Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Ðến cuối đời, có gì để tiếc?

Nguồn: -Ðến cuối đời, có gì để tiếc?

Vũ Quí Hạo Nhiên

Một bài viết của một cô y tá người Úc dạy mình nhiều bài học về lẽ sống ở đời. Bài viết được truyền đi trên Internet, nhiều người bấm “like.”
 Có một trang blog chỉ in lại bài này thôi mà cũng được tới 52,000 người bấm nút “like.”
Bài viết mang tựa đề “5 nỗi hối hận của người sắp qua đời,” cho thấy những điều người ta tiếc nuối khi biết mình sắp chết.
Tác giả Bronnie Ware là một nhạc sĩ sáng tác, từng là y tá chuyên điều trị người sắp chết. Ðây là những bệnh nhân biết mình không qua được, không muốn chữa trị nữa mà về nhà chờ ngày ra đi vĩnh viễn.

Trong những ngày đó, cô Ware tới chăm sóc họ, cho họ uống thuốc, và họ trò chuyện với cô.
Cô nói, “Họ trưởng thành rất nhiều khi họ phải đối mặt với cái chết của mình.” Khi cô hỏi họ có gì tiếc nuối không, một số câu trả lời cứ trở lại mãi. Dưới đây là 5 câu thường nghe nhất. Cô Ware hiện đã viết thêm thành một quyển sách mang tên “THE TOP FIVE REGRETS OF THE DYING,” nhà xuất bản Balboa Press, có bán trên Amazon.com.

1. “Tôi ước gì tôi có đủ can đảm để sống cho mình, thay vì sống theo ước muốn của người khác.”
Ðây là điều tiếc nuối lớn nhất, cô Ware nói. Khi sắp qua đời, nhìn lại, người ta mới thấy mình có những điều ước chưa bao giờ thực hiện. Hầu hết mọi người còn chưa thực hiện được một nửa điều mình muốn và phải nhắm mắt ra đi biết rằng đó là do chọn lựa của mình. Cô Ware nói: “Ðiều quan trọng là thỉnh thoảng phải thực hiện vài điều mình ước mơ. Ðến lúc mình bệnh thì trễ mất rồi. Sức khỏe là điều kiện để thực hiện nhiều thứ, mất rồi thì quá trễ.”

2. “Tôi ước gì tôi đừng đi làm quá như vậy.”
Cô Ware nói gần như bệnh nhân phái nam nào cũng nói vậy. Các ông ấy do quá quan tâm việc làm, đã lỡ mất thời em bé hay thiếu niên của các con, lỡ mất tình bạn với người bạn đường. Phụ nữ cũng nuối tiếc như vậy nhưng ở thế hệ các bệnh nhân của cô Ware, số phụ nữ đi làm thường không nhiều. Còn đàn ông, thì “tất cả nuối tiếc đã phí đi quá nhiều phần của cuộc đời cho cuộc chạy giậm chân của sự nghiệp.”

3. “Tôi ước gì tôi có can đảm bày tỏ cảm xúc.”
Nhiều người cố nén cảm xúc để không bị đụng chạm. Kết quả là cuộc đời của họ bị đè nén. Có người còn vì thế mà bị bệnh.

4. “Tôi ước gì tôi giữ liên lạc được với bạn bè.”
Nhiều người không thực sự biết giá trị của tình bạn cũ cho tới những tuần cuối đời và nhiều khi không còn kịp tìm lại bạn cũ nữa. Ðời sống bận bịu, ai cũng có lúc bỏ bê bè bạn. Nhưng khi người ta biết mình sắp chết, người ta trước tiên hết lo sắp xếp vấn đề tài sản đâu ra đấy, nhưng nhiều khi họ muốn sắp xếp để giúp đỡ những người họ quan tâm. Rồi họ lại quá yếu, quá mệt, không làm được việc này. Ðến cuối đời, cái còn lại chỉ là bạn bè và người thân là quan trọng.

5. “Tôi ước gì tôi cho phép mình được hạnh phúc hơn.”
Ðiều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người nói lên điều này. Nhiều người phải đến lúc gần ra đi mới thấy là hạnh phúc là một chọn lựa. Nhiều người cứ sống và làm theo thói quen, để quên đi mất mình có quyền thay đổi hết để tìm đến hạnh phúc. Ðến lúc nằm trên giường bệnh, nhiều người lúc đó mới thấy chuyện người khác nghĩ gì, chê bai gì, là chuyện không quan trọng gì hết. Họ chỉ muốn được vui, được cười, được hạnh phúc.

8 nhận xét:

  1. Tôi ước điều 2 nhưng tôi tham tiền nên tôi vẫn đi làm thêm.
    Nhìn 2 con gà con ở bên trên của ttngbt tôi lại nhớ đến cải cách ruộng đất 1953-1956, ai có đàn gà là trung nông yếu và có thể bị mất mạng vì đàn gà của mình.
    Năm mới chúc ttngbt mạnh khỏe, vui vẻ và ước gì được nấy.

    Trả lờiXóa
  2. ttngbt kg biết vì chưa muốn nghĩ tới, có thể sẽ phải ước nhiều...

    bác để ý tới 2 con gà con ư, đó là một phần ký ức thời phải đi sơ tán của ttngbt. Kg nhớ được gì nhiều lắm thế mà ttngbt lại nhớ mình có lẫm chẫm chạy chơi với đàn gà con... Hồi đó ttngbt còn nhỏ mà.

    Cảm ơn bác, ttngbt cũng chúc bác thật hạnh phúc, mạnh khỏe, vui vẻ, an lành....

    và ước gì được nấy


    --
    (ttngbt mong ước gì được nấy.. có được kg?)

    Trả lờiXóa
  3. Ttngbt cũng được đi sơ tán à? Tôi cũng được đi sơ tán 2 lần. Ghẻ tầu đầy người (chính vì vậy người Vịt ghét người Tầu?). Hãi nhất là món cao lương mỹ vị bột mì đen nắm thành cục rồi luộc chấm muối, đói rát ruột mà nuốt không vô, món này là vô địch của CNXH. Bo bo 1978-1979 còn gọi bột mì nắm bằng cụ.

    Bây giờ thì lại có nỗi khổ tâm khác to chả kém gì ai, đồ ăn thì đầy nhưng chẳng dám ăn gì cả vì sợ béo húp híp rồi đột quị bất tử. Chán khủng khiếp.

    Tôi không phải là nhà filosof nhưng theo thiển ý của tôi cuộc sống là vô cùng quí giá và ai cũng chỉ có 1. Hãy cố gắng tận hưởng nó. Với tôi đọc 1 câu chuyện hay, ngắm 1 bông hoa đẹp, nghe tiếng chim hót...là cảm thấy đời rất đẹp và đáng hưởng thụ. Không nhất thiết phải tiêu thật nhiều tiền mới là hưởng thụ. Nhưng chả có đồng nào và suốt ngày đầu tắt mặt tối để chỉ lo làm sao cho có bữa cơm chiều thì cũng khó mà có tâm tư và thời gian để hưởng thụ cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  4. nhà filosof ???

    là người như thế nào ạ?

    ttngbt không biết.

    ttngbt thì nghĩ vui hay kg cũng phụ thuộc vào tâm trạng của mỗi người.

    câu chuyện hay, bông hoa đẹp, ... mình chỉ tận hưởng được khi không phải lo nghĩ...

    về cái ăn, cái mặc, cuộc sống gia đình ...?

    Trả lờiXóa
  5. Sorry, philosopher (triết gia).

    Vấn đề ở đây không phải là tâm trạng vui buồn và lo toan ít hay nhiều. Vấn đề ở đây là thinking positiv.
    -Cuộc đời về bản chất là đẹp, ngắn và mỗi người chỉ có 1.
    -Có dịp hưởng thụ thì không nên bỏ qua, 1 bản nhạc
    hay, 1 bông hoa đẹp (tôi thường mang theo máy ảnh, có gì đẹp là chụp ngay và cho vào máy tính để xem khi rảnh rỗi).
    -Cái gì mình đã cố gắng hết sức mình mà không được như ý mình muốn thì cũng không nên tự mình dằn vặt mình quá lâu-tự mình làm khổ mình. Người Anh hay tự cười diễu bản thân mình khi phạm sai lầm, người Đức thường không tha thứ cho mình khi phạm sai lầm. Người Anh sống thóang và thảnh thơi hơn người Đức.
    -Cố gắng sống cho bản thân mình, không nên sống vì dư luận nhiều quá.

    Đây là 1 vài quan niệm sống của tôi, nó hơi khác người có phải không?

    Trả lờiXóa
  6. Bác sống rất thoáng, ttngbt còn phải học nhiều ở bác.

    Hiện tại là một món quà mang tặng cho chúng ta và phải biết tận hưởng,

    sống như chúng ta kg còn ngày mai nữa...

    hiểu vậy, nhưng sống được như vậy thật cũng khó...

    dân Việt, (nhất ở miền Bắc) do nghèo khổ , khó khăn nên hay tích để phòng rủi ro ngày mai. Sửa được chắc khó, vì sang trời Tây cũng vẫn sống vậy. Tích lại mua nhà , mua xe... cũng đâu dám sống hưởng thụ được như bác...

    Các cụ còn có câu: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

    Phương Tây và Đông khác nhau vậy.

    Nhưng đúng là quan điểm sống của bác tích cực hơn, thoáng hơn, và cuộc sống cũng nhẹ nhàng thanh thoát hơn.

    ttngbt cũng cố học được như bác.

    Được nói chuyện với bác thật thú vị, cảm ơn bác thật nhiều.

    Trả lờiXóa
  7. Người phương Tây có quan niệm sống theo qui luật của tự nhiên hơn người Á đông :
    -Cha mẹ có bổn phận nuôi nấng và dậy dỗ con cái tử tế đến tuổi trưởng thành (là 18 nếu hết đi học và 28 nếu còn đi học). Họ dậy cho con cái ý thức tự lập, dũng cảm đi vào đời và chiến đấu 1 mình. Tuyệt đối không dựa dẫm bố mẹ, có trách nhiệm với bản thân mình và gia đình tương lai của mình. Họ trang bị cho con cái kiến thức và trình độ học vấn đến mức tối đa mà họ có thể để con cái họ vững vàng đi vào đời. Con cái không được ỷ lại vào của cải và tài sản của bố mẹ nhưng họ cũng chia đều cho tất cả con cái những gì họ có khi họ ra đi. Cũng như con gà mẹ mổ và đuổi con gà con khi gà con đã đủ lớn tự kiếm ăn. Đó là qui luật của tự nhiên.
    - Người Á đông thì thương con cái bằng tình thương ủy mị dẫn đến sự ỷ lại và lợi dụng của con cái. Đôi khi dẫn đến sự vô ơn và tàn nhẫn của con cái đối với bố mẹ. Đó là luật nhân quả, không theo qui luật của tự nhiên sẽ bị chịu hậu quả.

    Tôi cố gắng sống làm sao không phải hổ thẹn với lương tâm của mình, tòa án lương tâm là tòa án tối cao đối với tôi. Tiền bạc không phải là mục đích sống mà là phương tiện sống, không có phương tiện sống thì rất khó sống nhưng sống mà lấy phương tiện làm mục đích thì cuộc sống trở thành vô nghĩa. Biết vậy nhưng làm không dễ.

    Trả lờiXóa
  8. Thực ra thế giới này còn nhiều điều mà chúng ta kg biết,

    người phương Tây thực tế và họ hành xử hợp lý, duy lý theo những gì họ hiểu.

    người phương Đông duy tình, họ thừa nhận còn một thế giới khác khi họ chết đi..

    đề cao phương Tây quá cũng có nhiều điểm kg hay, nhưng đúng là hãy sống theo cách mà mình kg phải hối tiếc là được

    Trả lờiXóa