Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

Thế gian ơi, ta biết mi rồi !

Thế gian ơi, ta biết mi rồi ! Thế gian ơi, ta biết mi rồi !
VRNs (30.07.2010) – Sài Gòn – Trên đường vạn lý loan báo Triều đại Thiên Chúa đang đến, nhiều người nhìn nhận uy tín của Chúa Yêsu. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Hai anh em chia gia tài với nhau không xong, nên đã cầu cứu, xin Chúa Yêsu làm trọng tài chia của cải giữa họ. Nhưng đối với Chúa Yêsu, tài sản không phải là đối tượng quan trọng nhất để con người ta bỏ mọi sự cho nó, mà sự sống đời đời mới là đối tượng cần quan tâm hơn.

VẬT CHẤT LÀ CHỔ DỰA VỮNG CHẮC?

Trong các hội đoàn Công giáo lúc này tài chánh cũng đã trở thành vấn đề lớn để quan tâm. Nhiều người trong các hội đoàn còn nói “không có tiền thì không làm gì được !”. Giá trị của cuộc sống cũng thay đổi. Trước đây tình yêu, lòng chung thủy, sự hy sinh … là những giá trị luôn luôn được xếp ở vị trí cao, còn bây giờ, vị trí cao nhất là “tiền”. Để quyết định cho hai bạn trẻ kết hôn với nhau hay bỏ nhau, người ta xem túi tiền của hai bên thế nào, chứ không còn quan tâm lắm hai bạn trẻ đó yêu nhau đến mức nào. Để kính trọng một người thì người đó phải giàu có, chứ người nghèo chỉ có xin ăn, làm phiền cho mọi người thì đừng hòng được ai kính trọng.

Tất cả đều coi vật chất là chổ dựa an toàn.

Trong hoàn cảnh này, dụ ngôn Chúa Yêsu kể rất đáng giá. Một ông nhà giàu có nhiều kho lẫm đầy ấp thóc gạo và những thứ vật chất khác đã thốt lên: “Hôn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (c. 19). Nhưng Chúa Yêsu lại quát mắn anh ta: “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẳn đó sẽ về tay ai?” (c. 20).

Đúng là gần mực thì đen. Một mặt chúng ta chống đối những người vô thần và chủ thuyết của họ. Mặt khác, chúng ta cố gắng thích nghi để sống chung với họ, và chúng ta đã nhiễm họ nặng đến như vậy mà vẫn chưa nhận ra.

Không biết đến bao giờ, người Công giáo chúng ta mới bức ra được khỏi sự buộc chặc của vật chất đến như vậy?

VẬT CHẤT SẼ QUA ĐI

Đam mê vật chất và thế gian không chỉ đến thế kỷ 21 này mới kinh khiếp như thế, nhưng hình như thời nào cũng vậy. Thời thánh Alphongsô, thế kỷ 18 là một ví dụ điển hình.

Bố của ngài, cụ Joseph Ligori rất tin Chúa nhưng cũng rất tin vào quyền lực thế gian và vật chất. Ông tự hào vì vinh quang đang tỏa ra nơi chàng trai luật sư Alphongsô, con trai ông, và ông cho rằng đó là một bảo đảm chắc chắn. Nhưng Alphongsô là người trong cuộc thì thấy khác.

Sau những cuộc tranh tụng oai hùng tại pháp đình, chàng luật sư lại lầm lủi đến làm bạn các bệnh nhân hết thuốc chữa của bệnh viên, chứ không lao vào tiệc tùng ăn mừng chiến thắng. đơn giản vì trong những đám tiệc đó, Alphongsô không thấy được mình, mà cảm thấy lạc lõng. Trong khi đó, bên những người bệnh nan y này, Alphongsô như thấy bóng dáng mình thấp thoáng đâu đó. Một tâm trạng trái ngược hẳn với cụ Joseph và nhiều người khác. Vinh quang thế gian không có gì chắc chắn và dài lâu cả. Bởi vinh quan thế gian không đơn thuần là công lý là sự thật, mà rất nhiều khi nó được kết thành bởi sự gian dối, lộc lừa.

Vụ án cuối cùng của Alphongsô với tư cách là luật sư là một khẳng định chắc chắn rằng vinh quang thế gian chỉ là hư ảo, vì toàn bộ là gian manh. Khi tham gia tranh tụng để bảo vệ quyền lợi người bị hại, Alphongsô đã bóc trần sự thật một cách hồn nhiên để hầu đem lại lợi ích cho thân chủ. Nhưng thế gian vốn không thích sự thật, nên đã sẳn sàng toa rập với nhau tạo ra một cái như là sự thật, để rồi công nhận nó, mặc dù ai cũng biết đó là giả hiệu, giả dối. Đối diện với biến cố đó, Alphongsô đã phải thốt lên: “Thế gian ơi, ta biết mi rồi !

Nổ lực của con người để tạo ra sự an toàn cho mình dựa vào vật chất hay vinh quang thế gian cuối cùng cũng chỉ là thế. Nhưng không hiểu tại sao, ngày nay con người lại dễ dàng để mình bị mắc lừa thế gian đến thế?

An Thanh, CSsR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét