Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

“Tôi khóc những cánh đồng rau khúc"

“Tôi khóc những cánh đồng rau khúc"
Và trong hương thơm của mùa rau khúc Giêng, Hai, trong tiếng rao đêm ngai ngái như ở tận chân trời, tôi bỗng rùng mình nhớ về những người thân yêu và những điều thiêng liêng đã làm nên ý nghĩa duy nhất của đời sống chúng ta đang lần lượt ra đi như không có ngày trở lại…

Không còn gì cho tôi khóc sớm nay ngoài cánh đồng rau khúc
Sương dâng hương chõ xôi mùa cuối của bà tôi

Đó là những câu mở đầu bài thơ của bạn tôi viết mười lăm năm trước. Mười lăm năm cảnh báo về sự mòn xói, tiêu biến một giá trị văn hoá thuần Việt được hình thành qua bao nhiêu số phận theo người nông dân từ núi qua trung du tới đồng bằng sông Hồng. Mười mấy mùa qua tôi vẫn bị sự nhạy cảm của nhà thơ và cánh đồng rau khúc hiển hiện trong mưa Giêng, Hai ám ảnh.

Giờ ngẫm thì chân xác chỉ vì tôi cũng có cánh đồng tầm khúc của riêng mình, có bánh khúc mẹ làm mỗi độ mùa sang. Ăn bánh khúc hái rau tầm khúc. Ngọn rau đồng chiếc bánh quê, những thức thân thuộc đến mức thành trơ lỳ rồi như xa lạ; rồi một ngày ta theo thói quen với tay ới gọi, thì mới bần thần ngơ ngác nhận ra xung quanh chỉ là khoảng trống của đêm đen.

Mỗi sớm mai se sẽ hơi may hay đêm khuya xa lạnh những tiếng rao của người bán dạo ấm áp, đơn độc đủ xuyên qua những bức tường rêu những cánh cửa khép chặt mà các chủ nhà hay gia nhân đang thiu ngủ bỗng choàng tỉnh. ”Khúc đơ…ơ ơ ơ. Bánh khúc lóng đơ …ơ ơ ơ “. Thoáng nghe thực khách đã biết cần phải ra đón hay là chờ một tiếng rao khác. Bởi nó là thứ chứng nhận bằng âm thanh xuất xứ của bánh khúc.

Ai người Hà Nội, ai người phố thị dọc mấy triền sông xứ Bắc đã mấy quên hình ảnh gã nông phu từ quần dải rút dép lốp đến quần bộ đội vá mông vá gối giày vải lòi ngón chân út so vai rụt cổ lầm lũi đội đầu chiếc thúng đại đan cật tre xông khói rơm. Gã chuyển động bền bỉ tự tin như trên luống cày, hai tay bơi gió lạnh, chiếc thúng đung đưa theo nhịp bước.

Tiếng kẹt cửa mơ hồ hay âm tiết cuối rơi thõm sau lưng chỉ bằng trực giác gã bánh khúc cũng phân biệt được đâu là âm thanh níu giữ. Xoay người như nghệ sỹ xiếc, thoắt gã đã đứng trước mặt ta, nhún thân, hạ người nửa quỳ nửa ngồi đỡ chiếc thúng trên gối.

Câm lặng và âm u, chỉ đôi bàn tay gã thô nhám như cành khô bỗng uyển chuyển, gợi đến miền thành kính gã trịnh trọng mở năm tầng bảy lớp lá chuối khô, đậy vài lượt vải buồm lá cói khui ra và nâng niu chiếc bánh khúc sáng mờ khói ấm. Cùng lúc mùi ngon bồn chồn dâng lên. Bởi mùi bánh khúc nóng là cái mùi đa sắc của mấy loại sản vật tươi mới kết hợp với nhau nhuần dịu đều được gieo trồng nâng đỡ trên cùng một cánh đồng. Một mùi thơm ngậm ngùi liên tưởng đến bao nhiêu vùng miền…

Hấp tấp hai lòng tay chao chuyền chiếc bánh rau tầm khúc nóng rãy, vừa đợi nhận lại tiền lẻ, ta vừa tìm cách cắn ngay một miếng cho bõ thèm. Giời ạ, một cái rùng mình vì nóng và… vì vị ngon hư thực bâng khuâng. Miếng tiếp theo, hay tiếp theo nữa, miếng nào cũng hấp tấp như là miếng đầu tiên của chiếc bánh đầu tiên. Dù có đang khuya lạnh, khoan khoái ta bỗng thấy cả cánh đồng xanh, cả cơn mưa Giêng, Hai tắm lộc, và bóng hình cô bé hàng xóm bê rổ ngang lưng bước nghiêng nghiêng đi kiếm hái rau tầm…

Gã bánh khúc chờ ta nuốt xong miếng bánh mỉm cười viên mãn.

Mùa bánh khúc của năm bắt đầu khi cữ gặt tháng 10. Ấy là lúc hạt rau tầm âm thầm bật mầm dưới gốc lúa chân ruộng cao hay cánh bãi trồng màu khô ẩm. Ngô lúa vào bồ lẫm chưa ấm chỗ thì nơi chân rạ gốc ngô, giữa vạt rau má lá tròn, lá gai và rau xương cá xanh mướt là những lan man tầm khúc nếp phủ dày lông tơ sáng mịn xôm xốp đeo long lanh những hạt cườm sương mới nơi chấm hoa li li vàng màu cúc..

Một mùi thơm hắc ngọt, trầm dịu la đà khi có khi không trước cảm giác kéo lơ lửng qua suốt thì Tết tới Giêng, Hai. Mùa rau tầm khúc.

Ký ức tuổi thơ chạy về mỗi sớm mai lũ trẻ làng đi kiếm rau tầm… Sương giăng loang, mỗi khi giẫm lên mùn chuột đào hang, tôi rùng mình vì cái cảm giác lạnh nhột nơi gan bàn chân, nhưng không bớt đi sự hung hăng chạy lên phía trước xí phần những khoảng mặt ruộng sáng trắng. Chỗ nào màu trắng càng sáng thì rau tầm khúc mọc càng nhiều…

Và tôi, học đến lớp 5, vẫn phải để cho “con bé lớp 3” giảng thế nào là tầm khúc nếp, tầm khúc tẻ. Bài học ấy đận nào tôi lẩm nhẩm nhập tâm, vậy mà thứ tôi kiếm về bao giờ mẹ cũng lựa bỏ hơn nửa là tầm khúc tẻ. Tiu nghỉu bỏ đi, tôi vẫn còn kịp nghe “con bé lớp 3 “ trong lúc phụ giúp nhặt thóc, lựa sạn ngâm gạo xôi, phân bua với mẹ rằng cháu đã bảo anh í là khúc nếp lá nhỏ, phiến dày, đốt ngắn cành mau và thơm nưng nức í.

Đã thành lệ mấy chục năm cứ đầu mùa rau tầm nhà tôi làm hai chõ bánh khúc tân, biếu mấy người bạn thâm giao của ông nội thuở học trường Bưởi và để cả nhà thưởng thức. Lệ biếu bánh khúc, được mẹ tôi giữ nếp ngay cả khi ông nội mất.

Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm được sự tất bật lo lắng và cả thành kính khi mẹ xoay xoả cho đủ những thức ưng ý giữa thời gạo hẩm mắm khem. Mẹ nhờ người này, nói khó người kia mua cho kỳ được gạo nếp cái hoa vàng Hưng Yên, gạo tẻ Thượng Bằng La - Nghĩa Lộ, mật mía de Tuyên Quang, đỗ xanh, vừng, lạc nhân Nghệ An, cùi dừa tươi Thanh Hoá, thịt ba chỉ lợn ỉ Hoà Bình, hành hoa trồng đất cát. Cối đá xanh Ninh Vân và chày gỗ nhãn…

Gương mặt mẹ sáng bừng viên mãn sắm thứ này, nhấc đặt thức kia. Mẹ dạy rằng, bánh khúc là thứ bánh bình dân, ai cũng làm được, ai ăn cũng hợp nhưng để nó trở thành quí phái, sang trọng, ngoài tay nghề tinh tế, thì nguyên liệu tươi ngon giữ vị đứng đầu. Và nữa…mẹ thì thào, mình phải thương yêu những chiếc bánh khúc mình làm con ạ.

Chọn gạo nếp cái hoa vàng Hưng Yên vì nó được trồng ở nơi hồ ao nuôi cá một vụ, cây lúa chỉ dùng màu mỡ tự nhiên. Gạo tẻ của giống lúa gié Nghĩa Lộ sinh trưởng dài ngày ở miền núi, bột xay mát mịn, khi kết hợp với bột gạo nếp sẽ được phần thịt bánh dẻo mềm đàn hồi...

Mía de Tuyên Quang thơm thanh ngọt dịu nhờ chất đất đá vôi. Dừa, lạc nhân, vừng miền trung bùi đậm có hậu do là ở nơi thời tiết hai miền khắc nghiệt giao tranh. Lợn ỉ vốn là giống lợn nhiều mỡ, nên thịt ba chỉ làm nhân không ngấy mà còn thơm chẳng kém bơ Pháp. Hành hoa đất cát thì xanh giòn, ít hăng cay. Cối Ninh Vân lỳ mặt giã nhiều không bị thôi bột đá, chày gỗ nhãn dai bền không tiết chất độc…

Còn điều quan trọng: Dụng cụ hấp bánh. Chõ đồ nếu có “hông “ làm bằng gỗ dái khỉ, một thứ cây thuộc họ sung của người Mường Hoà Bình thì hợp nhất. Lựa chọn thứ hai được chấm cho chõ gốm Hương Canh. Nhưng chõ gốm phải luộc kỹ trong nước chè xanh đậm đặc vài lần, ngâm suốt tuần. Nồi chưng hơi nước dùng đồ gang mới tránh được vị tanh kim loại…

Tôi không thể nào rời mắt mỗi khi mẹ làm bánh khúc. Hình như mẹ đang tiến hành những thao tác của một nghi lễ trang trọng. Mẹ mặc chiếc áo phin nõn nâu non mới, tóc quấn cao sau gáy thơm mùi bồ kết, gian bếp gạch bát đỏ son rực rỡ. Chiếc nia cật tre ngả màu cánh gián bóng ngời. Bột rau tầm lọc xơ toả khói, bột nếp khô trắng ngời ngợi, đỗ xanh đồ vàng mơ, nào làm nhân mặn, nào dành nhân ngọt, thịt lợn ba chỉ thái hạt lựu, xào cháy cạnh, hành hoa, hạt tiêu đen…

Cũng là bột ấy, cũng là rau tầm đồ lọc xơ ấy dưới tay mẹ nhồi mươi phút đã là thứ bột xanh ngọc óng ánh thơm ngần tưởng có thể ăn vụng. Mỗi lần miết nhón vào khối bột vẩy cổ tay nghiêng xuống mặt nia mẹ đã lẩy ra được một phôi bánh. Những phôi bánh xếp hàng trông như bầy ốc bươu ăn mỡ, mười chiếc bằng nhau cả mười.

Vạn vật được hun đúc bởi ngũ hành, nên nghệ thuật dùng lửa sao cho bánh không ngấy, không nồng, gạo nếp bao se bóng, mặt bánh căng, thịt bánh giữ được màu xanh nguyên thuỷ của rau tầm. Khi cắn miếng bánh nhỏ nhẹ nhai và ngẫm nghĩ thì ngay cả với người không mấy sành vẫn nhận ra mùi vị của từng thức, dù đó là nhân mặn hay nhân ngọt.

Xưa ăn miếng bánh khúc tôi nào nhận ra có bao nhiêu sự kỳ công của mẹ. Khép cửa tránh gió tạt, mẹ ngồi lui cui bên hoả lò, củi chẻ đun liu riu, ngọn lửa bùng loang vừa kín đáy nồi. Mồ hôi cũng loang trên trán, thi thoảng mẹ âu yếm đặt tay lên nắp vung lót lá chuối tươi, như lắng nghe tiếng nói của những chiếc bánh. Mẹ ru rín và cưng nựng chúng như là sắp sửa hát cho chúng nghe. Cữ mười lăm phút lại rút củi, rập lửa hai phút. Trầm ngâm.

Một tiếng sau, cánh cửa bếp mở, mẹ ngân nga gọi tôi lấy chiếc hộp sơn mài cốt tre màu đỏ tịm, chiếc làn tre hình giỏ ấm lót bông gòn trong ngăn bên phải tủ chè.

Bốn chiếc bánh đầu tiên xếp trong hộp sơn mài, mẹ bưng lên nhà trên mời ông nội. Hai chục chiếc bánh trong chiếc làn giỏ ấm gửi tàu thuỷ rời bến Trung Hà giữa chiều sẽ cập bến Phà Đen lúc tám giờ tối. Ở đó người ta đã biết chuyển món quà nóng hổi đến con phố nào.

Ông nội mất, nhưng bạn đồng niên của ông một hai người vẫn ở lại. Mẹ vẫn giữ lệ gửi quà bánh khúc xuôi Hà Nội, cho đến một ngày không còn lý do để làm việc ấy nữa. Chiếc làn giỏ gửi đi lại nhận về nguyên dấu…

Mẹ thắp hương cho ông nội.
Chiếc làn giỏ ấm được mẹ treo trên chiếc xà gỗ xoan trước hiên nhà.
Tôi lớn lên qua những mùa bánh khúc mặc nhiên thụ hưởng mà không hay đằng sau mỗi miếng bánh là cả một thế giới ngậm ngùi.

Đi lính, rời xa mẹ tôi biết nhiều hơn và buồn cũng nhiều hơn, dù Đông hay Đoài hễ nơi nào sông qua, suối chảy, đất phù sa lắm mùn ẩm mà khô thoáng là có rau tầm khúc mọc mỗi mùa.

Ngồi sương khói, tôi nhớ dáng mẹ nhồi bột khô với rau tầm đầu vụ, nhớ đôi mắt “con bé lớp ba “ một ngày thành thiếu nữ. Chẳng có chiếc bánh khúc nào ngon bằng chiếc bánh mẹ tôi làm. Chẳng có chiếc bánh khúc nào thơm bằng chiếc bánh khúc tôi nhận được từ cô gái cố hương bên khóm chuối đêm rằm tháng Giêng.

Thi thoảng tôi trở về đằm mình trong ký ức.
Thiếu nữ học ngành cơ khí, rồi bỏ việc ở công trường thuỷ điện về làm bánh khúc giao buôn. Mỗi mùa rau tầm mới, mẹ tôi lại phàn nàn sao giống khúc nếp mỗi ngày mỗi vắng, khúc tẻ không cần thì lại mọc ê hề. Mà tầm khúc nếp hình như giờ cũng đổi hương thay vị. Hương gắt nồng và vị đắng nhiều hơn.

Che tay ngang mày, mẹ lo âu nhìn hàng rào khu công nghiệp đang tịnh tiến gần lại luỹ tre làng với những cái lưỡi khói như vòi bạch tuộc phả ra mùi nồng khét.

Mẹ giục tôi nếu ưng “người ta” nên nhanh tay cưới hỏi, nếu không muốn sau này ân hận. Ậm ừ không thể rõ ràng vì xét trong tôi không rõ mình cảm mến “người ta” đến đâu. Tôi chỉ biết rằng, “người ta “ với cánh đồng hái tầm khúc mỗi buổi mai thơ dại, chiếc bánh khúc mới đêm rằm tháng Giêng cũng như Mẹ đã là một phần máu thịt kết trong tâm hồn lẫn thịt xương tôi.

Tôi không thể ngỏ lời, nhưng tôi cũng không muốn một ai mang ”người ta” đi mất khỏi làng. Nhưng rồi một ngày kia, nàng theo người con trai bán bánh khúc dạo bằng xe máy có chiếc loa kim gắn đằng trước. Mẹ tôi thở dài than, đời thủa nào ai lại rao bánh khúc eo éo như mèo bị giẫm phải đuôi bao giờ. Hay tin tôi đã trào nước mắt.

Bà nội, và cha mẹ của nhà thơ làm những bài thơ than khóc cho những cánh đồng tàn lụi mười mấy năm về trước, những người đã làm cho nhà thơ chiếc bánh khúc đầu tiên giờ cũng đã yên nghỉ giữa một cánh đồng bên con đường sắp trải nhựa. Chẳng biết mùa này nơi đó rau tầm khúc có mọc lên hay chỉ còn những lùm dứa dại. Và tôi lại nhớ đến những câu thơ của người bạn :

Tôi khóc những mùa rau khúc thiêng liêng phủ đầy mưa xuân như phủ đầy cám nếp
Nơi giấu vùi hơi thở của bà tôi

Mẹ tôi mắt mờ chân chậm không thể ra đồng. Vả lại mẹ cũng không thể băng qua những bức tường bê tông có kẽm gai, nếu có lối ra đồng thì chắc gì kiếm được rau tầm khúc.

Hun hút ngõ phố dài đêm thinh lặng.
Cung bổng cung trầm bánh khúc rao đang vang lên ở đâu.
Vợ chồng “người ta" đã có nhà xây mặt phố. Bánh khúc bán quanh năm. Chõ i-nốc đồ bánh sáng choang. Máy xay chạy điện thay cho cối đá Ninh Vân. Ở quê đồn rằng nhà ấy “tuyền” bán thứ bánh khúc su hào, rau diếp và lấy vị bằng rau tầm khúc tẻ phơi khô.

Biết vậy nhưng chưa bao giờ tôi có gan tìm đến. Phải chăng tôi cũng là người có lỗi. Tự an ủi tôi thầm đọc những câu thơ của bạn đã có trùng khít thời gian Kim - Kiều ly biệt:

Tôi khóc những mùa rau khúc, tôi đã thiếp đi bên miếng bánh của mình.
Tôi khóc em của tôi mười mấy năm vẫn còn ngơ ngác
Trước câu hỏi vì sao tôi ra đi ngày rau khúc chưa tàn…

Và trong hương thơm của rau khúc Giêng, Hai, trong tiếng rao đêm ngai ngái như ở tận chân trời, tôi bỗng rùng mình nhớ về những người thân yêu và những điều thiêng liêng đã làm nên ý nghĩa duy nhất của đời sống chúng ta đang lần lượt ra đi như không có ngày trở lại…

o Nguyễn Tham Thiện Kế
-- Nhớ sao nhớ những buổi sáng mùa đông cầm chiếc bánh khúc nóng đã có cảm giác thơm của nếp, ngậy của thịt mỡ... mà sao khó tả mùi khúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét