Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Người thừa trong làng thơ “THI SĨ” NHẤT LINH

-Người thừa trong làng thơ “THI SĨ” NHẤT LINH (Diễn Đàn Thế Kỷ)
Im Lặng

như hạt muối trắng
tan trong bát nước trong
Nhất Linh



Trong thập niên 30 của thế kỷ trước kể từ khi có phong trào thơ mới xuất hiện trên báo Phong Hóa với những tên tuổi lớn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... thì thân phụ tôi, nhà văn Nhất Linh, tự nhận mình là người thừa trong làng thơ. Thật ra Nhất Linh trước khi trở thành nhà báo, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ... đã là một thi sĩ. Ngay từ lúc còn rất nhỏ tuổi thân phụ tôi đã mê làm thơ và lòng mê thơ này đã theo ông cho đến tận những năm cuối đời, mặc dù ông tự nhận thơ mình không hay và mặc dù thơ ông không mấy được người đời biết tới.
Trong mấy trang hồi ký dang dở “Đời Thi Sĩ” viết năm 1959 Nhất Linh kể lại năm ông 10 tuổi ông phải rời bỏ Hà Nội để về huyện Cẩm Giàng. Cậu bé đâm ra nhớ Hà Nội và làm thơ. Thơ rằng:

Chung quanh cây cối rườm rà
Giữa hồ có một chùa ta đây này

Ông nội tôi biết ngay là thơ không xuôi nên đổi ra:
Giữa hồ có một chùa là Ngọc Sơn
Cậu bé tuy còn rất bé nhưng cũng phải thừa nhận là câu thơ của ông nội tôi hay hơn.
Cũng vào thời gian ấy cậu thi sĩ 10 tuổi làm thơ vịnh cảnh làng quê Cẩm Giàng:

Hai bên trắng nước chảy te te
Cầu ngang bắc lại tí tẻ te
Bầu giời ngõ trắng tròn xoe xoe
Chim kêu ríu rít cảnh buồn te

Cậu bé khi làm bài thơ đó không ngờ rằng mình là người làm “thơ mới” đầu tiên của nước Việt Nam. Phải đến gần hai mươi năm sau khi phong trào thơ mới ra đời, chàng thi sĩ Nhất Linh mới ý thức ra điều đó. Mới thì nhất định là mới rồi vì những chữ như hai bên trắng, cầu ngang, bầu giời ngõ trắng cũng bí hiểm như những bài thơ mới bí hiểm nhất. Còn hay thì đến tận bây giờ (nghĩa là thời điểm viết hồi ký) cha tôi cũng chưa thấy nó hay ở chỗ nào.
Được cái là làm thơ mới, ông nội tôi đành chịu không biết chữa thế nào, chỉ biết lắc đầu thở dài cho con mình là một thằng bé lẩn thẩn. 
Ông nội tôi mất năm cha tôi 13 tuổi. Tiếc là ông nội tôi không còn sống để có được cái vui thấy con mình bốn năm sau có hai bài thơ đăng ở Trung Bắc Tân Văn. Thơ ấy vịnh cảnh đi thuyền chơi trăng trên Hồ Tây mà cha tôi chỉ nhớ được hai câu:

Con thuyền đè sóng tênh tênh vượt
Chiếc bóng sau người lướt thướt theo!

Ông nội tôi vốn hay làm thơ và thích thơ đúng niêm luật. Ví dụ như bài thơ sau đây ông làm khi rời huyện Chí Linh:
Lên ngựa chia tay luống ngại ngùng
Tình xưa bát ngát với non sông
Ai về nhắn nhủ giang sơn ấy?
Dạ tớ nghìn thu vẫn đỉnh chung
Vì thích làm thơ đúng niêm luật nên chắc là ông nội tôi phải hài lòng với bài thơ “Vịnh cảnh đi thuyền” của con mình, vừa đúng niêm luật lại vừa đối chọi chan chát. Hai bài thơ của cha tôi thật ra hay không hơn không kém gì mấy nghìn bài thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn hồi đó (1922) nhưng riêng đối với ông thì đây là một kỷ niệm rất êm đẹp vì tên tuổi của mình lần đầu tiên được nêu lên báo.
Sau này vào thời kỳ báo Phong Hóa bắt đầu cổ động cho thơ mới thì cha tôi cũng có viết ít bài, ví dụ như bài thơ mới “Cái vui ở đời” sáng tác vào năm 1932:

Một buổi sáng mùa hạ
Công việc đã xong
Người nhàn nhã
Ngoài vườn nắng
Giải sen hoa lốm đốm trắng
Mấy gốc hoàng lan hương đưa ngát
Trên con đường mát
Ánh nắng như thêu hoa
Tiếng chim khuyên như sinh ca
Nóc nhà gạch đỏ tươi
Hôm nay mới thấy có cái vui
Sống ở đời

Nhưng sau đó kể từ khi thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận xuất hiện nhiều trên thi đàn thì cha tôi tự thấy mình là người thừa trong làng thơ. 

Bài thơ cuối cùng cha tôi làm trong đời làm báo là bài Dân Quê. Bài ấy làm cho báo Phong Hoá (đăng bài thơ ấy) suýt bị đóng cửa, cha tôi bị mời ra ty kiểm duyệt và báo bán tăng thêm được hai nghìn số.

DÂN QUÊ

Cảnh thì cảnh bùn lầy và nước đọng
Dân thì nghèo vất vả làm quanh năm
Hết nắng thiêu lại gió rét căm căm
Vẫn nhem nhuốc vẫn thân trần như nhộng

Ngày ngày trên ruộng chân tay lấm
Đêm đêm về gian nhà tối tăm
Giường nan bẩn thỉu chiếu hôi hám
Bố cu, mẹ đĩ rúc vào nhau

Đàn trẻ trần truồng lăn ra đất
Đứa thì gầy còm, đứa bệnh tật
Cố sống cầm hơi chờ khi nhớn
Làm thân trâu cho trọn đời khốn nạn

Bọn đàn anh thời chúi đầu cắm cổ
Tranh nhau thủ lợn với phao câu
Theo lễ nghi quèn, nghĩ những chuyện đâu đâu
Riêng mình thú không biết rằng dân khổ

Từ đấy Nhất Linh không làm thơ nữa.



 Mười năm sau (1945) ở hải ngoại về Hà Giang, Nhất Linh lại làm thơ nhưng làm thơ... chính trị. Hồi ấy Hà Giang bị Việt Minh bao vây nên Quốc dân phải mở chợ phiên lấy tiền giúp quân đội. Nhà thi sĩ mặc binh phục, đi giầy cao ống cầm kéo cắt giây chăng cửa trong khi một tràng súng liên thanh nổ vang cả tỉnh lỵ Hà Giang làm giao động cả mấy cô thiếu nữ dâng hoa. Nhà thi sĩ thích hoa nhưng sợ tiếng súng. Nhà chiến sĩ thì thích súng và sợ hoa. Nhất Linh lúc đó vừa thích vừa sợ lại vừa sợ vừa thích thật là phân vân khó tả. Nhưng biết làm thơ cũng có cái lợi. Chợ phiên bán một bức tranh vẽ bó hoa và người mua tranh cứ nhất định đòi phải có bài thơ của nhà thi sĩ kiêm chiến sĩ thì họ mới trả 2000 đồng (tương đương gần 20 ngàn bây giờ). Thế là cha tôi phải làm thơ. Thơ rằng:

Trăm đoá hoa tươi hợp sắc màu
Muôn nghìn người Việt dạ như nhau
Bó hoa biểu hiện tình đoàn kết
Của khắp nhân dân vạn kiếp sau

Nhà thi sĩ mơ mộng hão huyền: muôn nhìn người Việt dạ như nhau và đoàn kết! Trước sự thực, nhà thi sĩ thở dài.
Bài thơ tuy mơ mộng thật nhưng đúng là “hàng hàng châu ngọc” vì mỗi chữ đã bán được bẩy trăm đồng bạc bây giờ. Chưa bao giờ tiền nhuận bút của nhà thi sĩ lại nhiều đến thế, nhưng than ôi (ông cụ tôi than) tiền lại không vào túi mình!
Rồi năm sau (1946) khi Nhất Linh làm bộ trưởng bộ ngoại giao trong chính phủ liên hiệp và trưởng phái đoàn phái bộ ở Đà Lạt để đàm phán với Pháp thì ông lại có dịp làm thơ... khôi hài, và làm cả thơ Tây nữa.
Cha tôi kể lại: “Những thơ ấy tôi cùng làm với ông bạn quen đã lâu, rất vui tính, ông Nguyễn Duy Thanh lúc đó là cố vấn chuyên môn của phái đoàn. Đoàn trưởng phái bộ Pháp là ông Max André (Mạc Ăng Đê). Sau gần một tháng hai bên thăm dò ý kiến nhau đủ thứ thì ông Max André phải về Pháp. Chúng tôi (ông Thanh và tôi chứ không phải cả phái đoàn) họp kín ở trong phòng tôi và hai người cùng nhỏ lụy làm thơ sầu ly biệt:

Ới Mạc quân, hỡi Mạc quân!
Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Anh đường anh, tôi đường tôi
Biết bao giờ lại nối lời nước non
Mấy câu thơ này không hay gì lắm, mà lại phải cái sáo nữa! Quả nhiên tôi và ông Mạc, ông đường ông, tôi đường tôi, không bao giờ gặp nhau cả. Mới gần đây, ông bạn tôi có dịp gặp ông Mạc. Ông có nhắc đến tôi. Xin cảm ơn ông nhưng trời đã định vậy, ông và tôi không bao giờ lại nối lời nước non nữa.


 Bài thơ ấy chúng tôi có dịch ra tiếng Pháp và thơ dịch hay hơn nguyên văn nhiều:

Oh! Max André! Ah! Max André!
Cheveux noir si court que ca!
Toi, chemin toi, moi, chemin moi,
A quand se relieront les paroles d’Eau et
De Montagne, moi pas connaitre!


Thơ Tây đến thế thật là tuyệt và cảm động, đọc nghe vừa trúc trắc vừa êm du. Nhất là câu “si court que ca” điệu ngắn củn và bỏ thõng đã tả được ý nghĩa của câu thơ như cái tàu đương chạy nhanh thả hơi hãm phanh gấp. Thanh âm “que ca” tả thật đúng tiếng hơi phì hãm phanh. Câu sau cùng kéo dài lòng thòng (trái hẳn với câu thứ hai ngắn củn) cốt để tả rõ thời gian vô hạn cho đến lúc hai bên lại nối lời nước non. Trong đời thi sĩ của tôi có mấy câu thơ Tây trên đây là hay nhất!

Mấy câu thơ này trong đời chính trị khô khan của tôi đã làm tôi trở lại cái đời sống vui vẻ của nhà viết báo khôi hài. Nếu cái cười chữa được bệnh thì trận cười vì mấy câu thơ này chữa được cái bệnh nghiêm trang giả vờ của tôi trong lúc giữ việc ngoại giao”.

*

Bẩy năm sau (1953) Nhất Linh mới lại có dịp làm thơ. Làm thơ trong một hoàn cảnh khác, ở một không gian khác, thuộc một mảng đời khác. 
Trong hương trầm của đêm giao thừa năm Quý Tỵ thân phụ tôi, mắt mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất hoặc mất tích, đã viết những dòng sau đây kèm theo một bài thơ như một chúc thư gửi cho hậu thế:
“Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Ðoàn và công việc sáng tác. Nhưng Tự Lực Văn Ðoàn không thể để ngừng lại ở một số người cũ và đứng yên; người qua nhưng đoàn phải mới và tiến mãi...”
“Đã bẩy năm nay tôi mới lại có dịp làm thơ và thơ tôi vốn không hay nhưng lòng và ý thành thực là đủ rồi:

TỰ LỰC, vườn văn mới trội lên
Bỗng dưng thời thế đảo huyên thiên
Thương dăm lá cũ vèo rơi xuống
Mừng mấy mầm tươi vụt nhú lên
Mạch cũ, nhựa non rồn rập chẩy
Vườn hoa xuân mới điểm tô thêm
NGƯỜI QUA, SÁCH HỌC, ĐỜI THAY ĐỔI
TỰ LỰC, DANH CHUNG, TIẾNG VẪN TRUYỀN
2 giờ sáng, mồng 1 tết năm Quý Tỵ

Bốn năm sau (1957) cha tôi mua một miếng đất tại ấp Fim-nôm, trên quốc lộ 20, phía Nam của thị xã Đà Lạt 27 cây số, miếng đất có dòng suối Đa-mê chẩy qua. Ông tự vẽ họa đồ và xây một căn nhà tranh bên bờ suối, đặt tên là Thanh Ngọc Đình, để thưởng cho một loài hoa mà ông cho là tiên cách nhất trong tất cả các loài hoa.
Nhất Linh ở Fim-nôm khoảng 2 năm, từ năm 1957 cho đến năm 1959 là năm mà Thanh Ngọc Đình xây chưa xong đã bị sụp đổ trong một đêm giông bão. Thời gian đó ông thường xuyên đáp xe đò Minh Trung qua lại trên quốc lộ 20 Sài Gòn - Đà Lạt. Sài Gòn là nơi cha tôi làm việc. Fim-nôm là nơi để ông nghỉ ngơi và... làm thơ.
Trên một nền đất cao gần suối Đa Mê, cha tôi cho xây một căn nhà nhỏ, dùng làm chỗ ở tạm trong thời gian Thanh Ngọc Đình được xây cất. Nơi đó vào dịp Tết năm Kỷ Hợi tôi chứng kiến ba nhà thơ Nhất Linh, Bùi Khánh Đản và Nhất Anh (Lê Đình Gioãn) ngồi chụm đầu hai bên chiếc bàn có phủ những tờ giấy bản viết chi chít những Hán tự còn nguyên mùi mực tàu. Thi sĩ Bùi Khánh Đản đang làm thơ vịnh xuân. Trên vách có treo nhiều bức Hán tự của Bùi Khánh Đản và của cha tôi. Thời gian này ba thi sĩ đang nghiên cứu và tập viết chữ Hán. Tôi nghe cha tôi nói với thi sĩ Bùi Khánh Đản là ông rất thích nét bút của Tô Đông Pha. Một bức tranh của cha tôi vẽ suối Đa Mê cũng được treo trên vách. Dưới bức họa là hai câu thơ:

Người đi lâu chửa thấy về
Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn
19-1-59

Một bức tranh khác của cha tôi vẽ lan Thanh Ngọc với ba bài thơ của ba thi sĩ:

THƠ VỊNH LAN

Kết tụ tinh anh của gió sương
Muôn màu muôn vẻ lại muôn hương
Bùi Khánh Ðản

THƠ VỊNH LAN THANH NGỌC

Dáng hoa như ẩn dáng người
Nụ hoa như ẩn nụ cười trong mơ
Lê Ðình Gioãn

Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng
Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần
Nhất Linh 

Mùa hè năm 1958 cha tôi cho ra đời tờ nguyệt san Văn Hóa Ngày Nay. Nhiều bài thơ của cha tôi xuất hiện trên các số báo đó, ví dụ như bài thơ nhớ Hoàng Đạo của cha tôi đăng trên số báo Xuân Kỷ Hợi (1959):

Mắt mờ lệ nhớ người xưa
Mười năm thương nhớ bây giờ chưa nguôi
Trông hoa lại nhớ đến người,
Hoa xưa xuân cũ biết đời nào quên
Cảnh tiên còn gặp người tiên,
Đôi lòng muôn thuở còn nguyên vẹn lòng
7-1-59

Hoặc bài “Buồm giục viễn du”:

Mênh mang trời lẫn nước
Gió chiều nhẹ như ru
Biển dâng tình bát ngát
Buồm giục người viễn du
Trăng buồn mơ cát trắng
Lá rụng gợi sầu thu
Mộng hồn hòa mộng nước
Đèn ai thoảng trong mù
Trên bãi biển, cuối thu 1940

Một bài thơ khác không đề tựa nhưng thời điểm sáng tác bài thơ đó (1926) trùng hợp với năm thân phụ tôi vào Nam tham dự đám tang Phan Chu Trinh:

Đèo Hải Vân mây trời man mác
Bến Lăng Cô bãi cát trắng phau
Buồm ai phấp phới về đâu
Phiêu lưu hồ hải thêm sầu lòng ai
3-1926

và nhiều bài thơ khác của thân phụ tôi – kể cả các “thi thoại” trao đổi giữa hai nhà thơ Nhất Linh và Nhất Anh – mà tôi không thể liệt kê ra hết.
Hai câu thơ cuối cùng của thân phụ tôi làm trong đời là hai câu ông viết trên trang đầu tập bản thảo cuốn truyện dài “Hai Con Mắt”:

Cùng nguyền giữ tấm lòng Nhân
Tình yêu Tổ Quốc, tình thân Bạn Bầy.
Nhất Linh, 24-1-1961

Hai Con Mắt là tác phẩm dang dở. Trong bản thảo cha tôi không viết được bao nhiêu nhưng ở mấy trang đầu đã cho thấy Thanh và Ngọc, câu truyện của các nhân vật trong Giòng Sông Thanh Thủy được tiếp tục. Tôi nhớ là hình như cha tôi có ý định đổi nhan truyện thành Giòng Sông Bến Hải khi ông hoàn tất tác phẩm này.
Hai câu thơ chót ấy làm năm 1961 tính đến năm nay 2011 là vừa chẵn nửa thế kỷ.


Cách đây ba năm vào dịp Tết Mậu Tý (2008) chúng tôi xuống nam California ăn Tết. Thời gian này ở quận Cam bao giờ cũng vui và có không khí Tết hơn bất cứ một nơi nào khác trên đất Mỹ. 
Ngày đầu năm đến chơi nhà một người quen tôi bất ngờ nhận được một món quà quý. Bác sĩ Bạch Thế Thức, cháu ngoại của nhà thơ Nhất Anh Lê Đình Gioãn, trao tặng tôi một tờ giấy bạc Một Ðồng của Ngân-Hàng Quốc-Gia Việt-Nam và nói đùa đó là tiền “lì xì” đầu năm.
Trên tờ giấy bạc đó có viết hai câu thơ của thân phụ tôi:

Mua rừng có một đồng thôi
Còn tiền nợ nước trả đời nào xong
Nhất Linh
20-12-58

Bác sĩ Thức cho tôi biết là khoảng mười mấy năm trước ông đã về Việt Nam và có ghé thăm căn nhà của ông ngoại mình (nhà thơ Nhất Anh xưa kia là chủ hãng sửa xe hơi Lê Đình Goãn) và tìm thấy trong đống giấy tờ cũ tờ giấy bạc này. Với tôi nó là đồng tiền lì xì quý giá và có ý nghĩa nhất mà tôi nhận được trong đời.
Hai câu thơ của Nhất Linh có ý nghĩa gì? Nó có báo hiệu trước điều gì không?
Thế nào là mua rừng và thế nào là tiền nợ nước?
Vào giữa thập niên 50 của thế kỷ trước nằm trong chương trình khuyến khích dân chúng khẩn hoang chính quyền sở tại tỉnh Lâm Đồng Việt Nam đã cấp phát theo đơn xin cho dân chúng một số lô đất thuộc thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thanh, huyện Đức Trọng với lệ phí rất tượng trưng: một đồng bạc.
Thân mẫu tôi, bà Phạm Thị Nguyên, đặt mua một miếng đất tại ấp Fim-nôm, bề ngang 30 thước, bề sâu nửa cây số tính từ quốc lộ 20 đến suối Đa-Mê. Chính ở trên mảnh đất mua rừng này mà thân phụ tôi đã cho xây Thanh Ngọc Đình. 
Khi Thanh Ngọc Ðình sụp đổ làm tan hoang “giấc mộng Từ Lâm”, Nhất Linh bất thần giã từ tất cả – Đà Lạt, Fim-nôm, dòng Đa-Mê và cả trăm giỏ lan mà ông đã chăm sóc từ hai năm qua – để về ở hẳn Sài-gòn. Ông “xuống núi” lăn vào làm báo, dính líu vào vụ đảo chính thất bại, đi trốn, bị đưa ra tòa đưa đến cái chết của ông mấy năm sau.
 Mua “rừng” chính là mua “đất”, ứng với đất nước trong câu thơ sau.
 Đất thì rẻ mạt, có đồng bạc, trả ngay xong. Nhưng “nước” mới khó. Nợ nước thì cho đến đời nào mới trả xong?
Hai câu thơ trên viết cách đấy đúng 50 năm khiến tôi bâng khuâng tự hỏi:
Phải chăng khi quyết định xuống núi ông cụ tôi đã gián tiếp trả lời hai câu thơ sau đây của thi sĩ Bùi Khánh Đản 
Say sưa chi mấy tình vương giả
Mà để lòng quên nợ bốn phương?
Và phải chăng vì tiền nợ nước quá lớn nên ông đã phải lấy chính sinh mạng của mình để trả?

*

 Hôm nay một buổi chiều thu của miền Tây Bắc nước Mỹ lần giở những trang báo cũ Văn Hoá Ngày Nay mà giấy đã ngả sang màu vàng úa, nhìn những hàng chữ viết tay đã nhạt màu mực của thân phụ tôi, mắt tôi cũng mờ đi vì thương cảm. 
Tôi bắt gặp trong số báo một bài thơ của ông cụ mà tôi chưa từng đọc trước đây. Bài thơ này đăng trên số Xuân tập 9 báo Văn Hoá Ngày Nay mà tôi chắc là có nhiều độc gỉa còn nhớ, nhưng với riêng tôi, bài thơ này rất mới vì tôi đọc nó lần đầu tiên. Tôi chú ý ngay đến cái tựa đề của bài thơ mang tên “Im Lặng” và tôi lặng người:
Buổi sáng ngày 7 tháng 7 năm 1963 tôi hỏi thân phụ tôi là ông có sẽ thái độ ra sao trong buổi ra hầu tòa vào ngày hôm sau thì thân phụ tôi trả lời là ông sẽ chọn sự im lặng. Khi tôi hỏi ông cụ câu ấy tôi không thể ngờ rằng chỉ vài giờ sau đó ông cụ uống độc dược tự vẫn. Ông đã chọn sự im lặng theo cung cách riêng của mình, cung cách của một nghệ sĩ.

IM LẶNG

Chiều xuân, buổi thừa hương,
Trên sân rêu còn giãi chút ánh vàng
Ngày tàn, người, vật, dáng êm ả
Gió chiều êm êm động từng lá
Xa xa dẫy đồi nét nhịp nhàng
Con sông trắng... lửa thuyền chài... thấp thoáng trong sương
Ta ngồi nhìn ra, lặng ngắt
Để cái đẹp bao la của trời đất
Thu vào đôi con mắt
Lòng ta thảnh thơi
Như không muốn gì, không thương ai
Không buồn, không nhớ, không mong
Có cái thú bình tĩnh hư không
Như hạt muối trắng
Tan trong bát nước trong

Như hạt muối trắng tan trong bát nước trong nhà thơ Nhất Linh đã thật sự thả mình vào miền tĩnh lặng mênh mông của cõi vĩnh hằng.  

Nguyễn Tường Thiết
Seattle, cuối thu năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét