Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

Undo My Love: Trả lại lời thề!

Ba với ba là sáu
Sáu với bảy mười ba
Bạn nói với ta không thiệt, không thà
Như cây đủng đỉnh trên già dưới non
Khi xưa bạn nói với ta chưa vợ chưa con
Bây giờ ai đứng đầu non đó bạn tề?
Bạn nói với ta bạn chưa có hiền thê
Bây chừ hiền thê mô đứng đó, bạn trả lời thề lại cho ta.


Tặng NQC, PD và TH để nhớ một buổi trưa với “Ngẫu hứng Sài Gòn”

Bất kỳ ai sử dụng máy tính đều quen thuộc với lệnh undo, dùng để xóa thao tác vừa thực hiện, trả lại tình trạng trước đó, như khi chưa thực hiện thao tác. Từ undo có nhiều nghĩa, ở đây tôi – căn cứ theo tự điển The American Heritage Talking Dictionary – xin giới hạn trong phạm vi undo được dùng theo nghĩa “đảo ngược” (reverse); “xóa bỏ” (erase); “hủy bỏ” (annul) một tác dụng hay hoạt động nào đó. (Ví dụ : impossible to undo the suffering caused by the war : khó lòng xóa bỏ được vết thương chiến tranh). Khi bạn vẽ một đường kẻ trên trang giấy, rồi bạn xóa đi, nghĩa là bạn undo thao tác vẽ thì trang giấy, dù trở lại trạng thái trước đó, cũng vẫn mang một vết xóa mơ hồ. Đối với máy tính thì lại khác, bạn có thể thực hiện một số thao tác, sau đó thực hiện một loạt các lệnh undo thì chắc chắn máy tính lần lượt sẽ được trả lại trạng thái ban đầu, như khi bạn chưa thực hiện các thao tác đó. Lệnh undo rất đắc dụng để ta sửa lại các thao tác sai lầm. Giá như trong cuộc đời có lệnh undo thì con người đã hạnh phúc biết bao nhiêu. Để ta sửa đổi biết bao nhiều lầm lỗi và cữu vãn những đổ vỡ trong đời. Phần lớn bi kịch của cuộc sống vẫn được xây dựng trên những chữ “Giá mà…”, “Nếu như…”, “Phải chi …” . Cuộc sống là một cuộc thi mà mỗi thí sinh chỉ có một tờ giấy duy nhất để làm bài, không cho ai làm nháp. Nếu trong tự điển cuộc sống mà có được lệnh Undo thì cụ Nguyễn Du lấy đâu ra chỗ để viết “Đoạn trường tân thanh”?. Cụ Nguyễn Trãi lấy đâu ra chỗ để ngậm ngùi “Anh hùng di hận kỷ thiên niên ”?

Trong tình yêu nam nữ, nếu như có lệnh undo thì xưa nay đã không có biết bao nhiêu giọt nước mắt đã nhỏ xuống, ngậm ngùi và cay đắng. Trong tiếng Anh có một câu mà ý nghĩa rất khó dịch chính xác sang tiếng Việt, đó là “Undo my love”. Undo cuộc tình tôi! Đại khái theo nghĩa đen, ta có thể tạm hiểu “Undo my love” là xóa bỏ tình yêu của tôi đối với một đối tượng nào đó, hay đừng yêu tôi nữa, hoặc xóa bỏ những ngộ nhận để làm lại từ đầu, hoặc “rủ bỏ tình yêu” vân vân…

Nhưng hiểu theo thuật ngữ máy tính -tôi xin nhấn mạnh điểm này- thì “Undo my love” có nghĩa là hãy trả tình yêu của tôi trở lại trạng thái ban đầu như khi tôi chưa yêu bạn, như khi bạn chưa yêu tôi, như lúc chúng ta chưa hề quen nhau. Hãy làm sao cho chúng ta không còn một vết xướt nào trong tâm hồn của nhau, không còn một kỷ niệm nào cho nhau nữa, dầu rất mơ hồ. Nhưng thử hỏi làm sao xóa được những dòng chữ tỏ tình trên tờ giấy còn thơm mùi mực? Làm sao xóa được những nụ hôn trên đôi môi vụng dại? Làm sao trả lại những cái cầm tay run rẩy khi lần đầu nói tiếng yêu thương?

Tôi đã vô cùng lúng túng khi muốn tìm ý nghĩa của câu này trong một câu tiếng Việt tương đương. Chỉ đến khi nghe đọc một bài ca dao xứ Quảng Nam, tôi chợt cảm nhận ra ý nghĩa của “undo my love” , và ngẩn cả người, vì không hiểu sao ca dao Việt Nam lại tuyệt vời đến vậy!

Trong quá trình viết văn, mỗi khi phân vân với ý nghĩa của một câu chữ, thậm chí chỉ một chữ, tôi ít khi tra cứu trong tự điển, mà thường tìm ngay trong kho tàng ca dao tục ngữ. Với tôi, đó mới thực sự là một cuốn tự điển vô giá, vì các tác giả vô danh của nó đã sống trọn vẹn với tiếng Việt bằng cả tâm hồn, bằng cả sự vui buồn, chứ không phải bằng thứ kiến thức ngữ học hàn lâm- một thứ kiến thức phù phiếm, xa lạ hiện đang tàn phá tan hoang phần hồn tiếng Việt. Ca dao không phải để đọc theo kiểu nghiên cứu, mà để ngâm lên với cả tâm tình. Tôi tin rằng những người dân quê cảm nhận được phần hồn ca dao sâu gấp vạn ngàn lần những nhà nghiên cứu hay các giáo sư đại học, vì họ đã sống trọn vẹn với hồn thơ.

Bài ca dao giúp tôi liên tưởng đến câu “Undo my love” đó gồm 8 câu như vầy :

Ba với ba là sáu
Sáu với bảy mười ba
Bạn nói với ta không thiệt, không thà
Như cây đủng đỉnh trên già dưới non
Khi xưa bạn nói với ta chưa vợ chưa con
Bây giờ ai đứng đầu non đó bạn tề?
Bạn nói với ta bạn chưa có hiền thê
Bây chừ hiền thê mô đứng đó, bạn trả lời thề lại cho ta.

Cây đủng đỉnh là loại cây gì thì tôi chưa hề được biết, nhưng ta có thể hình dung người con gái đọc câu thơ đó bằng cả sự nhẫn nhục, ngậm ngùi của người con gái chân quê hiền lành xứ Quảng. Biết bao nhiêu ngậm ngùi trong câu nói “trả lời thề lại cho ta”. Làm sao mà trả lại được lời thề? Làm sao mà trả lại được bao nhiêu kỷ niệm đã thành tượng giữa thời gian? Làm sao có thể khiến tình yêu như lưỡi gươm chém vào hư không và không để lại dấu vết? Trả lời thề lại cho ta! Ngậm ngùi nhưng không hờn oán, trách móc nhưng không cay nghiệt, thiết tha nhưng không bi lụy, đau đớn mà vẫn đằm thắm yêu thương.

Tôi tình cờ đọc trên mạng một đoạn văn của J.Tarin Towers, trong bài Things to undo (Những điều cần xóa bỏ, http://www.fray.com/drugs/love/tarin.html). J.Tarin Towers là tác giả của những cuốn sách chuyên về máy tính. Cô từng làm việc cho các hãng Netscape Communications, Microsoft, Informix Software, và Infoseek, nhưng đồng thời lại là tác giả của nhiều bài thơ và bài tiểu luận rất thú vị. Có lẽ vì là dân máy tính nên chữ undo trong câu văn của cô lại có một ý nghĩa đặc biệt : “We can undo words with kisses, but we cannot undo kisses with words” (Chúng ta có thể xóa bỏ bao lời nói bằng những nụ hôn, nhưng không thể xóa bỏ các nụ hôn bằng những lời nói được).

Chúng ta có thể xóa bỏ những lời nói sai lầm hay những lời nói xúc phạm bằng những nụ hôn để tạ lỗi, nhưng làm sao có thể dùng những lời tạ lỗi để xóa bỏ được những nụ hôn? Làm sao có thể trả lại lời thề?

Khi đọc đoạn văn trên và bài ca dao đó, thì tôi thấy câu văn dịch cho “undo my love” đã hiện ngay ra đấy : “Trả lời thề lại cho ta”. Vâng, hãy “trả lại lời thề”, hãy “undo my love” !

Xin cám ơn bài ca dao tuyệt vời xứ Quảng và cám ơn J.Tarin Towers!

Undo My Love: Trả lại lời thề!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét