Một phong tục kinh điển khi đứa trẻ thôi nôi là người lớn bưng cái rổ lại trước mặt nó để nó chọn… nghề, để coi nó sẽ cầm món nào trong đó : gương lược, kéo, viết, cây búa, cuốn sách hay là cục đất. Một câu hỏi gần như… kinh điển của các ông ba bà mẹ, khi đứa trẻ biết chuyện trò ríu ran, rằng sau này con thích làm nghề gì. Chiều qua, trên đường từ trường về, đứa trẻ hớn hở khoe, mai mốt lớn lên con đi bán xôi gà. Bán xôi gà thì sẽ được ăn xôi gà đã đời luôn.
Má nó nghe buồn, bán xôi gà dãi nắng dầm mưa, suốt ngày long đong ngoài đường phố, vui sướng gì hả con ơi?
Bà nội nó nghe buồn, cứ ước trong nhà có đứa làm bác sỹ, không thì làm thầy giáo cũng được, ra đường trẻ nít nó kêu thầy ơi thầy à không oai sao?
Ba nó nghe buồn, đời ba lắt xắt bán buôn, mong có con cho làm cán bộ nhà nước, giàu thì chưa biết, nhưng chắc chắn là sống ổn định, không lo bữa no bữa đói.
Đứa trẻ chín tuổi, không hiểu tại sao người lớn lại tiu nghỉu khi nghe dự định của nó. Với nó, mọi mơ ước đều bình đẳng với nhau, vui như nhau, không phân biệt thấp cao. Bạn nó có đứa thích lái máy bay bay lên trời. Có đứa đòi tham gia đội đặc nhiệm siêu nhân. Có đứa thích làm công an bắt cướp. Nó chọn bán xôi gà vì công an, phi công, hay siêu nhân gì thì xong việc rồi cũng muốn ăn xôi gà.
Cũng may là có bà ngoại là vỗ tay cười mừng, bà nói cháu bà mơ ước bán cá bán rau bà cũng vui. Ước mơ tự bản thân nó đẹp rồi, không có ước mơ xấu, lại càng không có ước mơ sang, ước mơ hèn. Bán xôi gà, hay làm giám đốc ngân hàng thì cũng hồn hậu đáng quý như nhau khi chúng vẫn còn nằm trên mảnh đất mang tên mơ ước. Bán xôi gà cũng có cái hạnh phúc đặc biệt của bán xôi gà, bà ngoại nói tỉnh bơ.
Như bà ngoại đã từng mơ ước làm họa sỹ truyền thần nhưng suốt đời gắn bó với nghề may áo bà ba, vui vẻ thấy người ta đẹp lên nhờ bàn tay khéo léo của mình.
Như chú kia biết đâu đã từng ước mơ làm kỹ sư, nhưng lẽ gì lẽ khác, chú ấy đi bán cơm chiên. Sáng nay ta đói bụng quá và ta nhớ tới chú.
Như chị nọ biết đâu đã từng mơ làm hoa hậu, nhưng cuối cùng chị đi bán dừa tươi, và ta luôn trông ngóng, chờ đợi chị đẩy xe dừa ướp lạnh trong cái nắng lửa tháng Tư tuôn ngui ngút.
Như anh kìa biết đâu đã từng mơ làm bác sỹ, nhưng cuộc đời đưa đẩy khiến giờ anh an ủi những thương tổn của con người theo kiểu khác, anh làm công nhân trồng cây, trồng hoa, tỉa tót, tắm tưới chúng xum xuê trên những ngã đường.
Và khi ta thèm một tô bún riêu, cần một cái chổi rơm, muốn sơn lại mảng tường cũ… luôn có người sẵn sàng chờ để làm những công việc đó. Họ có thể đã từng mơ ước làm giám đốc, chủ tịch, hay chỉ giản dị, “muốn bán bún riêu để ăn bún riêu cho đã đời luôn…” .
Ngoại nói hay ho như trên báo, dù vậy, cả nhà vẫn buồn. Họ hy vọng thời gian sẽ làm thằng nhỏ thay đổi ước mơ, trẻ con vội thèm mau chán mà. Và một bữa nhân dịp nép bên lề nhường đường cho đoàn xe công vụ có còi hụ đi qua, thằng nhỏ nói lớn lên con muốn làm bộ trưởng, làm bộ trưởng oai thiệt oai như cái bác ngồi trong xe kia.
Lần này thì cả bà ngoại cũng buồn, bà ngoại sợ thằng cháu theo đuổi tận cùng hiện thực hóa ước mơ đó, nó sẽ làm ảnh hưởng, biến chuyển số phận của hàng trăm, triệu con người. Một chữ ký, một cái phẩy tay, một lời nói lơ đãng vô tình, một sơ sót nhỏ của nó cũng làm vất vơ ngơ ngác một đám đông. Họ sướng thì không nói gì, nhưng nhiều khi thằng cháu bà làm họ khổ…
Bà ngoại hy vọng nó lại quên mau, để mà ước mơ giản dị như năm trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét