Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia
Chuyện 1:
Tôi vốn không cầu kì gì, nhưng đã bao lâu đi cắt tóc mà mỗi nơi lại sửa một kiểu, không đúng ý mình, thành ra mất tiền mà bực bội trong người lắm… Mái tóc đúng là quan trọng hơn bộ quần áo vậy.
Tình cờ nghe mách bảo của bạn, một chiều ngày cuối tháng, tôi đi xe đến tận cuối Hà Đông Tỉnh, tìm đến một tiệm cắt tóc, được tổ chức kiểu ‘hợp tác xã’ – do chủ nhà tự mở rồi tuyển mộ các tay kéo trẻ đến hành nghề. Cũng đông vui lắm !
Ngồi vào ghế cắt tóc, một thanh niên chạc 28 tuổi sửa sang cho tôi… Cậu ta chăm chú lắng nghe tôi yêu cầu cẩn thận rồi nắn nót vừa làm vừa nói về cái nghề đã theo đuổi được 5 năm của mình… Tôi cảm thấy cậu ta hiểu cái nghề của mình lắm. Chuyện trò trở nên thân thiện giữa hai người. Rồi cậu ta tâm sự: "Ngày mai em bỏ việc anh ạ." "Vì sao hả em?" Tôi hỏi. Tặc lưỡi, lắc đầu cậu ta bộc bạch: "Như em cũng tự biết học hành như mình thì chả chọn cái nghề gì ra tiền hơn được hơn đâu, nhưng em chán những tờ tiền lẻ nhàu nát móc từ trong túi ra với bộ mặt khinh khỉnh của những người khách lắm rồi anh ạ!"
Tôi chợt ngẫm ngợi về điều cậu ta nói. Ôi hóa ra khách hàng đúng là ‘không khí’ của người làm nghề vậy, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…
Xong xuôi, tôi ngắm mình trong gương, thấy mình hay hơn bao nhiêu những lần cắt trước đó. Tôi lấy tiền trong ví trả người thu ngân, rồi lấy thêm một tờ một trăm ngàn tinh tươm lặng lẽ bỏ vào chiếc phong bì nhỏ đứng trước cậu ta vui vẻ nhưng trân trọng: "Anh thấy mĩ mãn lắm, cắt tóc đúng là công việc của Nghệ sĩ, làm đẹp cho người, xin được có chút tặng em tỏ lòng cảm ơn nhé." Cậu ta như hơi ngỡ ngàng đón nhận.
Rồi mấy tháng sau tôi mới có dịp lại quay trở lại nơi sửa tóc đó. Vẫn gặp lại cậu ấy. ngồi xuống ghế, tôi hỏi: "Em đã quyết định lại không bỏ nghề nhỉ?" Cậu ta nói: "Dạ, đúng cái buổi chiều đó khi cắt xong cho anh, em về nhà suy nghĩ và quyết định không bỏ nữa, không phải vì một trăm nghìn anh tặng đâu mà lần đầu tiên em đã được người như anh ghi nhận ý nghĩa lao động của mình, em thấy yêu nghề hơn nhiều. Rồi em sẽ tích lũy để mở được tiệm cắt tóc đúng nghĩa làm đẹp cho người như anh nói anh ạ!"
Ôi, những điều nhỏ thôi, giữa con người, trong cuộc sống, có thể thay đổi cả một sự lựa chọn về chính cuộc sống của con người vậy!
Chuyện 2:
Nó con út của một ông cựu chiến binh quen thân với cha tôi, sinh trưởng lớn lên ở ngoại ô thành phố. Tôi luôn được biết đến nó như một thiếu niên, thanh niên sống chan hòa và lễ độ với mọi người lắm. Học cũng không đến nỗi, thi đỗ Đại học Thương mại. Nhưng ra trường, với mong ước lúc đầu cũng đơn giản thôi: bám giữ ở lại được cái nơi mình đã sinh ra, gần mẹ gần cha đã già yếu… nên đã trầy trật xin được một chân trong đội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của quận.
Công việc hàng ngày sáng chiều ngồi trên cái ghế nhựa nhỏ đặt trên thùng xe tải nhỏ Hyundai trong sắc phục ngành, vác loa len lỏi các đường phố, các ngõ chợ mọc tự phát đầy rẫy hò hét những quán hàng ăn, những người bán hoa quả rong… lâu dần tụ tập thường trực thành cái chợ quê nho nhỏ ở một góc vỉa nào đó gần nơi dân cư thuận tiện nhất cho người mua và bán…Việc cần nó ra tay chẳng bao giờ thiếu… lâu dần ở địa bàn nó hoạt động, những người bán hàng đủ loại bằng cách nào đó có một người "đại diện" định kì đưa nó cái phong bì… nó đi qua, để mọi việc lại đâu vào đấy… và cứ thế hết ngày này sang năm kia. Nó thấy sống tốt, thấy oai, thấy ổn, thấy đời sao có lý thế…
Một buổi sáng, tôi ngồi ăn quà ở một vỉa hè gần cái ‘chợ quê’ như thế… Xe nó đi qua, không nhận ra tôi. Nó nhảy xuống khỏi thùng xe, tay vác loa đưa sát mồm: Này bà con ! Khẩn trương dọn dẹp hàng quán sạch sẽ, giải tán tất cả các lồng gà, bu vịt, mẹt thịt mất vệ sinh ngay, nếu không sẽ bị tịch thu hết! Có vẻ như thấy khác thường, một bà bán thịt xồn xồn sấn lại hỏi: "Ô hay cái chú này, thế là thế nào?" "Là dẹp sach chứ còn thế nào?! Bà định muốn thế nào?!" Nó trợn mắt quát vào mặt bà ta thế. Bà kia quay vào sâu trong chợ… rất nhanh sau đó đi ra cùng một bà nữa có vẻ bản lĩnh hơn, dúi vào tay nó cái phong bì gập đôi. "Đây, thì chú cầm lấy để chúng tôi có tí yên ổn làm ăn." "Dẹp!" Nó trợn lên quát: "Cất, cất ngay phong bì đi! Các bà tưởng lúc nào cũng phong bì là xong à!? Cái đồ con buôn! Hôm nay ra quân nghe chưa, có truyền hình về quay tại quận, nghe chưa? Dẹp! Dẹp khẩn trương đi nghe chưa! Con mẹ kia chuyển bu gà lên thùng xe ngay!" "Ô, thế chú nhất quyết tịch thu của chị đấy à? Thế là chị mất toi bu gà này à? Này, thế như thế nào nữa cứ từ tốn nói với chị có được không?" – bà ta hốt hoảng nhưng quay ra giả lả. "Mụ muốn gì? Chúng nó hôm nay thu bu gà của mụ là còn là phúc đấy, chứ dẹp sạch chợ này thì phân gà không còn đâu mà cho các mụ ngửi. Nhưng tôi bảo cho mà biết: tự giác vứt lên thùng xe đi, lên quận quay phim xong, may ra được trả lại, nếu phóng viên chúng nó có phỏng vấn thì lựa lời mà ăn nói, phải thông chủ trương của quận nghe chưa, rồi trưa sẽ được về. Các bà khác góp thêm ít tiền đưa cho bà này mang theo, ngu vừa thôi để còn về mà làm ăn, nghe chưa!" Các bà hiểu ra, nhanh chóng làm theo điều nó bảo, hai bà lật đật, ôm bu gà với vẻ mặt nghi ngại leo lên xe.
Tôi đứng lên chào nó, và nói: "Sao dạo này em ra nông nỗi thế, sao lại có cách làm việc khiếp thế nhỉ!" Nó quay ra chào tôi cho phải phép: "Anh nhìn trên trời xem có sao không mà hỏi thế. Đời nó thế nên phải thế thôi, tử tế liệu có yên thân mà sống không mà cứ sao với cả giăng hả ông anh?! Đi!" Nó hét lên và nhảy lên thùng xe đã chất vài cái bu gà với cái nhà bà kia ngồi sẵn.
Khá lâu sau. Con nó bị bệnh nặng lắm, nếu không mổ thì phần nhiều cầm chắc cái chết. Nó đưa con đi khắp các bệnh viện thành phố, chả bác sĩ nào dám ra tay ngoài những lời khuyên chung chung. Gia đình nó đau buồn lắm. Biết chuyện tôi dẫn nó đến người bạn học xưa là bác sĩ , Trưởng khoa, được đánh giá là giỏi. Bạn tôi sau một thời gian ngắn nghiên cứu cẩn thận bệnh án đi đến quyết định mổ cho con nó, nhưng anh ấy đã kí sẵn vào một tờ đơn từ chức nếu ca phẫu thuật không thành công. May mắn cho tất cả, kết cục thật tốt đẹp. Bây giờ con nó đã khỏe mạnh, là sinh viên năm thứ nhất đại học rồi.
Hiện nay nó đã xin thôi việc ở đội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, sửa sang lại mặt tiền ngôi nhà, mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Thu nhập cũng tùng tiệm không thể bằng trước. Gần đây nó đến chơi nhà thăm tôi. Tôi hỏi sao lại bỏ chỗ làm cũ ? Nó nói: "Khi nhìn lên trời, dù tưởng là không thể nhìn thấy sao, nhưng em đã thấy, nên em biết là phải sống như thế nào cho tử tế hơn anh ạ. Con em đã được cứu sống, nếu nó vẫn có người bố như em ngày xưa thì không xứng đáng anh ạ. Gia đình em rất hạnh phúc như ngày hôm nay. Em cảm ơn anh Bác sĩ và anh nhiều lắm."
Chuyện 3 :
Có một người đàn ông yêu thích mỹ thuật, như sống vì niềm say mê của mình. Sưu tập tranh là niềm đam mê lớn lao nhất của cả đời của ông. Ông đã có rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng. Người đàn ông này đã góa vợ, chỉ có một người con trai. Một thời gian sau, đất nước có chiến tranh. Người con trai, cũng như mọi thanh niên khác, lên đường tòng quân.
Cho đến một hôm… Người cha nhận được một lá thư thông báo rằng con trai đã hi sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ. Người cha đau khổ đến tột cùng! Ông gần như chết đi một nửa người.
Ít lâu sau, đến ngày Noel, ông đang ở trong nhà, rất đau buồn thì có tiếng chuông gọi cửa. Đứng trước cửa nhà là một chàng trai tay cầm một khung gỗ lớn. Chàng trai nói: "Thưa bác, cháu là người mà con bác đã cứu trước khi hy sinh. Cháu không biết cái gì có thể đền đáp cho điều mà con bác đã làm cho cháu. Cháu được anh ấy kể lại rằng bác thích sưu tầm tranh, bởi vậy dù cháu không vẽ giỏi, nhưng bằng tất cả tình cảm vẽ một bức chân dung anh ấy để tặng bác. Cháu mong bác nhận cho cháu." Người cha nâng lấy bức tranh, mở ra. Ông lặng lẽ tháo bức tranh giá trị nhất vẫn treo trên lò sưởi xuống, thay vào đó là bức chân dung người con. Ông xúc động nói với chàng trai: "Đây là bức tranh giá trị nhất mà ta có được, hơn tất cả các bức tranh mà ta có trong căn nhà này."
Sau vài năm, người cha bị bệnh nặng và qua đời. Theo di chúc ông muốn bán đấu giá gia tài tranh của mình vào Lễ Noel ngay sau đó. Rất nhiều người muốn tham gia vào cuộc bán đấu giá. Cuối cùng thì buổi bán đấu giá cũng được công bố. Các nhà sưu tầm và những nhà đại diện cho các viện bảo tàng đều háo hức muốn mua các tác phẩm nổi tiếng. Toà nhà bán đấu giá đầy người. Người điều khiển đứng lên và nói: "Tôi xin cám ơn mọi người đã đến đông đủ. Bức tranh đầu tiên sẽ là bức chân dung này..."
Vài người la lên: "Đó chỉ là chân dung đứa con trai ông cụ thôi! Xin hãy bỏ qua nó, và bắt đầu bằng những bức có giá trị thật sự đi"
Người điều khiển nói: "Chúng ta sẽ bắt đầu bằng bức này trước!" - "Ai sẽ mua với giá $100?" - Không ai trả lời nên ông ta lại tiếp: "Ai sẽ mua với giá $50?" - Cũng không có ai trả lời - "Có ai mua với giá $40?" - Cũng không ai muốn mua. Người điều khiển nhìn quanh. Một người đàn ông già tần ngần đứng lên: "Anh có thể bán với giá $10 được không? Đó là tất cả những gì tôi có. Tôi là hàng xóm của ông cụ và tôi biết thằng bé đó. Tôi đã thấy thằng bé lớn lên và tôi thật sự yêu quý nó. Tôi rất muốn có bức tranh vẽ về cháu. Người điều khiển nói "$10 lần thứ nhất, lần thứ nhì, bán!"
Tiếng ồn ào vui mừng nổi lên, mọi người thở phào: "Chúng ta có thể bắt đầu thật sự được rồi!" Người điều khiển nói: "Thật là vinh hạnh khi có mặt những vị khách quý ở đây. Bữa nay chúng ta sẽ dừng tại đây! Xin cảm ơn các quí vị"
Đám đông nổi giận: "Anh nói là hết đấu giá? Con nhiều tác phẩm nổi tiếng trong bộ sưu tập của ông cụ kia mà?" Người điều khiển nói: "Tôi xin lỗi nhưng buổi bán đấu giá đã chấm dứt. Mọi người hãy xem chúc thư của ông cụ đây, NGƯỜI NÀO LẤY BỨC CHÂN DUNG CON TÔI SẼ ĐƯỢC TẤT CẢ CÁC BỨC TRANH CÒN LẠI! Và đó là lời cuối cùng!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét