Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

Nkd- Bi kịch làm người

Tôi thấy cần phải giải thích cho nhiều người một số vấn đề về Triết học Đạo Đức và Triết học về sự Công Bằng. Nếu không dựa trên cơ sở triết học thì sẽ vẫn còn nhiều quan điểm sai trái được lưu hành rộng rãi. Sau một thời gian quan sát các trí thức trong xã hội, tôi nhận thấy, sau khi đã thỏa mãn được các nhu cầu tối thiếu về ăn và mặc, điều làm họ khổ sở nhiều nhất, đánh lộn, sỉ nhục, bôi nhọ lẫn nhau, dùng đủ mọi cách, kể cả những hành vi phi đạo đức, để đạt được địa vị, uy tín cao trong xã hội, ấy là do không được tôn trọng đầy đủ như mong muốn. (Còn đối với người lao động, ngay cả các nhu cầu Ăn, Mặc tối thiểu cũng chưa được đáp ứng đủ.)

Điều mà mọi người thường chê cười là Danh Vọng, hay Hư Danh, rất tiếc, lại liên quan mật thiết đến các khái niệm Danh Dự, Tự Trọng của mỗi cá nhân.

Xã hội của chúng ta là một xã hội Trọng Tài. Điều này dựa trên quan điểm, tài năng được đặt đúng chỗ, được khuyến khích đầy đủ thì sẽ thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên tài năng là một khái niệm trừu tượng, thường được người đời đo bằng Địa vị xã hội, Bằng cấp, Giải Thưởng, Tiền bạc v.v…Càng được coi là Tài năng thì ngầm định, càng dành được sự tôn trọng cao trong xã hội. Chính vì vậy mà rất nhiều người cố gắng không ngừng, thậm chí dùng đủ mọi thủ đoạn để dành được Địa vị xã hội, Bằng Cấp, Giải Thưởng, Tiền bạc.v.v…

Liên quan vấn đề này, ông Rawls, một trong những triết gia nổi tiếng nhất hiện nay đã dành 20 năm nghiên cứu để viết 1 cuốn sách gọi là A theory of Justice (lý thuyết về sự công bằng). Lý thuyết của ông rất nổi tiếng và được ứng dụng trong hầu như tất cả các ngành khoa học xã hội. Trong đấy ông nhấn mạnh May mắn là một yếu tố quan trọng phải xét đến khi giải quyết vấn đề Công bằng xã hội. Ông chia May mắn làm hai loại, May mắn Tự nhiên, ví dụ do bẩm sinh và May mắn Xã hội, do xã hội mang lại. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể coi Tài năng, Sắc đẹp, Nguồn gốc gia đình là các dạng may mắn dài hạn. Quý Nhân Phù Trợ, Xổ số độc đắc, v.v…là các may mắn ngắn hạn.

Xã hội thường cho rằng người Tài bị người kém Tài hơn chiếm mất vị trí là Bi kịch, mà quên mất Bi kịch của vô số người kém Tài hơn phải chịu đựng từ lúc sinh ra. Ngay cả trong trường hợp cố gắng hết mức thì một người cũng chỉ đạt được thành công trong đời ở mức độ nào đấy. Và như vậy, có thể nói xã hội Trọng Tài khuyến khích con người chấp nhận các Bi Kịch tài năng bẩm sinh của mình. Phân bố tài năng của loài người theo hình tháp, càng lên cao càng ít người đạt được. Có nghĩa, số người được tôn trọng tối đa trong xã hội rất ít, số người ở mức độ được tôn trọng thấp vô cùng đông đảo.

Nhiều người cho rằng điều này là đương nhiên, kém Tài hơn thì đương nhiên ít được tôn trọng hơn. Tuy nhiên, dưới góc độ triết học thì điều này không đương nhiên một chút nào. Các bạn có thể tham khảo mục Intergenerational Justice trong từ điển Triết học của Stanford, nói về Công bằng giữa các thế hệ. Trong đó có một mục nói về Quyền Không Được Sinh ra, với câu hỏi “Bố Mẹ có được quyền sinh ra một người mà họ không muốn ra đời hay không”??? Bạn cũng có thể tự hỏi thêm rằng: “Có ai muốn mình được sinh ra mà kém Tài năng hay không?”

Với đa số mọi người trong xã hội, dù nỗ lực tối đa cũng chẳng thể đạt được sự tôn trọng tối đa có nghĩa xã hội Trọng Tài cũng mọi rợ chẳng kém gì xã hội Trọng Chủng Tộc, Sắc Tộc, Dòng Dõi, bởi vì dựa trên những đặc điểm không thể thay đổi của con người. Không ai muốn mình sinh ra là người da đen thế kỷ 19 ở Mỹ. Cũng không ai muốn mình có xuất thân nguồn gốc gia đình là nô lệ để tiếp tục đời mình cũng làm nô lệ, nếu ở thời Trung Cổ.

Nếu bạn lười lao động nên bạn không có tiền là hợp lý. Nhưng nếu bạn cố gắng hết sức nhưng tài năng có hạn, hoặc vì bạn là da đen, bạn có bố mẹ là nô lệ nên bạn không thể được tôn trọng tối đa, thì lại không hợp lý chút nào. Chưa kể, số lượng người phải chịu thiệt thòi dù ít dù nhiều trong một xã hội Trọng Tài vô cùng đông đảo. Số hài lòng, thỏa mãn không nhiều.

Ở Á đông, nhiều người còn dựa vào các triết lý phương đông để đòi hỏi Trọng Thâm Niên. Người già cả hơn phải được ngồi chiếu trên, phải được người khác vâng dạ lắng nghe. Điều này cũng là bất hợp lý bởi vì nhiều người già cả cũng không minh mẫn, sáng suốt. Hơn nữa, mọi sự phân biệt, có nghĩa là cung cấp quyền lực cho một nhóm người, đều dẫn đến lạm quyền, tha hóa, và đi ngược lại tâm lý tự nhiên của tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ.

Thực tế nhãn tiền, những blogger được nhiều trí thức lai vãng trao đổi kiến thức, đều là những người lịch lãm, nhã nhặn, không bao giờ phạm các lỗi giao tiếp.

Ở phương Tây, cô giáo tiểu học khi đối thoại còn phải ngồi xuống để cao bằng trẻ em, để cho trẻ tự tin và thể hiện chính mình một cách tự nhiên nhất. Đấy là lý do trẻ con phương Tây rất tự tin, tự trọng và không cảm thấy bị cản trở sáng tạo. Dĩ nhiên, giáo dục trẻ em còn nhiều vấn đề phải tranh cãi. Tuy nhiên người trưởng thành, trên 17 tuổi, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải tự lo lấy cuộc đời họ thì nhu cầu được tôn trọng, không bị ai đàn áp, ép buộc, là NHU CẦU CƠ BẢN và hoàn toàn hợp lý. Người già, phụ nữ có con nhỏ ở phương Tây được nhường nhịn ở những nơi xếp hàng, một vài vị trí mang tính chất danh nghĩa nhưng hoàn toàn không có sự phân biệt ở những nơi khác. Ở Nhật bản, những đối tượng ưu tiên như người già, người tàn tật, được gửi trợ cấp thêm đến tận nhà, nhưng trên các phương tiện công cộng tất cả mọi người đều phải trả cùng một giá để không tạo sự phân biệt.

Suy ngẫm lại về mục tiêu của loài người thì thấy, đâu phải chỉ cần phát triển xã hội thật nhanh bằng mọi giá, tạo thật nhiều của cải vật chất cho xã hội, mà còn cần phải thỏa mãn các nhu cầu tinh thần của con người. Nếu tính tổng cộng nỗi buồn do bi kịch của số đông loài người đang phải gánh chịu do hậu quả của thuyết Trọng Tài thì có lẽ giới khoa học sẽ phải tư duy lại rất nhiều, và cần có nhiều hành động.

Đấy là các lý do cần đến tư duy bình đẳng trong xã hội. Con người cần được giáo dục về phép lịch sự giao tế và tuyệt đối tôn trọng lẫn nhau. Dĩ nhiên ở những nơi làm việc vẫn chưa thể giải quyết ngay được, (mặc dù chẳng ai muốn có sếp cả), nhưng ngoài xã hội hoàn toàn có thể làm được, và phương Tây đã thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, ngay cả phương Tây vẫn còn rất nhiều bất cập mà khoa học đang cần nghiên cứu giải quyết. Chẳng hạn có thể khuyến khích tài năng bằng của cải vật chất, bằng công việc tốt, nhưng không nhất thiết phải lạm dụng quảng cáo và các phương tiện truyền thông đại chúng để tạo sự cách biệt quá lớn giữa con người với nhau như hiện nay. Khoa học kỹ thuật cũng phải hướng đến tạo cho con người những không gian tác biệt, không phải tiếp nhận những thông tin không mong muốn hoặc có thể làm ảnh hưởng đến sự tự tôn của cá nhân mặc dù vẫn có thể giao tiếp với những người họ cần trao đổi thông tin.

Đấy cũng là lý do, không ai trong chúng ta phải biết ơn ai cả, trừ phi ai đó làm ơn trực tiếp đối với mình. Đại diện xã hội sẽ tri ân những người đóng góp nhiều cho xã hội, nhưng từng cá nhân thì không automatic có nghĩa vụ đấy. Thậm chí những người tài năng nhất, dành được những địa vị cao nhất trong xã hội cũng nên thông cảm với những người khác, bất đắc dĩ phải tham gia vào cuộc đời này với nhiều bất lợi bẩm sinh.

Bài viết này không xuất phát từ ghen tuông, đố kị mà là dựa trên triết lý về các quyền tự nhiên của con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét