Nhà thơ Nguyễn Đình Chính
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-10-02
Nguyễn Đình Chính sinh năm 1946 tại Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi, và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga.
Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh bậc hai. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.
Nguyễn Đình Chính cũng viết hay làm những công tác khác trong lĩnh vực điện ảnh và kịch nghệ. Tác phẩm Rừng Lạnh của ông được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh; tác phẩm Người Trên Mặt Sông và Hòn Đảo chìm xuống không được duyệt và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.
Khắc khoải với tệ nạn xã hội
Ông làm khá nhiều thơ và dư luận chú ý nhiều đến thơ ông qua trang mạng hơn là tác phẩm in thông thường. Thơ Nguyễn Đình Chính chứa nhiều nhạc điệu trầm lắng hòa cùng tiếng vọng ngữ nghĩa luôn lung linh qua khung cửa mở rộng với thơ tự do. Bài thơ tình mang tên “Bài Ca Tình Yêu” có những chữ thật đẹp, cái đẹp làm người đọc bàng hoàng, ông viết:
chiều buồn như một lời xin lỗi
quán bia nhễ nhại bên đường.
anh ngồi hoá đá
nắng tháng mười hớt hải đi qua
Nét đẹp của chữ trong thơ Nguyễn Đình Chính không hề giả tạo, ông đặt chúng bên cạnh những khắc khoải mà dân tộc ông phải sống chung như sống chung với lũ, đó là nạn bia ôm. Ông nhìn tệ nạn này dưới cặp mắt tỉnh táo và thật thà đưa ra nhận xét:
em đấy ư
mắt thâm quầng mất ngủ
bàn tay thô ráp
tình cờ
mùi nước hoa rẻ tiền
em đấy
bật nút chai bia thứ nhất
chào nhau
làm quen
cái miệng cười lạ lùng
như hoa nở
ai tìm ai yêu nhau
tuyệt vọng săn lùng trái tim dính đạn
thế giới nghèo hèn vẫn đòi ta phải sống.
phải sống
phải thở
phải ăn và
phải yêu
ai đi tìm ai yêu nhau
nước mắt cô đơn mồ hôi cô đơn
máu rỏ cô đơn
trong ly bia sủi bọt
bật nút chai bia thứ hai
chia thật đều niềm vui ướt
về hai ngả
niềm vui gì
không biết
(hay không thèm biết)
chia thật đều nỗi đau ướt
về hai ngả
nỗi đau gì
không biết
(hay không thèm biết)
tâm hồn đói khát săn lùng
ảo giác tình yêu vô vọng
hoang đường và
ngu xuẩn
bật nút chai bia thứ ba
em đây
anh đây
nụ hôn không hề do dự
trút bỏ xiêm y giả mạo
ta ngả vào nhau
giản dị mơ màng
yêu
và
yêu
em đây
anh đây
vườn địa đàng có thật
Đậm đặc yếu tố thời sự
Thơ Nguyễn Đình Chính ngay cả trong tình yêu cũng đậm đặc yếu tố thời sự. Với ông hình như làm thơ là để phác họa lại những gì đang xảy ra trong đời sống, ngay cả tình yêu, thứ hàng quốc cấm không phải dễ dàng để chia sẻ.
Là con trai của Nguyễn Đình Thi, một nhà thơ nổi tiếng trong nhiều thời kỳ nhưng Nguyễn Đình Chính không có một nét nào khiến người ta có thể liên tưởng tới người cha của ông. Theo Nguyễn Đình Chính thì ông và cha ông không hề có một chia sẻ nào về thơ ca, ông nói.
Có lẽ góc nhìn khác hẳn người cha của ông là một yếu tố tích cực khiến ông đứng riêng ra một cõi, bất kể chỗ đứng này có phù hợp với sự nghiệp của cha ông hay không.
Trong bài “Những hạt bụi hoá đá” Nguyễn Đình Chính trêu chọc
chúng tôi như những hạt bụi bay
(không phải bay mà chỉ lơ lửng)
lơ lửng lơ lửng
dưới bầu trời tổ quốc mênh mông
trên mặt đất tổ quốc mênh mông
chúng tôi không thể bay lên được
đùa giỡn với bầy chim cánh trắng nhởn nhơ chúng tôi cũng không thể sà xuống ngã vào cỏ hoa xanh biếc như ngọc chúng tôi cũng không thể nào phình to hoặc teo tóp lại không thể rẽ ngang rẽ ngữa không thể quay phải quay trái những hạt bụi không thể chết và lại càng cũng không thể sống giữa thiên đường tổ quốc
nẻo trời xa
hạt bụi đời
hạt bụi trái tim
hạt bụi hồn tôi
bay đi đâu
bạn ơi
chúng tôi như những hạt bụi bay
(không phải bay mà chỉ lơ lửng)
những hạt bụi
đang chầm chậm
hoá đá
hoá
đá
Nguyễn Đình Chính quan niệm chỉ viết những gì ông thấy và chia sẻ được. Triết lý đơn giản này thật ra không dễ dàng khi quá nhiều văn thi sĩ theo chân cha của ông là Nguyễn Đình Thi viết theo đơn đặt hàng của Xã hội chủ nghĩa. Hai cha con tuy cùng cầm bút trong nhiều thời kỳ nhưng ngã rẽ của ý thức đã làm ông ngày càng xa hơn mối tình phụ tử.
Trong “Bài thơ thắp đèn” Nguyễn Đình Chính”
Thắp đèn lên
góp một niềm vui nhỏ
chung triệu niềm vui ánh lửa đồng bào
những ngày này ta nắm chặt tay nhau
nắm thật chặt
cố gắng chạy
chạy
và
chạy chạy
băng qua vũng bùn nỗi buồn cúi đầu nô lệ rửa mặt thật sạch hàng triệu hàng triệu người đang hiện rõ mặt con người hiện rõ mặt con người (không phải mặt con vật) ngẩng lên không còn sợ hãi
xin lỗi không thể hiểu được
tức cười
tại sao mà lâu nay lại sợ thế nhỉ
thật ra chúng nó chỉ có một dúm
mấy chục thằng bệnh hoạn
lai lịch mờ ám
đang chết sặc trong quyền lực và tiền bạc
tôi vẫn mơ tới một ngày
đi phượt cùng anh
hai thằng nằm dài trên đỉnh núi
lục túi hút chung một điếu vi na
tán lăng quăng về thơ tân hình thức
chỉ có thế
rồi tuyết lở chôn vùi năm tiếng
nhưng…
còn lâu hai thằng mới ngoẻo
xin lỗi mấy em thổ mừ cứu hộ
các anh đang thèm một ly cốt nhắc
cốt nhắc thứ thiệt
và có thể
lại một điếu vi na
và cũng có thể
hai em vén váy ngồi xuống đây
trợn mắt lên mà nghe
chẹc chẹc
đang lò mò
bò sang thơ kể
xin lỗi — đéo thể hiểu được
tức cười
giấc mơ nhỏ nhoi mà khó thành chuyện thực
thắp đèn lên
góp lửa triệu người
mong một ngày
lửa tự do
sáng bừng đất việt
sáng bừng đất việt
sáng bừng đất việt
Nguyễn Đình Chính nhìn chung quanh và làm thơ. Ông đào sâu sự kiện để lật mặt trái của từng sự việc. Bằng những rung cảm của một nhà thơ, vấn đề thời sự được ông nhào nặn thành vật thể có thể cảm nhận được một cách cụ thể. Trong bài “Tôi cũng là người vô gia cư” ông viết:
Tôi cũng là người vô gia cư như bà,
thưa bà tiến sĩ, mặc dù tôi cũng có công việc làm đàng hoàng như bà, thưa bà tiến sĩ
Tôi là người vô gia cư mặc dù hàng ngày tôi vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn hít thở không khí bụi bặm và vẫn làm tình nhăn nhở trong một ngôi nhà 4 buồng giá hàng trăm ngàn đô la.
Bao nhiêu năm nay rồi tôi là người vô gia cư trên tổ quốc của tôi khi tôi viết những bài thơ kể về nỗi buồn bi thảm của dân tộc tôi nỗi buồn đã bị mấy kẻ ác tâm tàng hình nghiền thành bột đổ xuống cống rãnh hôi thối.
Tôi là người vô gia cư trên tổ quốc của tôi mỗi khi tôi hát lên bài ca thương cảm giống như bát cháo hoa vẩy lên trời bố thí cho hàng triệu oan hồn lang thang đói khát bị chết oan không hiểu vì sao mình lại chết trong cuộc chiến tranh chỉ mang lại quyền lực và tiền bạc cho một dúm kẻ kẻ ác tâm tàng hình.
Buổi chiều hôm nay gió lạnh đổ về
tôi nhìn thấy bà đang co ro ngồi trên ghế đá lạnh buốt ngoài công viên, thưa bà tiến sĩ còn tôi thì đang ngồi thu mình trong căn buồng ấm áp.Vậy mà tôi cũng đang lâm vào cảnh khốn nạn như bà, thưa bà tiến sĩ.
Bà bị đuổi ra khỏi ngôi nhà xây bằng
tiền bạc gom góp suốt đời của bà
Còn tôi thì bị đuổi ra khỏi ngôi nhà xây bằng niềm tin mà tôi cũng đã dành dụm suốt cả đời tôi
Niềm tin mà nhà thơ dành dụm suốt đời không hề dám hoang phí đã một sớm một chiều bị đồng đội, đồng chí của ông tước mất. Chẳng những mất lòng tin mà còn mất cả tự do sáng tác và phát hành tác phẩm của mình. Nguyễn Đình Chính đưa ra những sự thật mà ông cho rằng không dễ thấy. Sau khi qua nhiều hệ thống kiểm duyệt một tác phẩm ra đời đáng lẽ phải hay, phải sắc sảo lắm nhưng thường thì ngược lại, chúng chỉ có thể gọi là tàm tạm mà thôi.
-Chắc chắn…anh không biết bây giờ trong nước người ta…
Cùng hát lên
tôi muốn chia sẻ với bạn
không phải một miếng cơm ăn
không phải một manh áo mặc
cũng không phải một chút ít tiền bạc
tôi muốn chia sẻ với bạn
một dúm không khí tự do
để thở
dúm không khí tự do sặc sụa rác bẩn
hàng ngày quắn quại trên đầu chúng ta
khó thở quá
bạn ơi hãy siết chặt tay với tôi
và cùng hát lên thật to
bài hát của bà chúa Liễu Hạnh
bài hát của bà tổ mẫu Po Inư Nagar
kể về hạt lúa trổ bông ngã nghiêng trên cánh đồng kể về bụi cỏ mắt trâu nở hoa rực rỡ trên ngọn đồi cao kể về đàn cá da trơn quẫy mình tung tăng ngoài biển bài hát ngàn năm kể về sông núi đất đai này là của ông bà anh em chúng ta đâu phải của riêng một bọn người dấu mặt đang tàng hình
tôi muốn chia sẻ với bạn
nỗi buồn không thể nói lên thành lời
không của riêng ai
nỗi buồn vô gia cư
lang thang
đi hoang
trong ngôi nhà tổ quốc.
Quý vị vừa theo dõi tác giả Nguyễn Đình Chính qua những bài thơ cùng nhận xét, chia sẻ của ông đối với sự nghiệp thi ca. Xin trân trọng cám ơn quý vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét