Chống tiêu cực như thế nào? Chào các bạn,
Chúng ta đối diện thường xuyên với những tình trạng tiêu cực, như xả rác ngoài đường, hay ù lì với đời sống—ai làm gì, chuyện gì xảy ra, thì cũng như là không nghe không thấy không biết. Đối diện với những tình trạng tiêu cực như vậy, ta phải làm gì?
Đây là câu hỏi ta đối diện hằng ngày, nhiều lần trong một ngày. Và dĩ nhiên là ta có những câu trả lời khác nhau, tùy theo từng trường hợp và tùy theo cá tính mỗi người. Tuy nhiên, đối với những người thực hành tư duy tích cực như chúng ta, chúng ta luôn luôn có một nguyên tắc suy tư căn bản trong mọi trường hợp—đó là suy tư cách tích cực nhất. Và trong những vấn đề liên hệ đến đời sống thực tại, “tích cực nhất” có nghĩa là có khả năng cao nhất để giải quyết vấn đề.
Dùng nguyên tắc này làm căn bản, chúng ta sẽ chọn lựa, trong những cách giải quyết vấn đề khác nhau, cách nào ta cho là tích cực nhất. Tức là chúng ta phải biết cách suy nghĩ có hệ thống, nhận ra được tư tưởng nào tiêu cực, tư tưởng nào tích cực hơn, tư tưởng nào tích cực nhất, để có thể lựa chọn giải pháp một cách hiệu quả.
Hãy dùng vấn đề “mọi người hay xả rác ngoài đường” làm thí dụ. Nếu trong thành phố của chúng ta có nhiều người xả rác, chúng ta có những cách giải quyết nào ?
1. Coi như không có chuyện gì xảy ra. Và ta cứ xả rác.
2. Phê phán chỉ trích những người xả rác (là vô trách nhiệm, thiếu ý thức, vô giáo dục v.v…), trong khi đó ta vẫn xả rác.
3. Phê phán chỉ trích những người xả rác, và ta không xả rác.
4. Ta không phê phán ai, nhưng chính ta không xả rác.
5. Ta nói về giữ thành phố sạch và đẹp (nhưng không phê phán ai).
6. Ta nói về giữ thành phố sạch và đẹp và ta làm một dự án nào đó để giữ một khu phố khoảng 500m rất sạch và rất đẹp.
Tàm tạm là như vậy, để chúng ta có dịp phân tích. Danh sách trên đây là mình viết theo thứ tự từ tiêu cực nhất đến tích cực nhất. Chúng ta hãy nghiên cứu nó một tí:
Số 1, coi như không có chuyện gì xảy ra và ta cứ xả rác. Điều này thì quá tệ rồi, miễn bàn.
Số 2 thì cũng rất tệ, nhưng số 2 lại rất quan trọng. Tại sao? Tại vì rất nhiều người trong xã hội hành xử theo cách số 2—miệng thì phê phán người khác, tay thì cứ làm như người khác. “Bố bảo con không được hút thuốc. Bố hút. Nhưng hãy nghe những gì bố nói, đừng nhìn những gì bố làm.” Cách số 2 này so với số 1 thì cách nào tiêu cực hơn vậy? Chàng số 1 tồi thì có tồi, nhưng ít ra chàng không dối trá. Chàng thứ 2 thì vừa tồi vừa dối trá (đạo đức giả). Vậy thì ai tiêu cực hơn ai? Xem ra thứ tự 1, 2 của chúng ta có vấn đề rồi.
Số 3, phê phán người xả rác và ta không xả rác. Cách này tiêu cực hay tích cực? Có lẽ nhiều người chúng ta sẽ cho là tích cực, vì mình phê phán những người tiêu cực tức là mình tích cực, hơn nữa mình không làm điều tiêu cực, tức là đã tích cực.
Tuy nhiên, các chuyên gia về tư duy tích cực có thể nói cách này tiêu cực. Tại sao?
“Không xả rác” thì tự nó trung tính. Không làm bậy thì không tiêu cực, nhưng nó không có năng lượng tích cực. Nếu ban chỉ ngồi đó, không nói gì, không làm gì, thì bạn chẳng tạo ra năng lượng gì cả. Không tiêu cực và không tích cực.
“Phê phán người xả rác” thì hành động phê phán này tạo ra năng lượng tiêu cực. Tại sao? Nếu các bạn còn nhớ, trong bài Luật Hấp Dẫn chúng ta đã nói:
Luật hấp dẫn là luật của tư tưởng, mà ngôn ngữ là một phần rất lớn của tư tưởng, cho nên ngôn ngữ rất quan trọng trong luật hấp dẫn. Chúng ta đã nói qua điều này trong bài “Sức mạnh của tư tưởng.” Trong ngôn ngữ của con người, thể phủ định có ảnh hưởng rất yếu trong tâm thức. Ví dụ: “Tôi không yêu ai” thì nhạt như nước ốc. Nó chẳng có nghĩa lý gì hết, nó chỉ có nghĩa là tôi không yêu ai, và không chắc là tôi có ghét ai không. Nghe chán phèo. Hay “tôi không chống anh,” chẳng nghĩa lý gì cả, vậy anh có ủng hộ tôi không?
Vì vậy khi ta nói một câu phủ định “tôi không muốn béo,” tiềm thức của ta không “thấm” cái yếu ớt của chữ “không” phủ định, mà lại thấm cái mạnh mẽ của chữ “béo” xác định. Cho nên tiềm thức cứ hướng ta sống theo hướng “béo.” Vì vậy, các chuyên gia về tư duy tích cực (cũng như các luật sư chuyên về tranh tụng trước tòa) luôn luôn dạy người ta nói và viết ở thể xác định: “Tôi muốn gầy” (không phải là “tôi không muốn béo”), hay “tôi muốn giàu” (không phải là “tôi không muốn nghèo”).
Một số các chuyên gia còn có cách trình bày thế này: Luật hấp dẫn không biết văn phạm , chỉ biết các từ mà thôi. Nếu câu bạn nói mà có chữ “yêu,” không cần biết đó là phủ định hay xác định, thì luật hấp dẫn cứ dẫn ta đi theo hướng “yêu.” Các bạn có nghe các phụ nữ lớn tuổi kể chuyện đời của họ không: “Hồi đó tui ghét ổng gần chết, thấy mặt là wẹo đường khác. Nhất định là không thèm thương. Rốt cuộc cũng lấy ổng.” Tóm lại “tôi yêu anh Tín” hay “tôi không yêu anh Tín,” đối với luật hấp dẫn thì như nhau, và cả hai chỉ có nghĩa là “yêu” và “anh Tín.” Tương tự như vậy, “tôi không thích béo” và “tôi thích béo” đều chỉ có nghĩa là “tôi” và “béo.” Vì vậy, ta luôn luôn phải suy nghĩ (và nói chuyện cũng như viết lách) theo thể xác định. Và dĩ nhiên là chỉ nên dùng các từ tích cực. (Từ tích cực là từ nói đến cái ta muốn, ta thích. Nếu bạn thích gầy, thì “gầy” là từ tích cực và “béo” là từ tiêu cực. Ngược lại nếu bạn thích béo, thì “gầy” lại là từ tiêu cực và “béo” là từ tích cực).”
Nếu ta cứ mạnh miệng phê phán người xả rác, tức là ta cứ lập đi lập lại hai chữ “xả rác, xả rác, xả rác…” thì mọi người sẽ nhập tâm hai chữ này và cứ thế mà xả rác. Theo các chuyên gia tư duy tích cực chủ trương Luật Hấp Dẫn (và mình ở trong trường phái đó), thì phê phán tiêu cực có hậu quả trong tâm thức mọi người cũng như là ủng hộ tiêu cực. Tức là,mắng con “Mày dối trá, cấm dối trá, không được dối trá” thì có cùng hậu quả như “Mày dối trá, cứ dối trá, nên dối trá.”
Số 4, ta không phê phán ai, nhưng ta không xả rác. Nhiều người trong chúng ta có thể nói đây là tích cực rồi, nhưng thông thường thì “không hành động” tự nó không có năng lực gì cả. Nó không tiêu cực, rõ rồi. Nhưng không tiêu cực chưa có nghĩa là tích cực. Không thiếu tiền chưa có nghĩa là có tiền.
Số 5, đây là cách tích cực đầu tiên trong danh sách của ta: Ta không phê phán xả rác, nhưng ta nói đến điều tích cực ngược lại—giữ một thành phố đẹp đẽ sạch sẽ. Đây cũng giống như là dạy con—ta không nói “mày dối trá, cấm dối trá, không được dối trá” tức là nhồi vào đầu hai chữ “dối trá,” mà nói “Con nên thành thật, cần phải thành thật với chính mình, thành thật với mọi người, và thành thật với trời đất”, tức là nhồi vào đầu hai chữ “thành thật.” Nếu ta cứ nói “sạch sẽ đẹp đẽ” thì các từ này sẽ thấm vào tâm thức mọi người và hướng người ta đi đến cung cách “sạch sẽ đẹp đẽ” cho thành phố.
Ngoài việc giáo dục trẻ em, nguyên lý này cũng thể hiện rất rõ trong hệ thống luật pháp và chính trị. Các hệ thống luật pháp và chính trị chú trọng đến khen thưởng thường thành công hơn các hệ thống chú trọng vào trừng phạt.
Số 6, ta nói về giữ thành phố sạch và đẹp, và ta làm một dự án nào đó để giữ một khu phố khoảng 500m rất sạch và rất đẹp. Đây rất rõ là một phương cách rất tích cực, vì ta (1) nói điều tích cực và (2) làm điều tích cực. Điều đáng lưu tâm ở đây là, một hành động nhỏ có năng lực tích cực mạnh bằng cả nghìn lời nói lớn.
Ta có thể viết hàng nghìn bài báo và tung ra hàng triệu truyền đơn về giữ thành phố sạch sẽ, hậu quả cũng không bằng một dự án giữ được một khu phố chỉ 500 m thật sạch thật đẹp. Một toán sinh viên nhỏ có thể thực hiên dự án này rất dễ–chỉ cần bỏ thì giờ đến nói chuyện với các chủ doanh nghiệp trong khu phố và khuyến khích họ làm một dự án cho chính họ. Sự thành công của khu phố này đương nhiên sẽ được nhiều người nói đến, trên báo chí, radio, TV, Internet. Mọi nơi khác thấy khu phố đẹp, thấy việc làm ăn của khu phố tăng lợi tức, sẽ từ từ học theo. Đó là kết quả của năng lượng tích cực của các sinh viên và chủ doanh nghiệp trong dự án.
Mục đích của bài này không phải là đưa ra đề nghị cụ thể cho vấn đề nào hay dự án nào, nhưng là để giúp chúng ta nắm vững được phương cách tư duy tích cực trong cách suy nghĩ và hành động của chính mình, trong giáo dục, trong sinh hoạt xã hội, và trong việc hoạch định chính sách quốc gia. Nhan đề của bài này là “Chống tiêu cực như thể nào ?” Qua phân tích trên, các bạn thấy, ta “chống tiêu cực” bằng cách “không chống tiêu cực” nhưng “làm điều tích cực.” Điều này nghe có vẻ hơi lạ, nhưng thật ra nó là luật tự nhiên của đời sống. Ta chống bóng tối cách nào? Thưa, ta chống bóng tối bằng cách không chống bóng tối (vì chẳng có cách nào để chống bóng tối–nguyền rủa bóng tối chẳng có ích gì), mà bằng cách đưa ánh sáng vào nơi tối tăm.
Tư duy tích cực không phải chỉ nằm trong đầu chúng ta đâu. Nếu ta dạy học, nó trở thành phương cách giáo dục của ta đối với học trò. Nếu ta quản lý quốc gia, nó trở thành chính sách quốc gia mà ta dự phần quyết định.
Chúc các bạn một ngày vui vẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét