Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Vận động dân làm đường… Ép buộc tự nguyện (!)

Vận động dân làm đường… Ép buộc tự nguyện (!)
(VOV) - Những ngày này, nhiều người dân ở thị trấn Tân Trụ rất bức xúc chuyện UBND huyện Tân Trụ buộc dân phải “tự nguyện” hiến đất để nâng cấp 2,3km đường tỉnh 833.

Ở Long An, khi thực hiện nâng cấp, mở rộng các đường giao thông, người dân được vận động tự nguyện hiến đất và tự giải tỏa vật kiến trúc, cây cối, hoa màu để giao mặt bằng thi công. Những ai không tự nguyện hiến đất, sẽ bị “giải tỏa trắng”. Chủ trương “nhạy cảm” liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân này được thực hiện từ năm 2004 đến nay, mặc dù làm như vậy là trái với Chỉ thị 24/2007/CT-TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ…

Một quyết định “nhạy cảm”…

Long An là 1 trong những địa phương sớm chủ trương vận động nhân dân hiến đất xây dựng công trình giao thông. Công bằng mà nói, nhờ đó mà có những con đường được xây dựng nhanh chóng, khi mà chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (đôi khi cao hơn chi phí làm đường) bằng không. Theo cách đó, hàng loạt các dự án nâng cấp đường được vội vã triển khai, ngay cả khi người dân chưa “tự nguyện” hiến đất. Rắc rối đã phát sinh ở các dự án đường Nguyễn Thông, đường Huỳnh Văn Đảnh… Dù UBND thị xã Tân An đã mạnh tay “cưỡng chế hiến đất”, nhưng công trình vẫn dậm chân kéo dài, không thể thi công tiếp vì có nhiều hộ dân không chịu “hiến đất”.

Để tháo gỡ, tháng 12/2003, tại kỳ họp thứ 11 khóa VI HĐND tỉnh Long An, UBND tỉnh đã có tờ trình 5298/TT-UB về “Vận động nhân dân cùng Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng đường giao thông trên địa bàn tỉnh”. Thực hiện chức năng thẩm tra, Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có ý kiến: “Đây là vấn đề hết sức “nhạy cảm” liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân…, các căn cứ pháp lý để ban hành các qui định nêu trong tờ trình của UBND tỉnh chưa thật vững chắc…”.

Dù vậy, tờ trình vẫn được thông qua, để từ đó UBND tỉnh đã ra Quyết định 883/2004/QĐ-UB ngày 1/4/2004 ban hành quy định về vận động nhân dân cùng Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng các đường giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung quan trọng: “Đối với từng đường giao thông, vận động được từ 85% số hộ trở lên đồng tình ủng hộ…; số hộ còn lại chưa thông suốt chủ trương vận động thì tiếp tục vận động nhưng vẫn không tự nguyện đóng góp thì tiến hành kê biên toàn bộ đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc... để giải toả trắng”. Vậy là, ai không tự nguyện thì cũng phải “tự nguyện hiến đất”, nếu không muốn bị “giải tỏa trắng”, chuyển đi sống nơi khác (được nhận tiền đền bù theo giá Nhà nước).

Như chưa từng có chỉ thị của Thủ tướng

Những ngày này, nhiều người dân ở thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ) rất bức xúc chuyện UBND huyện Tân Trụ buộc dân phải “tự nguyện” hiến đất để nâng cấp 2,3km đường tỉnh 833. Nếu ai không “tự nguyện” hiến đất sẽ bị “giải toả trắng” theo tinh thần Quyết định 883 của UBND tỉnh.

Có 166 hộ dân với giá trị đất bị giải tỏa trên 22 tỷ đồng. Dù mỗi người mỗi nỗi niềm, nhưng rồi họ đều phải “tự nguyện” hiến đất, vì không ai muốn bị “giải toả trắng”.

Ông Nguyễn Văn E, người bị ép hiến 250 mét vuông đất, nói: “Cán bộ thị trấn đến nhà kêu tui phải tự nguyện hiến 250 mét vuông đất mặt tiền để làm đường. Tui không đồng ý, vậy mà mấy ổng vẫn cứ ngang nhiên cho thi công”.

Theo ông E, chỉ tính theo giá đất của Nhà nước, thì 250 mét vuông đất của ông tương đương 325 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Ngọc, người cùng xóm với ông E cũng bức xúc: “Gia đình tôi có hơn 800 mét vuông đất, vậy mà phải hiến không 215 mét vuông. Trong khi hàng ngày, hai vợ chồng với mấy đứa con phải đi làm thuê để kiếm sống”.

Nhiều người dân cho biết, do sợ bị “giải tỏa trắng” nên đã ký tên vào danh sách “tự nguyện” hiến đất, nhưng vẫn ghi câu “thòng”: “Nếu sau này có bồi thường thì phải bồi thường cho tôi”.

Ông Nguyễn Thanh Chánh, Bí thư Huyện uỷ Tân Trụ, khẳng định: “Huyện, thị trấn Tân Trụ làm như thế là đúng theo tinh thần Quyết định 883 của tỉnh. Nếu vận động mà dân không tự nguyện hiến đất thì phải giải toả trắng”. Cũng theo ông Chánh, do địa phương còn khó khăn, không đủ vốn để làm nên phải vận động người dân cùng đóng góp.

Theo nhiều người dân, chuyện mở rộng, nâng cấp tỉnh lộ 833 là điều cần làm, nhưng việc ép người dân bằng cách ai không tự nguyện hiến đất thì sẽ bị giải tỏa trắng, thì cần xem xét lại, nhất là khi đã có Chỉ thị 24 (ngày 1/11/2007) của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị qui định rõ: “Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. HĐND, UBND các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét