Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

1. Bảo vệ quyền người VN ở nước ngoài còn ít và yếu

Nói ít hiểu nhiều, người VN ở nước ngoài nên được nói thêm về người lao động xuất khẩu .... Không thích khi không nói thẳng vào những gì mà người lao động phải chịu đựng..

1. Bảo vệ quyền người VN ở nước ngoài còn ít và yếu

VnMedia- Trong tám nhóm nội dung của Dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam ở nước ngoài được 17 đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên làm việc chiều 23/5, những quy định về hỗ trợ và bảo vệ quyền của người Việt Nam ở nước ngoài được nhiều đại biểu quan tâm nhất. (23/5/2009)

Sau khi chỉnh sửa, bản dự thảo của Luật trình ra kỳ họp này gồm 6 chương, 36 điều đã sắp xếp các điều, khoản cho hợp lý hơn, thể hiện rõ các nội dung trong dự án Luật và bảo đảm tính lo-gic, mối liên hệ giữa các điều.

Bảo vệ quyền của người VN ở nước ngoài là cán bộ ngoại giao

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ và bảo vệ quyền của người Việt Nam ở nước ngoài thuộc điều 9 và điều 24, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, các quy định về hỗ trợ thì nhiều, nhưng quy định về bảo vệ thì ít và yếu. Ông Thuyết nêu ví dụ, trong mấy khoản ở Điều 9 chỉ có nửa khoản nói về bảo vệ người Việt Nam, nhưng biện pháp rất yếu là kiến nghị biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam. Đại biểu Thuyết đề nghị phải ghi rõ kiến nghị với ai, kiến nghị với Bộ ngoại giao, kiến nghị với Chính phủ Việt Nam hay kiến nghị với nước sở tại? Ông Thuyết nhấn mạnh rằng không nên dùng chữ "kiến nghị", mà đây là cơ quan đại diện Việt Nam phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi người Việt Nam, như thế đúng hơn.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Đình Nhã, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, tại điều 9, chúng ta nên bổ sung thêm một khoản các hành vi hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó bao gồm cả một số hành vi quy định ở Điều 8 tức là hỗ trợ về lãnh sự cho đầy đủ. Đại biểu Nhã trình bày: “Ở đây không phải là một sự sắp xếp đơn thuần, mà tôi muốn các cơ quan của ta ở nước ngoài nên quan tâm nhiều hơn và nên tăng cường năng lực cho các cơ quan này để hỗ trợ nhiều hơn, tốt hơn và bảo vệ tốt hơn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua ý kiến cử tri và bản thân có lần đi công tác nước ngoài, đến trại giam tôi thấy người ta giam các công dân Việt Nam có người bị giam đến 2-3 năm rồi, nhưng đến sứ quán mình hỏi, sứ quán vẫn không biết việc đó, thấy rất tủi thân. Bởi vì trên thực tế ở Việt Nam chúng ta, nếu có một công dân nước ngoài có những vụ việc liên quan đến công an, Viện kiểm sát, Tòa án Việt Nam, các cơ quan lãnh sự, cơ quan ngoại giao của họ tới tấp đến để thực hiện việc bảo vệ”.

Cả đại biểu Thuyết và đại biểu Nhã đều đồng tình rằng, nếu có thể quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ người Việt Nam điều đó cũng có nghĩa là chúng ta nâng cao trách nhiệm của cán bộ ngoại giao.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền, đoàn Quảng Ngãi thấy rằng, tại Điều 9 nên bổ sung thêm một điều khoản nữa đó là hỗ trợ, tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước, về đầu tư, làm ăn ở Việt Nam và đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

Nên tăng lương và nhiệm kỳ công tác cho cán bộ ngoại giao

Đại biểu Ngô Quang Xuân (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, so với các nước khác trong khu vực, cán bộ, nhân viên nước ta làm việc rất vất vả nhưng lương và chế độ phụ cấp còn thấp (điều 16). Vì vậy, cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài nên xem xét lại chế độ lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên làm việc tại nước ngoài.

Đại biểu Xuân cho biết, qua thảo luận, chúng ta mới chỉ thống nhất được là hiện nay chúng ta vẫn áp dụng chế độ phụ cấp và tính theo tỷ lệ % ở từng khu vực. Nhưng với quốc tế thì họ đã lương hóa cho các cán bộ công chức của họ ở các cơ quan đại diện và so với phụ cấp cho cán bộ ta với mặt bằng của thế giới còn quá thấp, điều này cũng ảnh hưởng đến sự an tâm công tác cũng như hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng nhiệm vụ.

Liên quan đến điều 27 về nhiệm kỳ công tác, đại biểu Xuân cho biết khoảng thời gian là 3 năm có phải là ngắn quá không? Theo ông nên nâng lên 4 - 5 năm là hợp lý vì nếu đề cử những đồng chí đang công tác tiếp tục ở lại không những đỡ chi phí cho Nhà nước mà còn phát huy được kiến thức, đặc biệt là mối quan hệ mà họ đã thiết lập.

Qua ý kiến của 17 đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chốt lại buổi thảo luận, về cơ bản đã tán thành nội dung tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật được chỉnh sửa đã thể hiện việc nhất quán đường lối đối ngoại, thống nhất quản lý đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Những ý kiến thảo luận tập trung vào 8 nhóm vấn đề, Ban soạn thảo xin tiếp thu để chỉnh sửa dự thảo Luật trình ra Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua vào ngày 17/6 tới.

Trong đó đề nghị làm rõ một số khái niệm có liên quan đến thẩm quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Nội dung thẩm quyền, nhiệm vụ của cơ quan đại diện; quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và cơ quan có cán bộ biệt phái; Chính sách cán bộ ngoại giao, biệt phái; Quản lý và phát huy các cơ sở vật chất của cơ quan ngoại giao ở nước ngoài; Nên có các hướng dẫn của Chính phủ về thực hiện luật này, trong đó quy định về tiêu chuẩn người đứng đầu cơ quan đại diện, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện...

Thứ hai (25/5), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét