Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Nhiếp ảnh ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20

bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu... cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.

Vài nét về các nhà nhiếp ảnh
từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20
ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn (Phần 2-1)


Nguyễn Đức Hiệp


Quand je prends des photos, ce n’est pas moi
qui photographie, 
c’est quelque chose en moi qui appuie
sur le déclencheur sans que je décide vraiment...”
Pierre Verger (1902-1996)


Phần này phác họa về tiểu sử và tác phẩm nhiếp ảnh của một vài nhà nhiếp ảnh tiên phong ở Việt Nam và thành phố Saigon-Chợ Lớn vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và qua đó ta sẽ thấy rõ lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn đầu.

Émile Gsell (1838-1879)


Émile Gsell là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và thương mại đầu tiên ở Saigon. Ông được gởi đến Nam kỳ vì nghĩa vụ quân sự, nhưng sau đó ông được giải ngũ khi được thuyền trưởng (capitaine de frégate) Ernest Doudart de Lagrée tuyển dụng vào đoàn thám hiểm sông Mekong (Commission d’exploration du Mékong) cùng với trung úy (lieutenant de vaisseau) Francis Garnier, năm 1866-1868. Ông là người đầu tiên chụp ảnh đền Angkor với các đoàn thám hiểm. Sau chuyến đi này, ông mở văn phòng nhiếp ảnh ở Saigon, Gsell Photographie, bán các hình ảnh đền Angkor rất thành công. Ông còn chụp rất nhiều hình ảnh về cảnh quan, đời sống ở Saigon và các nơi khác ở Nam Kỳ...
Năm 1873 ông trở lại Angkor cùng với trung úy Louis Delaporte (người cùng đi với ông trong chuyến thám hiểm trước của Doudart de Lagrée). Ông cũng chụp hình cảnh quân Pháp (Francis Garnier) đánh thành Hà Nội vào năm 1873. Trong thời gian 11/1876-1/1877, ông theo chân trung úy hải quân Kergadarec trở lại sông Hồng. Trong hai dịp này cùng đi với ông là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp Jean Baptiste Pellissier. Ông là người đầu tiên chụp chân dung của một phụ nữ Việt Nam ở Bắc kỳ (Tonkin).

Hình 10: Hình vẽ lại các chân dung theo các ảnh chụp của Gsell, đăng trong
“La conquête du delta du Tong-kin” của Romanet de Caillaud (10). 
Trong hình là Jean Dupuis, quan nhà Thanh và lính Vân Nam đi theo Jean Dupuis, 
người Việt thượng lưu và người dân thường ở Bắc kỳ (Tonkin).
Ông có triển lãm hình ở hội chợ thế giới Vienne (Áo) và được huy chương triển lãm. Ông tìm hiểu, tập trung để ý đến chụp hình về đời sống, tập tục của người dân bản xứ. Phòng studio chụp hình của ông ở Saigon gần nhà những người Việt giàu có và họ thường đến để được ông chụp chân dung cho họ (1).

Hình 11: Émile Gsell, Ảnh chân dung một phụ nữ Bắc Kỳ (Tonkin). Để ý nón quai thao rộng thời bấy giờ ở các miền từ Bắc đến Nam như nhau, bình và đôi hài trước phông hình.
Gsell mất khi vẫn còn trẻ, lúc 41 tuổi, ở Saigon vào ngày 16 tháng 10 năm 1879. Lúc gần cuối đời ông có chụp ảnh các công trình kiến trúc và công chánh ở Saigon. cho thống đốc dân sự Le Myre De Viliers.
Sau khi ông mất, các tư liệu ảnh ông để lại được ông O.Wegener dùng, và sau đó là ông Vidal kế thừa. Ông Vidal dùng tư liệu này trong mục đích thương mại cho đến khi ông mất vào năm 1883. Những hình ảnh của Gsell cũng được đăng trong một bài viết của Francis Garnier về Angkor (Le Tour du Monde, 1870-1871), của ông Romanet de Caillaud trong “ La conquête du delta du Tong-kin”(Le Tour du Monde, 1877/2), và trong bài của Brossard de Corbigny về “Tám ngày trong đoàn ngoại giao ở Huế” (“Huit jours d’ambassade à Hué”) đăng trong Le Tour du Monde,1878/1, trong bài có ghi chú là Gsell được hoàng đế An Nam cho phép chụp ảnh.
Cách đây không lâu trong tháng 12 năm 2007, bộ album ảnh gồm khoảng 350 tấm của Gsell được đưa ra bán đấu giá bởi Galerie Bassenge ở Berlin trong đó có vài ảnh có chữ ký của Gsell ghi trong bảng âm, vài ảnh có ghi chú bằng bút chì ở dưới ảnh và tất cả các ảnh chụp ở Angkor đều có tựa hàng chử in bên dưới trên khung ảnh (14).
Trang đầu của bộ album ảnh là hình do Gsell chụp toàn bộ, khoảng 120 tấm ảnh carte-de-visite (CDV), ở giữa ảnh có tên studio phòng ảnh của ông ở Saigon, Gsell Photographie. Đây là nguồn thông tin để có thể nhận ra được tác giả một số ảnh ở Đông Dương mà trước đây không ai biết người chụp. Trong bộ ảnh này có các hình chụp ở cảng Saigon, tàu buồm đậu ở bến, dinh thống đốc ở Saigon, các ảnh tòa nhà, dinh thự ở Đông Dương khi Pháp mới đến và bắt đầu xây dưng thành phố Saigon. Nhiều ảnh các quan chức cao cấp, giám mục, diễn viên kịch, hát bội, lính cũng như các chùa đền, tượng, các khu định cư và các làng mạc của người bản xứ.

Hình 12: Cảng Saigon và nhà của ông Vương Thái, cột cờ Thủ Ngữ, 
và rạch Bến Nghé ở bên trái (hình do Gsell chụp năm 1866)


Hình 13: Mộ người An Nam ở Saigon (1866)

Hình 14: Cảng Saigon, bức hình này sau đó được khắc vẽ lại 
trong sách “La France illustrée” (1884) của V. A. Malte-Brun(2) và 
bài của bác sĩ Albert Morice trong Tour du Monde, 1875.


Hình 15: Emile Gsell 1866, chụp ở Angkor trong chuyến đi thám hiểm sông Mekong
của Pháp do thuyền trưởng Doudart de Lagrée làm trưởng đoàn.



Hình 16: Emile Gsell, 1870. “Natives indochinois”. Hình trên giấy albumen. 
Một trong những bức hình cổ xưa nhất về người dân tộc. Đây có lẽ là hình người Stieng hay Mạ 
sống chung quanh Saigon hay ở Lâm Đồng (Tây Nguyên).
hinh-17Hình 17: Hình trên giấy albumen, ảnh chup bởi Émile Gsell. Từ trái sang phải: Trung úy Francis Garnier (1839 - 1873) (phó đoàn thám hiểm); trung úy Louis Delaporte (1842 - 1925) (họa sĩ)); Bác sĩ. Clovis Thorel (1833 - 1911) và bác sĩ Lucien Joubert (1832 - 1893) (cả hai là bác sĩ hải quân, coi về địa chất, nhân chủng học và thực vật học, ngồi hai bên của trưởng đoàn thám hiểm; đại úy thuyền trưởng Doudart de Lagrée (1823 - 1868) (trong bộ quần trắng); Louis de Carné (1844 - 1870) (tùy viên, thuộc Bộ ngoại giao Pháp) (3).

Chú thích


(2) V. A Malte-Brun là người đầu tiên gọi Việt Nam- Lào–Cam Bốt là Indochine (Đông Dương).
(3) Sau hơn 2000km thám hiểm sông MeKong, Doudart de Lagrée đã chết vì kiệt sức và bệnh gan ở Vân Nam, ông Carné sau chuyến thám hiểm cũng chết vì kiệt sức. Trên đường bộ đi đến Côn Minh, đoàn thám hiểm gần như tình cờ khám phá ra nguồn của sông Hồng chảy ra vịnh Bắc Việt. Thay vì theo ngã sông Mekong từ cảng Saigon (lúc đó thuộc Pháp) đến Vân Nam, thì đường từ cảng Hải Phòng lên Vân Nam theo sông Hồng ngắn và dễ dàng hơn hết. Đây chính là cơ sở để Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ. Lịch sử sẽ khác đi nếu không có sự tình cờ này. Từ Côn Minh, đoàn đi lên phía bắc ở tỉnh Tứ Xuyên, thượng nguồn của sông Dương Tử. Và từ đây đoàn xuôi dòng ra bờ biển gần Thượng Hải, rồi từ đó trở về Saigon theo đường biển. Sau chuyến đi thám hiểm nổi tiếng này, Garnier được Hội địa lý Hoàng gia Anh tặng thưởng và so sánh cuộc thám hiểm của ông như cuộc thám hiểm đầy gian truân của Bác sĩ Livingstone trên sông Congo ở Phi Châu (19).

Nhiếp ảnh ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 

Quand je prends des photos, ce n’est pas moi
qui photographie, 
c’est quelque chose en moi qui appuie
sur le déclencheur sans que je décide vraiment...”
Pierre Verger (1902-1996)


Pun Lun (繽 綸)


Pun Lun (Tân Luân) là nhiếp ảnh gia người Hồng Kông nổi tiếng thuở ban đầu ở Hồng Kông trong thập niên 1860. Văn phòng và cơ sở thương mại của ông ở trung tâm thành phố Hồng Kông, số 56 Queens Street, đối diện với Oriental Bank. Ngoài nhiếp ảnh ông có nghề thương mại vẽ và trạm hình trên ngà voi.
Ông có chi nhánh văn phòng nhiếp ảnh ở Saigon, Phúc Châu, Singapore. Ông hoạt động từ thập niên 1860 đến 1880, cùng thời với cơ sở của nhà nhiếp ảnh A Fong (華 芳, Hoa Phương) ở Hong Kong (1859 đến 1941). Ông được coi là nhà nhiếp ảnh tiên phong trong lịch sử nhiếp ảnh Trung Quốc hiện nay.
Một số ảnh văn phòng nhiếp ảnh của ông chụp ở Saigon là những ảnh xưa nhất ở Saigon, xưa hơn cả các ảnh của Gsell.

hinh-18
hinh-19
Hình 18: Pun-Lun (Tân Luân) –
Một người Hoa ở Saigon, chụp
khoảng năm 1870 – Ảnh CDV
Hình 19: Pun Lun (Tân Luân) - 1880 Chân dung người Saigon (một phụ nữ buôn bán người Việt đội hàng trên đầu và có lẽ một thương nhân người Hoa đang cầm dù) – Ảnh loại CDV

Tân Luân có nhiều ảnh chụp ở Saigon, trong đó có ảnh đẹp, chụp rất nghệ thuật một viên chức ở Nam Kỳ “Un notable Indochinois” (chụp khoảng năm 1880. Hình trên giấy albuminé, kích thước 16 x 20 cm) như hình dưới đây.
hinh-20
Hình 20: Pun Lun (Tân Luân) –
Một viên chức ở Nam Kỳ (khoảng năm 1880).
Bức ảnh chân dung tuyệt diệu “Một viên chức ở Nam Kỳ” chụp cách đây hơn 130 năm là tuyệt tác của Tân Luân, có thể so sánh bức ảnh này với bức ảnh nghệ thuật không kém, chụp chân dung người phụ nữ Bắc Kỳ do Émile Gsell chụp khoảng năm 1876.
Một số ảnh khác ở Saigon, có đề tên Pun Ky (Tân Kỳ) đằng sau ảnh có thể là người đại diện cho ông Tân Luân (Pun Lun) ở Saigon và chắc cũng có liên hệ gia đình với ông Tân Luân ở Hồng Kông.
hinh-21hinh-23;
Hình 21: Pun Ky (Tân Kỳ) - Thượng tọa
với hai đệ tử
Hình 23: Pun Ky (Tân Kỳ) – Một vị lãnh đạo người Cam Bốt – khoảng năm 1880 – hình CDV trên giấy albuminé

hinh-22
Hình 22: Pun Ky (Tân Kỳ) – Tu viện St Enfance khoảng năm 1860. Để ý so sánh bức hình này
với hình của Émile Gsell chụp vào năm 1866 thì có thể thấy bức ảnh này xưa hơn
vì tu viện vẫn chưa có tường bao quanh tu viện như lúc Gsell chụp.

Aurélien Pestel (1855-1897)


Có thể nói ông Pestel là nhà nhiếp ảnh tiên phong tài ba nhất vào cuối thế kỷ 19 ở Saigon. Lúc ban đầu công việc của ông Pestel không có liên hệ trực tiếp đến nhiếp ảnh, nhưng sau đó ông trở thành nhiếp ảnh chuyên nghiệp lúc ông ở Cam Bốt, sau đó là Saigon, nơi ông mất năm 1897 ở số 10 Đại lộ Charner.
Chất lượng những hình ảnh ông chụp đã làm ông trở thành như một sứ giả đại diện cho Đông Dương trong Triển lãm Thế giới năm 1894 ở Lyon (1). Ông đã trưng bày một bộ album đầy ấn tượng hiếm quí về Nam Kỳ và Cam Bốt. Bộ album này chính nó cũng là một tác phẩm nghệ thuật, về phương diện dán những hình ảnh lại dùng kỹ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. Một số tác phẩm của Pestel có thể được xem tại kho chứa dữ liệu bộ ngoại giao Pháp (13).
Các hình của Pestel đã được Pierre Barrelon dùng minh họa trong bài viết "Saigon" của Barrelon đăng trong "Le Tour du Monde", năm 1893 và bởi E. Aymonier trong bài về Cam Bốt trong số năm 1900. Những hình của ông về kỹ nghệ thuốc phiện trong bộ ảnh năm 1894 đã được tạp chí nổi tiếng "L' Illustration" công bố vào năm 1896.
Những ảnh của ông Pestel được đăng trong các thông báo liên quan đến Đông Dương nhân dịp Hội chợ thế giới năm 1900, cùng với các hình ảnh của bác sĩ Victor Le Lan, và của ông Fernand Blanchet. Bộ sưu tập series ảnh CDV "Les éditions La Pagode", ở Saigon có dùng một số ảnh của Pestel, nhất là bộ ảnh "Main de lettré annamite". Ông có chụp các ảnh bên trong nhà của ông tổng đốc Phương ở Chợ Lớn (nhà này ở đường Châu Văn Liêm và hiện nay không còn nữa). Người kế nhiệm Pestel, ông Planté cũng in lại trên các "carte postales" (édition La Sarcelle) những ảnh đẹp nhất của Pestel.
Văn phòng studio, số 10 Đại lộ Charner, của ông sau khi ông mất được Négadelle xử dụng, sau đó là Paullussen, và cuối cùng là ông Planté. Tất cả đều là nhiếp ảnh gia có tiếng ở Saigon sau này.
hinh-24
Hình 24: Các đứa bé dùng giỏ để mang hàng ở chợ
– carte postale in lại từ ảnh của Aurélien Pestel.
hinh-25
Hình 25: Những bà bán trái cây ở gần chợ Cũ Saigon
– carte postale in lại từ ảnh của Aurélien Pestel.

George Victor Planté (1847-1921)


Planté sinh ngày 2 tháng 3 1847 ở Pháp và mất ở Saigon năm 1921. Lúc đầu khi đến Nam Kỳ, năm 1867, ông làm ở Sở quan thuế và kiểm hoạt (Service des Douanes et Régies de l’Indochine, sở này có xưởng làm thuốc phiện ở đường Paul Blanchy, Hai Bà Trưng ngày nay, sau Nhà hát thành phố). Sau đó vào năm 1893, ông trở thành nhà nhiếp ảnh và biên tập in các ảnh cartes postales (1).
Sau năm 1905, ông dời đến số 10 đại lộ Charner, cùng địa chỉ với các ông Aurélien Pestel, Négadelle và Paullussen trước đó: trong niên giám Đông Dương "Annuaire de l’Indochine de 1907" (trang 188) có hình chân dung ông và ghi các hoạt động của ông là "Portraits en tous genre. Agrandissements au gélatino-bromure. Vues de Cochinchine et des ruines d’Angkor (sur papier gélatino-bromure). Grande collection de cartes postales illustrées" ("Chụp chân dụng đủ loại. Phóng lớn trên giấy gélatino-bromure. Cảnh Nam Kỳ và di tích Angkor (trên giấy gélatino-bromure). Bộ sưu tập lớn các ảnh cartes postales")
Ông làm việc theo cách riêng biệt tùy theo mỗi khách hàng, và bán các cartes postales từ năm 1905. Trong số các cartes postales này có hình chân dung của vua Thành Thái, và các hình chụp của ông Pestel. Người thay thế Planté sau này là ông Crespin. Trong niên giám Đông Dương năm 1922 có ghi một người tên Jules Louis Planté, sinh năm 1891, làm việc ở sở Quan thuế và kiểm hoạt Đông Dương (Douanes et régies de l'Indochine), có thể đó là con ông.
hinh-26

Hình 26: George Planté – Cảnh bên trong Bưu điện Saigon.
Ngày nay bản đia đồ trên tường vẫn còn nhưng tượng nữ thần đã biến mất.
hinh-27
Hình 27: George Planté – Công nhân trong nhà máy xay lúa, Chợ Lớn

Quand je prends des photos, ce n’est pas moi
qui photographie, 
c’est quelque chose en moi qui appuie
sur le déclencheur sans que je décide vraiment...”
Pierre Verger (1902-1996)


Nguyễn Đình Khánh (tự Khánh Ký) (1884-1946)


Ông Nguyễn Đình Khánh, tên thật là Nguyễn Văn Xuân tự Khánh Ký, sinh năm 1884 ở làng Lai Xá, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Sau tiệm ảnh đầu tiên của người Việt Nam “Cảm Hiếu Đường” ở phố Thanh Hà, Hà Nội năm 1869, do ông Đặng Huy Trứ làm chủ thì tiệm ảnh Khánh Ký khai trương năm 1892 ở Phố Hàng Da, Hà Nội là tiệm ảnh thứ hai. Nhưng khác với tiệm ảnh trước, ông Khánh Ký ngoài chuyên về chụp hình chân dung, ông còn mướn và huấn luyện cho nhiều người mà đa số là từ làng Lai Xá nghề chụp ảnh và mở nhiều tiệm nhiếp ảnh ở Nam Định (1905), Saigon (1907) sau này ở Toulouse (1910 khi ông mới sang Pháp) và ở Paris. Khi trở về Việt Nam năm 1924 ông mở tiệm ảnh ở Hà Nội, Quảng Châu, Hải Phòng, Nam Định, Saigon. Làng Lai Xá ngày nay có truyền thống nghề nhiếp ảnh là nhờ ông Khánh Ký (20).
Ông hoạt động nhiếp ảnh ở Saigon nhiều nhất trong các năm 1924 đến năm 1933. Văn phòng Saigon của ông ở số 54 Boulevard Bonard (Lê Lợi). Cơ sở của ông Khánh Ký ở Saigon năm 1934 mướn 27 nhân viên kể cả những người trong phòng chụp ảnh, phòng rửa hình, chỉnh hình và bán hàng. Từ năm 1917, ông là người chụp ảnh chân dung cho tất cả các viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương, cũng như hoàng đế Việt Nam, vua Cam Bốt và Lào (4).
Các hình của cơ sở ảnh của ông có mang dấu ấn “Khanh Ky photo, Hanoi”“Photo Khanh Ky Saigon” (1). Ông cũng chụp ảnh cho Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des études indochinoises). Một số ảnh của ông cũng có đăng trên báo “Monde colonial illustré (1931)” trong số đặc biệt nhân dịp Hội chợ triển lãm thuộc địa (Exposition coloniale, 1931) và số năm 1932 sau khi Bộ trưởng thuộc địa, Paul Reynaud, đến viếng Đông Dương.

hinh-28

Hình 28: Khánh Ký (Saigon) – Chân dung một người Pháp, Portrait d'homme – vers 1920 –
Épreuve gélatino-argentique d'époque montée sur support cartonné.
Nom du photographe imprimé sur le montage. Ảnh bán đấu giá năm 2009. Nguồn 

Ông cũng chụp một bức ảnh chân dung toàn quyền Đông Dương, Pierre Pasquier, người bảo trợ hoàng đế Bảo Đại và nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Trên báo “L'Illustration” số 4740, năm 1933 “Le voyage de l'empereur d'annam du Tonkin”, ông có các ảnh phóng sự của ông về chuyến viếng thăm của hoàng đế Bảo Đại ở Bắc Kỳ.

hinh-29
 Hình 29: Khánh Ký (trước cổng ở giữa mặc tây phục áo đen)
và các thợ ảnh làng Lai Xá (20)

hinh-30

Hình 30: Khánh Ký – Đám tang Phan Châu Trinh, Saigon 1926 (20).

Ông có trong Ủy ban tổ chức lể an táng Phan Châu Trinh (4) ở Saigon năm 1926. Bộ ảnh tang lễ cùng quang cảnh Saigon lúc đám tang là do Khánh Ký thực hiện. Năm 1932, ông sang Nhật có tiếp xúc với những người trong phong trào Đông Du lúc trước, khi về nước ông cổ xúy cho phong trào và bị Pháp bắt với tội liên hệ với Cường Để và các thế lực thân và phục vụ Nhật.

hinh-31
Hình 31: Quảng cáo cơ sở nhiếp ảnh của ông Khánh Ký ở Saigon
vào thập niên 1930 – nguồn
hinh-32
Hình 32: Những người múa, danseuses – Góc ảnh có ghi hàng chữ nổi
“Khanh Ky et Cie, 54 Bd Bonnard Telephone No. 410”Nguồn 
Cơ sở thương mại của ông sau đó bị phá sản. Ông Khánh Ký trở lại Pháp vào năm 1934, tiếp tục kinh doanh trong nghề ảnh và mất ở Pháp năm 1946. Ông Hồ Chí Minh khi qua Pháp dự hội nghị Fontainebleau vào năm 1946 đã có đến viếng thăm mộ Khánh Ký, người đã giúp đỡ Hồ Chí Minh trong những ngày khó khăn tìm việc ở Paris khi mới đến Pháp.

Gabriel Auguste Paullussen


Bộ hình dưới đây (trong đó có chụp hình Thống tướng Joffre đi đến Chợ Lớn trước trạm điện tín nối Đông Dương với Marseille) là do nhà nhiếp ảnh Auguste Gabriel Paullussen chụp năm 1921. Trong hình là văn phòng studio "Saigon-photo" của ông ở số 10 Boulevard Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Ông Paullussen mướn 1 người Hoa và 5 người Việt làm việc cho studio của ông (1)
Ông nối nghiệp nhà nhiếp ảnh George Victor Planté mà văn phòng ở cùng địa chỉ như trên. Ông Planté đã có nhiều bộ ảnh "carte postale"Saigon nổi tiếng trước đó. Sau khi ông Planté mất vào năm 1921, ông Paullussen nối nghiệp.
Năm sinh và ngày mất của Paullusen cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Pallussen không được biết rõ so với các nhà nhiếp ảnh khác. Trong bộ sưu tập nhiếp ảnh và lịch sử ảnh của nhà nhiếp ảnh và nhà sáng chế nghệ thật ảnh Gabriel Cromer, hội viên của hội đồng quản trị “Société Française de la Photographie” có còn giữ bức thư của Paullussen gởi Cromer khen một sáng chế của Cromer (bộ sưu tập này hiện nay thuộc bảo tàng nhiếp ảnh của công ty Kodak, George Eastman House).
hinh-33
Hình 33: Gabriel Paullussen – “Saigon-photo", số 10 Boulevard Charner

hinh-34
Hình 34: Gabriel Paullussen – Thống tướng Joffre;
Chợ Lớn, trước trạm điện tín nối Đông Dương qua Marseille tới Tour Eiffel.

Martin Hürlimann (1897-1984)


Hürlimann là nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Thụy Sĩ. Ông đi nhiều vùng trên thế giới trong những thập niên 1920, 1930, 1940 và chụp những bức ảnh đền đài, cung điện, cảnh vật, tác phẩm văn hóa tại nhiều thành phố, di tích ở Âu châu, hay ở Tích Lan, Miến Điện, Siam (Thái Lan), Cam Bốt, Trung Kỳ, Bắc Kỳ… Ông dùng máy ảnh hiệu Sinclair và phim của hãng Kodak. Những bức ảnh của ông sau đó thường được chuyển sang bảng đồng theo phương pháp “photogravure” dùng để in ra thành các bộ sách nhiếp ảnh rõ, đẹp và nghệ thuật. Ngày nay những bức ảnh của ông chụp vào đầu thế kỷ 20 rất có giá trị nghệ thuật được ưa chuộng ở nhiều nước Âu châu.
Cũng như các bộ ảnh về các nước Âu châu, bộ ảnh album của ông về Á châu và Đông Dương có tựa đề “Ceylan et l’Indochine: Architecture, paysages, scenes populaires” (Paris, 1930). Các ảnh chụp đa số về các tháp, tượng, cảnh ở Angkor, Chieng Mai, Lamphun, Bangkok, Phnom Penh, Champa (Trung kỳ) và Bắc Kỳ. Nhiều nhất ở Việt Nam, là ảnh các tháp, tượng cảnh trí của vương quốc xưa Champa (21).

hinh-35
Hình 35: Martin Hürlimann – 1926, Annam Tháp đồng (tức tháp Cánh Tiên)
ở giữa di tích thành Trà Bàn (Đồ Bàn) – Photogravure,
ảnh từ bảng khắc đồng được chế từ ảnh âm hay dương của phim chụp.

hinh-36
Hình 36: Martin Hürlimann, 1926, Annam Champa Cha Ban
– Tượng voi đá ở di tích thành Trà Bàn


Nguyễn Đức Hiệp



Chú thích


(4) Cụ Phan Châu Trinh cũng có lúc làm nghề rửa ảnh ở cơ sở nhiếp ảnh của ông Khánh Ký trong thời gian ở Pháp khi cụ vừa ra tù ở ngục Santé(1915). Chính Phan Châu Trinh cũng dẫn Nguyễn Ái Quốc đến tiệm ảnh Khánh Ký để học nghề kiếm sống lúc còn khó khăn ở Paris.


Tham khảo


  1. Marie-Hélène Degroise, Photographes en Outre-Mer (1840-1944),
    http://photographesenoutremer.blogspot.com/
  2. Daniel, Malcolm. "The Daguerreian Age in France: 1839–1855". In Heilbrunn Timeline of Art History. New York: The Metropolitan Museum of Art, 2000–. http://www.metmuseum.org/toah/hd/fdag/hd_fdag.htm (October 2004).
  3. Daniel, Malcolm. "The Rise of Paper Photography in 1850s France". In Heilbrunn Timeline of Art History. New York: The Metropolitan Museum of Art, 2000–. http://www.metmuseum.org/toah/hd/frph/hd_frph.htm (September 2008)
  4. Nguyễn Đình Đầu, Tìm lại cầu tàu nơi Bác Hồ rời cảng Sài Gòn, Báo Lao Động ngày 4/6/2011,
    http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Tim-lai-cau-tau-noi-Bac-Ho-roi-cang-Sai-Gon/45151
  5. Xavier Guillaume, La terre du Dragon, Tome 1, Publibook, Paris, 2004.
  6. Phạm Phú Thứ, Tây hành nhật ký, Tô Văn Nguyễn Đình Diệm và Văn Vĩnh, Nxb Văn Nghệ, Tp HCM, 2001.
  7. Voyage d'exploration en indochine: par les lieutenants Francis Garnier et Delaporte, Le Tour du Monde - Volume XXII -1870-2nd semestre - Pages 305-321,
    http://collin.francois.free.fr/Le_tour_du_monde/Frame7_textes/TdM_frame7.htm
  8. La Conquête du delta du Tong-King, Romanet du Caillaud, Le Tour du Monde, Volume XXXIV – 1877 – 2nd semestre,
    http://collin.francois.free.fr/Le_tour_du_monde/Frame7_textes/TdM_frame7.htm
  9. Malcolm Daniel, Daguerre (1787–1851) and the Invention of Photography, The Metropolitan Museum of Art,
    http://www.metmuseum.org/toah/hd/dagu/hd_dagu.htm
  10. Victor Goloubew, V.-T. Holbé, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient, Année 1927, Volume 27, Numéro 27, p. 525.
  11. Chronique, Cochinchine, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient, Année 1933, Volume 33, Numéro 33, p.1110-1111.
  12. Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1991.
  13. Barbara Creed and Jeanette Hoorn, Memory and History: Early Film, Colonialism and the French Civilising Mission in Indochina, in “French History and Civilization”, Papers from the George Rudé Seminar Volume 4, 2011, Edited by Briony Neilson and Robert Aldrich, http://www.h-france.net/rude/rudevoliv/CreedHoornVol4.pdf.
  14. John Keay, The Mekong Exploration Commission 1866-68: Anglo-French rivalry in South East Asia, Asian Affairs, vol. XXXVI, no. III, November 2005,
    http://end-of-empires-south-east-asia.wikispaces.com/file/view/THE+MEKONG+EXPLORATION+COMMISSION.pdf
  15. Làng nhiếp ảnh Lai Xá, http://langnghenhiepanhlaixa.com/
  16. J. Y. Claeys, Martin Hurlimann: Ceylan et l’Indochine, architecture, paysages, scènes populaires, Bulletin de l’École francaise d’Extrême-Orient, 1930, Vol\. 30, no. 30, pp. 180-181.
  17. Doig Simmonds, Obituary: Pierre Verger, The Independent Sat. 2 March 1996,
    http://www.independent.co.uk/news/people/obituary-pierre-verger-1339851.html
  18. Peter Cohen, Pierre Fatumbi Verger as social scientist, Cahiers du Brésil Contemporain, 1999, n° 38/39, p. 127-151.


Nhiếp ảnh ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 (Phần 3)


Nguyễn Đức Hiệp


Quand je prends des photos, ce n’est pas moi
qui photographie, 
c’est quelque chose en moi qui appuie
sur le déclencheur sans que je décide vraiment...”
Pierre Verger (1902-1996)


Alexandre Francis Decoly


Ông Decoly có xuất bản các hình ảnh ở Saigon từ năm 1905 đến 1924. Ông biên tập các ảnh cartes postales, và trú ngụ ở số 10 đại lộ Charner cùng chỗ với nhà nhiếp ảnh Planté. Decoly và Planté là hai người cùng thời nhưng ông Decoly không phải là nhà nhiếp ảnh mà chỉ là một nhà thương mại. Một vài ảnh cartes postales có ký hiệu tháp ngôi chùa (pagode) ở góc ảnh là của công ty ông Decoly, sau đó ngôi chùa trở thành thương hiệu "Edition La Pagode Saigon". Theo niên giám Đông Dương 1910 (25) thì Decoly cư trú tại số 36 đường Legrand de la Liraye, “Decoly, employé de commerce” (nay là đường Điện Biên Phủ)
Ông biên tập và in ảnh đen trắng và màu. Ông có in ảnh về nước Lào, đặc biệt là các ảnh của ông Raquez, cũng như ảnh về Cam Bốt và tất cả các nơi khác ở Đông Dương. Trong những năm đầu, có thể là các ảnh cartes postales có ký hiệu A.F.D. là những ảnh của Decoly. Ở những ảnh xuất bản tương đối mới hơn, đằng sau có ghi: B.Frey et Cie., Saigon et Phnom-Penh (1920-1924).
Ảnh của Decoly vẫn còn được bán cho đến các năm đầu của thập niên 1930, nhưng địa chỉ số 10 đại lộ Charner sau năm 1922 không còn là phòng ảnh nữa mà là trụ sở của công ty "Compagnie commerciale et industrielle de l'Indochine", nên ta có thể cho rằng những ảnh cartes postales này là những ảnh cuối cùng của Decoly (1).

hinh-37
Hình 37: Alexandre Decoly - Bồn nước Saigon, nay là Hồ con rùa

hinh-38
Hình 38: Palais du Gouvernement de la Cochinchine - Dinh thống đốc Nam Kỳ (trước đó là Palais de Lieutenant-Gouverneur - Dinh phó sứ). Ngày nay là Viện Mỹ Thuật thành phố. Cổng gác ở cửa ra vào và hai tượng hai bên cửa vào dinh không còn. (“Edition La pagoda Saigon” của Alexandre Francis Decoly)

hinh-39
Hình 39: Những người "mọi" ở cao nguyên Lang Bian - Di Linh (“Edition La pagode Saigon” của Alexandre Francis Decoly). Những người trong hình có lẽ là người Mnong, thuộc hệ ngôn ngữ Mon-Khmer. Họ hiện diện nhiều ở Lâm Đồng, Dak Lak

hinh-40
Hình 40: Chùa người Hoa ở Chợ Lớn. Có thể đây là chùa Bà Thiên Hậu
và Hội quán Tuệ Thành của bang Quảng Đông
(“Edition La pagode Saigon” của Alexandre Francis Decoly)

Poujade de Ladevèze


Ông Poujade de Ladevèze được biết đến qua các hình ảnh Saigon từ 1908-1922 với bộ sưu tập "Collection Poujade de Ladevèze". Poujade de Ladevèze có tên trong niên giám các địa chỉ thương mại ở Saigon năm 1922, kế tục thương gia C. David, sản xuất ảnh cartes postales rất sớm và đặc biệt bằng màu.
Ông Poujade de Ladevèze chắc chắn cũng không phải là nhà nhiếp ảnh; ông thâu thập nhiều ảnh mà ông in ra nhưng không bao giờ ghi tên tác giả thực sự của các ảnh này (1). Niên giám Đông Dương năm 1909 (25) ghi như sau: Poujade de Ladevèze, 7 rue Vannier, commerçant (số 7 đường Vannier tức Ngô Đức Kế ngày nay và làm nghề buôn bán) và niên giám năm 1910 ghi địa chỉ là 173bis rue Catinat, marchand (cũng là nghề buôn).

hinh-41
Hình 41: Câu lạc bộ sĩ quan – nay là trụ sở của Ủy ban nhân dân quận 1 (Collection Poujade de Ladevèze)

hinh-42
Hình 42: Hình trạm hai rồng (song long) với ngọc ở trong sân trước cửa đền
chùa Bà Thiên Hậu trong Chợ Lớn (Collection Poujade de Ladevèze)


Ludovic Crespin (1873-?)


Ludovic Crespin là nhà nhiếp ảnh có cơ sở, gọi là “Photo studio”, tại số 136-138 rue Catinat (đường Đồng Khởi ngày nay) vào năm 1910. Trước đó, số 136 rue Catinat là của bà Verray, một nhà nhiếp ảnh nghệ thuật, mà trong niên giám Đông Dương 1908 và 1909 có ghi như sau: “136 rue Catinat, MmeVerray, photographe artistique”. Như vậy có lẽ bà Verray đã sang lại cơ sở nhiếp ảnh này cho ông Crespin.
Sau thế chiến thứ nhất, ông sở hữu thêm một phòng phim ở số 10 Boulevard Charner. Điều này có nghĩa là có thể ông đã mua lại cơ sở của nhà nhiếp ảnh Pestel (trước đó) và Planté (sau này). Vì vậy có thể ông sở hữu các di sản của nhiều nhà nhiếp ảnh, kể cả các ảnh của ông Pestel. Điều này giải thích nhiều sản phẩm rất phong phú và đa dạng mà ông phát hành sau này. Ông tự biên tập nhiều ảnh cartes postales nhưng ông cũng mướn nhiều người, trong đó có Joseph Brignon, người biên tập trong những năm 1925-1930 một bộ cartes postales (1).
Ông Crespin cũng xuất bản các sách in lại các ảnh đã có, như bộ ảnh về thành phố Chợ Lớn năm 1909. Năm 1921, Crespin chụp buổi lễ hạ thủy tàu hơi nước “Albert Sarraut” do toàn quyền Maurice Long chủ tọa. Ông xuất bản bộ ảnh tên là “Souvenir de Cochinchine et du Cambodge”, do Phòng Thương mại Saigon biên tập, trong đó có các ảnh của thống tướng (marechal) Joffre khi ông này viếng Đông Dương chính thức vào năm 1923. Sau đây là vài hình trong bộ ảnh “Souvenir de Cochinchine et du Cambodge”

hinh-43
Hình 43: Ludovic Crespin - Saigon đầu thập niên 1920: Place de l'hôtel de ville, boulevard Bonnard, boulevard Charner. Quảng trường tòa đô chính, góc đại lộ Bonnard (Lê Lợi) và Charner (Nguyễn Huệ). Chính giữa đường Lê Lợi là công viên, và có tượng của Francis Garnier nhìn về phía nhà hát thành phố. Bên phải hình là tiệm “Auto-Hall” bán các loại xe hơi. Bên trái hình là nhà hàng Pancrazi mở đến tối khuya (5). Những người kéo xe, phía phải hình, đang nhìn về phía người chụp ảnh (Crespin).

hinh-44
Hình 44: Ludovic Crespin - Saigon đầu thập niên 1920: Rond point entre le boulevard Charner et le boulevard Bonnard. Vòng xoay giữa đại lộ Nguyễn Huệ (Charner) và đại lộ Lê Lợi (Bonnard). Giữa vòng xoay là vòng bệ nơi chiều thứ bảy, có đoàn nhạc chơi nhạc giao hưởng hay quân nhạc chơi kèn giải trí cho dân chúng. Người Việt gọi ngã tư này là ngã tư “Bồn Kèn”. Để ý xe buýt chở khách giữa hình và trên đầu xe có biển quảng cáocoiffre-art “Le Gaulois”. Bên phải hình là “auto-hall” nơi bán các loại xe hơi (kể cả xe hãng Citroen) và garage xe. Đối diện với “auto-hall”, bên kia đường là nhà hàng Pancrazi (5). Đằng xa phía trái hình là tòa thị sảnh.

Crespin và vợ cũng là chủ đồn điền cao su ở Tam May (Biên Hòa). Do ông Crespin là giám đốc xưởng nhiếp ảnh và có nhiều kinh nghiệm hoạt động từ nhiều năm, nên nghị viên đại diện Nam Kỳ ở Quốc hội Pháp, ông Ernest Outrey năm 1921 có đề nghị ông Crespin là người có trách nhiệm trưng bày và truyền bá những hình ảnh ở Nam Kỳ trong Hội chợ các xứ thuộc địa ở Marseilles năm 1922.
Mặc dù được sự ủng hộ của Phòng thương mại Saigon, Hội đồng quản hạt, Hội đồng thành phố Saigon và mặc dù tất cả chi phí ông Crespin sẽ bỏ ra cho các hình ảnh phóng lớn, các bộ ảnh, cũng như sẽ phân phát miễn phí 1 triệu ảnh cartes postales ở hội chợ; nhưng có sự ngần ngại và chống đối trong chính quyền và Bộ thuộc địa ở Pháp về tư cách ông Crespin đại diện chính thức thay thế cơ quan Sở nhiếp ảnh và phim ở Đông Dương (Service photo-cinématographique de l’Indochine) (1).
Tuy không được đại diện tổ chức trưng bày hình ảnh, nhưng năm 1922, ông cũng có mặt với tư cách cá nhân ở Hội chợ triển lãm Marseilles và có bộ 16 hình ảnh tổng quan về lục tỉnh đặt trong trong nhà triển lãm Nam Kỳ. Theo ông thị trưởng thành phố Saigon thì Crespin là nhà nhiếp ảnh duy nhất có một bộ sưu tập đầy đủ tất cả những tòa nhà, tượng và những địa điểm đầu tiên xưa nhất của thành phố.

Nguyễn Đức Hiệp



Chú thích:


(5) Theo ông Vương Hồng Sển thì nhà hàng Pancrazi này là một trong bốn nhà hàng ở gần ngã tư đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, và ông đã tả như sau:“Góc Bồn Kèn tứ diện có bốn nhà hàng rượu tây, ăn khách từ sáu giờ chiều đến hai giờ khuya, sau dẹp dần chỉ còn lại quán Pancrazi là giỏi chịu đựng nhứt. Quán Café de la musique ở góc đường Tự Do và Lê Lợi ngang Nhà Hát Tây, năm 1905 sang cho lão quán Pancrazi, kế biến thành nhà thuốc tây Solirène, rốt lại là nhà bán kem Givral” (17). Ông và bà Pancrazi còn là chủ khách sạn Grand-Hôtel des Nations ở 104-106 Boulevard Charner trên lầu ở ngay tại nhà hàng này.


Tham khảo


  1. Marie-Hélène Degroise, Photographes en Outre-Mer (1840-1944),
    http://photographesenoutremer.blogspot.com/
  2. Daniel, Malcolm. "The Daguerreian Age in France: 1839–1855". In Heilbrunn Timeline of Art History. New York: The Metropolitan Museum of Art, 2000–.
    http://www.metmuseum.org/toah/hd/fdag/hd_fdag.htm (October 2004).
  3. Daniel, Malcolm. "The Rise of Paper Photography in 1850s France". In Heilbrunn Timeline of Art History. New York: The Metropolitan Museum of Art, 2000–. http://www.metmuseum.org/toah/hd/frph/hd_frph.htm (September 2008)
  4. Nguyễn Đình Đầu, Tìm lại cầu tàu nơi Bác Hồ rời cảng Sài Gòn, Báo Lao Động ngày 4/6/2011,
    http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Tim-lai-cau-tau-noi-Bac-Ho-roi-cang-Sai-Gon/45151
  5. Xavier Guillaume, La terre du Dragon, Tome 1, Publibook, Paris, 2004.
  6. Phạm Phú Thứ, Tây hành nhật ký, Tô Văn Nguyễn Đình Diệm và Văn Vĩnh, Nxb Văn Nghệ, Tp HCM, 2001.
  7. Voyage d'exploration en indochine: par les lieutenants Francis Garnier et Delaporte, Le Tour du Monde - Volume XXII -1870-2nd semestre - Pages 305-321,
    http://collin.francois.free.fr/Le_tour_du_monde/Frame7_textes/TdM_frame7.htm
  8. La Conquête du delta du Tong-King, Romanet du Caillaud, Le Tour du Monde, Volume XXXIV – 1877 – 2nd semestre,
    http://collin.francois.free.fr/Le_tour_du_monde/Frame7_textes/TdM_frame7.htm
  9. Malcolm Daniel, Daguerre (1787–1851) and the Invention of Photography, The Metropolitan Museum of Art,
    http://www.metmuseum.org/toah/hd/dagu/hd_dagu.htm
  10. Kho lưu trữ Bộ ngoại giao Pháp , 
  11. Victor Goloubew, V.-T. Holbé, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient, Année 1927, Volume 27, Numéro 27, p. 525.
  12. Chronique, Cochinchine, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient, Année 1933, Volume 33, Numéro 33, p.1110-1111.
  13. Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1991.
  14. Barbara Creed and Jeanette Hoorn, Memory and History: Early Film, Colonialism and the French Civilising Mission in Indochina, in “French History and Civilization”, Papers from the George Rudé Seminar Volume 4, 2011, Edited by Briony Neilson and Robert Aldrich, http://www.h-france.net/rude/rudevoliv/CreedHoornVol4.pdf.
  15. John Keay, The Mekong Exploration Commission 1866-68: Anglo-French rivalry in South East Asia, Asian Affairs, vol. XXXVI, no. III, November 2005,
    http://end-of-empires-south-east-asia.wikispaces.com/file/view/THE+MEKONG+EXPLORATION+COMMISSION.pdf
  16. Làng nhiếp ảnh Lai Xá, http://langnghenhiepanhlaixa.com/
  17. J. Y. Claeys, Martin Hurlimann: Ceylan et l’Indochine, architecture, paysages, scènes populaires, Bulletin de l’École francaise d’Extrême-Orient, 1930, Vol. 30, no. 30, pp. 180-181
  18. Doig Simmonds, Obituary: Pierre Verger, The Independent Sat. 2 March 1996,
    http://www.independent.co.uk/news/people/obituary-pierre-verger-1339851.html
  19. Peter Cohen, Pierre Fatumbi Verger as social scientist, Cahiers du Brésil Contemporain, 1999, n° 38/39, p. 127-151.
  20. Annuaire général Administratif, Commercial et Industriel de l'Indo-Chine, 1908, 1909, 1910, 1911, Imprimerie F.-H. Schneider, Hanoi

Vẻ nguyên sơ của miền Bắc 100 năm trước

Khoảng 100 năm trước, miền Bắc bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn... dù còn hết sức hoang sơ nhưng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy tương lai đây là những trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn của cả nước. Hà Nội rất đỗi bình yên. Dấu hiệu về thành quách và những công trình lớn như Văn Miếu Quốc Tử Giám cho thấy nơi đây khá rõ nét là một trong những trung tâm kinh tế chính trị văn hóa của nền phong kiến Việt Nam. Cũng những năm cuối thế kỷ 19 ấy, cuộc sống của người dân còn thật thuần phác đơn sơ tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước...

Rời Hà Nội đến với thị xã Phủ Lý (Hà Nam), Hải Phòng, Quảng Ninh... những năm đầu thế kỷ 20. Những công trình như đường sắt, hệ thống đường bộ... bắt đầu mọc lên cho thấy những bước chuyển giao mạnh mẽ của miền Bắc ở giai đoạn này. Và từ đó đến nay, bắt đầu từ những dấu hiệu ấy, miền Bắc trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Cùng Đất Việt chiêm ngưỡng những bức ảnh miền Bắc 100 - 200 năm trước:
Diện mạo của thành Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám cách đây gần 2 thế ký quá đỗi bình yên nhưng cũng đầy trang nghiêm, cổ kính. Nó nhắc nhớ người ta về một thời kỳ phong kiến từng phát triển rực rỡ ở Việt Nam với những giá trị vô giá về kiến trúc cũng như văn hóa...
 Cảnh tát cá ở một góc Hồ Tây hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cho thấy cuộc sống người dân Tràng An khi đó còn rất thuần nông và quan hệ mật thiết với thiên nhiên.
 Cùng giống như những chiếc hồ khác của đất Tràng An, hồ Quốc Tử Giám khi đó cũng rất rộng, nhiều tôm cá... là nơi lý tưởng để người dân mưu sinh.
Cầu Giấy là một trong những cây cầu tiêu biểu của Thủ đô. Cầu có từ cả trăm năm trước với khắc hoạc trong sử sách như sau: "Cầu Giấy dài ba trượng, trên cầu có nhà lợp ngói ở huyện Từ Liêm. Gọi tên là Giấy vì cầu nằm tại làng Thượng Yên Quyết, vốn là làng có nghề làm giấy cổ truyền từ thế kỷ 13, trước cả vùng giấy Bưởi. Ngõ vào làng xưa có tên gọi "Chỉ Tác", có nghĩa là "làm giấy".
Đây là khung cảnh thành phố Hải Phòng những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Với cảnh thuyền bến, nơi đây cho thấy vốn đã đã khá sầm uất từ xưa. 
Con đường này được người Pháp xây dựng để nối từ trung tâm thành phố đến Đồ Sơn vào năm 1891. Cũng chính nhờ con đường này đã khiến diện mạo Đồ Sơn thay đổi và phát triển. Năm 1909, Đồ Sơn được nâng cấp thành đô thị và 2 năm sau, nó được chia thành 3 khu nghỉ mát. Cho đến nay, việc phân chia 3 khu vẫn còn tồn tại một cách không chính thức.
Một tài liệu ghi rằngvào năm 1941, Đồ Sơn đã có 150 biệt thự, 3 khách sạn và nhiều nhà hàng ăn không đủ để phục vụ du khách...
Phát triển không kém gì Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay trở thành một trong những tỉnh có nền kinh tế hàng đầu của miền Bắc. Tỉnh này cũng ngày càng nổi tiếng và được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ "kỳ quan đá dựng" Vịnh Hạ Long. 

Những giá trị về khảo cổ học và đa dạng sinh học trong vùng Vịnh Hạ Long không chỉ khiến nó được công nhận là Di sản thế giới mà còn được công nhận là một trong bảy kỳ quan mới của thế giới.
 Nằm cách Hà Nội không xa, thị xã Phủ Lý ngày nay nằm trên quốc lộ 1A, có đường sắt Bắc- Nam đi qua, là nơi gặp gỡ của 3 con sông: sông Đáy, sông Châu và sông Nhuệ, nằm giữa các đô thị lớn  của khu vực đồng bằng sông Hồng... nên rất thuận lợi cho việc trong giao lưu, trao đổi với các đô thị lớn trong vùng.

 Đầu thế kỷ, vị trí của nó với nền giao thông Việt Nam đã được khẳng định với việc xây dựng nhà ga ở nơi này.
Diện mạo Thành Sơn Tây so với nó bây giờ cũng không có gì đổi khác nhiều. Thành được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) là tòa thành cổ duy nhất được xây bằng đá ong của Việt Nam có tổng diện tích 16 ha với các kiến trúc độc đáo như: tường thành bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ. Đây là một trong số ít tòa thành dưới thời Minh Mạng còn lại đến ngày nay, thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía tây bắc Thăng Long.
 Thành Sơn Tây đã được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia năm 1994. Ngày nay, tòa thành này vẫn còn tồn tại ở trung tâm thị xã Sơn Tây, Hà Nội và trở thành một di tích lịch sử và kiến trúc quân sự.
Và một ngôi làng ở Lạng Sơn, vùng biên...

1 nhận xét:

  1. Hello,
    I am Jeehey Kim from Korea. I am a photo historian in New York. Could you please contact me via my email jeehey@gmail.com?

    Thank you
    Jeehey Kim

    Trả lờiXóa