Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Tìm đâu thấy ‘bình an dưới thế’

Tạp ghi Huy Phương


Mấy năm trước đây, cây thông Giáng Sinh dựng ở phi trường Seattle, tiểu bang Washington, được hạ xuống vì có người khiếu nại đây là một biểu tượng của Thiên Chúa Giáo, không thể để ở một nơi công cộng có nhiều người tôn giáo khác qua lại, như vậy là không công bằng.
Tôi thật không đồng ý với lời khiếu nại của ai đó, vì ít khi nhìn cây thông mà tôi phải nghĩ đến Chúa hay nghe “Silent Night”, “Ringle Bell” mà liên tưởng đến đạo Ki Tô. Không những trên khắp trái đất này, hay ở Việt Nam, từ ngày tiếp xúc với Tây phương, dù Pháp hay Mỹ, ngày lễ Noel đã trở thành một ngày lễ lớn cuối năm của hòa bình, thương yêu và hạnh phúc. Những tục lệ cho quà, thăm viếng hay sum họp của ngày Giáng Sinh đã đem nhân loại đến gần lại với nhau, tha thứ, san sẻ niềm vui, kéo dài đến ngày đầu năm Dương lịch.
Trước năm 1975 ở Việt Nam khi các cháu còn nhỏ, dù gia đình theo Phật Giáo, năm nào đến mùa Noel, tôi cũng tự tay làm hoặc đi mua máng cỏ Chúa Hài Ðồng bày bán trước cửa nhà thờ Tân Ðịnh, trang trí trong phòng khách. Các con tôi rất thích mái tranh, với Chúa Hài đồng bé tí cùng những con cừu xinh xắn nơi máng cỏ có gắn đèn nhiều màu và chớp tắt liên hồi. Năm nào nhà cũng có cây thông Giáng Sinh và những món quà Noel. Những đứa trẻ không có khái niệm về sinh nhật của một đấng Cứu Thế nhưng lại thích đến ngày Noel với âm thanh, ánh sáng và nỗi vui của một ngày lễ lớn. Như vậy, vì sao tôi lại từ chối không làm những công việc có thể đem lại niềm vui cho mọi người.
Vì niềm mơ ước của trẻ em, người ta đã tạo ra hình ảnh của ông già Noel, Santa Claus... luôn luôn đem niềm vui lại cho tuổi ấu thơ vào những ngày lễ cuối năm. Người ta tạo ra huyền thoại ông già Noel râu tóc trắng như bông, mặc áo đỏ viền trắng, đi ủng cao ngồi trên xe trượt tuyết có con tuần ngưu kéo chạy như bay trong đêm Giáng Sinh. Ông già sẽ vào nhà bằng cách tụt xuống ống khói, ông già sẽ bỏ quà vào cho các em bé trong những đôi tất cao treo ở dưới chân giường. Mỗi đứa trẻ đều ngoan hơn, sạch sẽ hơn, lễ phép hơn với hy vọng năm nay ông già Noel sẽ đem lại những món quà như ý. Vì vậy mà ở phương Tây, ở thế kỷ trước, hằng triệu trẻ em, vào cuối năm đã nắn nót viết những bức thư gởi tới những ông già Noel, với một địa chỉ đơn giản cho người nhận là Bắc Cực (North Pole), với những lời thăm hỏi, cầu xin, hứa hẹn đầy ngây thơ, trong sáng.
Gần đây, tại một thị xã bên trời Tây nào đó, người ta đã cho một cô giáo nhà trẻ nghỉ việc, vì cô đã tàn ác nói thẳng vào mặt học trò của cô là trên đời này làm gì có Ông Già Noel! Một người như thế chắc không bao giờ có tuổi thơ, không bao giờ được nghe kể một chuyện thần tiên bên nôi những ngày còn thơ ấu. Cô nên chọn một nghề khác, và đừng bao giờ làm một ngành nghề gì gần gũi với trẻ em nữa. Tuy vậy, hình như trẻ em vào thời đại này cứng cỏi hơn, thực tế hơn, không còn mơ mộng nữa. Mới nửa thế kỷ đây thôi, thế giới của những nàng Công Chúa, những trang Hoàng Tử, những bà Tiên hiền dịu, phù thủy độc ác... được vẽ ra trong trí tưởng tượng ngây thơ của trẻ em đã xa dần. Có lẽ bây giờ không em nào viết thư cho Ông Già Noel nữa, không treo vớ dài lên chân giường trước khi đi ngủ, chỉ còn là những món quà điện tử để dưới gốc thông kia thôi.
Tháng ngày vẫn trôi đi với vận tốc cố hữu, nhưng tuổi trẻ có bao giờ để ý về tuổi tác và thời gian. Khi bước tới tuổi già, dấu ấn của ngày tháng mới càng ngày tác động rõ rệt. Bây giờ bạn có cảm thấy lòng xao xuyến rung động mỗi năm thấy ngày Thanksgiving trở lại, mùa Giáng Sinh trở về trong hơi lạnh se sắt, đèn giăng hoa kết, và tiếng thánh ca ngân vang đâu đó. Nhưng giờ đây là nỗi buồn, buồn vì thực sự tuổi thơ của mình mới ngày nào đó đã đi qua và tuổi già đang đè nặng lên xác thân đã bắt đầu đi dần tới chỗ tàn tạ. Nỗi buồn hiện hữu trên những nỗi đau nhức thân xác và sự mỏi mệt của tâm hồn.
Ôi, mới ngày nào đó thôi. Bây giờ ở xứ người tôi đã có dịp nhìn thấy những hoa tuyết bay, những cành cây trĩu nặng tuyết đã trở thành băng, những bông hoa trạng nguyên đỏ thắm, cùng với tiếng chuông nhà thờ ngân vang trong những giờ nguyện. Tôi hình dung ra dưới cây Noel nhà ai giờ này đèn muôn màu nhấp nhánh, những gói quà lớn nhỏ gói bằng giấy màu và những chiếc “nơ” xinh xắn sẵn sàng mở ra cùng với nụ cười và tiếng reo vui của những em bé bụ bẫm, hồng hào trong những ngôi nhà sum họp, bình an, no ấm và hạnh phúc. Trong dòng liên tưởng miên man, tôi vẫn nhớ lại hình ảnh cô bé bán diêm trong câu chuyện của Anderson, trong đêm Giáng Sinh với những que diêm cuối cùng tàn lụi trong đêm Mùa Ðông lạnh giá, như giấc mơ đời thường không bao giờ đạt được. Thế giới hôm nay không thiếu những đứa bé khốn khổ, không trong khói lửa hận thù thì cũng trong đói nghèo cơ cực.
Bây giờ ở Mỹ, đang có những người lính xa nhà trong một vùng bom đạn mà hung tin có thể bay về bất cứ lúc nào với gia đình. Bây giờ đang có những cụ già đón Giáng Sinh về trên giường bệnh lạnh lẽo của một nursing home nào đó. Bây giờ sau những song sắt vô hồn lạnh lẽo, có những người tù héo hắt với những tháng ngày trĩu nặng trôi đi. Bây giờ ở gần bạn đây thôi, trong góc tối của một mảng tường, những kẻ không nhà đang co ro ôm lấy đầu, cuộn mình trong tấm chăn ố bẩn.
Chúng ta cầu mong cho sự “bình an dưới thế”, mới nghe đơn giản, dễ dàng như câu chào buổi sáng đầu miệng, nhưng khó khăn biết bao nhiêu. Thế giới chưa bao giờ bình yên được một ngày, bom đạn, hận thù, chém giết, đói nghèo, bệnh tật, thiên tai. Loài người trên địa cầu chưa bao giờ bình đẳng, no ấm như ước mơ của loài người. “Bình an dưới thế” là điều xa vời, không tưởng, chưa bao giờ loài người với tới được, nó chỉ ấp ủ trong giấc mơ từ ngày này qua tháng khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ nọ không bao giờ hiện hữu.
Chỉ còn một hai hôm nữa là đến ngày lễ Giáng Sinh rồi, trước khu Home Depot, trước khu chợ Người Việt trên đường Westminster, mỗi nơi tôi nhìn thoáng có hàng chục người Mễ đang đứng chờ việc làm. Ai cần việc phải thuê họ giữa buổi chiều lễ vui vẻ, rộn ràng mua sắm như thế này? Ngay buổi chiều nay đây, họ ăn gì, đừng nói gì tới một hớp bia cho ấm bụng một buổi chiều đông xa nhà. Gia đình họ đón ngày Giáng Sinh năm nay ra sao? Cây thông, món quà cho những đứa trẻ là một điều gì xa lạ.
Thế giới này có thực bình an không, dù sự bình an này chỉ dành riêng cho những người có thiện tâm?
Nguồn: -Tìm đâu thấy ‘bình an dưới thế’

1 nhận xét:

  1. Tác giả hơi bi quan về cuộc đời, bình an hay không chính là ở trong lòng của mình. Không có sự tuyệt đối mà chỉ có sự tương đối.

    Trả lờiXóa