"Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Ngày Tư, ngày Chín cho duyên đèo bòng”
Cứ mỗi phiên chợ, người mua kẻ bán đến chợ Bưởi lại được sống trong không gian của một phiên chợ quê thuần chất. Người ta mang ra đây đủ thứ hàng hóa, chủ yếu là những mặt hàng nông sản, “cây nhà lá vườn” để mua bán, trao đổi với nhau. Giờ đây, chợ vẫn là một nét đặc trưng, rất riêng của người dân Hà Nội.
Một tháng có sáu phiên, ngày mồng 4 và ngày mồng 9 âm lịch là những ngày chợ Bưởi họp đông nhất, ngoài hai ngày này còn 4 ngày nữa là 14, 19, 24, 29 âm lịch. Cứ tầm 6 giờ sáng là người ta rục rịch mang hàng ra chợ bày. Các hàng cây cảnh là nhiều nhất, rồi chó mèo, chim cảnh, cá cảnh… Cánh bán chậu trồng cây cảnh thì chiếm cho mình những đoạn vỉa hè to nhất, rộng nhất để bày hàng… Cứ thế, chợ rộn rã, lao xao đến giữa trưa thì tan, người chơi chợ về nhà, còn cánh bán hàng thì đủng đỉnh dọn dẹp đến tối mịt.
Chợ Bưởi. Cái tên mộc mạc của nó cho người ta biết, chợ chủ yếu buôn bán những mặt hàng do người dân Kẻ Bưởi làm ra. Ngày xưa, cứ đến phiên chợ là dân các làng Nghĩa Đô, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Đông Xã, Hồ Khẩu,… mang hàng ra bán, chủ yếu là các mặt hàng thủ công do người những làng này làm ra như giấy dó, lụa, lĩnh, mạch nha…
Bên cạnh đó, người ta còn mang các con giống như chó, mèo, lợn, gà, vịt ra bán. Những chị hàng gia cầm với những chiếc sọt nan bầy đầy ngan, vịt, gà con vàng ươm luôn miệng mời khách. Anh lái chó tay giằng sợi xích buộc mấy chú chó phốc, chó đốm, miệng kêu ăng ẳng. Ai thích thì mua, không mua thì xem, với ai anh cũng vui vẻ tư vấn cho từng giống chó phải chăm thế này, phải nuôi thế kia, có hợp với nhà họ hay không…
Những hình ảnh ấy luôn hấp dẫn khiến người ta một lần đến chợ là nhớ mãi. Theo những người sống lâu ở đây cho biết, ngày xưa, vào phiên chợ 19 tháng Chạp âm lịch hàng năm, chợ Bưởi còn có bán cả các loại đại gia súc như trâu, bò, ngựa...
Với nhiều người, họ chỉ chờ đến phiên để được đi chơi chợ, chẳng mua, chẳng bán thứ gì, chỉ là một thú vui lâu ngày thành quen không thể thiếu. Ông Dương Văn Ân, nhà ở Hoàng Hoa Thám, ngay cạnh chợ Bưởi vẫn giữ thói quen ấy từ mấy chục năm nay, ông cho biết: “Tôi là khách hàng thường xuyên đi chơi chợ. Tôi đi ngắm là chủ yếu nhưng cảm thấy thích gì thì mua, nào cây cảnh, chó cảnh. Chợ bây giờ cũng không khác gì ngày xưa mấy, tức là phiên đến họp thì chỗ nào người ta bán cây cảnh là ra chỗ cây cảnh, chỗ nào bán rau là bán rau, chỗ nào bán hạt giống là bán hạt giống. Ngày xưa người ta ngồi từng nơi từng chốn một, nhưng bây giờ cả dãy phố là chợ cả. Ngày xưa người ta cũng bán cây cảnh như bây giờ, nhưng cây nông nghiệp thì nhiều hơn…”.
Với ông Ân, mỗi phiên chợ lại đem đến cho ông một niềm vui. Ông thường dành trọn cả buổi sáng ở chợ, từ lúc người ta rục rịch họp chợ cho đến lúc các hàng vãn khách, người đi chợ ra về hết, rồi mới lên xe đạp ra về. Ông cho biết, chợ giờ đã khác xưa nhiều, các hàng thủ công, hàng nông nghiệp, cây giống không còn bày bán nhiều vì nhu cầu người mua rất ít, thêm nữa các làng nghề cũng đã không còn giữ nghề nữa.
Đến bây giờ, nhiều người vẫn thích đến chợ Bưởi, bởi ở đây người ta có thể mua được những thứ rau quả tươi ngon mới được cất về từ những làng rau chuyên canh ven sông Tô và sông Nhuệ, hay các loại rau quả đặc sản của các vùng ven nội thành. Và cũng ở chợ Bưởi, các loại cá tôm tươi rói như thể vừa được cất lưới từ mặt nước Hồ Tây hay từ các thuyền cá trên sông Hồng đem về.
Rất nhiều người đến đây để tìm mua cho nhà mình một vài loại cây cảnh, cây hoa trang trí cho khuôn viên gia đình. Các loại hoa, cây cảnh từ các làng gần đó như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân đem về rất được ưa chuộng. Cây cảnh còn được người dân mua ở mạn Hưng Yên, Hải Dương vượt sông Cái mang sang. Đến ngày phiên, số lượng các mặt hàng cây hoa giống tăng lên gấp hàng chục lần so với ngày thường với các loại cây hoa đẹp như hồng, huệ, nhài, tường vi, dâm bụt, trinh nữ, cẩm tú cầu... trăm thức khác nhau, mỗi thứ một vẻ. Rồi các giống cây ăn quả đặc sản như hồng xiêm Xuân Ðỉnh, cam Canh, bưởi Diễn... thứ gì cũng có, song cũng tuỳ theo mùa, theo tiết, hợp với việc bán giống, trồng cây.
Bà Nguyễn Thị Hòa, một người bán hàng cây cảnh đã trên 20 năm ở chợ Bưởi cho biết: “Chợ Bưởi ngày trước họp từ 3h đêm đến 5h sáng. Những người sản xuất ra nông sản, rồi các gia súc như lợn, gà giống họ mang ra chợ bán cho những người đi buôn. Còn bây giờ, đa số nhà sản xuất mang ra đây bán trực tiếp cho người có nhu cầu, và chỉ bán đến trưa là tan chợ…”. Bà Hòa cũng cho biết, chợ Bưởi vẫn là chợ truyền thống của cây giống, con giống nên vẫn thu hút được nhiều khách hàng đến mua.
Bây giờ, chợ Bưởi đã được xây mới, nét xưa đã mai một đi nhiều, nhưng vẫn còn một phần chợ họp theo kiểu cũ. Sẽ là rất tiếc nếu như chợ Bưởi, chợ hiếm hoi ở nội thành Hà Nội cho đến nay vẫn giữ lệ họp theo phiên, mất đi nét truyền thống. Làm sao để chợ Bưởi duy trì được nét đẹp văn hoá này?…/.
Quang HùngChợ Bưởi một tháng sáu phiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét