Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Cha Con Tự Luận 1: Tảng Đá và Giá Trị Của Những Cái Đòn Bẩy

Cha Con Tự Luận 1: Tảng Đá và Giá Trị Của Những Cái Đòn Bẩy

- “Con có thy hòn đá to trên trin đi sau nhà đấy không? Chúng ta cn phi di di nó.”

- “Tại sao vậy bố?”

- “Đó là một mối hiểm họa treo trên đầu mình. Thêm vài trận mưa sạt đất lở, nó sẽ lăn xuống đổ sập nhà ta.”

- “Tảng đá to thế, sức người làm sao di dời được? Sao không tăng cường thêm những cột chống như những lần trước?”

- “Đó chỉ là biện pháp tạm thời thôi con ạ, chỉ hữu hiệu khi phần lớn tảng đá còn nằm trong lòng đất. Sau khi nó lộ nguyên hình, thì nó sẽ đè bẹp những cây chống kia.”

- “Phải chi có nhiều cây lớn trên sườn đồi, sẽ không có sạt lở và chúng ta cũng không phải lo chuyện dời núi tề thiên này.”

- “Đó là cái ngu của đời cha chú con. Lúc trước trên triền đồi có nhiều cây to. Nhưng vì thiển cận, thích quang đãng, sợ thú rừng ẩn nấp trộm gà, và nhất là vì lười biếng vào rừng sâu tìm củi đốt, nên đã đốn sạch. Giờ chỉ còn cỏ hoang và bùn. Cho nên mới chất đá thành rào ngăn đất lở kia. ”

- “Tại sao chúng ta lại chọn nơi này để cư trú?”

- “Đây là nơi ông bà ta chọn làm nơi an cư lập nghiệp. Người xưa thường chọn các sườn đồi để dựng nhà, phòng khi gió lớn, lụt lội, thú dữ quấy phá. Giờ gia đình ta không ở đây, cũng chẳng biết đi đâu.”

- “Tảng đá to thể, cho dù có nhích đi được, không khéo nó sẽ lăn thẳng xuống đâm sầm vào nhà. Thế chẳng khác nào ta tự gây họa cho mình?”

- “Trước sau gì nó cũng sẽ lăn xuống mà thôi con ạ. Nếu điều đó xảy ra, ít ra chúng ta cũng đã biết trước được mà phòng, còn hơn là để nó bất ngờ lăn xuống giữa đêm khuya, có thể chết cả nhà.”

- “Bố nói đúng... Chúng ta phải nghĩ cách đối phó với nó thôi.”

- “Con nghĩ chúng ta phải làm sao?”

- “Phải chi chúng ta có thể nổ tung nó ra thành những mảnh nhỏ.”

- “Chúng ta là dân sơn cước ẩn cư chốn hoang dã, xa nơi thành thị, làm gì có những thứ đó? Loài người khi xưa cũng chẳng có gì như chúng ta, thế mà họ có thể xây các kim tự tháp, chùa cổ bằng những tảng đá lớn..”

- “Thế họ đã dùng phương cách nào hở bố?”

- “Con thấy cổ xe bò chất đầy gỗ đá trước sân đó không? Nếu không có bốn bánh xe tròn kia... con nghĩ con bò nhà ta có thể kéo lê nó dễ dàng được không?”

- “Không.”

- “Nếu cả cái xe đó là 1 tảng đá, thì người xưa di chuyển nó như thế nào?”

- “À con biết... họ cần phải có những vật tròn có thể lăn đặt phía dưới.”

- “Và gì nữa..”

- “Phải có cái gì để kéo hoặc đẩy nó. Phải có sức của con bò.”

- “Đúng thế, cần phải có lực nâng và lực đẩy. Nếu là gỗ, người xưa thường sử dụng sức nước để nâng và đẩy gỗ. Nếu là đá thì người ta hay sử dụng những cây gỗ tròn đặt bên dưới và dùng súc vật để kéo.”

- “Đó là trên đất bằng tiện và lợi. Còn tảng đá này năm trên sườn đồi bấp bênh...”

- “Mục đích của chúng ta là di dời nó ra khỏi vị thế treo trên đầu mình. Sức nặng của nó và con dốc kia theo tự nhiên sẽ là lực đẩy.”

- “Nhưng làm thế nào để nhích tảng đá to đó đi được hở bố? Làm cách nào đế nâng nó lên?”

- “Người xưa làm cách nào để nâng các tảng đá to lên để lắp các đòn gỗ tròn bên dưới? Bố đã phải nâng cái xe bò lên như thế nào để lắp các bánh xe vào?”

- “À... chúng ta cần những cái đòn bẩy.”

- “Con rất thông mình... chúng ta cần rất nhiều đòn bẩy và các tảng đá nhỏ... để kê vào các chổ hổng bên dưới.”

- “Thế chúng ta dùng gì để làm các đòn bẩy đó hở bố?”

- “Các cây gỗ chúng ta đốn khi xưa, không chỉ dùng để làm củi mục và bỏ lê lết cho người khác dùng. Trong đó còn có các thân cây to lớn, chắc chắn, cứng rắn, tuy không dễ uốn cong như ý muốn, nhưng rốt cuộc chúng lại là phương tiện cứu cánh để làm những chuyện ngoài sức của mình. Con nên nhớ, những thân cây mềm mại có thể uốn cong, chặt chẽ thành những mảnh nhỏ, chỉ tiện để làm việc vặt và thiêu đốt mà thôi. Những thứ thật sự có thể cứu mạng chúng ta, dùng vào những chuyện phi thường, là những thứ thường ngày chúng ta hay bỏ chúng vào nhà kho, khóa lại hoặc bỏ lăn lông lốc bên ngoài để người ta sử dụng. Chúng cũng có thể làm rường cột của một ngôi nhà vững chắc. Nếu không có chúng, chúng ta chỉ có thể ẩn náu trong những chòi lá lụp xụp mà thôi. Để có thể an cư với một cuộc sống vững chắc, con phải biết nhìn ra những thân gỗ quý này, và phải trân quý và nhở đến chúng, phòng khi cần đến như hiện nay. Nếu chúng ta không nghĩ đến chúng, ngồi nhìn tảng đá này trong lúc chúng cây thì mục nát trong quên lãng và chối bỏ, cây thì bị khóa lại trong nhà kho... Thì chẳng khác nào chúng ta ngồi chờ cái rủi sẽ đến với mình... chẳng khác nào chúng ta tự sát.”

- “Vâng, con nhớ. Nhưng cho dù có những cái đòn bẩy... chỉ với sức của cha, con, và chú bác trong gia đình ta... Chúng ta vẫn không bật được tảng đá ấy.”

- “Đúng thế. Cho nên chúng ta phải nhờ vào sức của những hàng xóm lân cận, nhất là những nhà bên dưới chúng ta.”

- “Tại sao họ lại phải giúp mình?”

- “Vì chúng ta sẽ giúp họ nhìn ra rằng khi tảng đá ấy lộ nguyên hình và bắt đầu chuyển động, chính nó cũng không thể tự ngưng lại. Nó sẽ đâm xuyên qua nhà chúng ta tiếp tục đâm sầm vào các nhà bên dưới với tốc độ ngày càng gia tăng, mãi cho đến khi nào nó lăn đến tận chân đồi mới thôi.”

- “Một cây làm chẳng nên non... dăm cây chụm lại bật hòn đá to...”

- “Đoàn kết luôn là một sức mạnh... Trước một vấn đề lo lớn như thế này, mọi người cần phải nhận thức được mối hiểm họa chung và góp sức đối phó với nó. Khi có cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì mọi chuyện sẽ hanh thông hơn.”

- “Con vẫn thường nghe ông giáo làng nói về thiên thời, địa lợi, nhân hòa... vậy trong ba thứ đó, thứ nào quan trọng hơn thứ nào hở bố?”

- “Ông giáo không thể nói cho con biết thứ nào quan trọng hơn, vì điều đó không nên có. Người ta cần phải có cả 3 thứ, vì cả 3 đều quan trọng như nhau. Người ta vì thiếu kiên nhẫn hoặc không biết nhận diện và sử dụng cả ba thứ đó, nên họ hoặc là viện đủ mọi cớ để không phải làm gì hoặc biện minh thứ này quan trọng hơn thứ kia, chẳng cần thứ nọ, v.v.. nhằm để manh động theo ý muốn của mình... Nhưng những bế tắc họ vấp phải hoặc mãi mãi đối đầu là kết quả thường gặt hái được.”

- “Nhưng bố ạ... Nếu có địa lợi, thì mình đã chẳng phải ngồi ngó cái tảng đá kia.”

- “Con nói đúng... Nhưng trong cái rủi vẫn có cái may. Nhìn từ một khía cạnh khác, sườn đồi kia là một địa thế có lợi cho việc chúng ta muốn làm. Nếu không có nó, việc di dời tảng đá ấy sẽ không dễ dàng và rất nhiêu khê vì chúng ta sẽ phải vừa nâng, vừa lót đòn gỗ... lại vừa phải đẩy, kéo nó đi từng thước một.”

- “Còn thiên thời, và nhân hòa?”

- “Nếu đất chung quanh chưa bị sạt lở đến mức tảng đá kia trồi hẳn lên, thì có ai nghĩ nó là một tảng hình tròn trốc gốc, có khả năng lăn xuống triền đồi, tiêu hủy tất cả. Ông bà ta xưa kia cũng đâu chọn nơi đây làm nơi cư ngụ mà chi? Thiên thời là ở đây, ta phải lo khi đến lúc phải lo. Và vì đã đến lúc phải lo, bố bảo đảm mọi người sẽ nhìn ra và giúp sức di dời nó... Đó là nhân hòa.”

- “Thế nhỡ mai này khi chúng ta nhích nó... nó chuyển động và lăn thẳng xuống nhà ta và các nhà bên dưới... thì có phải đó là... mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên không bố?”

- “Ừ... nhưng nếu nhân sinh không mưu sự, thì thiên định sẽ bao giờ thành hở con. Và khi thiên định tự nhiên thành, có mấy khi nó có lợi cho nhân sinh hở con?”

- “Vậy để hướng thiên định sinh lợi cho ta... phải làm cách nào hở bố?”

- “Tạm thời bố chưa nghĩ ra... để tối nay bố vắt chân lên trán suy nghĩ đã...”

----------

- “Có một chuyện hôm qua bố con mình chưa nghĩ tới.”

- “Chuyện gì vậy bố?”

- “Con có thấy con suối nhỏ năm phía dưới chân đồi không? Đó là nguồn nước để những hộ dân bên dưới sử dụng. Nếu tảng đá to ấy sẽ lăn xuống ngay con suối đó, nó sẽ làm nghẽn nguồn chảy, khiến nước tràn vào nhà người ta và chảy về hướng khác.”

- “Nhà mình sử dụng khe nước phía bên kia, sẽ không bị ảnh hưởng gì...”

- “Chúng ta tuy sống trên thượng nguồn, nhưng không nên tự tung tự tác không nghĩ đến những người bên dưới. Đây là nơi hoang dã không có khuôn khổ luật pháp nào, nên con người cũng có khác. Người dân nơi này phải tự lập mà sống, họ không trông chờ hoặc ỷ lại vào kẻ khác... Cho nên họ có khả năng nhìn ra sự áp bức, nhất là khi nó liên quan đến nguồn lợi sinh sống của họ. Và vì không ỷ lại sự bao che giúp đỡ của ai, họ cũng có đủ bãn lĩnh để gây hại đến ta nếu ta gây hại đến họ. Con nên nhớ rằng, họ không phải những kẻ thụ động, bất lực... nên con không thể không nghĩ đến họ.”

- “Đối với những người trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, thụ động, bất lực... mình có thể áp bức họ?”

- “Không nhất thiết phải vậy, nhưng nếu họ thụ động, thì không nghĩ đến lợi ích của họ là chuyện rất dễ dàng vì sẽ không có hại gì.”

- “Chẳng lẽ chúng ta không di dời tảng đá kia sao?”

- “Đó là chuyện phải làm, nhưng tránh làm nghẽn con suối kia cũng là chuyện bắt buộc.”

- “Nhưng bố ạ, nơi khe nước kia chảy vào cái ao đầu con suối ở bên dưới, cũng có một tảng đá to nằm nghiêng ra bờ suối. Tuy còn vững chắc, nhưng thêm vài năm nữa, bờ suối sạt lỡ thêm, và nó sẽ ngã ngang qua.. rồi đây mạch chảy cũng bị nghẽn thôi...”

- “Nếu có thể khiến tảng tả to trên kia lăn xuống ngay phía tảng đá phía bên dưới... Dùng tảng này chống đỡ tảng kia, thì chúng ta đã giải quyết được đến 2 vấn đề.”

- “Tương tự như các cột chống mà chúng ta đã từng chống đỡ tảng đá trên kia hở bố?”

- “Đúng thế. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta dùng một thế lực mạnh chống đỡ một thế lực mạnh. Điều quan trọng là vì chúng ta không thể tự chống đỡ 1 mình, và quan trọng hơn nữa là khi không có tảng đá này nữa, tảng đá kia sẽ nhanh chóng trở thành một mối hiểm họa. Trước lợi sau hại. Chúng thủy chung vẫn là những tảng đá, làm những chuyện các tảng đá vô tri theo tự nhiên phải làm, không màng chi đến chúng ta. Trong tình thế này, dĩ cương chế cương là cách duy nhất.”

- “À... thế là chúng ta có thêm lý do để tìm thêm người giúp tay rồi. Nhưng bằng cách nào chúng ta chuyển hướng thiên định, vừa tránh làm sập nhà mình... vừa có thể làm theo ý mình, lăn tảng đá ấy xuống đúng vị trí đó?”

- “Con hãy nhìn vào khe nước đằng kia đi. Tại sao nước chảy xuống?”

- “Vì nó tuân theo lực hút của trái đất.”

- “Theo định luật, nước trên kia sẽ phải chảy thẳng xuống chân đồi theo một đường thẳng hay quanh co?”

- “Theo đường thẳng, nhưng thực tế lúc nào cũng quanh co chảy xuống.”

- “Tại sao?”

- “À... tại vì chúng chảy theo các khe sẵn có. Và các khe nước thường không thẳng tắp mà quanh co tùy theo địa thế của ngọn đồi.”

- “Thông minh... cũng như một cái khe cho dòng nước chảy, chúng ta cần một cái khe cho tảng đá kia lăn. Gọi phải gọi nó là một đường hào thì có lẽ đúng hơn.”

- “Con hiểu rồi... nhưng liệu đường hào chúng ta đào có giữ được tảng đá ấy không?”

- “Nếu chiều ngang vừa đủ rộng, chiều sâu vừa đủ sâu, và nếu chúng ta lót các cây gỗ và đá nhỏ phía bờ hào hướng về phía chận đồi, nó sẽ kiên cố.”

- “Phiền phức thế, sao mình không đào một cái hố thật to phía bên dưới, rồi lăn tảng đá ấy vào.. lấp nó lại?”

- “Đây là một kế hay! Bố cũng không nghĩ ra. Có rất nhiều hiệu quả trước mắt. Nhưng nếu con đào một cái hố ngay đó... Con cháu mấy đời sau của con sẽ nhìn thấy nó lộ nguyên hình ra. Thế là lịch sử lại tái diễn và nguy kịch hơn nữa là tảng đá nay lại ở gần nhà hơn... và nếu họ muốn đào một đường hào để tránh nhà của ta, nó sẽ không được dốc như hiện nay, việc di chuyển tảng đá ấy sẽ khó khăn hơn. Thêm một nguy hiểm nữa là việc đào một cái hố đủ to và đủ sâu, con sẽ phải đào bới một thời gian khá lâu ngay dưới chân tảng đá ấy, và càng ngày cơ hội nó sẽ ngã xuống càng cao. Rất có thể nó sẽ trở thành nắp mộ cho cái huyệt con đang đào cho mình.”

- “Ồ...”

- “Kế này vẫn rất hữu dụng nếu không có tảng đá phía bên dưới kia. Chỉ cần ở cuối đường hào, ta đào một hố to, thì tảng đá này sẽ thoải mái lăn dần xuống, không ngờ đến cái hố to đang chờ đợi mình lọt vào đó, không làm nghẽn con suốì phía dưới.”

- “À... Hoàng Dung và Quách Tĩnh khi xưa cũng dùng kế này tóm Âu Dương Phong đến 2 lần.”

- “Đúng, đó là dĩ tịnh chế động.”

- “Lấy tịnh chế động, không phải là không làm gì hết à?”

- “Ngốc tử... luyện võ và đọc sách kiếm hiệp bấy lâu nay mà không học được gì à? Hay chỉ là học vẹt? Đó chỉ là làm ra vẻ không động tịnh gì để lừa kẻ địch manh động trước. Đòi hỏi phải có chuẩn bị trước. Không làm gì cả, tức là hoàn toàn thụ động, chỉ có nước chờ chết thôi.”

- “À phải rồi, khi xưa Quách Tĩnh chẳng giả vờ đọc sách như không có chuyện gì xảy ra, Âu Dương Phong sẽ nghi ngờ. Và nếu không có chuẩn bị trước, Âu Dương Phong cũng không lọt bẫy đến 2 lần.”

- “Việc khó khăn còn lại là phải bật tảng đá kia để nó bắt đầu chuyển động.”

- “Phải chi có một tảng đá khác to hơn ở trên cao hơn trốc gốc lăn xuống, đâm vào tảng đá này, thì chúng ta đỡ nhọc công bố nhỉ?”

- “Con chỉ giỏi suy nghĩ theo kiểu lười biếng thôi. Nếu chuyện đó xảy ra, thì một là ta phải đối phó với 2 tảng đá đang lăn xuống hai hướng khác nhau; hai là tảng đá to hơn kia sẽ thay thế tảng đá này, trở thành mối hiểm họa treo đầu khác to lớn hơn.”

- “Ừ nhỉ!”

- “Con nên nhớ, cuộc sống chỉ yên bình khi không có những tảng đá to. Và cuộc sống chỉ vững vàng khi tảng đá to ấy là chính chúng ta dựng lên, có một cái gốc vững vàng, không lăn xả tùy thích vào nhà người khác để rồi họ sẽ tìm cách di dời mình đi.”

- “Nhưng bố ạ, vùng đồi núi hoang dã này lúc nào cũng có những tảng đá to.”

- “Cho nên sinh lộ chính là những kẻ hở dưới nơi những hòn đá to chụm vào nhau đấy con ạ. Theo sự chuẩn bị của chúng ta, những hòn đá ấy bề ngoài cũng sẽ lăn xả theo tự nhiên, nhưng thật ra đã có hướng đi nhất định cho chúng rồi. Khi đối diện với các hòn đá to, con nên nhớ rõ điều này: Đừng bao giờ cô lập mình bên cạnh 1 hòn đá duy nhất. Nếu không con sẽ phải suốt đời chật vật chống đỡ nó, và vì sức người có hạn, một ngày nào đó nó sẽ đè bẹp con vì đó là thiên định cho những tảng đá to.”

- “Con hiểu rồi. Khi đối phó với các tảng đá to, chúng ta nên suy nghĩ tường tận, lo liệu mọi mặt trước khi manh động. Không lệ thuộc vào 1 tảng duy nhất mà phải lợi dụng tảng này chống đỡ tảng kia. Tuy không chống lại được sứ mạng của những tảng đá to, nhưng ta vẫn có thể chuyển hướng thiên định, vận chuyển sứ mạng ấy theo chiều hướng có lợi cho mình.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét