Một cái cây đẹp bị đốn chặt, một hồ nước thơ mộng bị san lấp, một mùa hoa nở trong sự dửng dưng, một món ăn tinh tế bị thực phẩm hoá... là những điều hết sức nhỏ bé thậm chí mơ hồ nhưng lại đang từng chút giết chết những vẻ đẹp của đời sống này...
Anh bạn tôi thất tình, ngồi lẩm nhẩm đọc cho tôi mấy câu thơ của Chu Điền, anh ta chợt nhớ:
"Anh chót dại làm nải chuối tiêu tháng rét
Để mùa cốm thơm hồng ngọt em qua"
Tôi đùa, bây giờ cốm có quanh năm, lại nhiều nữa, bán đầy đường, chả việc gì phải lo thất tình cho mệt. Tất nhiên, cốm bây giờ không ngon, cách thức chọn lọc giống má, trồng trọt, chế biến đều đại khái, thậm chí chủ yếu là cốm rởm, gạo nếp non nhuộm phẩm xanh chứ đâu phải cốm. Các làng ngoại thành Hà Nội đều làm cốm. Đất làng Vòng đã thành khu đô thị, nhà cửa chen chúc, chỉ còn vài ba gia đình yêu làng, yêu nghề, yêu cốm cố gìn giữ một truyền thống, một biểu tượng của Hà Nội.
Có 3 loại cốm, loại ngon nhất là cốm dót, là những hạt đầu nhánh, ít và hiếm, người sành phải đi chợ sớm mới mua được, loại 2 là cốm lá me (còn gọi là cốm đầu nia), loại 3 là cốm xào, chỉ để xào (với đường kính trắng).
Cốm trồng ở đâu cũng vẫn là cốm nhưng không ngon bằng cốm Vòng. Ảnh: Netdepviet.ogr
Cốm ở đâu cũng vẫn là cốm nhưng không ngon bằng cốm Vòng. Ấy nhưng cái sự khác nhau, hơn kém nó cũng chỉ vài phần, vài phần chỉ có thủy thổ ở làng Vòng mới có. Người sành, người kỹ, người biết bây giờ làm gì có. Cốm nào cũng là cốm. Cốm bán đầy đường đầy chợ, lá sen hiếm thì gói bằng lá khoai nước, 3 giờ chiều đi chợ vẫn mua được cốm dót, đương nhiên là dót giả vờ, na ná dót thôi.
Thời buổi của "nhanh, nhiều, tốt, rẻ", người trồng cốm xuê xoa đại khái, đất nào, mùa nào cũng trồng cốm, máy móc thay sức người để giã, để sàng, để rang (làm sao bằng tay được). Người ăn cũng không biết ăn, không cần phân biệt, dễ dãi. Nhịp sống mới nhanh hơn, có vẻ giàu có hơn nhưng chất lượng sống lại giảm đi. Đến ăn cũng phải nhanh hơn, ăn quà cũng lại phải nhanh. Sự thưởng thức ít đi, cái sự ăn nghĩa đen nhiều hơn. Ngày càng nhiều lên. Cứ tưởng là không nhưng ăn cũng cần phải đẹp chứ. Tâm lý tiêu dùng, sinh hoạt, làm việc, ăn uống tạm bợ, đại khái, gọi là, dễ dãi bao trùm toàn bộ các khía cạnh của đời sống.
Ảnh: vctv.vn
Bạn đi suốt phố hàng Than, Hà Nội cũng không thể kiếm được một chiếc bánh cốm nào gói lá sen buộc bằng rơm cốm hoặc lạt hồng, tất cả chỉ vì tiện mà đã được thay bằng hộp giấy hoặc ni lông. Cứ tưởng tiện là được hóa ra lại chính là mất. Mất nhưng khó thấy ngay. Được hình thức, được lợi nhuận nhưng mất bản chất, mất một nét đẹp, mất đẹp, mất văn hóa. Và khó hiểu ở chỗ, lễ ăn hỏi bằng bánh cốm, cưới xin là việc trọng đại của cả đời người mà lại cũng nhanh, cũng rẻ, cũng tiện nữa thì...
Lạt hồng, lá sen, cốm đều giả. Nếu lạt và lá sen còn là giả nữa thì... Người làm cố tình làm giả cho nhanh và rẻ, người mua cũng biết (không ai lừa ai) vì cũng thấy tiện. Tất cả đều nghĩ cho xong đi. Khi mà cái giả được coi là đương nhiên thì...
Ăn cốm là ăn quà, không ai ăn no cốm cả, chuyện hạt cốm là chuyện nhỏ nhưng mất cái nhỏ lại là mất lớn, mất đẹp, mất văn hóa. Có thể cách trồng cốm, chế biến, cách bán cốm, gói cốm, bánh cốm đó hợp vệ sinh, ăn không đau bụng nhưng nghĩ thì thấy đau lòng và đau cho cốm.
17.6.2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét