NGUYỄN ĐÌNH TOÀN
HÀ NỘI TRONG KỶ NIỆM
NGUYỄN ĐÌNH TOÀNHÀ NỘI TRONG KỶ NIỆM
… Phút chốc cả khu phố sáng rực trong ánh nắng, những hơi sương mỏng manh tan biến mau chóng, màu vôi nám đen của Tháp Rùa hiện rõ ràng đến nỗi thoạt trông thấy người ta có cảm tưởng trông thấy những mảnh vôi khô cong, bong ra khỏi tường, và mặt hồ trong xanh như một con mắt long lanh nước mắt, những ngọn nước chói ánh mặt trời giống như đồng tiền mới, và bên kia hồ, những biệt thự, những ngôi nhà mái đỏ vừa mới đây còn khuất sau những bụi cây, còn được che phủ bởi những đám sương chợt hiện ra rạng rỡ, những viên ngói đỏ tươi mà hơi sương đang dần dà bốc đi mỗi lúc như càng lấy thêm được màu son thắm, trên những lối đi quanh hồ, tiếng guốc reo vang như mang cùng một nhịp với những trái tim, thiếu nữ, sớm chủ nhật nghỉ học đi dạo phố, đi thăm bạn, đi lo những công việc nhỏ nhặt cho gia đình, những cặp tình nhân trời mới hửng nắng đã mỏi chân rủ nhau vào ngồi trên những chiếc ghế nhỏ trong mấy quán nước bên bờ hồ, trước những ly nước đá.
Nhìn sâu về phía sau công viên, nhà ngân hàng cao, xây bằng đá xám trông như một pháo đài kiên cố.
Đó là nơi Lan mỗi buổi sáng đi học đều đạp xe ngang qua, con đường sạch sẽ, rộng và quang đãng nhất thành phố, những ngày nghỉ học các cô nữ sinh, thường dựa xe trên vỉa hè trèo lên những bực cấp đứng chụp hình, phơi nắng, rồi từ đó ríu rít đi tới nhà Bác Cổ, ra bờ sông, băng ngược lên nhà hát lớn thành phố, vào mùa sấu trổ bông, hoa sấu rơi lấm tấm trên mặt đường, hoa sấu nhỏ màu ngà pha lẫn màu cẩm thạch, thơm mùi thơm của trái nhiều hơn hoa, cái mùi thơm rơn rớt chua, vào mùa sấu chín, những trái sấu chín vàng biến dần sang màu hồng đỏ lốm đốm những vết thâm, đó là lúc tất cả hương hoa và chất chua đã biến thành chất ngọt và rụng trên mặt đường, các cô học trò đi qua có thể ngừng xe xuống, nhặt bỏ trong cặp, mang vào lớp học.
Những chiếc áo tím, những tiếng cười trong trẻo của các thiếu nữ vui đùa với nhau, dường như được cái êm ả của sớm mai, sớm mai mà cái lạnh đã làm cho không khí trong hơn, giọng cười như những mũi nhọn xuyên thẳng vào quảng không mềm dịu, và sương mai cùng với mặt trời vừa tẩm lạnh vừa hơ khô, những tiếng cười dường như đang tan biến thành những giọt ánh sáng bay loang loáng trên mặt bóng của các đám lá trên lưng chừng các hàng cây, và trong những cơn mê hoặc, những thời khắc lạ lùng mà chỉ sống ở Hà Nội người ta mới thấy được những phút mà sự mùa màng và thời tiết đã ảnh hưởng nặng nề đến cảm giác và thần trí, người ta bỗng như nghe thấy cả mùa thu cười nói, lớn lên, nồng nàn, óng chuốt cái óng chuốt của những sợi lông măng trên những trái mơ, căng đầy thứ nước ngọt dưới lớp da mỏng của những trái nhót chín trên nhữn cây lúc lắc, những trái lúc lắc xanh đang bắt đầu cong lên và khô đen lại, nhưng màu đen phần lớn chỉ mới lan hết phân nửa trái, nửa kia vẫn còn giữ nguyên màu xanh, đó cũng là dấu hiệu mùa thu chưa già, cái nắng rực rỡ mau chóng làm khô không khí, làm cho hơi thở nhẹ hơn, những tia nắng chiếu lọt qua đám lá sồi to bản bắt đầu loang trên các lối đi trên công viên, tiếng hắc tiêu nghe gắt hơn, và các khán giả ngồi nghe buổi hòa nhạc cuối cùng, đã cảm thấy hơi nắng thấm vào trong ngực đang dần dà làm cho ấm.
… Hồ Gươm vào những ngày nắng ấm, vào mùa xuân hay mùa hè trông giống như trái tim của Hà Nội, lao xao những đợt sóng xanh biếc, nhịp máu rộn ràng đập theo cơn vui hay ít nhất không vướng chút phiền muộn của thành phố. Về mùa thu, hồ lại giống như con mắt buồn bã, và mùa đông đôi khi mặt trời in bóng của bầu trời sáng lạn một cách khác thường, hồ như nước mắt còn sót của bao thế hệ điêu linh và hùng tráng, lúc nào cũng long lanh, cũng còn không ngừng xúc động.
Cũng có hôm mặt hồ phẳng lặng như một tờ giấy, cả đến những con cá nhỏ cũng lặn đâu mất, mùa đông lạnh cóng dường muốn làm cho khối nước đông lại thành một cái hồ bằng cẩm thạch. Cả hồ, cả người, cả thành phố thở chung một sự giá buốt, mặt trời có khi cả ngày không thấy bóng. Các đám mây mang nặng những trận mưa rào, những trận mưa trút xuống như thác lũ, nhưng trận mưa không thể rơi xuống vì lạnh, những buổi chiều gió và sự băng giá đã làm cho khô se da mặt dù không có một chút nắng và mọi vật cứ tưởng tượng thì dường như có vẻ ẩm ướt, mà thực vậy, mọi người đều thở ra khói ở miệng, người ta có cảm tưởng những đám khói do mình thở ra đó sẽ biến thành hơi nước bám trên mặt nhưng sờ tay chỉ thấy sự giá lạnh khô khan.
… Tiếng gót giày vang dưới các mái hiên phút chốc như dội lại trong lòng người một nỗi bồi hồi. Những tiếng động nhỏ ấy, những hương vị mờ nhạt ngửi thấy, cây cối trong mùa mưa, phấn hương của người quen thuộc, những món ăn, thức uống, những câu thơ, những bài hát, Hà Nội giống như một cái chuông và những tiếng kêu ấy là những cách khua động, người ta tự gõ vào trí tưởng mình, tự xé lòng mình, để nhẹ bớt nỗi nhớ mong, ám ảnh của Hà Nội, Hà Nội đã biến thành khuôn mặt người tình đầu tiên, khi người ta ghé môi hôn thì cũng là lúc cái hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm khảm. Những khu phố dịu dàng dưới sương đêm, sáng cái ánh sáng của vầng trăng lúc nào cũng giống như, trăng khi còn thơ ấu, và những cơn gió nhẹ thổi trên các lối đi, thổi lên các cành cây, chẳng khác những hơi thở nồng nàn tình ái, người ta không thể biết rõ cái vẻ dịu dàng của Hà Nội được tẩm đẫm nhan sắc, dáng vẻ của những người đàn bà, những cô gái Hà Nội, hay chính những người này thừa hưởng cái không khí êm đềm đó, những trận gió mang đầy hơi phù sa của sông Hồng, mùi cỏ của con đê Yên Phụ, mùi rượu ngang, rêu phong của những mái nhà cũ kỹ, của những bức tường thành của ngày Hà Nội bị xâm chiếm xa xưa, của các xưởng máy, của hoa đào, hoa sấu, sắc đỏ của những bông gạo vừa tàn rụng hết trong ngày hè với muôn ngàn tiếng chim kêu hót, tất cả dường như đã tan biến trong mùa thu vừa khởi đầu thành những màn sương mỗi ngày thêm dày đặc, những lớp sương nối liền hơi thở của những người tình, những lớp sương đang dần dà biến thành làn sương mù của mùa đông sắp tới, những làn sương che kín các khu phố, mà sớm mai cùng đi trên một vỉa hè người ta có thể không nhìn rõ mặt nhau, và những đám sương có vẻ như không còn là những đám sương nữa mà đã trở thành một cơn mộng vây lấy mọi người, mùa màng đã biến đổi thời tiết, thời tiết đã biến đổi nhan sắc, tâm tính con người, trong cái lạnh lẽo người ta ao ước được gần nhau hơn, người ta cưới nhau vào mùa thu và mùa đông đến là vừa ấm áp, lớp sương che kín cả con sông rộng lớn, phải đợi đến chín giờ, mười giờ, mặt trời mới làm tan đi được, và màu sắc thật của mọi vật mới hiện ra, những viên ngói đỏ tươi, những đóa hoa, lá cỏ, lá cây trong cái ánh nắng của mặt trời chói lòa tưởng như muôn ngàn con mắt vừa bừng mở ngó nhau, và ánh sáng, và những cơn gió thổi qua giống như những nụ cười rạng rỡ …
(trích ÁO MƠ PHAI_NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG X.B)
VŨ BẰNG
Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống trèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát hữu tình của cô gái đẹp như thơ mộng …
Người yêu cảnh, vào những đất trời mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu, mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái nhớ nhung và không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống !
Anh có thể đạp cỏ trên Hồ Gươm, đợi đến sâm sẩm tối ra ngồi ở Thủy Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên mặc áo nhung, áo len trăm màu ngàn sắc, in bóng hình dưới đáy nước lung linh, anh có thể vào nhà hát thưởng vài khẩu trống, “mở quả mứt” phong bao cho các chị em, rồi uống với mỗi em một ly rượu “lấy may”; anh có thể đi vào một ngôi chùa khói nhang nghi ngút, đưa mắt nhìn xem có cô nào thực xinh thì quỳ ngay xuống bên cạnh cầu trời khấn Phật cho cô càng ngày càng đẹp và trong năm lấy được người chồng xứng ý như … anh vậy.
Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi nó làm cho người tu muốn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên không nhịn được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lực của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trổi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.
Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ thêm ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá. Lúc ấy đường xá không còn lầy lội nữa, mà cái rét ngọt ngào, chứ không còn tê buốt căm căm nữa.
Y như những con vật thu mình một nơi trốn rét, thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra nhẩy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thật sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.
Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ thánh, bàn thờ tổ tiên, làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra giàng mở hội liên hoan.
Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu – của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng. Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại nức một mùi hương man mác.
Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vật xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lý, con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sóng hồng hồng rung động như cánh con ve sầu mới lột.
… Ờ, cứ vào dạo này đây, ở Bắc người ta đi lễ vui đáo để. Chiều chiều, đứng ở nhà Khai Trí Tiến Đức nhìn lên cầu Thê Húc sơn đỏ ở giữa đám cây xanh đông đảo, những người đi lễ trong ngôi đền Ngọc Sơn trắng toát, anh cảm thấy có những lúc nước lộn lên trời, trời rơi xuống đất khi nhìn những bóng người hiện ra huyền ảo ở dưới những làn nước xanh mơ.
Qua ngõ Hồ là đến Hàng Trống có tiếng là “hương ngát của trời”; quá ra đến Hàng Hài là đền Quan Phước, ai mất người, mất của đến cầu xin thì thấy; từ đó ngược lên ra lối tòa án là chùa Quán Sứ – Ờ, chắc bây giờ mấy cây thông bách tán ở trước chùa đã lớn lắm rồi đấy nhỉ ! Thế rồi là chùa Dâu, chùa Kim Cổ, đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc thờ ông thánh Đồng đen, chùa Bà Đá, chùa Liên … Trời ! biết bao là chùa đẹp, biết bao nhiêu là cảnh nên thơ, biết bao nhiêu người đi lễ cầu con, cầu của !
(trích THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI – NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG X.B)
THẠCH LAM
Kể về các thứ quà mặn, thì Hà Nội có nhiều : nào bún riêu, bún chả, thang cuốn, nem chua, nào miến lươn và bún ốc. Mỗi thứ, tất nhiên có một vị riêng, và cả đến mỗi hàng, lại cũng có cái ngon riêng.
Tôi thích nhất cô hàng bún ốc; không phải vì món hàng cô tôi thích ăn – xin thú thực rằng tôi sợ các bác ốc lắm – nhưng vì tôi thích nhìn người ta ăn, vì nghĩ thức quà của cô là cái điểm không thể thiếu được của một cảnh bình dân hoạt động trong cái ngõ con và trên các bờ hè. Người ta xúm lại ăn quà bún ốc một cách mới ngon lành làm sao ! Có ai buổi trưa vắng hay buổi chiều đêm khuya, đi qua các nhà cô đầu, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không ? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm soa suýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình.
Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay, là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành chính cô sinh thèm. Ấy có lúc cô thú thực với tôi như thế.
Cùng họ nhà bún, riêu cua và thang cuốn vốn là quà sở trường của các bà. (Mà nghiệm ra cái triết lý sâu sắc này : thứ quà nào bán cho các bà bao giờ cũng đắt hàng, vì hai lẽ : một là vì các bà nội trợ bao giờ cũng sẵn tiền, hai là các bà ăn quà đã thành tục ngữ, ca dao). Lạ có một điều : nhà mình làm lấy, dù bà vợ khéo tay đến đâu, ăn cũng không thấy ngon bằng mua của hàng rong, nhất là hai thứ thang và riêu. Tại sao vậy ? Có ai tìm ra cái triết lý thứ ba không ?
Miến lươn là thứ quà ăn bổ âm, nhiều người bảo thế. Đàn ông thì không tin, nhưng đàn bà thì dễ tin lắm. Thế cho nên đã thấy nhiều ông chồng không thích ăn lươn mà vẫn bị các bà vợ ép cho ăn dù tiền các bà ấy trả lấy. Tình nghĩa đằm thắm của vợ chồng, đôi khi có thể lấy nhiều ít miến lươn mà đo được.
Ấy, suýt nữa đi khỏi các thứ quà cốt bún, mà tôi quên nói đến thứ quà bún quan trọng và đặc điểm nhất của Hà Nội ba mươi sáu phố phường : đó là thức quà bún chả.
Phải, cái thức quà tầm thường đó, sáu tỉnh đường trong, bốn tỉnh đường ngoài, chẳng có đâu ngon bằng kinh đô. Ai cũng phải công nhận như thế, hay ít ra những người sành thưởng thức. Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói, ô lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đọc hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả.
Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không ?
à cảm hứng thế là chí phải. Khi ngồi cuối chiều gió, đói bụng mà đón lấy cái khói chả thơm, thì ngài dễ thành thi sĩ lắm. Khói lam cuộn như sương mờ ở sườn núi, giọt mỡ chả xèo trên than hồng như một tiếng thở dài, và tiếng quạt khẽ đập như cành cây rung động, quà bún chả có nhiều cái quyến rũ đáng gọi là mê hồn, nếu không gọi là mê bụng.
Những thứ rất là tầm thường, rất là giản dị mà đi gần nhau sao lại sinh ra được mùi vị riêng như thế ? Ai là người đầu tiên đẻ ra bún chả ? Người đó đáng được ta nhớ ơn và kính trọng ngang, hay là hơn với người tạo tác phẩm văn chương… Có lẽ người kia còn làm ích cho nhân loại hơn là người này nữa. Tiếc thay tên người tài tử đó thất truyền, để không kê liệt vào cái sổ vàng của những danh nhân “thực vi đạo”.
Thứ bún để ăn bún chả, sợi mảnh và cuộn từng lá mỏng, khác với các thứ bún thường. Chả phải có thịt ba chỉ, mà phải dùng cặp tre tươi nướng mới ngon. Quái, sao cái nước chấm của các hàng bún chả ngon thế ! Có lẽ vì họ dùng nước mắm hạng vừa, nghĩa là không mặn, pha với dấm hạng vừa, nghĩa là không quá chua, cho nên thành ngon chăng ? Nước chấm ấy mà điểm thêm mấy giọt chanh vào thì tuyệt : có thể thấm nhuần được cả bún lẫn rau, cả chả mà không mặn, không gắt như nước chấm ở nhà.
Nhưng bún chả Hà Nội đặc biệt có lẽ vì cái rau húng Láng. Vì chỉ có rau húng ở Láng là có mùi vị húng, đem trồng chỗ đất khác, sớm chậm rồi cũng đổi ra mùi bạc hà – (Viết đến đây tôi lại nhớ đến bác Tú Mỡ thường mời bạn hữu ăn và thường khoe là mình ẩn dật trong rừng húng) … Thế cho nên bún chả thì phải là bún chả Hà Nội mới đủ vị cho người thưởng thức và phải là bà bún chả xưa vẫn ngồi trước đền Bạch Mã, hàng Buồm mới là bán hàng ngon. (Tất nhiên còn nhiều các hàng khác ở phố khác cũng ngon không kém, nhưng tiếng tăm chưa nổi đó thôi).
Tôi đã toan chấm hết cái bài nói về quà bún, thì một bà – hẳn cũng là một người sành ăn – đến trách rằng : anh nói đến quà bún mà quên không nói đến quà bún bung thì hẳn là một sự bất công. Vì bún bung là một thứ quà ngon lắm, mà lại là một thứ quà rất An Nam.
Tôi biểu đồng tình và vội vã bổ vào chỗ khuyết điểm ấy để khỏi phụ lòng những bà sành ăn bún, và để khỏi phụ công cô hàng xóm gánh nồi bún nóng đi ra khắp phố phường. Tôi còn nhớ rõ trên đầu lưỡi, tê như một lượt rùng mình nhẹ, cái vị đậm ngọt và hơi ngứa ngứa của những miếng dọc sơn hà. Cái thứ rau này, sao mà khéo đi với bún thế, tựa như trời sinh ra để nấu bún, và cái hòa hợp dịu dàng không ở đâu là không có, trong một tác phẩm văn chương cũng như trong một nồi bún nấu khéo.
Cây sơn hà (cây mùng) vốn là một giống tựa như cây khoai mà lá to, củ thì nhỏ và tròn như quả trứng, luộc lên ăn cũng ngon. Dọc cây, người ta tước vỏ và chẻ nhỏ, nấu kỹ cho rõ nhừ. Một vài miếng mẫu đầu sườn nấu để lấy nước ngọt, một ít nghệ để nhuộm các thức ăn ấy một màu vàng của dáng chiều những ngày mùa hạ. Thêm dăm quả cà chua đỏ, một vài miếng đu đủ xắt xuông, màu trong mỡ như ngọc quý. Chừng ấy thứ mà có sợi bún trắng vắt qua như cái giây liên lạc những thức thực xa nhau, mà vì sự sành ăn của loài người bỗng chợt trở nên gần gũi. Thế là bát bún bung không biết bao nhiêu vị điểm lẫn cho nhau như các tiếng của một bản đàn. Nếu ngài lại thích ăn cay nữa, thì mấy lát quả ớt chỉ thiên, đủ khiến cho vị quà thêm cái nóng rực rỡ và thẳm màu của những gia vị lạ nơi Ấn Độ.
Lại có một vị khác hẳn ấy là hai thứ bún sườn và canh bún. Bún sườn thì hiền lành thôi, vẻ sắc xảo chẳng có gì. Cứ quý hồ nước cho ngọt, bún cho dẻo là được rồi. Người ta ăn bún sườn cũng như đọc những tiểu thuyết ngon ngọt, thích thôi chứ không ham mê. Không có người ghét nhưng cũng như không có người tha thiết quá. Cái gì cũng nửa chừng.
Canh bún thì đã cao hơn một bực : vì có rau cần, sánh và gắt, và nhất là có cá rô con, lạng từng miếng một, cũng có nơi nấu với cải, nhưng không ngon bằng. Thịt rô ấy đem lại cho thức ăn một vị đậm khác thường, không hiền lành, bởi vì chỉ ngon trong một độ nào đó, khiến người ăn có cái cảm tưởng đi gần một vị ghê lợm ở đầu này và ở đầu kia, và bởi thế, càng khiến cho thức quà thêm ngon hơn, có cái ngon của sự chênh vênh lo sợ … Thực vậy, canh bún để nguội thì tanh mà đun nóng quá thì nồng. Ấy bún chỉ ngon lúc nóng vừa độ miệng ăn vừa suýt soa. Và người ta cho hồ tiêu vào, để thêm cái cay nóng có mực thước.
(trích HÀ NỘI BA MƯƠI SÁU PHỐ PHƯỜNG_ĐỜI NAY X.B)
DẠ HỘI
ĐINH HÙNG
Đèn quanh Thủy Tạ, hội đêm hè,
Em đến phương nào ? Đây ngựa xe
Đáy nước hoa chìm, giăng ẩn hiện
Thơ phòng khánh tiết, nhạc Schubert
Mời các cô em trang điểm vào
Má hồng gợn chút mới thanh tao
Thuyền thơ anh đợi nghiêng tình tứ
Nghìn chiếc hôn bay, thoảng phấn đào.
Khiêu vũ đêm nay, mộng trá hình,
Trong vườn Quên Lãng, áo ai xanh ?
Lòng ai hóa bướm phù tang nhỉ !
Ta chọn nhầm hoa, lẫn Ái Tình.
Tha thướt trời Tây gái đẹp về,
Phương này ta hẹn với Tây Thi.
Thẹn đâu trinh bạch bàn tay phấn ?
Tuyết nguyệt dài chăng, phải đợi kỳ ?
Tuổi hạc giăng tròn em vẫn si,
Lẳng lơ, ai nép mặt hoa quỳ ?
Phượng Liên nàng ấy điên vì mộng,
Lạc gió thần tiên, kịch Shakebseare …
(ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ_NAM CHI X.B)
TÂM SỰ PHỐ PHƯỜNG
VŨ HOÀNG CHƯƠNG
Tâm sự chìm sâu bụi phố phường
Nghẹn ngào hơi thở lớp tang thương
Hỡi ơi ! Hà Nội bao đêm trắng
Từng đón lòng ta mỗi ngả đường.
Vì ta nghe thấu vào hơi thở
Nhìn thấu vào tâm sự bốn phương
Tiềm thức đêm đêm trời rộng mở
Ta chờ linh cảm ý quê hương
Không gian từng kết hình trong mộng
Và sắc thời gian ở chiếu giường
Sông núi xa xưa về hiên bóng
Hồn say ta vượt hết biên cương.
Lẽ đâu và nỡ nào ta để
Cổ quận riêng mình xót nhiểu nhương
Trận gió ghê tanh mùi chiến địa
Thành mây rợn đỏ máu tà dương
Hồ gươm đáy sóng rùa chân tháp !
Ta hiểu rồi, ngươi, nỗi đoạn trường !
Gió lại còn tanh mùi phấn sáp
Và mây còn đỏ máu hiền lương
Ngõ cụt nào kia trăng lạnh lắm ?
Ngả ba này nữa sám màu sương !
Thanh bình cõi ấy xa nghìn dặm
Gạch ngói nằm rên rỉ vết thương
Từng con mắt gỗ hoen dòng lệ
Tiếng khóc thầm dâng mỗi nách tường
Đá cũng nhàu gan bia tiến sĩ
Cây vườn bách thảo tóc pha hương
Chợt tiếng ai gào muôn điệp khúc
Tự hồ Tây lại Đống Đa sang
Cầu Long Biên với Cầu Thê Húc
Bền sắt tươi son hẹn đá vàng
Tâm sự bấy lâu đà cởi mở :
Thanh bình không phải giấc mơ xuông !
Đêm nay Hà Nội đằm hơi thở
Vào nhịp cười say một gã cuồng.
THANH TÂM TUYỀN
Mùa xuân còn mới nguyên, thành phố có vẻ thay đổi nhiều. Không hiểu vì mấy tháng Đồng mới lên đến phố hay dư âm của mấy ngày tết còn lại. Mưa bụi bám trên áo, Đồng bỏ tay trong túi quần đi lẫn với đám đông trên vỉa hè. Lẫn trong những màu áo phụ nữ và y phục tề chỉnh của thanh niên, Đồng khám phá những gương mặt ngớ ngẩn với quần áo cũ kỹ, những màu nâu quê mùa lạc lỏng của những người mới hồi cư. Những nhà đổ nát hai ba năm trước đã biến mất từ lúc nào, thành phố đông hơn đang cố gắng xóa mờ dấu vết chiến tranh. Đồng hút lại thuốc lá sau mấy tháng kiêng cử, hơi thuốc nồng đậm. Đồng nghĩ đến một người để chuyện trò, một người để có thể mình ngồi im nghe tiếng nói. Có ai không ? Trên bảng dán báo của phòng thông tin, Đồng nhìn thấy ảnh ông bố nga trong một buổi lễ. Souvenic Souvenir que me veux tu ? Giọng âm thầm trong cơn say của Thạch. Người ta đứng cạnh thúc vào mạng sườn Đồng rồi nhe răng ra cười. “Không nhớ tôi à ? Nhai đây ?”. Đồng nhìn khuôn mặt dài, cặp mắt nhỏ hơi lác chỉ nhớ mang máng. “Quên hả ? Học cùng với nhau ở Sinh từ. Nhớ thằng Thạch không ?” Đồng gật đầu. Nhai nói huyên thuyên, mừng rỡ rủ Đồng về nhà chơi. Nhai hỏi có gặp Thạch không. Đồng nói gọn : nó bị động viên. Còn cậu ? Inapte définitif. Nhai cười hềnh hệch xấu xí : cũng như tôi. Nhai dẫn Đồng về phố hàng Bè, đi vào một cửa hiệu bán sơn ta, những thúng chum màu đen, màu sơn nâu đỏ đặc quánh – lên gác. Gia đình Nhai đông người, gian gác bề bộn chật chội, mới hồi cư đầu năm ngoái, Nhai đang học rút để bắt kịp những năm chậm trễ. “Cậu học đến đâu rồi ?”. “Văn khoa” Nhai đưa Đồng ra đứng ngoài ban công, trông xuống phố chỉ khoe với Đồng những nhà hàng xóm có con gái đẹp. “Đến chơi với tớ luôn tớ giới thiệu cho …” Xế cửa là một lớp học tư tấp nập suốt ngày nhiều nữ sinh. “Phố này tập trung nhiều hoa khôi ở Hà Nội”. Đồng tựa tay vào lan can, nhìn được suốt phố vào giờ vắng vẻ. “Nếu gặp Thạch rủ nó đến chơi với tớ … “ Đời sống với Thạch hiện tại đã quá cách xa cái đời sống của Nhai. Chúng ta chỉ có chung một vài kỷ niệm của thời ấu thơ mà thôi – ngay với tôi cũng vậy, có lẽ tôi cũng đã mất hẳn đứa bạn thân nhất. “Tớ định ra thư viện học cho tỉnh lại gặp cậu … “ Đồng cười nghĩ đến, thật đã xa xôi thời bốn đứa gặp gỡ hằng ngày tại phòng đọc sách. Òu sontles neiges d’antan ? quá khứ rất gần bị đẩy lui thành dĩ vãng, tôi phóng đi trong thời gian và tưởng như sắp đến ngày cuối.
(trích ƯNG THY)
HÀ NỘI ƠI !
NHẤT TUẤN
Lần cuối cùng tôi giã từ Hà Nội
Buổi đi chơi hôm đó … bỗng dưng buồn
Chiều mùa thu mây đầu núi dâng lên
Trông thấp thoáng những hình thù vô nghĩa
Gió hồ Tây chạy trên hàng phượng vỹ
Nghe u trầm như tiếng nhạc xa xôi
Nhìn nhấp nhô trên nước cụm bèo trôi
Theo lớp sóng nghiêng mình phơi nắng biếc
Tôi sợ rằng giã từ là vĩnh biệt
Rồi bao giờ mới gặp lại Thăng Long ? …
Bao năm qua tôi vẫn cứ chờ mong
Ngày trở lại nẻo đường thành phố cũ
Ở miền Nam … có nhiều đêm không ngủ
Nhớ vô cùng … Hà Nội của ngày xưa !
Đường Cổ Ngư còn những cảnh nên thơ
Hồ Tháp Bút nước xanh hay ngả đục ?
Những nẻo phố xưa có còn tấp nập
Trường Trưng Vương còn vạt áo lam bay
Sáng mùa xuân chim có hót trên cây
Phượng vĩ vẫn nở đều khi hạ tới ?
Và mùa thu (những chiều mưa phơi phới
Những chiều mưa … Hà Nội có còn mưa ?)
Để từng đêm trong giấc ngủ say sưa
Chợt tỉnh dậy khi đông về lạnh lẽo
Nghe gió sông Hồng bay từ muôn nẻo
Nghe sóng sông Hồng tấu khúc nhạc thơ
Và sáng ra, khi chậm bước quanh hồ
Thấy Hà Nội bỗng nhiên thêm rực rỡ
Vì màu áo của những người dạo phố
Len xanh … rồi dạ tím … với nhung hồng
Hà Nội ơi ! Hà Nội có buồn không
Khi thấy mất những người quen thuộc trước.
Hà Nội ơi ! ta vẫn còn nguyện ước
Một ngày mai về giải phóng kinh thành
Ta sẽ đi tìm một khoảng trời xanh
Một góc phố buồn với tàn cây kỷ niệm
Ta sẽ đi trên những con đường mà ta hằng nhớ đến
Và soi gương trên mặt nước Hồ Gươm
Để lòng ta rào rạt những tình thương
Hà Nội nhé … chờ ta về giải phóng.
NHỮNG MÙA HÈ HÀ NỘI
Bây giờ là mùa hạ
Hoa phượng đỏ một trời
Gợi cho anh kỷ niệm
Của quãng ngày xa xôi
Ngày ấy hai đứa mình
Còn ở ngoài Hà Nội
Ngày ấy em và anh
Tan học về chung lối
Con đường Phan Bội Châu
Đầy lá me, lá sấu
Nắng thêu hoa trên đầu
Bướm vẽ vòng bên dậu
Những buổi chiều Cổ Ngư
Mình sóng đôi bẽn lẽn
Rồi ngồi nhìn vẩn vơ
Từng cánh buồm chuyển bến
Bóng tối dìm xuống hồ
Một trời sao lấp lánh
Nhạc gió êm như thơ
Tan trong làn sương lạnh
Những mùa hè Hà Nội
Của anh và của em
Bao nhiêu là kỷ niệm
Ôi dĩ vãng thần tiên
Bây giờ là mùa hạ
Mười chín năm qua rồi
Bắc Nam chia đôi ngả
Mỗi đứa một hướng trời
Rưng rưng anh nhớ lại
Những mùa hè xa xôi
(TRUYỆN CHÚNG MÌNH)
NHỚ VỀ HÀ NỘI
TRẦN QUỐC LỊCH
Gió thu về mặt Hồ Gươm gợn sóng
Nhìn liễu xanh em có thấy xôn xao
Vẫn vầng trăng của mười mấy năm nào
Em có thấy đáng anh buồn trong đó.
Đê Yên Phụ im lìm bên Bác Cổ
Đường Cổ Ngư còn lộng gió hồ Tây
Đền Voi Phục đâu còn ngày chủ nhật
Của mùa xuân hái lộc má hây hây
Đường Ngọc Hà còn người lên Bách Thảo
Cầu Long Biên xe lửa có còn qua
Ngọc Sơn xuân về còn ai xin thẻ
Còn cụ già viết liễn cạnh cây đa
Rồi đông sang em có còn đan áo
Gởi cho anh như thuở mới yêu nhau
Và giấc mơ làm chú rể cô dâu
Còn ấp ủ hay đã thành thiếu phụ.
Phố Bạch Mai con đường tàu điện cũ ?
Qua chợ Hôm, phố Huế đến hàng Khay
Dạo quanh hồ qua hàng Trống hàng Gai
Em có thấy chợ Đồng Xuân còn họp
Chu Văn An ngày nay còn tấp nập
Và Trưng Vương, Nguyễn Trãi với Hàn Thuyên
Chuông đổ hồi khai thánh lễ nửa đêm
Ai đi lễ nơi nhà thờ Dũng Lạc
Ôi thương nhớ biết làm sao nói được
Em của anh và Hà Nội ngày xưa
Chiều hôm nay khi nghe gió sang mùa
Xin cầu nguyện cho chúng mình gặp lại.
NGUYỄN MẠNH CÔN
Hà Nội ! Tôi muốn hiểu tại sao, mỗi khi nhắc đến Hà Nội, từ đâu đó trong tim tôi lại dâng lên mối hoài cảm man mác. Nói rằng tiếc, rằng thương, chưa chắc đã đúng bao nhiêu. Vì tuổi trẻ của tôi tuy có đẹp, vì tuổi trẻ ấy đã mất rồi – tôi cũng không muốn dối lòng rằng quá khứ thanh niên ấy chẳng có gì đáng được gọi là tươi tốt. Còn nói rằng Hà Nội mang nhiều kỷ niệm yêu thương, nên cứ mỗi lúc nghĩ đón người xưa, thì tất nhiên kẻ vong tình đến đâu cũng phải bùi ngùi se sắt … nếu nói thế, tôi thiết tưởng cũng không đúng bao nhiêu. Vì thật sư tôi đã suốt đời thèm khát mà không được yêu – nghĩa là yêu được một tâm hồn hay thân thể diễm kiều nào.
Nói như thế nghĩa là tôi rất ít kỷ niệm làm cho tôi rung động về đô thành Hà Nội. Nhưng tôi vẫn không sao ngăn chặn được cái cảm giác bồi hồi khó tả của một người đang lúc phân vân : nửa muốn gặp để thỏa tình ao ước, nửa muốn không, vì một niềm suy tư tàn nhẫn. Rằng bao nhiêu tình cảm là bấy nhiêu bị lừa. Tình cảm là một thói quen thống trị, một sự man trá khổng lồ. Nếu người ta hỏi từ thuở lớn lên mà không nghe nói, không đọc sách nói về thương yêu, thì bạn hay tôi liệu có tự gán cho mình cái bổn phận phải phục tùng chế độ, hay tự huyễn hoặc chính mình về một thứ si mê hoàn toàn nhục thể hay không ? Tôi có cảm tưởng như đã có lúc tôi tin theo một lời nói vô tình. Nhưng chỉ trong một khoảng tháng năm ngắn ngủi mà thôi : tôi không cãi được, nhưng tôi cũng không thể nhìn ngược đường đi, đoạn ngắn nhất cũng không thiếu gì bằng chứng …
Tôi muốn thật với tâm tôi. Vả lại thà không biết không sao, còn đã trót biết, tôi cam nhận trả lời. Quê hương tôi kia ! Tổ quốc tôi đây ! Hà Nội phải chăng là biểu tượng của một tự ái nghèo nàn, ở những kẻ hẹp hòi ích kỷ ? Vì đáng lẽ hôm nay tôi phải ghét bỏ, thâm thù Hà Nội. Vì đã hơn mười năm rồi mà Hà Nội chẳng hề nổi loạn. Thủ đô của quê hương đã chấp nhận kỷ luật, đã hòa theo kẻ thắng trận rồi sao ?
Tôi không biết, vả có biết cũng thiếu dữ kiện đáng tin, vả có dữ kiện đáng tin cũng phải nhận ngay trong tâm tư của tôi cũng có nhiều thay đổi. Giá được về Hà Nội hôm nay, tôi đã chắc gì tìm thấy những xúc động mà tôi chờ đợi ?
Một lô câu hỏi về Hà Nội tương tự như nhau. Tôi không còn được yên ăn, yên ngủ. Tôi phải cố trả lời. Để ít nhất cũng được yên tâm. Cái đáng xấu hổ trong con người không phải là sự sai lầm hay bị đánh lừa nơi tình cảm. Tôi chỉ sợ một điều, là đã biết rồi mà không dám nói. Hà Nội ! Hà Nội ! có thật không, “mi có một linh quấn quít lấy hồn ta và bắt nó phải thương yêu quí mến”.
(NHỚ VỀ HÀ NỘI_VĂN 42)
DƯƠNG NGHIỂM MẬU
Em hỏi anh : Tại sao viết văn gì mà toàn những chuyện ở đâu mãi ngoài Hà Nội, trong này không có chuyện gì để viết sao ? Hồi ấy còn em anh đã nói : vì anh yêu em như yêu Hà Nội. Câu nói đùa cợt ấy ngờ đâu lại là sự thật của tâm khảm anh. Có thể nói khác, vì Hà Nội ám ảnh anh, cũng như hình ảnh em những ngày tháng này. Những ám ảnh mang một tâm trạng luyến tiếc nhớ mong lây lất trong cùng tận tâm não. Một ý nảy ra trong óc; một câu chuyện xuất hiện, ngồi vào bàn viết thì cùng một lúc những hình ảnh cũ của cuộc sống cũng sáng theo, xứ là thành phố cũ thành nơi sinh sống, một căn nhà làm nơi trú ngụ và những đường phố hàng Đào, hàng Than, Ô Yên Phụ nhân vật phải đi qua. Cũng như một nhân vật con gái trước mặt, thì hình ảnh em hiện lên cho anh tô vẽ nét đậm đà, vẻ buồn bã hay dáng tung tăng. Ở quanh đây những chuyện vẫn xảy ra, vẫn có những người con gái khác, nhưng Hà Nội và em đã ngự trị trong anh, xua đuổi, tràn ngập những khung cảnh mới, những khuôn mặt lạ. Sự ngự trị nhiều khi anh tưởng không còn hay đã cố đánh bạt, nó vẫn xuất hiện ngang nhiên không sao kềm hãm được, nó thấp thoáng ẩn hiện khi nhiều khi ít. Có ai dám chắc rằng mình đã hoàn toàn quên lãng được quá khứ ? Có nhà văn nào tự cho trong tác phẩm của mình không hề cho nhân vật mượn cuộc sống, kỷ niệm của mình trải qua ?
(trích QUYÊN, DĨ VÃNG HÀ NỘI VĂN 42)
HỒ HỮU TƯỜNG
Thế là chúng tôi về Hà Nội, Khuê đưa tôi vào một căn phố ở hẻm Sinh Từ, cả ngày không có ai lai vãng, đến quá khuya mới có người vẻ lật đật thay đồ ngủ, để sớm lại đi. Ở lâu, tôi mới biết người ấy là Phạm Ngọc Khôi, vừa làm công chức, vừa là đạo diễn cho một ban ca kịch, nên mới đi sớm về khuya và cả tháng chưa nói với tôi một câu. Mỗi ngày hai lượt, tôi đi độ dăm mươi thước theo phố Sinh Từ, mà đến nhà họa sĩ Hoàng Tích Chù để ăn cơm. Thế là mỗi ngày bốn lượt tôi đếm bước trên con đường mà Tú Uyên gặp Giáng Kiều lần đầu.
Ngay bữa đầu, khi Khuê dắt tôi đi trên phố Sinh Từ, để cho biết nhà Hoàng Tích Chù, việc Tú Uyên gặp Giáng Kiều nơi này đã được nhắc lại. Và Khuê bí mật nói:
- Rồi đây anh sẽ gặp Giáng Kiều của anh.
(trích PHỐ SINH TỪ)
HÀ NỘI MỘT ÁNH LỬA ĐÃ TẮT
MAI THẢO
Thời kỳ tản cư ra khỏi thủ đô Hà Nội, bấy giờ là 46, toàn quốc kháng chiến lang thang suốt ba bốn năm liền ở mấy tỉnh phụ cận với năm cửa ô và ba mươi sáu phố phường là Sơn Tây, Hà Đông, Phủ Lý, buổi tối nào với tôi cũng có một khoảng thời gian nhỏ dành cho nhìn về Hà Nội. Đứng dưới một gốc cây, tôi trèo lên cành. Ở giữa một cánh đồng, tôi leo lên mặt đê. Một bụi tre làm cho khuất lấp? Tôi lần ra khỏi ngõ. Và như thế, đứng cái thế đứng chênh vênh trên một ụ đất, một gò đống, tôi mê mải ném tầm mắt cho bay qua một khoảng trống trải rộng nhìn về cái phía có một vùng ánh sáng lung linh hư ảo bốc lên. Trời của chiến thời mới khởi dấy hồi đó, đêm nào cũng tối đặc như trời ba mươi tết. Tiêu thổ lướt qua như một bóng rợp khổng lồ, tất cả những thị trấn đã nằm xuống thành bình địa. Duy Hà Nội còn đứng vững với những kiến trúc tiền chiến và tiền khởi nghĩa, duy Hà Nội còn ánh sáng, còn mái ngói, còn cửa sổ, hàng hiên và những ngọn điện đường. Cho nên, giữa một địa hình làng xóm tối đen hoa mắt, bên này một vòng đai trắng, mà đứng ở đâu, tôi cũng quy định phương hướng Hà Nội thật dễ dàng, bằng vùng hào quang của Hà Nội ở xa xa, vùng hào quang chập chờn, nghi ngút, như dấy bốc lên từ một miệng lò vĩ đại. Màu hồng của lửa ném lên khoảng không mịt mùng ở một góc trời, đó là cái ấn tượng, cái hình ảnh cuối cùng Hà Nội còn gửi đến cho tôi, tôi đã ở xa rồi, đêm tối vây quanh, nhưng tôi còn nhìn thấy lửa của Hà Nội, và lửa ấy đã cháy sáng trong hồn tôi thành một tình yêu lớn. Kẻ thức với đêm dài đến chán ngấy, đợi chờ một ánh nắng bình minh thấy cái đĩa mặt trời đỏ lửa hiển hiện, niềm vui có lẽ cũng chỉ ngang bằng với niềm vui mừng đầy xúc động của tôi, khi nhìn thấy vùng lửa xa của Hà Nội trong đêm. Suốt mấy năm đầu của một lưu động trường kỳ, tôi không rời được mấy khu vực kế cận với Hà Nội, tôi quẩn quanh với những hàng xóm Hồng Hà, tôi lưu luyến với những bãi bờ sông Đáy, nguyên nhân tình cảm sâu nặng kín thầm là ở đó, nơi tôi không rời xa một ánh lửa đêm, ánh lửa tạo cho tôi cái cảm giác Hà Nội còn gần, và phía lửa Hà Nội còn kia, tôi còn có thể một ngày trở về Hà Nội. Lửa của trời Hà Nội. Lửa hồng bên trên, Hà Nội dưới lửa. Lửa cháy thành năm ngọn, mỗi ngọn một cửa ô. Lửa đỏ ba mươi sáu tầng. Mỗi tầng một phường cũ. Nhìn thấy lửa Hà Nội xa xa chập chờn dấy bốc với tưởng tượng dẫn đường và hình dung phóng lớn, kết tụ từ một tổng hợp của áng sáng muôn nghìn thành một vùng lửa lớn, tôi đã thấy được Hà Nội, qua từng khu phố, từng con đường. Lửa kia là của những ánh điện thấp thoáng tơ liễu buông rũ bên bờ Hoàn Kiếm, phản chiếu lên từ mặt nước Hồ Gươm. Chỗ sáng rỡ nhất của hào quang ném thẳng lên trời kia, không thể khác hơn là khu trung tâm đông chật của Hà Nội, lửa nhiều như vậy là lửa của Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Đào. Những đường viền mờ nhạt hơn, lúc có, lúc không, lúc ngời lúc tắt kia là lửa ngoại ô, với những ngọn đèn cao trên đê Yên Phụ, những chụp bóng thấp lối vào Cổ Ngư. Và cái hàng dài như một cánh tay, lan xa thành một mũi tên vàng trong bóng tối kia, là dẫy lửa hai hàng lấp lánh chạy từ phố Huế chạy tới Bạch Mai, giữa leng keng tàu điện Kim Liên trong chuyến cuối cùng về Ô Đống Mác. Lửa Hà Nội nhìn xa như thế, mê đắm nghìn lần hơn khi Hà Nội nhìn gần. Trời cứ tối đặc ở ba phương. Riêng lửa một phương Hà Nội sáng. Nhiều đêm tôi không nhìn thấy vùng lửa ấy của Hà Nội. Đó là những buổi tối có sương mù, có mưa dăng, và trời hậu phương những đêm đó, đã không còn một quê hương nào cho tầm mắt nữa.
Rời xa Hà Nội thêm, thêm những cây số đường vào miền trong, thêm những cây số đường lên miền ngược, lửa Hà Nội bỏ lại bên kia những triền núi, và những cánh rừng, tôi không còn nhìn thấy. Nhưng đi xa thuở đó, tôi đã mang lửa Hà Nội lên đường. Trong mắt đã nhạt nhòa, mà đêm đêm nhớ về Hà Nội, lửa ba mươi sáu phố phường vẫn cháy sáng rực rỡ, một vùng trời lý tưởng. Hội lửa trong tôi về Hà Nội những năm đó chưa tắt. Còn bập bùng. Còn sáng rỡ. Những đêm đứng ở một đầu núi Thanh Hóa, những buổi tối đứng ở một lưng đèo Phú Thọ, xa cách với Hà Nội đã bằng một xa cách nghìn trùng, mà tầm mắt lữ thứ của tôi vẫn còn như sáng mãi vùng lửa ấy của địa hình Hà Nội trên trời Việt Nam đêm. Nói một cách khác, có thể là hết thấy, nhưng tôi vẫn nhìn về, nên Hà Nội vẫn sáng. Nói cho đúng hơn, lửa của Hà Nội đã có thể chỉ còn là thuần túy một ánh sáng tưởng tượng, nhưng tình yêu cũng lửa đỏ mà, tôi còn yêu, tôi còn lưu luyến, tôi còn gắn bó, nên giữa tối đen nào, Hà Nội vẫn sáng ngời, vẫn lấp lánh trong tôi. Rồi tôi trở về Hà Nội. Rồi tôi vào Nam. Và một đêm lửa Hà Nội không còn cháy nữa. Bấy giờ là vào khoảng ba bốn giờ sáng. Bốn giờ sáng của một ngày tháng bảy của năm Việt Nam mang tên là đứt rời hai miền. Chiếc máy bay bốn động cơ vừa cất cánh từ phi trường Gia Lâm. Nửa đêm về sáng của khởi hành kín đặc sương mù. Phi cơ vừa rời khỏi phi đạo, lũ cỏ bãi nơi phi trường đã nhạt nhòa thành một biển sương đặc quánh. Chiếc phi cơ lượn vượt qua Hồng Hà, nghiêng cánh từ bên này Gia Lâm hướng về bên kia Giá Nứa lượn một vòng trên Hà Nội. Trên máy bay ngó xuống dưới biển sao tháng bảy hằng hà lấp lánh chưa từng bao giờ tôi được thấy lửa của Hà Nội lại dày đặc, trập trùng, muôn vàn như vậy.
Mỗi ánh đèn của Hà Nội đêm đó là một điểm lân tinh. Muôn vàn lân tinh của Hà Nội đã hóa thân thành biển. Có điều là, cùng với cháy sáng đồng loạt của lửa mà từ trên cái đường kính của một nghiêng cánh vĩnh biệt, tôi đã đồng thời nhìn thấy trong cái cõi ba mươi sáu phố phường lấp lánh động ảnh phía dưới, từng ánh lân tinh của Hà Nội tàn dần. Đêm lên đường, cái hệ thống đèn lửa lỗ đỗ của Hà Nội đang dần dần khép mắt. Từng ngọn một. Từ Yên Phụ tới Kim Liên. Từ Quan Chưởng tới cầu Rền. Từ Mã Mây tới Bẩy Mẫu. Bay lên khỏi địa hình Hà Nội, mỗi đốm lửa Hà Nội, trong tâm tưởng đã rời đứt vĩnh viễn với thủ đô cũ ở nơi tôi, là một ánh tinh thể xuất thoát khỏi một tử thi đã lâm chung, đã ngừng thở. Khi người nữ chiêu đãi viên bảo tôi là máy bay lên cao, đã bay vào một đường thẳng, đang hướng về những vì sao phương Nam, tôi nhắm mắt lại. Đầu óc tôi phút đó tối đen. Với tôi, đêm đó lửa Hà Nội đã tắt. Tắt tới cái điểm le lói cuối cùng của lửa.
- – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - – - -
Phạm Huấn
GP Số 607 / PTUDV / PHBCNT / KSALP NGÀY 21-3-1973
Bản Đánh Máy thực hiện tại Biên Hòa tháng 7/2005 bởi Lê thị Khải Hoàn-Một ngày tại Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét