Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Không nên ngầm hiểu mù quáng các lời khuyên của P.Krugman

(TuanVietNam)- "Hết sức cảnh giác cả với kích cầu lẫn lạm phát và không nên tách ý kiến (rất xác đáng của G.s Krugman) ra khỏi ngữ cảnh mà ông phát biểu rồi “ngầm hiểu” một cách “mù quáng” vào hoàn cảnh Việt Nam"- TS. Nguyễn Quang A.


GS Paul Krugman chỉ nói đã có những dấu hiệu (tốc độ sụt giảm đã chậm lại, mức tăng thất nghiệp ở Mỹ trong vài tháng qua đã không còn cao như các tháng trước, …) cho thấy khủng hoảng tiến dần (sắp) đến đáy và ông hy vọng vậy. Ảnh Ca Hảo
Giáo sư Paul Krugman nhà kinh tế học tài ba, chủ nhân duy nhất của giải Nobel kinh tế năm 2008, nhà cảnh báo khủng hoảng đã đến Việt Nam chiều 20-5-2009. Hôm sau ông đã có một ngày bận rộn trong hội thảo “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng” do trường Doanh Nhân Pace tổ chức tại Hồ Chí Minh, nơi ông là người thuyết trình duy nhất.

Ngày 22-5-2009 tại Hà Nội ông đã trao đổi với các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cấp cao và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Báo chí trong nước đưa tin khá nhiều. Nào là ông nói “khủng hoảng đã đến đáy”, cần “tăng gấp đôi gói kích cầu”, “lạm phát không đáng lo ngại”, v.v. Tôi nghĩ cần cẩn trọng với cách đưa tin như vậy bởi vì khi đưa tin tách khỏi ngữ cảnh thì rất dễ gây ra hiểu nhầm.

Không nên hiểu lầm

Là một học giả lớn, ông rất thận trọng khi đưa ra nhận xét của mình.

Ngồi nghe ông suốt ngày tôi chưa thấy ông nói lần nào rằng khủng hoảng ĐÃ đến đáy, nếu tôi hiểu đúng ông, ông chỉ nói đã có những dấu hiệu (tốc độ sụt giảm đã chậm lại, mức tăng thất nghiệp ở Mỹ trong vài tháng qua đã không còn cao như các tháng trước, …) cho thấy khủng hoảng tiến dần (sắp) đến đáy và ông hy vọng vậy. Nhưng mối lo là khi đạt đáy thì có tăng trở lại hay cứ luẩn quẩn ở đáy đó một thời gian dài.

Trong ngữ cảnh đó, ông nhắc tới gói kích cầu của Mỹ (cỡ 2,5% GDP) và các chính sách kích thích chưa đồng bộ của các nước EU có thể là không đủ để đưa nền kinh tế toàn cầu bứt khỏi cái đáy đó (có thể luẩn quẩn ở đó đến 5 năm) và ông nghĩ nên tăng gói kích cầu lên gấp đôi. Ông cũng giải thích khá kỹ nếu nhà nước vay tiền để chi cho các khoản kích thích, thì (trong ngắn hạn) cách làm đó không gây lạm phát và ông cũng nói rất rõ là không phải chính phủ Mỹ “in” tiền để làm việc đó (như một vài báo đưa tin ngày hôm sau).

Ông cũng nói về nguy cơ giảm phát và lạm phát không phải là điều đáng lo ngại (trên thế giới nói chung và nhất là ở các nước phát triển: tại Mỹ số liệu ngày 15-5 cho thấy lạm phát ở Mỹ là -0,7%, tức là đang giảm phát). Trong bối cảnh đó quả thực lạm phát không đáng lo ngại. Có thể nói những nhận xét của Gs. P. Krugman là rất xác đáng. Tuy nhiên, khi đưa tin nhiều báo thường quên mất ngữ cảnh mà lời nhận xét được đưa ra.

GS. Krugman đến Hà Nội để học hỏi với tư cách columnist

Khi được hỏi về lời khuyên cho hay nhận xét về Việt Nam, Gs. Krugman rất thận trọng. Ông nói, mới ở Việt Nam chưa quá 24 giờ và chủ yếu trong khách sạn nên ông không thể khuyên gì, ông ra Hà Nội để học hỏi với tư cách một columnist, một nhà báo, chứ không phải như một nhà tư vấn chính sách. Sự khiêm tốn và thận trọng đáng kính từ một nhà khoa học lớn. Thế nhưng cách đưa tin của một vài báo Việt Nam (tách lời nói khỏi ngữ cảnh) có thể gây hiểu lầm.

Cách đưa tin của một vài báo Việt Nam (tách lời nói khỏi ngữ cảnh) có thể gây hiểu lầm những lời khuyên của GS Paul Krugman.
Hiểu lầm thứ nhất có thể xảy ra khi ông nói cần tăng gấp đôi gói kích cầu (của Mỹ và EU hay Nhật Bản). Có thể có người sẽ nghĩ ta cũng nên làm vậy. Hãy thận trọng, ở ta tổng “gói kích cầu” như được công bố phải ở cỡ trên 10 % GDP, mức thuộc loại cao nhất thế giới. Mặt khác chúng ta nghiện "kích cầu" suốt 10 năm rồi (trong 10 năm đó chỉ có giai đoạn 4-2008 đến 11-2008 là giai đoạn "siết", còn toàn bộ phần thời gian còn lại là "kích").

Chính việc say kích cầu này đã là một trong những nguyên nhân chính gây ra những bất cân đối vĩ mô trầm trọng vừa qua và những bất cân đối đó vẫn còn nguyên. Những bất cân đối vĩ mô trong thời gian dài đó đã làm cho lạm phát lên mức rất cao trong năm qua (gần 20% vào cuối năm 2008 so với cuối 2007).

Khủng hoảng toàn cầu làm cho tình hình lạm phát ở ta dịu đi đôi chút, nhưng mức lạm phát của 5 tháng đầu năm 2009 so với 5 tháng đầu năm 2008 vẫn ở mức 2 con số là + 11,59% (chứ không phải là một số âm như ở Mỹ). Nói cách khác lạm phát ở ta vẫn cao. Với chính sách tiền tệ nới lỏng và say kích cầu như hiện nay có thể vài tháng tới lạm phát vẫn chưa, nhưng cuối năm hay sang năm 2010 có thể lạm phát lại bùng phát.

Như thế phải hết sức cảnh giác cả với kích cầu lẫn lạm phát và không nên tách ý kiến (rất xác đáng của G.s Krugman) ra khỏi ngữ cảnh mà ông phát biểu rồi “ngầm hiểu” một cách “mù quáng” vào hoàn cảnh Việt Nam. Làm thế sẽ rất nguy hiểm. Hy vọng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đủ tỉnh táo để không hiểu nhầm như vậy. Và các báo cũng nên cẩn trọng khi đưa tin kẻo có thể gây ra hiểu hiểu lầm chết người.

  • TS. Nguyễn Quang A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét