Mã Số Giữa Kiến Và Ong
Gởi Bạn, Họa sĩ Trịnh Cung.
I
Trong hiểu biết của tôi, kiến bò, ong bay. Kiến ở hang. Ong gầy tổ. Cùng ưa ngọt. Kiến, đường. Ong, mật. Hai loài này có một tổ chức xã hội khá chặt chẽ, tính kỷ luật rất cao, phân bố trách nhiệm rõ ràng. Có phải chỉ do mỗi phần bản năng, chỉ thuần nhất trong cấu trúc phi-tri-thức mà chúng hợp nhất, đồng điệu chăng.
Xưa kia cùng đứng trên cầu, Trang Tử và Huệ Tử nhân cùng nhìn một đàn cá lượn trong dòng nước trong. Một này cắc cớ nói:
- Trông lũ cá vui thật.
Hai kia hỏi vặn :
- Ông có là cá đâu mà biết cá vui buồn.
Một này phản kích:
- Ông có là tôi đâu mà ông biết cái cách tôi hiểu cá.
Có người sẽ bảo tôi: “ Ông có là ong là kiến đâu” mà biết bọn này đoàn kết, rất mực hòa thuận hòa hợp. Lại có khi cùng hòa xác ngay trong một chén… nước đường.
**
Thuở còn là một đứa bé quê nơi thôn dã, mùa lạnh, tôi thường ngồi co ro nhìn đàn kiến di tản từ cái hang sâu trong hốc nhà lên lánh nạn đâu đó trên vách cao. Lũ kiến tiên tri một cơn bão lụt sẽ tới, hang ổ sẽ bị ngập nước, nên vội di chuyển chỗ ở. Lắm khi thời tiết còn ấm áp, nắng trong gió lành, lũ kiến đã nhận ra tín hiệu mưa bão trước con người. Cảm ra cái rờn rợn của một cuộc nước Đỏ ngầu, Đỏ dữ, từ núi non tràn về [quê tôi dưới chân Trường sơn]. Sẽ ngập tràn, quét sạch. Sẽ bị tiêu vong, chết thảm trong bùn tanh nước Đỏ.
Nhìn Con-đường-kiến, tôi biết kiến biết Nói. Ít ra là “Nói Cùng Nhau”. Đương nhiên bằng ngôn ngữ Kiến.
Chúng nói khi cần Nói. Nếu tôi được làm con kiến, tôi trả lời ngon ơ lúc này: “Chúng tôi đang Nói”.
**
Lại trá ngụy. Kiến-biết-Nói ?
Dùng tuệ nhãn có thể nhìn ra cái bức tranh thiên tiên, đẹp đẽ tuyệt trần này:
Trong lúc đất trời âm thầm, lẫn âm mưu, gây ra mưa to bão lớn, bọn kiến từ những cái hang lỗ nhỏ trong lòng đất đã đồng loạt rời ổ. Chúng nương nhau, dìu dắt, khiêng vác cả những hạt gạo hạt tấm trắng nõn trên vai, bò ngược lên từng cao. Chúng rất trật tự. Phân công rất rõ ràng. Có những kiến lớn cõng kiến bé. Kiến dìu kiến. Kiến tải thương. Kiến nam nhi trợ giúp kiến yểu điệu bụng mang bầu.
Sợ thất lạc, con này cố làm sao gần gũi con kia, tạo thành một lối đi như một sợi chỉ nâu trên vách nhà. Sợi chỉ ngoằn ngoèo kham khổ, lúc nắng trời hãy còn quàng xiên in trên bờ vách. Có thể có bóng đổ từ một hàng cau, khóm trúc.
Mỗi con kiến “đi công tác” xong, trên từng cao trở về, trên đường đi, nó cụng cái đầu nhỏ nhoi vào đầu con kiến bò ngược chiều. Hai con nghiêng vào nhau như ta cụng ly mời dzô chăm phần chăm. Chắc là hai kiến rỉ tai tâm sự, báo tin lành dữ, chỉ đường cho nhau. Hình ảnh hai kiến cụng đầu chốc lát này này đẹp lạ lùng. Âm thầm, thân thiện. Có khi chúng lại cùng đồng loạt đổi hướng đi, nếu động ổ.
Nếu kiến không biết “Nói ” thì kiến làm cái động thái gì đây?
Thuở khoa học chưa phát triển, con người thường phải lắng nghe thiên nhiên. Phải theo Lệnh-của-kiến. Biết, do Phát-ngôn-của-chuồn-chuồn.
Trong những chiều hôm, mây trắng trời trong. Cha tôi chợt nhận ra tiếng sóng biển phía Đông Trì có hơi bất thường, ông nhìn tín hiệu từ đàn kiến bò kham khó trên bờ tường đất, hoặc ngoài vườn lũ chuồn chuồn bay thấp la đà mặt đất, ông liền bảo mẹ tôi: “Trời sắp giông gió rồi bà ơi, thu dọn đồ đạc đi là vừa”.
Con kiến con chuồn chuồn có khác con người. Con người thường đâm đầu vô chỗ chết.
Xa quá rồi, chìm trong bao chuồn chuồn cánh mỏng, lời báo bão ấy.
**
Có những Nói-không-thanh-âm. Cây đinh máu Chúa? là thiên-thu-Nói.
Khổng Tử dạy môn đệ cái Thể của Im Lặng: “ Thiên hà ngôn tai”. Trời có nói gì đâu. [Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên, thiên hà ngôn tai! // Trời luôn tịch mặc, bốn mùa vẫn vận hành, vạn vật vẫn sinh trưởng, nào, trời có nói gì đâu!]
Có những Tiếng-không-Lời.
Âm vang của cây đinh đóng lên thân Chúa?
Có Những Lời-không-phát âm.
Trong pháp hội núi Linh Thứu, xưa kia, khi được Chúng dâng một cánh hoa Ưu đàm, thỉnh Đức Phật vị Chúng thuyết Pháp. Thay vì thuyết giảng, Phật yên lặng mỉm cười, tay cầm cành hoa se nhẹ giữa những ngón. Chẳng ai trong Chúng hiểu được gì, ngoài Ma-ha Ca-diếp lĩnh hội được ý nghĩa của nụ cười, và trả lời bằng một mỉm cười. Ma-ha Ca-diếp có Chính pháp nhãn tạng, hiểu ra “Dĩ tâm truyền tâm’ này trong “Niêm hoa vi tiếu”. Ma-ha Ca-diếp, sau đó, đã nhận tâm ấn, trở thành Tổ thứ Nhứt của Thiền Tông.
II
Ngạn ngữ dân gian:
“Kiến ăn cá. Cá ăn kiến”.
Là để an ủi cái thời này anh làm cha, ăn trên ngồi tróc, hà hiếp người. Lại có lúc anh bỏ của chạy lấy người, vì kẻ kia có dịp lên ngôi. Mà cái trả thù thì luôn gấp ba gấp năm bảy lần cái chịu thù. Vay một vốn máu nhỏ nhoi, trả bằng một nửa nước thịt máu, lẫn xương hồn.
**
Phận kiến kể cũng đau. Bà con cháu chắt tị nạn lụt lũ. Nhưng chạy đâu tai trời ách nước. Như Thủy tinh trả thù Sơn tinh, để chụp giựt người mẫu. Ngập cả núi, sá chi cái Phủ Đầu Rồng. Bấy giờ lũ cá có dịp theo bùn tanh nước Đỏ. Đâu chỉ cá xà cá mập, ngay lia thia tép riu, cũng tha hồ đớp lũ kiến thất cơ lỡ cuộc trôi bập bềnh mặt nước.
Lo chi, có lúc sẽ nước lũ rút đi, cá không kịp trôi về sông, nằm phơi mình trên cạn. Kiến lại tha hồ xơi tái.
**
Mà. Có trả thù nào là đẹp đẽ đâu. Cũng đáng tởm cà thôi. Kiền rồi sẽ có dịp nhậu xác cá trả thù. Trên bờ cạn, bu quanh cá chết sẽ là đông đảo, đủ trường phái kiến, tạo thành một cục màu nâu nâu, nhung nhúc. Bên trong cái nhung nhúc “ vui vầy thắng lợi” vẫn là một xác chết, sình thối. Dù là xác cá.
Kiến chết nước, cá chết cạn.
Ong vẫn bay thanh thản trong không, tiếp tục hút mật.
Ong không nợ Kiến. Chẳng vay gì của Cá.
Nhưng vào cái thời Meo với Chát, tin đi-về nhanh như chớp sấm, anh im lặng, anh đứng trung lập, đôi khi cũng ăn đòn. Bị văng mảnh, tức khí, anh bất cẩn nhào vô, cũng te tua, bị tan tành cái Hũ Mật từ lâu dành dụm.
**
Trung quốc có Trường giang, tức Dương tử giang, dài những 6.600 km, đổ xuống từ độ cao gần 6000 mét. Bờ này thăm thẳm bờ kia mênh mông. Có nơi như biển. Trường giang có hằng trăm chi lưu chia nguồn. Có những chi lưu kỳ vĩ. Là những: Mịch La nơi Khuất Nguyên từ vẫn; Tiền Đường nơi Nàng Kiều huyền hoặc gieo hoa; Động Đình Hồ Lý Bạch ngâm vịnh, là Xích Bích lưu truyền sử lịch.
Nghìn năm trước Trường giang không hề có một cây cầu.
Từ thế kỷ thứ VI Bồ-đề Đạt-ma qua sông bằng một chiếc lá.[đúng ra, một chiếc thuyền con trước sóng dữ].
Bồ-đề vượt Trường giang bằng cái: không trọng lượng, không tốc độ. Càng không hề là khinh công.
Bồ rất xa, Bồ ở ngoài Cá và Kiến.
III
Ong và Kiến. Một tập thể đào hang. Một loài gầy tổ. Cùng một hang một tổ, nhưng lắm khi chẳng cùng băng đảng. Kiến có kiến cánh kiến càng. Ong có ong rừng ong nhà.
Đã ai từng nuôi chung kiến với ong để thử hòa giải hòa hợp một trận tao phùng giữa hai loài.
Đã ai ra công dạy con ong biết đào hang? Dạy kiến bay đi tìm mật?
Nhân loại văn minh quá cỡ thợ mộc này, đang dò tìm một Sự Sống ở trái đất thứ hai, chắc có ngày sẽ dùng kỹ thuật “phi mã số” giải mã được ý nghĩa “Nói với Nhau” giữa ngôn ngữ các loài vật. Tỉ như con én vui liệng trong bầu trời mùa xuân ắt là trong cổ họng, vừa vui vừa ngứa, của nó có phát ra bài tình ca, tợ tợ như “Anh cho em mùa xuân. Nụ hoa vừa mới.. nợ” [hát đúng theo xôn-phe [phẩy] của bản nhạc thì không phải Nở. Mà Nợ]. Nợ của ai? thì đi hỏi con Én.
Khác lập trường với én có thể tức giận, gạn hỏi: “Này én, mày hát vậy là có âm mưu gì? Ai đứng đằng sau?”
Con én, chắc nó sẽ trả lời: “Sau lưng em chỉ là một bầu trời xanh. Rất trong và… rất xanh”
**
Sau khi giải mã được ngôn ngữ muôn loài [chắc là cùng lúc với Tin Mừng đã tìm được trái đất thứ hai, có giống người Đại Cồ Việt sống… trên ấy] ta sẽ có dịp nối mạng. Web Ong. Blog Kiến. Để đọc xem hai Tiếng-Nói, của hai tập thể lắm nhiễu nhương lẫn chẳng hiền lành này. Kiến cắn phổng da phỏng thịt. Ong đốt tím mặt, lòi tròng trắng lòng đen. Đừng tưởng ong mật không biết cắn.
Bấy giờ, nhắc lại, khi loài người tìm ra những comments tràn ngập trên trái-đất-thứ-hai, Damau.org [bấy giờ Đặng Thơ Thơ thân yêu, Phùng Nguyễn thân ái đã ngoẻo củ tỏi từ trăm năm trước] nhưng theo truyền thống “Văn chương không giới hạn trong… Trái Đất” bọn chắt chít đáng kính phục của Phùng của Đặng, sẽ tiếp tục mở một Hội luận giữa loài bay với loài bò địa đạo, để tìm ra Tiếng Nói Chung. Mà đúc kết một trận đồ Hội luận Tương phùng, có chân thành mỗi người nhịn nhau một chút, đầy cười vui, thuận hòa mưa móc hy vọng?
Chờ trăm năm mà có kết quả tốt đẹp, có thật là sum họp, cũng nên Chờ. Chết, làm di chúc bảo cháu chắt lên gân… chờ.
**
Công Tôn Long, triết gia thời Chiến quốc, một trong những đại biểu của học phái Danh gia, tiêu biểu cho suy luận quỷ biện, cho rằng:
“Ngựa trắng không là ngựa”
[Bạch mã phi mã]
Ngựa là ngựa. Mà trắng là trắng.
Ngựa là tên gọi hình thể. Trắng là tên gọi màu sắc.
Hình thể là chỉ định chung cho loài [nội dung/thực]. Màu sắc là biểu hiện cá biệt [danh].
Từ cách quỷ biện này, ta gia thêm sự chất quỷ. Sẽ có khái niệm:
“Việt cộng sản không là Việt”
Việt là Việt. Mà Cộng là Cộng.
“Việt quốc gia không là Việt”
Việt là Việt. Mà Quốc là Quốc.
Nhưng đâm thử một nhát? đều có máu. Xét nghiệm, máu Việt nào cũng là máu như nhau.
Như sữa vắt ra từ vú con bò “da beo” Hà lan [Bò da beo không là bò] vẫn là sữa bò.
**
Tử biệt cái Danh sắc màu, tìm về Chính danh.
Nhưng tìm đâu, nơi nào để thấy Việt? cho rằng Việt? Đúng, đó là Tinh Việt? Đây là câu hỏi không mơ hồ.
Cánh cổng chúng ta “quay về” hôm nay không là cổng thành Chiến quốc trước mặt Công Tôn Long thuở nọ.
Chúng ta vẫn nỗi niềm:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”.
[Hoàng Hạc Lâu /Thôi Hiệu]
“Chiều hôm chốn cũ tìm đâu thấy
Chỉ những sầu thôi, khói sóng này”
[Cung Tích Biền dịch]
Thuở chiến chinh, cùng chia lửa.
Thời đờ-mi-thanh-bình, chia Cái Đau.
Cung Tích Biền.
Đồng Ông Cộ 08-09.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét