lửa ở cái gì. Người nghe sẽ tự đoán lấy, hay tìm biết ý nghĩa bằng cách dựa vào ngữ cảnh hay dựa vào tình trạng phát ngôn.
- không có hệ từ đối chiếu trung gian. Vai trò then chốt là động từ “là”.
Đây là một loại ẩn dụ mơ hồ vì nó không có nghĩa tố, không có hệ từ trung gian. Có vẻ như là một định nghĩa hơn là ẩn dụ (nhưng mà là ẩn dụ!). Chẳng hạn như câu khẩu hiệu của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam: “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”. Loại ẩn dụ loại này thường dược sử dụng trong tuyên truyền chính trị và quảng cáo, nhưng rất nguy hiểm, nhất là nếu được dùng trong nghiên cứu khoa học.
5. Ẩn dụ đồng hóa năng động nhưng không so sánh:
Ngọn lửa rực cháy của tôi.
Ẩn dụ này có đặc tính:
- trội
- nghĩa tố rõ ràng
- không có hệ từ trung gian
6. Ẩn dụ đồng hóa không- năng và động không- so sánh:
Ngọn lửa của tôi.
Ẩn dụ này có đặc tính:
- lặn: chỉ có yếu tố phụ, yếu tố làm ẩn dụ là “ngọn lửa” có mặt nhưng yếu tố chính, yếu tố ẩn dụ là “tình yêu” không có mặt.
- nghĩa tố ẩn tàng
- không có hệ từ trung gian.
Hai loại ẩn dụ cuối cùng này gần với ẩn ngữ (énigme).

Các hình thức ẩn dụ theo trường phái “Ngữ học nhận thức” (cognitive linguistic view)

Các ẩn dụ ý niệm có thể sắp xếp theo nhiều hình thức khác nhau tùy theo các cách khác nhau. Zoltan Kovecses[xiii] đề ra bốn cách xếp loại:
1. Xếp loại theo mức độ quy ước (Conventionality): Theo cách sắp xếp này, ở hai cực, ta sẽ có ta sẽ có hai mức độ:
- Mức độ quy ước cao (highly conventional/conventionalized). Đó là những ẩn dụ được sử dụng bình thường trong đời sống hàng ngày do những người bình thường nhằm đến những mục đích bình thường. Do đó, một số ẩn dụ trở thành độc đoán (arbitrary), sáo, mòn đến nỗi không ai nhận ra là ẩn dụ. Nói khác đi, đó là những ẩn dụ đã được từ vựng hóa (…)
- Phi-quy ước hay mới mẻ (unconventional/novel). Đó là những ẩn dụ hoàn toàn mới mẻ, độc đáo do các nhà văn, nhà thơ sáng tạo ra và chưa hề được ai dùng trước đó. Những ẩn dụ này được tìm thấy trong các bài thơ.
2. Xếp loại theo chức năng nhận thức (Cognitive function): Sắp xếp theo cách này, các ẩn dụ sẽ được xem như là những ẩn dụ ý niệm, nghĩa là chính ý niệm trong chúng ta đã mượn ngôn ngữ để thể hiện. Có ba loại:
a. Ẩn dụ cơ cấu (structural metaphors): trong loại ẩn dụ này, lãnh vực nguồn sẽ cung cấp cơ cấu nhận thức cho lãnh vực đích. Ví dụ: thời gian trôi (như bóng câu qua cửa sổ) (xem thời gian như một vật đang chuyển động). Dùng vật chuyển động để hiểu khái niệm về thời gian.
b. Ẩn dụ thực thể (ontological metaphors): Đây là những ẩn dụ cho ta nhìn thấy một loại thực thể có một cấu trúc rõ ràng đối với các phạm trù và ý niệm trừu tượng. Nói cách khác, để hiểu những ý niệm trừu tượng như tinh thần, hạnh phúc, danh vọng…, ta hình dung chúng như những vật cụ thể. Chẳng hạn như xem tinh thần là một bộ máy hay một cái thùng chứa. Đầu óc tôi sáng này rỗng không (xem tinh thần như một bình đựng đồ vật); Leo lên đỉnh cao danh vọng (xem danh vọng như một trái núi). Nhân cách hóa là một hình thức của ẩn dụ thực thể.
c. Ẩn dụ định hướng (orientational metaphors): là những ẩn dụ nhận thức dựa vào các định hướng không gian căn bản của con người, chẳng hạn như cao, thấp, trong, ngoài, trên dưới. Cái gì thuộc về hạnh phúc, niềm vui, danh vọng, giàu sang, thành công thường được hiểu như đi lêncao; ngược lại, cái gì thuộc về thất bại, buồn chán, nghèo đói, bần cùng được hiểu như thấpđi xuống. Ví dụ: Rớt xuống bùn nhơ, lên đài vinh quang. Cái gì thuộc về bên trong thường có ý nghĩa gần gũi, thân mật, gắn bó; cái gì thuộc về bên ngoài là xa lạ, lỏng lẻo. Ví dụ: con cháu ngoại, con cháu nội.
3. Xếp loại theo bản chất:
- Ẩn dụ dựa trên kiến thức (knowledge metaphor)
- Ẩn dụ dựa trên hình ảnh (image metaphor), còn được gọi là ẩn dụ đồ-hình (image-schema metaphor).
4. Xếp loại dựa trên mức độ tổng quát:
- Ẩn dụ mức độ phổ quát (generic-level)
- Ẩn dụ mức độ đặc thù (specific level)
Dù đề ra bốn cách xếp loại, trong thực tế, vì cho rằng ẩn dụ có tính cách ý niệm từ trong bản chất, và do đó, bao hàm chức năng nhận thức, nên cách xếp loại dựa theo chức năng nhận thức (loại 2 trên đây) là cách xếp loại căn bản của trường phái “Ngữ học nhận thức”. Quan điểm này sẽ được thảo luận một cách chi tiết trong một bài khác bàn về tính cách ý niệm trong ẩn dụ.
(Còn tiếp)


Chú Thích:
[i] Aristotle, Poetics, bản dịch Anh văn của Ingram Bywater, NewYork 1984, có tham khảo thêm Umberto Eco,Semiotics and the Philosophy of Language, Indiana University Press, 1984, phần 3, Metaphor, từ tr. 87-129.
[ii] Xếp loại từ nhỏ đến lớn như sau: species (loại), genus (giống), family (họ), order (bộ), class (cấp)…
[iii] Umberto Eco, Semiotics & the Philosophy of Language, Indiana University Press, 1986, tr. 92-93.
[iv] Sowing to seed as X to sun rays, while the action of the sun in scattering his rays is nameless; still this process bears to the sun the same relation as sowing to the seed.
[v] Eco, sđd, tr. 94.
[vi] Xem thêm bài “Nhận diện ẩn dụ”, cùng tác giả, phần nói về hoán dụ và đề dụ, damau.org.
[vii] Pierre Fontanier, Les figures des discours, Flammarion, Paris 1977 (101-103).
[viii] Tham khảo Catherine Détienne, “Quelle est la forme lexicale et la fonction grammaticale de cette métaphore”?
[ix] Synesthesia (Greek, syn = together + aesthesis = perception) is the involuntary physical experience of a cross-modal association.
[x] Oxymore : une figure de style qui vise à rapprocher deux termes (un nom et un adjectif) que leurs sens devraient éloigner, dans une formule en apparence contradictoire. (Wikipédia).
[xi] Genette (1970) (Dẫn theo C. Détienne), http://www.info-metaphore.com/grille/explicite-implicite-tertium-comparationis-comparaison-motivee-in-praesentia-absentia.html
[xii] Về các khái niệm tenor/vehicle hay target/source, xem Trần Hữu Thục, Nhận diện ẩn dụ: ẩn dụ và hoán dụ, phần bàn về “Đụng độ ngữ nghĩa”, trang mạng Da Màu ; xem thêm Ẩn dụ / qua dòng lịch sử, phần 2, cùng tác giả, trang mạng Da Màu, đoạn bàn về tác giả Richards.
[xiii] Zoltan Kovecses, Metaphor, a Practical Introduction, Oxford University Press, NY 2002, tr. 29-41.

- Theo: Các hình thức ẩn dụ (phần 1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét