Anh yêu, quê nhà hôm nay đã là tối mồng một Tết, còn nơi xứ lạ “Tạp Chủng Quốc” này, mới là sáng mồng một thôi.
Hồi tối, em và đám bạn đi chùa, vừa lễ Phật vừa xin chút lộc, đồng thời lắc một quẻ xăm xem năm nay vận số hên xui ra sao, công danh sự nghiệp thế nào, và nhất là thiếp có mau được gặp chàng không? Nói để anh mừng, quẻ lên tốt lắm nha anh, nhưng anh phải ráng cầu Trời khấn Phật thêm nữa đó, mới mong gặp được gót hài của em. Trước khi ghé chùa, tụi em có vô thăm Hội Chợ Tết do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam, Nam Cali tổ chức. Gớm, người đi đông như trẩy hội, nam thanh nữ tú dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước, áo quần như… mới trả tiền ở trong mall ra. Dù đi với mấy bạn, nhưng, trông người lại nhớ đến ta, tự thấy mình cô đơn trong lòng nên ước chi chàng có mặt ở đây để cùng thiếp sánh bước. Hạnh phúc biết bao chàng nhỉ.
À, mấy cô mấy cậu trong Tổng Hội Sinh Viên tuy xa quê từ nhỏ, hoặc có người sanh bên đây, nói tiếng Việt còn bập bẹ lắm, vậy mà chu đáo ra phết: trên bàn thờ tổ tiên cũng lư hương, hoa quả, rượu trà, đèn nến, ngạc nhiên nhất là còn có cả bánh dày, bánh chưng nữa, làm em cũng bớt thấy nhớ quê hương, bớt nhớ anh đi.
Anh đã ăn bánh chưng chưa? Chắc là có. Em cũng đã thủ sẵn ba cái nhỏ bằng lòng bàn tay, dễ thương lắm. Thêm một đòn bánh Tét nhân chuối, năm cái bánh dày nhỏ xíu kẹp chả chiên, một cây chả lụa, một giò thủ, hai cây chả chiên, một vỉ nem chua, thêm mớ chè đủ loại cộng với trái cây (chưa kể hộp mứt và khô bò nữa). Vậy là ba ngày Tết anh khỏi lo em chết đói ở cái xứ tư bản dãy chết này nha anh. Anh và các bạn anh đừng vội cười mà lầm, em vẫn thon thả và đẹp như nàng Kiều Nguyễn Du, vì tuần ba bốn bận ghé spa nhảy nhót bơi lội ì xèo trong đó, mồ hôi ra như tắm, bao nhiêu mỡ tan hết. Anh đừng lo. Sức mấy mà mấy cô VN bì nổi em. Em còn dấu món võ… yoga thiền nữa đó.
Nhân dịp đầu Xuân, thiếp xin kể chàng nghe về ý nghĩa truyện bánh Dày bánh Chưng nha. Truyện xưa kể rằng:
“Vua Hùng muốn truyền ngôi, nên định ngày hễ hoàng tử nào tìm được lễ vật thích đáng nhất dâng cúng Tổ Tiên, thì được làm vua.
Trong khi các anh em bôn ba đi khắp nơi tìm của quý vật lạ, thì hoàng tử Tiết Liêu lại chỉ tìm quanh quẩn ở nhà. Nhưng một đêm, Tiết Liêu thấy một cụ già quắc thước hiện ra dạy cách dùng gạo làm bánh để cúng. Theo đó, Tiết Liêu gói gạo nấu thành bánh chưng và giã xôi thành bánh dày.
Tới ngày hẹn, Tiết Liêu dâng hai cái bánh và được làm vua.
Từ đó, bánh chưng bánh dày được dùng để cúng tế trong những ngày lễ tết.”
Anh yêu, chuyện bánh dày bánh chưng kể lại việc thi tài để được truyền ngôi vua nên chứa đựng nhiều bài học hữu ích cho những người chăm lo việc nước, tức những kẻ tham dự vào việc thiết kế đời sống quốc dân, mà ta hiểu là những người tham gia chính quyền.
Theo phong tục xa xưa thời phong kiến, ngôi vua thường được truyền cho trưởng nam hoặc hoàng tử nào có công trạng nhất, thường được đánh giá bằng những chiến công hay bằng việc đánh chiếm các nước láng giềng. Ai giết được nhiều người nhất, cướp được nhiều tiền của đất đai nhất, coi như xứng đáng được truyền ngôi vua.
Thế nhưng, chữ nhưng này mới đẹp nha anh, điều kiện để vua Hùng chọn người kế vị không nhắm vào tài múa kiếm bắn cung, cũng không là tài điều binh khiển tướng, cũng không dành cho trưởng nam, mà cho ai tìm được lễ vật ý nghĩa nhất dâng chúng tổ tiên, tức chú trọng tới tài trí cũng như đức độ của con người đứng đầu đất nước, mà không trao phó cho sự may rủi của người trưởng nam.
Anh có nhận ra sự trổi vượt của văn hóa Việt không? Và cũng chính sự khác biệt này đã làm cho nền quân chủ Việt khác hẳn mọi nền phong kiến khác.
Khi đặt ra điều kiện cho các hoàng tử lo việc thờ cúng tổ tiên, là nhằm cho người trị nước, ngày nay là một hoặc nhiều đảng, biết rằng mình không phải là chúa tể, mà trong việc an dân cùng với ông ta, và trên ông ta/đảng ta, còn có các vị khuất mặt, luôn theo dõi mọi việc ông ta/đảng ta làm.
Như vậy, không phải ông ta có toàn quyền quyết định tối hậu mà còn có những vị xét đoán, khen thưởng hoặc quở trách ông, làm cho ông hiểu rằng còn những đấng trên đầu trên cổ mà ông có bổn phận phải lo sợ, không dám làm điều sai trái, tự mãn thái quá, mang ảo tưởng mình là độc tôn xuất chúng, là đỉnh cao trí tuệ, hay là thần thánh, con trời. Ngày nay, những ai là người có tư cách pháp nhân để kẻ cầm quyền phải kinh hãi nghe theo? Đó chính là nhân dân, người chủ thực sự của đất nước, có toàn quyền cầm lá phiếu truất phế nhà hoặc đảng cầm quyền, nếu không đáp ứng được nguyện vọng của toàn dân.
Chính nhờ hạn chế sự tự tôn và lộng quyền này mà suốt dòng lịch sử phong kiến nước ta đã tránh được nạn độc tài chuyên chế thống trị, so với nhiều nước khác, mà vua tôi luôn trên dưới một lòng hầu phát triển và giữ vững bờ cõi, thoát nạn bạo chúa độc tài gian ác, coi mạng dân như cỏ rác, bắt “mọi người vì mình” hay phải phục dịch mình.
Văn hóa Việt đã xác tín rằng trong mọi chuyện liên quan, ảnh hưởng đến những người khác, như làm vua làm quan, đều phải nhờ đến công đức của tổ tiên. Nhờ phúc ấm ông bà mới được làm vua, làm quan. Và qua việc thờ kính tổ tiên, ông cha ta muốn nhắn gởi rằng đất nước được gầy dựng bởi bao công lao, xương máu của cả dân tộc, của mọi người dân, trải hằng trăm đời kế tục nhau. Nhà nước cùng toàn dân phải tiếp nối và phát huy sự nghiệp cha ông, chứ không phải làm quan để vui chơi, đàn đúm hưởng thụ.
Vua Hùng đặt ra việc “tìm kiếm” lễ vật thích đáng nhất để truyền ngôi, tức phải vận dụng tối đa tài trí, sự khôn ngoan sáng suốt để đạt mục tiêu, chứ không phải “bê nguyên con” một chủ nghĩa ngoại lai nào về bắt dân xài! Và “lễ vật” cũng phải thể hiện lòng thành kính và tâm tư cuộc sống của người dâng cúng, tức phải phản ánh đầy đủ quan niệm an dân thịnh nước đúng đắn nhất, biết rõ việc nước nhất, của một ông vua.
Sự việc các hoàng tử đổ xô “đi khắp nơi” tìm kiếm lễ vật, đã chứng tỏ lòng nhiệt thành của họ, nhằm hoàn thành sứ mệnh ban ra. Nhưng, nhìn ở khía cạnh khác, họ ít quan tâm tới những gì có sẵn trong nước, trong đời sống quốc dân, mà cho rằng những gì ngon ngọt đều ở nơi khác. Tiết Liêu, ngược lại, chàng chỉ tìm quanh quẩn “ở nhà”, tức chàng tin tưởng và nghiệm ra rằng muốn an dân thịnh nước thì phải nhìn vào chính cuộc sống nhân dân.
Và nhờ vậy, chàng được ưu đãi, được “Cụ Già quắc thước” hiện ra chỉ dạy cho chàng.
Cụ già đó là ai anh biết không?
Ở truyện Tiên Rồng, cha rồng đã dặn rằng, “khi cần thì gọi, ta về ngay”; ở truyện Phù Đổng, vua Hùng đã lập đàn cầu Tổ, và tổ đã về giúp (thiếp xin hẹn sẽ kể chàng nghe các truyện này sau nha). Còn ở đây, Tiết Liêu suy tư về việc nước, thì lại được cụ già hiện ra. Chàng ý thức được nhiệm vụ khó khăn và trọng đại của người làm việc nước, đã lòng thành cầu khẩn Tổ về giúp. Và tổ đã hiện ra qua hình ảnh cụ già kia. Cụ già là biểu tượng của hồn nước, của sức sống và tinh hoa văn hóa dân tộc.
Các hoàng tử đã đi khắp nơi để tìm kiếm sơn hào hải vị xa xôi, nhưng cụ già lại dạy Tiết Liêu “dùng gạo” làm bánh. Gạo là thức ăn thường ngày, có gì là quý phải chăng anh? Không. Gạo quý không phải vì hiếm hoi hay hào nhoáng, mà vì là thức ăn chính của người dân mà vua quan phải biết đến và phục vụ nhu cầu chính yếu của dân, và phải biết rõ thực trạng của nước.
Cụ dạy làm bánh chưng bằng cách gói gạo thật chặt trong lá xanh, tức dặn vua quan phải giúp dân kết tụ chung sống trong xanh tươi của ruộng đồng phì nhiêu. Rồi phải chăm sóc chu đáo cho lửa hồng tình nghĩa yêu thương luôn hừng cháy để hạt gạo dâng trào nhựa sống thành dẻo thơm ngon ngọt, tức vua quan phải giúp người dân gia tăng sức sống và dính chặt vào nhau, hợp nhất thành một khối đó anh. Có như vậy bánh mới nền, mới không bấy và thơm ngon, biểu tượng cho cuộc sống thanh bình và đất nước thịnh trị.
Cụ còn dạy Tiết Liêu muốn làm bánh dày thì phải đồ xôi cho khéo, giã cho thật nhuyễn, cho hạt xôi trộn lẫn, quánh lại với nhau. Khi đồ xôi cho chín, tức khi cuộc sống muôn dân đã đầy đủ ấm no, còn phải giã cho hạt xôi hoà lẫn vào nhau, nhằm làm mọi người chia sẻ cùng một cảnh sống. Có nghĩa là vua quan phải biết dùng luật pháp để giảm bớt những mất cân bằng trong đời sống quốc dân; phải sửa trị, ngăn cản những kẻ đục khoét của công, làm hại cuộc sống chung, và còn phải tạo cơ hội đồng đều cho mọi người dân tham gia việc nước.
Anh ơi, còn gì thích đáng hơn Tiết Liêu, biểu tượng cho những người làm việc nước, tức các nhân viên chính quyền, dâng lễ vật biểu trưng tài thịnh quốc an dân? Còn gì đảm bảo hơn lễ vật dâng cúng Tổ Tiên được chính Cụ Tổ chỉ dẫn cách thức chuẩn bị và thực hiện? Tiết Liêu đã tâm thành thực thi. Và chàng xứng đáng được truyền ngôi vua.
Anh xem, chỉ một câu chuyện nhỏ thôi mà chúng mình học được biết bao là bài học trị nước, an dân. Đi tìm đâu cho xa xôi phải không anh? Anh và các bạn hãy ráng học thuộc rồi truyền bá ra nhen.
Thiếp thương và nhớ chàng ghê lắm. Hôn chàng.
Lý-Trần Anh Thư
(Viết và phỏng theo sách “Kinh Việt” của tác giả Nam Thiên, Hoa Tiên Rồng phổ biến)
(bài nhận được từ tác giả)
Thiếp kể chàng nghe: Truyện bánh Dày, bánh Chưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét