Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

Hà Nội đi thẩm mỹ: Người dân cũng chịu đau!

Hà Nội ơi,sao cứ mưa là ngập. Ảnh minh họa
Hà Nội ơi, sao cứ mưa là ngập. Ảnh minh họa dothi.net

Hà Nội đi thẩm mỹ: Người dân cũng chịu đau!
25/06/2010 21:00:30

- Hà Nội chuẩn bị vào mùa mưa bão, đường vẫn đang sửa, vỉa hè vẫn đang cạy. Không biết, còn bao nhiêu người Hà Nội phải chịu đau?

Con người bạn tôi vừa bị ngã xe vì đường ngập. Hà Nội đang chỉnh trang, lại gặp mưa lớn, những ổ gà ổ voi giấu mặt bẫy không biết bao nhiêu người đi đường.

Nhớ cách đây chừng 1 tháng đọc trả lời phỏng vấn của ông Chủ tịch Hà Nội trên một trang báo điện tử về đại công trường Hà Nội làm phiền lòng dân phố, làm ách tắc giao thông, làm Thủ đô bụi bặm, làm nham nhở sắc màu…ông Chủ tịch nói, đại ý rằng, cũng như người ta đi làm thẩm mĩ, muốn đẹp phải chịu đau.


Hoan hô tinh thần thẩm mĩ của Thủ đô ta. Lý tưởng sống của người ta là vươn tới cái đẹp. Không có cái đẹp nào mà không phải trả giá để hoàn thiện, cũng như để có gương mặt khả ái hơn thì ngoài chăm sóc tự nhiên, còn cách phải nâng mũi, sửa môi, cơi mắt. Không có cuộc cách mạng nào mà không phải hy sinh, thậm chí phải trả bằng giá đắt, nếu không có những tính toán để lựa chọn những phương án ưu việt nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh thực tại của nó.

Chỉnh trang phố phường cho ngày Đại lễ, nghĩa là “thẩm mĩ viện” cho phố là việc cần làm để phố ta sạch đẹp hơn, thông thoáng hơn, hiện đại hơn thì người dân nào cũng mong muốn, đồng tình. Nhất là Thủ đô ta, nó có cái khó của thành phố có phong cách kiến trúc thập cẩm: phố cổ có, phố Tây có, phố không ra ta mà cũng chẳng ra Tây có, phố lai Tàu có tí, phố lai Ấn có tẹo teo, phố lổn nhổn răng cưa, phố siêu mỏng siêu nhọn…lại càng phải chịu đau, thậm chí phải quyết liệt phạt chóp, quét siêu mỏng, cạy móng những căn nhà, chắc là có thế lực, cứ nằm ngông nghênh chặn ngang vỉa hè như thách đố lâu nay ở một vài phố…và có thể bị chửi, bị quậy, bị Hậu Chí Phèo rạch mặt ăn vạ, nhưng số đông người Hà Nội, yêu Hà Nội, vì Hà Nội chắc chắn sẽ ủng hộ.

Chỉ có điều, giữa những điều mong muốn với hiện thực, giữa nói và làm ở Hà Nội làng ta sao nó cứ khập khiễng, cọc cạch. Giống như người đàn bà muốn phẫu thuật thẩm mĩ, nhưng lại giao cái mặt mình vào tay những anh thợ vụng, trình độ non nên mắt nàng nó cứ lem nhem gián nhấm, toe toét dấu ấn mông má, trông mà khiếp cái sự thẩm mĩ.

Tôi biết, có nàng, lâu lâu không gặp, mỗi lần gặp lại thấy mặt nàng “đẽo” lại một tí, có thể do lắm thầy cò sắc đẹp, mỗi người một ý, năm cha ba mẹ, thành thử trông nàng năm nay khang khác nàng năm ngoái, vài năm gặp lại cứ tưởng nàng này là em họ nàng cũ, hoặc con dì con già, trông mặt mày nàng cứ lờ lợ, rất gia công, có lẽ thời gian và công nghệ thẩm mĩ bắt đầu tàn phá.

Như Hà Nội ta hiện tại, thôi không nói việc thi thoảng lại eo xèo chuyện quét vôi Tháp Rùa, pa nô sai chính tả, văn hoá có phần lôm nhôm, vì Thủ đô ta, thông cảm, có rất nhiều “người Hà Lội chính cống”.

Chỉ nói khơi khơi cái chuyện tư duy và giải pháp quản lý đô thị dường như không cải tiến được bao nhiêu so với thói quen bóc ngắn cắn dài, làm ăn thời vụ, nước đến chân mới nhảy của cư dân nông nghiệp…và tinh thần cổ động, tinh thần “ra quân” những thập niên “cơ chế cũ”.

Cứ chiến dịch thì khua chiêng đánh trống ra quân rất to, hết chiến dịch thì im thin thít. Bằng chứng là, khi được hỏi tại sao sắp đến Đại lễ mới cấp tập cho đào bới, lắp đặt, chỉnh trang đường và phố, ông Chủ tịch bảo bây giờ mới bố trí được ngân quỹ.

Hỡi ôi, Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã được bàn từ 10 năm trước, đâu phải mới hôm qua. Mười năm “trông trời trông đất trông mây” để bây giờ vắt chân lên cổ mà chạy cũng không kịp, nhiều công trình trơ gan cùng tuế nguyệt, nhiều hạng mục phải bớt xén vì không thể hoàn thành, nhiều giải phóng mặt bằng cò cử ỉ eo như nghệ sĩ chơi đàn cò (nhị) năm này qua năm khác, rõ là cái sự nước đến chân mới nhảy rồi còn gì.

Hà Nội chuẩn bị vào mùa mưa bão, đường vẫn đang sửa, vỉa hè vẫn đang cạy. Không biết, còn bao nhiêu người Hà Nội phải chịu đau?

Trần Quang Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét