Sau động thái dừng việc cấp phép sân golf ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và TP HCM từ cuối năm ngoái đến nay, cho thấy việc phát triển các dự án sân golf phải rất thận trọng. Rất nhiều dự án đã được cấp phép, đất đã giao cho nhà đầu tư, nhưng tiến độ lại dậm chân tại chỗ, trong khi không ít nông dân mất đất, nên nảy sinh nhiều hệ lụy xã hội. Gốc của các phát sinh này chính là việc thiếu một quy hoạch tổng thể và chi tiết về sân golf ở phạm vi cả nước.
Loạn cấp phép sân golf từ nhiều năm đã khiến dư luận rất bức xúc. Đến nay cả nước đang có khoảng 145 sân golf, chiếm gần 50.000ha đất, trong đó có 2.000 ha là đất nông nghiệp. Câu hỏi đặt ra là 145 sân golf là nhiều hay ít? Để trả lời được thế nào là nhiều, thế nào là ít thì phải dựa vào quy hoạch mạng lưới sân golf. Thế nhưng quy hoạch là thứ chúng ta không tìm thấy ở một cơ quan đầu mối nào.
Một giáo sư nghiên cứu về sân golf đặt câu hỏi: Sân golf thuộc ngành nào quản lý?, rồi tự trả lời: không ai cả.
Các Bộ như Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao - Du lịch khi lập quy hoạch sử dụng đất cho ngành mình đều không đưa sân golf vào danh mục quản lý. Cho nên sân golf đang phát triển thiếu gắn kết với quy hoạch đô thị, giao thông, du lịch, hạ tầng kỹ thuật xã hội khác. Đây như một sự báo trước về việc chúng ta sẽ phải chạy theo những vấn đề phát sinh do thiếu quy hoạch sân golf gây nên.
Vì thiếu quy hoạch, các chủ đầu tư xin cấp phép làm dự án sân golf theo ý muốn chủ quan. Thế mới dẫn đến tình trạng có địa phương không có sân golf nào, nhưng ở Hà Nội và TP HCM lại có đến 16 đến 18 sân golf.
Nếu phát triển sân golf theo đúng nghĩa là nơi du lịch vui chơi giải trí, thể thao, dịch vụ như ở các nước, thì 200 sân golf như ở Bangkok (Thái Lan) vẫn được coi là không nhiều. Còn với nước ta, theo tính toán của các chuyên gia, 10 năm nữa số dự án golf đi vào hoạt động chỉ có thể là 30, nghĩa là hơn 100 dự án khác vẫn nằm trên giấy.
Vậy câu hỏi đặt ra đằng sau phong trào phát triển sân golf là gì? Việc chiếm đất giữ phần trong các dự án có mục tiêu sân golf khá rõ ràng. Trong khoảng 3 năm từ tháng 7/2006 đến tháng 6/2008, đã có thêm 106 dự án sân golf được gấp phép, bằng 13 lần của 16 năm trước cộng lại.
Đây là khoảng thời gian thị trường bất động sản đang nóng lên, nên các chủ đầu tư đổ xô vào đầu tư. Chẳng thế mà các chuyên gia cảnh báo rất nghiêm túc việc không ít chủ đầu tư xin cấp phép đầu tư mục tiêu sân golf, nhưng thực tế là kinh doanh bất động sản.
Con số được Hội Khoa học đất Việt Nam đưa ra khiến không ít người giật mình là tỷ lệ đất sử dụng làm sân golf thực sự là rất thấp, có nơi chỉ bằng 30% diện tích được cấp. Không khó hiểu bởi giá thuê đất làm sân golf thấp hơn giá thuê đất làm biệt thự, nhà ở hay trung tâm dịch vụ thương mại, nên nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh bất động sản.
Thiếu quy hoạch cũng dẫn đến đất sân golf lấn đất lúa, lấn đất nông nghiệp. Thật khó hiểu khi một tỉnh sản xuất nông nghiệp là chính như Long An lại có đến 13 dự án sân golf. Các nhà đầu tư và cơ quan cấp phép có lẽ không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng, nguồn gốc của môn thể thao golf phải ở vùng đồi núi có độ dốc thấp chứ không phải đồng bằng.
Chắc chắn chúng ta không cần một sự sáng tạo hay nhiệt tình theo cách bỏ qua nguồn gốc của môn golf như thế. Mất đất khiến nông dân mất nghề, đất nông nghiệp bị chia cắt, rối loạn sản xuất và sinh hoạt, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Chúng ta có thể chỉ ra rất nhiều sự lãng phí từ thiếu quy hoạch sân golf. Trong 10 năm nữa, 100 dự án nằm trên giấy với hàng chục nghìn ha đất bỏ hoang là sự lãng phí thứ nhất. Cả nước hiện có 18 sân golf đi vào hoạt động, nhưng chỉ phục vụ cho 2.000 người có tiền chơi thường xuyên. Trong khi đó, gấp hàng chục con số này người thu nhập trung bình, thậm chí là thấp, có những nhu cầu dịch vụ khác giá rẻ hơn ở sân golf thì lại không được đáp ứng. Như thế, sự thiếu tính đại chúng là lãng phí thứ 2. Sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí là tiền bạc để đi giải quyết các vấn để nảy sinh từ hậu sân golf không có quy hoạch là sự lãng phí thứ 3.
Bài học này được minh chứng rất rõ ràng ở thời điểm hiện nay khi không ít địa phương phải chạy theo giải quyết vấn đề ô nhiễm đất, nước do chất thải các nhà máy, khu công nghiệp khi trong suốt thời gian dài chúng ta không giám sát được. Có điều cả 3 sự lãng phí này đều không biết sẽ quy trách nhiệm cho ai, vì chưa ai lập quy hoạch sân golf.
Sự đã rồi, nhưng muộn còn hơn không, cần có sự tranh luận giữa cơ quan chức năng với các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và cả những người mất đất để tháo gỡ được nút thắt quy hoạch.
Cho đến thời điểm này, lập một quy hoạch tổng thể và chi tiết về sân golf đã bị coi là chậm, nhưng chậm còn hơn là không.
Quan điểm của nhiều chuyên gia là giao ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch làm đầu mối, trong đó có nghiên cứu dự báo tình hình để ít nhất trả lời được các câu hỏi: Tiêu chuẩn nào để xây dựng thêm 1 sân golf?. Vùng nào điều kiện đất đai và lao động không cho phép phát triển sân golf? Cần bao nhiêu sân golf đến năm 2015 và 2020?
Trên cơ sở đó, các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường và đặc biệt là các địa phương cùng chung tay lập ra quy hoạch tổng thể về phát triển sân golf, hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng và địa phương.
Cùng với đó phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn môi trường trong việc sử dụng đất, nước và cả chất hóa học nuôi cỏ phục vụ sân golf. Vai trò địa phương phải giám sát các dự án sân golf, tránh tình trạng lợi dụng giá thuê đất sân golf rẻ để kinh doanh bất động sản.
Các dự án sân golf không nên chỉ dành cho người giàu, mà tốt nhất là phải thu hút được cộng đồng dân cư địa phương nơi đặt sân golf tham gia. Đây là hướng đi có ý nghĩa khi vấn đề an sinh xã hội đang được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét