Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Tha Thứ Là Chiến Thắng Chính Mình

Tha Thứ Là Chiến Thắng Chính Mình

Br. Huynhquảng

Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng tính. Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nỗi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Nếu bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại và khiêm tốn, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: “Ðó là quà ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn quà của các trẻ mồ côi đâu?” Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi. Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục và lòng khiêm tốn để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: “Một câu nhịn bằng chín câu lành.”


Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bạo động cho bằng lòng tha thứ. Bởi vì dù cho khí giới có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy những ranh giới cái tôi cổ hữu của con người.

Kính thưa quí vị và các bạn. Cái dũng của thánh nhân đó là biết tha thứ cho những ai đối xử không tốt với mình, và ngay cả khi họ có ý hãm hại mình. Vậy sức mạnh nào mà những con người trần mắt thịt như chúng ta đây có thể thực hiện được điều đó? Đó chính là lòng khiêm tốn.

Sự khiêm tốn được cho là đức tính căn bản trong quá trình học làm người, đặc biệt là học biết tha thứ. Chính sự khiêm tốn nhắc nhở chúng ta về thân phận thật sự của con người: Nay còn mai mất. Sự khiêm tốn cũng dạy cho chúng ta biết giá trị thật của con người không phải ở chỗ ai hơn ai thua, nhưng là sống làm sao cho đẹp tình người.

Trận động đất tại Haiti và những trận thiên tai lớn khác cho chúng ta thấy về sự thật của thân phận con người. Vậy nếu thân phận con người vốn mong manh như hoa cỏ, thì hơn thua nhau điều gì mà không làm hòa với nhau, không tha thứ cho nhau? Tác giả Ann Shields trong cuốn sách “Tại Sao Phải Tha Thứ”, nêu lên sự thật rằng: Thảm họa và tai ương sẽ làm cho đầu gối chúng ta mềm ra và quì xuống. Nhưng thật không may, có những con người khi quì xuống để nói lời xin lỗi với người thân mình, thì người thân mình đã vĩnh viễn ra đi. Những lời xin lỗi muộn màng đối với những người đã khuất không những không mang lại ý nghĩa gì, nhưng còn để lại những vết thương khó được chữa lành cho chính mình trong suốt cuộc đời.

Bạn thân mến, nếu hôm nay bạn không biết nói lời xin lỗi với người thân của mình, thì bạn còn đợi đến bao giờ? Liệu rằng ngày mai bạn có còn cơ hội để nói hai tiếng xin lỗi?

Thưa bạn, Tha thứ không phải là chịu thua kẻ đối đầu, nhưng chiến thắng chính mình.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]

Kỹ Thuật Tha Thứ
Sống Đẹp

Br. Huynhquảng

Kính thưa quí vị, chúng ta đang sống trong một thế giới dù nhiều hận thù và đố kỵ, nhưng những gương sống về lòng bao dung tha thứ vẫn được thể hiện rõ nét. Trong lịch sử loài người, những tấm gương về lòng quảng đại tha thứ vẫn được đề cao và khơi ngợi cho thế hệ tương lai bắt chước noi theo. Mục Sống Sao Cho Đẹp hôm nay xin tiếp tục gởi đến đề tài Tha Thứ và Hòa Giải như để tô điểm thêm những giá trị nhân bản mà không ít người hằng ngày đang sống nhờ biết suy gẫm và học hỏi những mẫu gương tha thứ và hòa giải.

Cổ Học Tinh Hoa có kể rằng, sau khi thắng trận lớn, Sở Trang Vương mở đại yến khao tướng sĩ để tưởng thưởng công lao và lòng trung thành. Vua truyền cho các cung nữ của mình ra hầu tiệc. Đang ăn bỗng một trận gió làm đèn đuốc tắt hết. Lợi dụng bóng tối, một quan đại phu ôm chầm lấy người đẹp đang chuốc rượu cho mình và hôn. Người đẹp chính là nàng Hứa Cơ đang được nhà vua sủng ái nhất. Hứa Cơ bèn giật đứt giải mũ của vị quan ấy và đem trình vua xin Ngài trừng trị thích đáng.



Thay vì phẫn nộ, vua ra lệnh cho các quan đều bỏ giải mũ khi đèn sáng. Không ai hiểu tại sao ngoài ba người liên hệ. Sở Vương nói: “Trong nguy biến, các quan đã liều thân vì đất nước. Khi vui say, các quan quên lễ phép một chút, có sao đâu! Lẽ nào vì một chuyện nhỏ mà quên đi lòng hy sinh cao cả của người khác”.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tần. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng có một viên quan võ liều sống liều chết xông ra phía trước, đánh rất dũng cảm làm cho quân Tần phải lui binh. Nhờ vậy, quân Sở đại thắng.
Sở Trang Vương lấy làm lạ bèn hỏi:

- Trẫm đãi khanh cũng như mọi người khác, cớ sao khanh lại hết lòng giúp trẫm như vậy?

Vị võ quan trả lời:

- Thần rắp tâm đem tính mạng dâng cho bệ hạ đã lâu, nhưng nay mới có dịp đáp đền nghĩa xưa. Thần đây chính là người ngày xưa đã bị giật đứt giải mũ mà bệ hạ không nỡ hành tội.

***

Kính thưa quí vị, tha thứ sẽ dẫn chúng ta đến hòa giải. Còn hơn thế nữa, tha thứ không chỉ dẫn đến hòa giải mà con xây dựng hòa bình cho chính tâm hồn mình và cho chính gia đình, cũng như cộng đồng mình đang sống.

Sở Trang Vương là một vị vua có lòng khoan dung đại lượng. Ông đã tinh tế quảng đại trong cái nhìn về cuộc đời, và về đại cuộc hơn là chỉ xem xét những sự kiện bé nhỏ xảy ra trước mắt. Có thể nói tóm lại, Sở Trang Vương đã biết vượt qua cái tôi ích kỷ hẹp hòi của mình để chỉ nhìn đến điểm tích cực nơi người khác. Ông biết nhìn điểm tốt nơi người khác và dùng nó để khỏa lấp đi những khuyết điểm nơi những ai xúc phạm đến mình.

Quả vậy, khi nói đến tha thứ, chúng ta cũng cần học biết kỹ thuật tha thứ; vì nếu không, chúng ta cũng khó lòng để tha thứ được. Một trong những kỹ thuật ấy là học nhìn điểm tích cực nơi người khác.

Là con người ai cũng có những đức tính tốt và tích cực. Nhưng vì chúng ta thường bỏ qua những điểm tốt này nên cách nhìn đời và nhìn người của chúng ta cũng thay đổi.

Khi một đôi nam nữ mới yêu nhau, họ chỉ thấy điều tốt nơi nhau và họ quyết định kết hôn với nhau vì họ dựa trên những đức tính tốt này. Và thậm chí đôi khi những tật xấu cũng dễ dàng được bỏ qua. Nhưng khi sống chung với nhau, những suy nghĩ tiêu cực dần dần chiếm chỗ những suy nghĩ tích cực về người mà mình yêu thương. Những cãi vả, giận hờn bắt đầu xuất hiện cũng từ đó. Những điểm tiêu cực dường như mỗi ngày một lớn hơn những điểm tích cực. Và đến một ngày nào đó, con người mà mình một thời yêu thương, tôn thờ giờ đây lại trở thành gánh nặng cho chính cuộc đời của mình. Thay vì là tìm điểm tốt nơi nhau và khuyến khích nhau sống điều tốt, thì họ chỉ thường thấy điểm xấu của nhau và chỉ trích nhau. Đó chính là hậu quả của cái nhìn tiêu cực về người khác. Đó cũng là hậu quả của việc không học kỹ thuật để tha thứ.

Hôm nay tôi mời bạn nhìn vào gia đình mình, người thân mình, con cái mình, và rộng hơn là bạn hữu mình. Các bạn hãy nhìn vào những con người này và hãy nói với chính mình về những đức tính tốt của họ. Các bạn muốn tha thứ cho ai ư! Thưa các bạn, các bạn cũng hãy bắt đầu bằng cách: Hãy nhìn điểm tốt nơi người khác. Chẳng lẽ con người mà theo bạn là “không thể tha thứ được” lại không có lấy ba điểm tích cực trong con người họ sao? Đừng để những chuyện nhỏ phá hư đi ý nghĩa cao đẹp của đời người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét