Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009

Sự đểu cáng thời vươn ra biển lớn

(trích những gì liên quan tới việc đưa lao động ra nước ngoài- Lê Diễn Đức Sự đểu cáng thời vươn ra biển lớn...)
....
Cách đây không lâu, tôi ngồi nhậu với N., một người quen khác sang Ba Lan thăm dò thị trường. Hắn đã giữ chức giám đốc một công ty nhà nước, từng đưa sang Liên Xô, Tiệp Khắc, Bulgaria hàng chục ngàn lao động Việt Nam thời bốn phương vô sản đều là anh em và sang Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản thời các nhà tư bản và đại diện của giai cấp vô sản liên hiệp, cấu kết nhau xiết cổ người lao động.

Mới về hưu, vẫn sung sức nên hắn muốn tiếp tục sự nghiệp. Hắn nói rằng, ở Việt Nam, buôn công nhân đi nước ngoài là business hợp pháp ít vốn nhiều lời nhất, hơn cả ma tuý. Ai ai cũng muốn làm nhưng không dễ. Hắn có nhiều kinh nghiệm và vẫn còn giữ được các mắt xích quan trọng nên nhiều tân binh, mới vào nghề mời hợp tác.

Trước hết phải có 200 ngàn đôla để chạy giấy phép kỳ hạn một năm của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội. Tại sao chỉ một năm? Họ nói ăn một năm là đủ rồi, muốn gia hạn thêm thì phải triều cống tiếp. Bao nhiêu? Cái đó còn tuỳ ở tổng thu nhập năm qua! Không giấu được, vì hợp đồng khung và từng đợt đi cụ thể của công nhân đều phải qua Bộ duyệt và chấp nhận.

Từ chăm chú đến kinh ngạc, tôi nghe hắn ta giải đáp sự hoài nghi của mình.

Này nhé. Tao làm phép tính cho mày hay. Lương của một công nhân đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, ví dụ, 700 đôla, lấy mức bình quân của các nước Đông Âu, còn Nhật Bản hay vài nước khác thì nhiều hơn, Malaysia ít hơn. Thông thường công nhân được đối tác nước ngoài cam kết trong hợp đồng cho ăn trưa và nơi ở và vé máy bay đi về miễn phí. Trong thực tế còn tuỳ, muôn hình vạn trạng, biến hoá khôn lường. Cái này tụi này chẳng cần quan tâm, tiền đã trao và cháo đã múc rồi!

Theo quy định của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội Việt Nam, môi giới Việt Nam và nước ngoài, mỗi bên được hưởng một tháng lương của một người cho một năm lao động, gọi là “phí dịch vụ khai thác lao động nước ngoài“. Hay chưa! Ai chi à? Tất nhiên là công nhân. Hợp đồng ký với người lao động ghi thời hạn một năm, có thể gia hạn tới 3 năm hoặc hơn! Như vậy, một công nhân muốn đi phải nộp trước phí này cho môi giới là 700 đô nhân với 2 bằng 1.400 đô, cho 3 năm thành 5.200 đô. OK? Mày xem, nếu tống được 100 thằng đi, môi giới sẽ có hơn nửa triệu đô!

Khoản thứ nhì. Có sự chấp thuận bất thành văn của mọi bên gọi là “chi phí ngoài”, nói trắng ra là tiền làm thủ tục chiếu khán nhập cảnh. Các bố môi giới có hối lộ cho toà đại sứ nước nọ hay không, hay là bịa ra để bỏ túi riêng thì chỉ có trời biết. Đồn rằng, môi giới ở Cộng Hoà Czech thời gian qua đòi tới 2.500 đôla cho một visa lao động. Chẳng biết việc ông đại sứ CH Czech bị triệu hồi và CH Czech tạm ngưng cấp visa cho công dân Việt Nam có liên quan gì tới vụ này không, nhưng vỉa hè thì râm ran. Số tiền này môi giới nước ngoài cũng san sẻ đẹp một phần cho môi giới trong nước. Mày bấm xem con số có giật mình không? Tính với số chục hay trăm thôi, đừng tính số ngàn mà đứng tim!

Chưa hết! Hợp đồng bắt buộc công nhân phải thế chấp để tránh trường hợp bỏ trốn. Hầu hết công nhân là những người nghèo (chỉ một số rất ít lợi dụng để vượt biên hợp pháp) nên phải cầm đất, bán nhà, vay ngân hàng hoặc thế chấp tài sản. Nếu bỏ việc, tiền bạc hoặc tài sản thế chấp này sẽ mất đứt, các bên môi giới và chủ tuyển dụng ngoại quốc được quyền ăn chia, với cách nói mỹ miều là “tiền bồi thường thiệt hại”…

Như vậy chưa biết tương lai mô tê, tròn méo ra sao ở xứ lạ, khi đi mỗi công nhân phải nộp trước ba thứ: phí dịch vụ, phí visa và tiền thế chấp. Chưa kể tới các khoản hộ chiếu, công chứng, bảo hiểm, đi lại…

N. còn luyên thuyên nhiều thứ khác nhưng tôi bảo tốp. Tôi choáng váng.

Khổ thân cho những người như anh Trần Ngọc Thành trong Uỷ ban Bảo vệ Công nhân, lặn lội đến Đài Loan, Malaysia… để tranh đấu quyền lợi cho những người công nhân bị lừa gạt, cùng đường. Có phải đây là những hiệp sĩ Don Kichote đánh nhau với cối xay gió không, khi đã hiểu ra nguyên nhân cốt lõi vì sao nhà cầm quyền Việt Nam lại làm ngơ trước việc hàng ngàn công nhân ở các nước Malaysia, Nam Hàn, Đài Loan, CH Czech… không chịu nổi sự đối xử bất công, tàn nhẫn của chủ xưởng, phải bỏ trốn ra ngoài sống bất hợp pháp, làm lậu, hành nghề mãi dâm, trộm cướp?

Càng quảng cáo thật hấp dẫn để lôi cuốn, càng tạo ra sự khắc nghiệt điều kiện sống và làm việc bao nhiêu, càng có nhiều công nhân ra đi và… bỏ trốn. Những tên tư bản đen và đỏ tha hồ ngồi mát ăn bát vàng.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết vô cùng chính xác: “Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét