Cuộc chiến chống buôn bán phụ nữ và trẻ em còn nhiều gian nan
(ANTĐ) - Từ năm 2007 đến nay, tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại các tuyến và địa bàn trọng điểm. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, số vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc hàng năm chiếm khoảng 65% tổng số vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em của cả nước.
Thực trạng “nóng”
Nạn nhân phần lớn từ các tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên bị đưa lên các tỉnh biên giới (tập trung là Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai) bán sang Trung Quốc với mục đích làm mại dâm, lấy chồng hoặc để bóc lột sức lao động.
Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, chiếm khoảng 10% tổng số vụ, nạn nhân chủ yếu từ các tỉnh Nam bộ bị bán sang Campuchia, phần lớn là qua các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp…với mục đích chủ yếu làm mại dâm. Ngoài ra, còn phát hiện một số vụ trẻ em Trung Quốc bị đưa trái phép sang Campuchia rồi đi nước thứ ba (như Anh, Pháp, Đức).
Tuyến hàng không, nạn nhân bị đưa qua sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài sang nhiều nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Hongkong, Macao, một số nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ (dưới hình thức kết hôn, du lịch, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi). Ngoài ra, bộ đội biên phòng còn phát hiện một số vụ đưa nạn nhân qua đường biển (từ vùng biển Tây Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng) sang Campuchia, Thái Lan, Hongkong.
Thực tiễn đấu tranh của các lực lượng chức năng như công an, bộ đội biên phòng… cho thấy thủ đoạn và phương thức hoạt động phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Trong thời gian qua nổi lên một số diễn biến mới, đó là đã xuất hiện một số vụ buôn bán đàn ông (ở Lào Cai, Quảng Ninh) và nhiều vụ chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em (ở Lai Châu, Hà Giang). Đáng lưu ý, bọn tội phạm còn tổ chức buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai và có cả buôn bán phủ tạng trẻ em. Đặc biệt, Công an Phú Thọ, Hà Giang đã phát hiện một số phụ nữ ở các tỉnh biên giới phía Bắc đưa con sang Trung Quốc bán.
Bọn tội phạm triệt để lợi dụng công nghệ thông tin, nhất là Internet để lừa học sinh, sinh viên. Trong nội địa, bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt một số phụ nữ, trẻ em để bán vào các nhà hàng, các động mại dâm thuộc vùng giáp ranh theo tuyến quốc lộ, các bãi biển, khu du lịch trong nước để bóc lột tình dục. Tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với nước ngoài và môi giới hôn nhân bất hợp pháp chưa giảm, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Tại TP.HCM đã phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ với hàng nghìn phụ nữ từ các tỉnh bị thu gom để người nước ngoài xem mặt chọn vợ.
Ngoài ra, ở một số khu vực biên giới phía Bắc xuất hiện nhiều trường hợp mua trẻ em hoặc nhận con nuôi từ nước ngoài mà không có thủ tục pháp luật, gây ra nhiều phức tạp về an ninh trật tự và hậu quả pháp lý. Đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ trẻ em chủ yếu là những đối tượng không nghề nghiệp hoặc buôn bán tự do qua lại biên giới, có mối quan hệ quen biết các đối tượng tổ chức kinh doanh tình dục ở nước ngoài, các đối tượng có tiền án, tiền sự, chủ chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ như massge, nhà hàng…
Một số đối tượng trước đây đã là nạn nhân bị buôn bán, khi về nước lại trở thành đối tượng dụ dỗ, buôn bán phụ nữ, trẻ em; một số cán bộ, nhân viên thoái hóa biến chất lợi dụng lĩnh vực công tác được giao đã móc nối với đối tượng ngoài xã hội thu gom trẻ em, làm giả giấy tờ nhằm hợp pháp hóa việc chuyển giao trẻ em cho người nước ngoài nhận làm con nuôi (xảy ra ở Nam Định, Đồng Tháp, Vũng Tàu).
Các đối tượng người nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… lợi dụng danh nghĩa kinh doanh, du lịch để móc nối với các đối tượng trong nước dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em đưa bán ra nước ngoài dưới dạng kết hôn, cho nhận con nuôi, xuất khẩu lao động…
Khó khăn phía trước
Theo Đại tá Nguyễn Chí Việt - Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Bộ Công an, hiện nay một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, các đoàn thể chưa thực sự vào cuộc, hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu kế hoạch, biện pháp cụ thể nên chưa huy động được lực lượng, các cấp, các ngành để đấu tranh kiên quyết với loại tội phạm này nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Công tác tuyên truyền còn dàn trải, chưa tập trung vào những vùng, những đối tượng là phụ nữ, trẻ em có nguy cơ dễ bị xâm hại, công tác phòng ngừa xã hội, nghiệp vụ còn kém hiệu quả, tỷ lệ phát hiện, điều tra khám phá còn thấp so với thực tế, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán trở về còn bị động, lúng túng, nhất là chưa đánh giá được thực trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về để áp dụng chính sách phù hợp nên nhiều nạn nhân khó vượt qua được khó khăn cuộc sống.
Bên cạnh đó, còn nhiều sơ hở trong quy định của pháp luật về các vấn đề có liên quan, nhận thức chung và tinh thần cảnh giác của phụ nữ trẻ em còn hạn chế nên bọn tội phạm dễ lợi dụng để hoạt động phạm tội. Du lịch cũng là môi trường thuận lợi để các đối tượng môi giới lợi dụng buôn bán phụ nữ trẻ em. Với thủ đoạn dụ dỗ tìm công ăn việc làm có thu nhập cao ở nước ngoài, các tổ chức buôn bán người đã móc nối phụ nữ đi du lịch trốn ở lại bán cho các cơ sở hoạt động mại dâm hoặc chủ sử dụng lao động ở nước ngoài.
Đã có công ty tổ chức đoàn 23 du khách tới Australia nhưng trốn ở lại tới 16 người, lợi dụng visa vào nước này cấp trong thời hạn 3 tháng nên các tổ chức buôn người đã đưa người sang qua con đường du lịch, xuất khẩu lao động bất hợp pháp. Việc tổ chức cho người nước ngoài chọn cô dâu Việt Nam và xuất cảnh qua con đường du lịch đối với Hàn Quốc, Đài Loan cũng khá phức tạp.
Thông báo của phía Hàn Quốc hiện nay có trên 1.000 người Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp thông qua con đường du lịch… Dự báo trong thời gian tới, hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và có tổ chức chặt chẽ hơn, tính chất và quy mô cũng nghiêm trọng hơn, do vậy cuộc chiến chống loại tội phạm này sẽ ngày càng nóng bỏng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét