VnEconomist: Đau lòng quá khi dòng thác lũ của thị trường hóa giáo dục đang thắng thế, ngay cả trong tâm trí của các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam. Tầm nhìn giáo dục, triết lý giáo dục, viễn cảnh, kế hoạch, kịch bản và chiến lược giáo dục là cái gì đó quá xa xỉ. Đó cũng là lý do tại sao mà giáo dục của Việt Nam khủng hoảng.
Xem bài diễn văn của bà Grew G. Faust khi nhậm chức hiệu trưởng trường đại học Harvard: “đại học chỉ chịu trách nhiệm với quá khứ và tương lai của dân tộc, chứ không nhắm đến kết quả của mươi lăm năm trước mắt. Học ở đại học là cái học đúc khuôn cho cả đời người, cái học chuyển đạt gia tài của ngàn năm trước, cái học tạo ra vóc dáng của tương lai”
Chúng tôi tự đặt ra các câu hỏi cho chính mình và có lẽ là tự cố gắng trả lời vốn kiến thức hẹp hòi của mình, vì Việt Nam có bao giờ có đối thoại thực sự đúng nghĩa của nó không?
(1) Tại sao trường đại học mọc lên như nấm? Trong vòng 10 năm (1998–2008), Việt Nam cho ra đời 98 trường đại học và cao đẳng, đó là công việc mà một quốc gia bình thường có thể làm trong hàng thế kỷ. Họ chỉ đơn giản so sánh số người tốt nghiệp đại học của Việt Nam so với dân số hiện còn thấp và vì thế mà họ không ngừng phát triển đại học về mặt số lượng. Chất lượng là cái gì đó quá xa xỉ đối với cái thế giới này.
(2) Liệu giáo dục Việt Nam có phổ cập hóa giáo dục tiểu học chưa? Có nghĩa là giáo dục tiểu học phải là cưỡng bức và miễn phí. Tôi có con đi học ở đây, nên tôi tự tìm lấy câu trả lời cho chính mình. Tôi đã được dạy: Theo kinh tế học phát triển, mỗi một quốc gia, tùy theo khả năng kinh tế của mình, phải tiến tới giáo dục miễn phí, chí ít cũng là giáo dục tiểu học. Chi phí cho giáo dục tiểu học phải chiếm tỷ trọng nhỏ trong thu nhập. Đó cũng là thước đo trình độ phát triển của đất nước.
(3) Liệu giáo dục Việt Nam có mắc bệnh thành tích không? Con tôi đã từng học một bài mà 3 lần được giảng dạy tại lớp: Lần thứ nhất trường dự giờ, lần thứ hai sở dự giờ và lần thứ ba bộ dự giờ. Tôi có hỏi con tôi tại sao phải học tới 3 lần. Con tôi trả lời một cách hồn nhiên: “Dạ! Tại lớp con rất thuần thục cái bài học này”. Ngày xưa tôi được học “Nhân chi sơ vốn bản thiện”. Con người ta sinh ra trên cõi đời này đâu có tội lỗi. Tội lỗi do có người mang đến.
(4) Liệu có phân biệt đối xử trong giáo dục hay không? Ý niệm “tiền nào của nấy” đã ăn sâu vào trong tiềm thức từ giới lãnh đạo giáo dục đến người thầy. Ở Đức, giáo dục, cũng giống như y tế, mặc dù các khoản đóng góp có khác nhau tùy vào gia cảnh, nhưng họ vẫn nhận được dịch vụ giáo dục và y tế hoàntoàn giống nhau. Tôi cũng từng nghe một giảng viên nói: “tiền như thế nào, thì giảng như thế ấy”.
(5) Sách giáo khoa dạy gì trong đó, mà cứ thay đổi hàng năm? Tôi đã từng chứng kiến một gia đình bán sữa đậu nành ở chợ Đà Lạt vừa khóc vừa nói: “Tôi có 2 đứa con, đứa học lớp 3, đứa học lớp 4, những tưởng đứa này lên lớp để lại sách giáo khoa cho đứa kia học, khỏi phải mất tiền mua. Nhưng mà sách giáo khoa đã thay đổi hàng năm, nên phải mua tất cả.”. Tất cả những thí nghiệm sinh học, người ta đã thử nghiệm trên chuột, nhưng ở đây, tất cả thử nghiệm giáo dục đều trên con người! Họ cũng thử nghiệm độc quyền nữa, vì không mua không được. Gánh nặng của giáo dục đã rơi trên đôi vai của người lao động, đặc biệt là những người có nhiều con đi học. Ai biểu mày đẻ nhiều chi, giờ mầy phải chịu.
(6) Chương trình giáo dục thì như thế nào? Tôi được học là giáo dục tốt nhất là thực hành kế đến là tham quan thực nghiệm, sau cùng mới đến lắng nghe. Ở Việt Nam kênh lắng nghe chiếm chủ lực. Mà là lắng nghe thụ động. Trước đây người ta đọc chép, bây giờ người ta chiếu chép (chiếu slide bài giảng và sinh viên chép lại) hay còn gọi là phương pháp truyền thông tin từ người dạy qua người học không thông qua cái đầu của cả hai. Môn lịch sử trở thành môn luyện trí nhớ. Học một cách máy móc. Không hề có thế giới quan riêng như kiểu Mỹ. Tôi có nghe đâu một câu chuyện về một sinh viên xuất sắc ở đại học kiến trúc TP HCM về ngành thiết kế, được học bổng qua Denmark học thạc sĩ, ngay từ học kỳ đầu giáo sư ở đây nói: “Hỏng hết rồi! cái tôi cần đâu phải là em nhớ chi tiết đến như thế, em quá thao tác thuần thục, mà cái tôi cần là cái tinh thần, cái tâm hồn, cái nhân cách, cái riêng, cái tôi, cái sáng tạo, khả năng cảm thụ cuộc sống của em thể hiện trong mỗi tác phẩm.”. Tri thức không dừng lại ở tri thức thức chuyên môn, mà còn là tri thức tổng quát, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
(7) Liệu ở Việt Nam giáo dục và tuyên truyền có tách riêng ra chưa? Trong vòng 15 năm nữa người ta sẽ tách khoa học ra khỏi nghệ thuật rồi. Giáo dục phải thật là thuần túy giáo dục.
(8) Thống kê trung bình, mỗi một giảng viên đại học dạy bao nhiêu giờ/tuần? Theo như tôi được biết họ phải dạy từ 28 đến 30 giờ/tuần. Dạy như thế thì thời gian đâu mà nghiên cứu? Mà không dạy không được vì đơn giá giờ giảng thấp, buộc họ phải giảng nhiều giờ để bù lại. Nhiều người trăn trở, biết là sai mà vẫn cứ làm, vì cuộc sống mà. Có mấy cái tàu há mồm đang đợi ở nhà nữa, chứ đâu phải một mình anh đâu! Cuối năm bình bầu lao động xuất sắc và tiến tiến, người ta lấy giờ giảng ra làm thước đo chủ yếu, chứ không phải là cái gì đó khác. Bạn thử nghĩ coi: cái máy cái đã hỏng rồi, thì cái máy con sao vận hành tốt.
(9) Ở trường đại học, thì người ta chỉ tạo lập mối quan hệ thầy giáo với sinh viên, chứ rất ít tạo lập quan hệ giữa thầy giáo vói thầy giáo, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyên môn.
Rồi nhiều thế hệ tương lai của Việt Nam phải trả giá thật đắt cho dòng thác lũ thị trường giáo dục ở Việt Nam hiện nay, có đúng thế không? Có thể đúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét