http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3607
Hàn Lệ Nhân
“…chính nguồn nội lực cha sanh mẹ đẻ đã điều hoà được hết: Tiếng nước ta hiện nay đã thuộc loại bí pháp cao cường, nếu vượt được quán tính lập dị, tự kiêu rởm, tự ái hão mà bình thản tiếp tục "tá lực đãi lao, ứng tấu ứng tác" kho Hán tự nữa thì thật thụ là bí pháp biến hoá vô hạn…”
Nếu ai hỏi tôi yêu Quê Hương nào nhất?
Tha thiết trả lời: Nơi tôi ra đời!
Nếu ai hỏi tôi yêu ngôn ngữ nào nhất?
Hãnh diện trả lời: Tiếng Việt mà thôi!
Mười thế kỷ Bắc thuộc và sau non mười thế kỷ giành lại nền độc lập, nước ta vẫn tiếp tục dùng chữ Hán rồi chữ Pháp là văn tự chính trong hành chánh và học đường, đặc biệt trong học đường mãi đến hơn nửa đầu thế kỷ XX tiếng Việt mới được chính thức dùng làm chuyển ngữ ở bậc đại học – cụ thể là ở nước Việt Nam Cộng Hoà trong thập niên 1960, tuy tiếng Việt từ Bắc chí Nam trước nay luôn luôn là ngôn ngữ phổ thông trong gia đình, trong xã hội.
Thịnh thời của chữ Hán, tiếng Nôm bị các cụ nho gia Giao Chỉ cho là "nôm na"; qua thịnh thời của thực dân Pháp tại Việt Nam, tiếng Việt lại bị chính một số ông Tây An Nam rẻ rúng là "mách qué", đại để là vì tiếng Việt lúc bấy giờ, theo họ, chưa có các danh từ, dụng ngữ, thuật ngữ khoa học như phương tây.
Vậy bốn chữ "Nôm na, mách qué" ngụ ý gì ? "Nôm" là cách đọc trại từ chữ Nam của mấy nhà nho với hậu ý chê bai. Na chỉ là âm đệm, ở đây không có nghĩa gì cả, như khi nói Nết na, hoặc Lóng liếc, Học hiếc, Tiếng tây tiếng u. Ăn nói nôm na tức ăn nói mộc mạc theo cách bình dân của người không có học chữ "thánh hiền", trong văn viết ta thường gặp hai chữ diễn nôm. Mách qué hàm ý thiếu văn hoá, như khi ta nói giở trò mách qué, ăn nói mách qué. Nôm (Nam) còn ngụ ý đối lại với Bắc (ám chỉ Trung Hoa).
Trong một bài viết cũ, tôi có trình bày đôi ba suy nghĩ về chuyện nôm na này, nay xin trích lại để hiến chư vị quân tử:
« Suốt gần 5.000 năm dựng nước, triền miên điêu đứng với "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây", dân tộc Việt Nam đã lần lượt hấp thụ hai nền văn hoá phong kiến Tàu và thực dân Tây mà không hề đánh mất bản chất, sắc thái riêng biệt:
Sau một thời gian xâm nhập Việt Nam, chữ Hán liền bị biến thể thành chữ Nôm, Hàn Thuyên, một người việt đã can đảm khởi xướng phong trào làm thi phú quốc âm việt bằng chữ Nôm với những luật tự biến chế phỏng theo Đường Luật (luật nầy sau gọi là Hàn luật). Chữ Nôm đã cho ta những tác phẩm bất hủ, tuy nội dung hay bối cảnh vay mượn của Tàu, như Kim Vân Kiều của Nguyễn Du; Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…
Tóm lại chữ Hán đã đem một phần hùn lớn cho ta. Ngày nay đọc hay nói những chữ khái niệm, xã hội, quá khứ, quốc gia, độc lập… ta không còn thấy sượng sùng, xa lạ nữa.
Thời Pháp thuộc cũng vậy, những chữ Pháp nào lọt vào Việt Nam đều bị "nung nấu" việt hoá cả. Ví dụ: cái bù-loong (boulon), cái tách (tasse), trái banh (balle)…» (Hàn Lệ Nhân, “Nguồn gốc Thơ Mới”). Thậm chí:
Bút huê thảo tình thơ uyn-lét (a)
Hỡi me-sừ con-nét moa chăng (b)
Vu còn nhi-ét bao zăng (c)
Đon moa kết ngãi phe giăng-đờ-rờ (d)
Những chữ in nghiêng là phiên thẳng từ tiếng Pháp: (a) một bức thư; (b) ông có biết tôi không; (c) ông còn đứa cháu gái bao nhiêu tuổi; (d) cho tôi làm rể. (dẫn theo Đào Trọng Đủ)
Trước 1954, ở Bắc đã có vài tác phẩm về văn phạm Việt ngữ: Sách Mẹo Tiếng Nam của Nguyễn Hiệt Chi và Lê Thước (HN 1926), Luật Hỏi Ngã của Nguyễn Đình (LNH, HN 1939), Khảo Cứu Về Tiếng Việt Nam của Lê Ngọc Vượng (HN 1942)…
Trước 1975, ở Nam đã có chủ trương "thuần khiết ngôn ngữ Việt" được ghi lại trong các tác phẩm như Việt Văn Qui Tắc của J. Lương Ngọc Luông (SG 1935), Ngôn Ngữ Học Việt Nam của Nguyễn Bạt Tụy (SG 1959), Văn Phạm Việt Nam của Bùi Đức Tịnh (SG 1952 và 1967), Chánh Tả Việt Ngữ và Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị của Lê Ngọc Trụ (SG 1960), Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm (in lần thứ 7, SG 1960), Ngữ Học Nhập Môn của Nguyễn Đình Hoà (SG 1962), Khảo Luận Về Ngữ Pháp Việt Nam của Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình (Huế 1963)… Đặc biệt tôi không nhớ cụ bà, cụ ông nào đã tặng tôi 2 tập bản thảo gõ bằng máy đánh chữ, còn nhiều thủ bút bên lề của cụ Nguyễn Khắc Xuyên: 1/ Việt Ngữ Khái Luận dịch từ nguyên tác La-ngữ của cố Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) viết năm 1651, trong này có trích đoạn từ Phép giảng tám ngày do cố Đắc Lộ viết bằng chữ Việt theo lối abc La-tinh; 2/ Vấn đề hình thành Chữ Quốc Ngữ, viết tại Đà Lạt năm 1962-1964.
Năm 1976, vấn đề Thống Nhất Tiếng Việt đã được rầm rộ đưa ra tại một hội nghị bàn về những vấn đề của Tiếng Việt, nhưng chẳng đi đến đâu. Tháng 10 năm 1978, có hội nghị về vần đề Thống Nhất Chính Tả, trưởng ban tổ chức là ông Hoàng Tuệ từ Hà Nội vào. Cuối năm 1979 có Hội nghị khoa học toàn quốc ở Hà Nội, trong nghị trình có đề tài "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" với các đề nghị định chế và thống nhất chính tả, văn phạm, phiên âm tên người tên đất ngoại quốc, v.v.
Ngày 30-4-75, sông Bến Hải không còn bị ngăn đôi: Toàn cõi VN một lần nữa bị xáo trộn tận gốc trên mọi phương diện, trong đó có vấn đề Tiếng Việt! Tiếng Việt của tôi vốn 99% do học lóm, đa phần qua sách báo Việt ngữ Miền Nam từ xứ người. Phải chăng vì là nhà nho mà ông thân tôi có những câu nói mà tôi không quên được, chẳng hạn: "Đọc sách báo là cách hay nhất để tự xoá dần sự dốt nát, mở dần cõi lòng, hàm dưỡng dần nhân cách. Muốn khá Việt ngữ thì phải vững Hán-Việt mà các ấn bản Việt dịch từ Đông Châu, Thủy Hử, Tam Quốc là kho Hán Việt. Còn nói và viết đúng tiếng mẹ đẻ là cách tỏ lòng thành cụ thể nhất đối với cội nguồn". Nhờ thế, tuy mới lõm bõm tiếng Việt nhưng thời đó – 16, 17 tuổi – có dịp là tôi tìm đọc sách việt. Bấy giờ nơi sinh quán tôi có nhà sách Hồng Yến và tủ sách cho thuê của anh chị Huệ-Phiên. Tôi khoái tiểu thuyết của Từ Kế Tường, của Duyên Anh, của Nguyễn Thụy Long…; mê nhất là truyện chưởng Kim Dung, Ngoạ Long Sinh, Cổ Long qua bản dịch của Hàn Giang Nhạn, Phan Cảnh Trung, Đà Giang Tử… và thường xuyên tra Tự điển Pháp, Anh ra Việt hay ngược lại. Phần Hán Việt tôi dùng cuốn Tiếng Hán Việt Thông Dụng của Thanh Nghị và Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, khi gặp khó khăn về ngữ cảnh trong câu thì đã có cuốn tự điển sống trong nhà là ông cụ. Ông thân tôi khá chữ nho ra sao tôi không biết, chắc chắn một điều sinh thời ông là người "cho chữ" trong tang hôn tế lễ của người Việt trong cả tỉnh Savannakhet. 30 năm sau, khi trở về chịu tang Mẹ năm 2004, tôi mới biết có bác Nguyễn Đình Phiên ở xóm Hay-Doòng cũng khá chữ nho.
Tôi chăm đọc từ điển lắm. Mới xa nhà không lâu thì cuốn từ điển sống đột ngột qua đời, cho nên để tiếp tục tự "xoá dần sự dốt nát", lần hồi trong tủ sách của tôi có 47 cuốn từ điển đủ loại. Khi tập viết, có chút thắc mắc về ngữ nghĩa, về Hỏi-Ngã là tôi tra ngay. Đó là tôi noi gương cụ Nguyễn Hiến Lê, tác giả tôi kính yêu nhất:
治 爱 書, 乱爱 書, 書 中 有 有
貧 以 道, 富 以 道, 道 外 空 空
(阮 献 梨)
"Trị ái thư, loạn ái thư, thư trung hữu hữu;
Bần dĩ đạo, phú dĩ đạo, đạo ngoại không không."
(Trị yêu sách, loạn yêu sách, trong sách chi chi cũng có;
Nghèo giữ đạo, giàu giữ đạo, ngoài đạo thảy thảy đều không).
(Nguyễn Hiến Lê)
Năm 213 trước Công Nguyên, nghe lời quân sư Lý Tư, Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh «phần thư khanh nho»; năm 1966 Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách Mạng Văn Hoá long trời lở đất ròng rq4 mười năm (1966-1976): «Mao tự hào về cách mạng đó lắm. Tây phương chê ông ta là Tần Thuỷ Hoàng ngày nay, ông ta mỉm cười bảo ông hơn Tần Thuỷ Hoàng cả trăm lần chứ, vì Tần Thuỷ Hoàng chỉ chôn sống có 460 kẻ sĩ, còn ông thì giết tới 46.000 trí thức» (2).
Năm 1956, ông Hồ "du nhập và nhuần nhuyễn vận dụng sáng tạo" gương Cải cách điền địa, Bách hoa tề phóng - Bách gia tranh minh từ bên Tàu vào "hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam" với kết quả "cơ bản thành công" trong thảm kịch mang tên Cải cách ruộng đất và Trăm hoa đua nở (Nhân văn-Giai phẩm).
Năm 1976 và năm 1978, chính quyền CHXHCNVN – dưới triều TBT Lê Duẩn, noi gương bác Mao, tiến hành quốc sách thiêu hủy triệt để sách báo được xuất bản và phát hành tại nước VNCH trong thời kỳ 1954-1975, đồng thời bắt hàng loạt văn nghệ sĩ Miền Nam đi "học tập cải tạo" (4). Bơi ngược dòng chảy của lịch sử lúc đó, ở Paris, từ hè 1976, tôi bắt đầu làm ngược lại cuộc "đốt sách" bằng cách truy tầm lại sách "ngụy" ven sông Seine (3). Trong thập niên 1980, những sách "ngụy" được tái bản tại Hoa kỳ, một mớ không nhỏ là mượn từ tủ sách cũ của tôi. Xin thú thật là thời đó tôi không hề nghĩ tới hai chữ tác quyền: Tôi chỉ muốn cự lại câu nói vẫn đè nặng lòng tôi: "Bốn ngàn năm văn hiến, sách không đầy một xe"!
Vốn liếng tiếng Việt trong tôi, như đã nói qua, phần lớn là nhờ chịu thương chịu khó mót từ sách "ngụy", cho nên năm 1978, khi bắt đầu sinh hoạt với đồng bào thuyền nhân trong các trại tị nạn tại Pháp, Đức, Hoà Lan tôi nhiều phen ngớ cả người khi nghe những từ Hán-Việt chẳng hạn nhất trí, đột xuất, tham quan, chất lượng, hải quan, di lý…; nhất là trong các buổi bù khú đàn hát và kể chuyện tiếu lâm đỏ với những "dụng ngữ thuần Nôm" lạ lẫm như cái nồi ngồi trên cái cốc, đồng hồ 2 cửa sổ, tàu sân bay, xưởng đẻ, nhà ỉa, chị nuôi, máy bay lên thẳng, làm việc…(5). Rồi từ khi phong trào máy vi tính và Internet nở rộ tôi bắt gặp cơ man "thuật ngữ khoa học" nào Ổ cứng, Phần mềm, Ổ mềm, Phần cứng, Bộ nhớ, máy quét…; nào Ác liệu, Mạng mạch, Phần mềm gián điệp, Trực tuyến…
Đọc và nghe riết rồi cũng hơi hơi quen, song để cho chắc mình đã hiểu mớ Chữ Việt Mới này đúng sai thế nào, tôi đã mày mò soạn một bài sơ kết có tựa "Dạ, để em đọc lại thêm lần nữa", sau bổ túc thành "Người Việt mới, tiếng Việt mới". Xin trích lại cho chư vị quân tử khắp nơi cùng thưởng lãm hương vị quê hương “đương đại”:
“Chú cán bộ công an Ái Quốc giải phóng thím phó giáo sư tiến sĩ Diên Tân nhân một tai tệ nạn trong một sự cố giao thông ở vùng sâu xa, hùng hiểm ngoài Bắc, chú phát hiện thím đẹp cực kỳ. Sau cuộc gặp ấn tượng đó, thím là đối tượng của chú. Chú thím thành sơ hữu, âm thầm chú tích cực truy kích tư liệu, làm rõ nhân thân, lý lịch trích ngang của thím, của cả các thành phần trong gia tộc thím. Té ra, thím là chị ruột của một nghệ nhân nghiệp dư trong làng Quan Họ và là cô ruột của một siêu sao trong làng VPop. Rồi chú tranh thủ liên hệ với thím. Thi thoảng, rỗi công tác, chú đột xuất đón thím về tham quan đa số cảnh quan Hà Nội. Qua liên hệ, lần hồi chú trọng thị thím, đả thông thím, thống nhất thím, cuối cùng đăng ký, nhất trí tranh đấu quản lý đời thím bằng một đám cưới thuộc diện đại trà, nào thực đơn cao cấp, lễ tân chiêu đãi chất lượng cao, vì khách chủ yếu gồm đủ mặt quan chức các ban ngành, các nghệ sĩ ưu tú, các nghệ sĩ nhân dân (6) quanh thủ đô ngàn năm văn vật, cách mạng anh hùng cho tương thích với vị trí của chú.
Cưới được vợ đẹp xong, chú hồ hởi đăng ký làm chiêu sinh ngành hải quan, nên được gửi đi chuyên tu một khoá bồi dưỡng văn hoá cấp 3. Nhờ ơn đảng và nhà nước, chú lại trúng thưởng xổ số quốc gia được 800 triệu. Chú kiên định cải tạo mặt bằng căn hộ của chú, nâng cấp thành tổ ấm đúng tiêu chuẩn EU. Rồi chú mua một cái đài, một đầu máy; xịn nhất là một giàn vi tính HP với bộ vi xử lý P4 đương đại, với bộ nhớ đầy 2 tỉ bai nên truy cập cực kỳ nhanh, điều phối LCD to đùng cực kỳ mịn, 2 ổ cứng cực kỳ vĩ đại, tổng cộng là 500 tỉ bai, đầy đủ phần mềm như cơ sở dữ liệu, bộ gõ TCVN, truyền dữ liệu, ác liệu, phần mềm gián điệp, mạng mạch, lại nạp luôn phần mềm 3Đ... cọng thêm máy quét, máy in lê-dờ, máy in tia mực màu, máy ảnh kỹ thuật số.
Quá bận ở cơ quan, chú chỉ khẩn trương về nhà thao tác máy vi tính độ nửa giờ buổi đêm nên có nguy cơ không đạt yêu cầu để trúng tuyển cấp thủ trưởng ở cơ quan hải quan xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Việt-Kampuchia, chú quá bức xúc nên tâm tánh chú chao đảo rồi bị cao huyết áp.
Một hôm đi nhờ máy bay lên thẳng, chú thím về thăm quê ngoại các cháu, tình cờ gặp lại một người bạn trước là lính thủy đánh bộ (Từ điển tiếng Việt còn gọi là hải quân đánh bộ/hải quân lục chiến), diện anh hùng tiên tiến nên giấy khen và huân chương cứ gọi là, có vợ trước kia là chị nuôi trong phủ thủ tướng bên Bờ biển ngà. Hai chú bèn đưa 2 thím về nhà rồi khẩn trương bá cổ nhau tham quan đa số chợ trời miệt cửa khẩu Việt-Trung, duy ý chí truy tầm và mua được một đùi cầy tơ về nhắm với rượu quốc lủi. Chú Ái Quốc say rồi tinh tướng gây thím Diên Tân, với lý do là thím chỉ chuộng ngoại, đã gần hai 30 và bằng cấp tại chức đầy tay mà chỉ thích cầu thị mánh mung của tụi em nuôi chân dài...Vợ chú nhiếc chú là đồ tập kết chuyên tu biến chất, hủ hoá và hăm he đi đề xuất với bí ban. Chú quát:
- Cái thứ đàn bà chưa ai vẫy đã le te đi ủng hộ như mày, ngủ thì tích cực lắm, mà làm thì chẳng thấy có kiên định gì sất.
Bất ngờ, chú táng thím một bạt tai cật lực, mồm quát tiếp:
- Đề xuất à, đề xuất à... Muốn đề xuất để ông đi đề xuất cho một thể, ông trường kỳ với mày mà...
Đâu ngờ, thím Diên Tân chưa kịp đi đề xuất với bí ban thì ông hàng xóm đã đi khai báo với tổ trưởng dân phố, thế là tổ trưởng dân phố khẩn trương đến mời chú Ái Quốc lên cơ quan làm việc, nhưng vừa bước vào căn hộ thì nhận ra ngay chú công an Ái Quốc là bạn đồng khoá lớp bổ túc văn hoá cấp 2, ngay sau thời Tem phiếu-Bao cấp lẫy lừng chuyển qua thời mở cửa, thời Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vậy là vụ việc tiêu cực coi như được thông qua trong tinh thần xử lí nội bộ, giữa bầu không khí hưng phấn bạn học cũ gặp lại nhau...”
(Chắc chắn là bản sơ kết này còn nhiều sơ suất, rất mong quí bạn đọc nhín chút thời giờ phụ dịch ra tiếng Việt trước 1975. Mong thay!)
Cũng trong bài “Nguồn gốc Thơ Mới”, tôi mở đầu:
“Khi một quốc gia nhược tiểu bị một quốc gia hùng cường từ vật chất (kinh tế, quân sự…) đến tinh thần (văn hoá) xâm lăng thì cái hậu quả đầu tiên mà quốc gia nhược tiểu phải hứng chịu là sự xáo trộn trong nền văn hoá của họ. Và trong cơn xáo trộn văn hoá đó, thi ca thường bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Ấy vì thi ca, một hình thức cao nhất của văn học, là tấm gương phản chiếu đầy đủ và đứng đắn nếp sinh hoạt tinh thần lẫn vật chất của dân tộc.”
Trong tinh thần lời trích dẫn trên thì ở Việt Nam thống nhất, vấn đề xáo trộn trong tiếng Việt – đối với đồng bào Miền Nam, là chuyện đương nhiên. Lãnh thổ Việt Nam dài 2.000 cây số, trước 1975 đã có tình trạng đại đồng, tiểu dị về ngôn ngữ; sau 1954 lại bị chia cách những 21 năm, với hai nền chính trị đối lập nước lửa, do vậy phần tiểu dị càng lộ rõ hơn kể từ sau 1975.
Tôi có đọc kỹ "Nỗi Buồn Tiếng Việt" của Chu Đậu, "Tiếng Việt Kỳ Cục" của Diệu Tần, “Cái Chết Của Một Ngôn Ngữ: Tiếng Việt Sài Gòn Cũ” của Trịnh Thanh Thủy, loạt bài "Giữ gìn tiếng Việt" của Cao Xuân Hạo, "Có Nên Dùng Ngôn Ngữ của VC?" của Đào Văn Bình…và mới tuần qua, bài "Nỗi Buồn Tiếng Việt" của Phạm Xuân Dũng trên trang Vietnamnet. Tôi chia sẻ tâm trạng không vui của các tác giả đó. Có điều, tôi xin thêm rằng nếu đi sâu vào vấn đề này hơn chút nữa, có thể chúng ta sẽ tự xoa dịu được rất nhiều điều bực mình mà mỉm cười trước cuộc bể dâu dâu bể trong ngôn ngữ nói riêng ở nước ta từ 34 năm qua.
Một ngôn ngữ sinh động là một ngôn ngữ biết thích ứng theo đà phát triển của thời đại, theo biến thiên của xã hội. Xã hội Việt Nam đã thay đổi thì ngôn ngữ Việt vốn không phải loại bất di bất dịch, tất nhiên phải đổi thay, nhất là sự đổi thay kỳ này không từ ngoài đâm vô mà là từ trên thọc xuống, lại được mưỡu bằng hai chữ "cách mạng" với khối điều cục mịch, ngô nghê đôi khi đến rũ cười ra nước mắt, nhưng đó lại là thuận lý, thuận tai, hay ho đối với kẻ mạnh nói chung, của Viện Ngôn Ngữ Học và Hội Đồng Quốc Gia Chỉ Đạo Biên Soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam (XHCN) nói riêng. Nói thế là vì trong ngôn ngữ, việc du nhập, chế biến ra những tiếng mới, những từ mới thường được đại để chia ra làm hai loại: Dân hoá và Nho hoá. Những tiếng mới "dân hoá" là do quần chúng bình dân tạo ra, thường là thuần Nôm (ví dụ: máy bay lên thẳng, nhà xí, chị nuôi…); những từ "Nho hoá" là do người "có học – Nho (儒)" phiên dịch hay chế tác, thường là Hán-Việt (ví dụ: ác liệu, đài bán dẫn, chuyên cơ…). Nhưng, xét ra, khiá cạnh "dân hoá" hay "nho hoá" hoặc việc đồng tình hay không đồng tình đối với những chữ mới, theo tôi, ở mọi thời mọi nơi, đều có tính cách tương đối, ấy vì dù thế nào rốt cuộc mọi người vẫn phải đầu hàng hai chữ thông dụng (được nhiều người thường dùng): Chỉ thông dụng, theo thời gian, mới là quyết định sau cùng của sự sống còn, sự tồn tại của từng tiếng mới – trong đó có thứ tiếng cũ Bắc, mới Nam; buồn cười ở Nam, bình thường ở Bắc; tương tự trường hợp một bề trên nổi tiếng "khiêm cung, không thích nói về mình" tạo thêm bút danh để tự nâng bề dưới của chính mình là điều dị hợm chưa từng xảy ra trên thế giới, nhưng lại là chuyện "vô tư" ở một góc nào đó tận quê cha đất mẹ tôi.
Trong tiếng Pháp, từ ngữ mượn từ tiếng La-Hy, trong tiếng Anh từ tiếng Saxon-Germanique (Đức xưa) phải kể là như rươi. Trong tiếng Lào, tiếng Thái Lan có vô số từ ngữ mượn từ tiếng Pali-Sanscrit… Ở nước ta, chưa ai làm thống kê về số lượng tiếng Hán-Việt chiếm mấy chục phần trăm trong tiếng Việt hiện hành, nhưng theo tôi chắc chắn là phải nhiều lắm, nhiều đến mức tôi e không nhà văn, học giả nào soạn nổi một tác phẩm thuần Việt / Nôm dài độ hai trang A4.
Ngược dòng thời gian, riêng trong việc "nho hoá" những từ mới, đã có biết bao điều đáng suy gẫm. Xin cử ra đây ít thí dụ:
Lịch sự (历 事) = gốc tiếng Hán hàm nghĩa là Lịch lãm, Trải đời tương đương với nghĩa Lịch thiệp, Lịch duyệt. Người Việt ta dùng Lịch sự thành Lễ độ, Nhã nhặn nhưng vẫn dùng Lịch thiệp, Lịch duyệt để chỉ định sự từng trải.
Tiểu tâm (小 心) = gốc tiếng Hán hàm nghĩa Cẩn trọng, Kỹ lưỡng. Người Việt ta ứng dụng ra Nhỏ nhen, Hẹp hòi.
Tử tế (仔 细) = gốc tiếng Hán hàm nghĩa Tỉ mỉ, Cặn kẽ. Người Việt ta hiểu thành Đàng hoàng, Tốt bụng (Ăn ở tử tế với nhau, phim Chuyện Tử Tế của Trần Văn Thủy).
Tồi tàn (摧 残) = gốc tiếng Hán hàm nghĩa Làm hư, Làm hỏng đi. Người Việt ta hiểu ra thảm bại: Căn nhà tồi tàn rách nát, miếng ăn là miếng tồi tàn.
Tuần (旬) = gốc tiếng Hán ấn định là 10 ngày: Thượng tuần, Trung Tuần, Hạ tuần trong một tháng. Nhưng người Việt ta lại có thêm nghĩa thứ hai, qui định thành 7 ngày, ví dụ Tuần san (tạp chí hoặc tập san ra hàng tuần) mà người Tàu gọi là Chu san (周 刊). Trường hợp này tương tự chữ Lố (tá) = 12 đơn vị, trong Nam 1 lố có thể lên tới 15 đơn vị.
Bạch (白) = gốc tiếng Hán nghĩa là sắc Trắng, như Bạch mã = Con ngựa trắng. Người Việt tạo ra nhiều nghĩa Nôm: Tóc bạc, Vàng bạc, Bạc màu… Chữ bạch còn được đọc trại thành bệch (trắng bệch), thành phếch (bạc phếch).
Đương nhiên chữ bạch còn hàm vài nghĩa khác: Bạch thầy (thưa thầy), bạch nhật (khoảng thời gian trời đã sáng tỏ… Chính phủ CHXHCN-VN dịch thẳng “Bạch thư” thành “Sách trắng” là không chính xác, vì bạch trong Bạch thư còn ngụ ý rành mạch, rõ ràng, minh bạch. Trường hợp này tính từ Trắng không có mấy nghĩa này. Còn nếu "kiên định" cưỡng lý rằng chữ trắng hàm ý Trắng-trong, Trong-trắng lại sinh sự sự sinh khác.
Tiện thể nói thêm luôn: Dịch The White House thành Nhà Trắng cũng bất ổn vì trước White House còn có mạo từ The – lại được viết hoa (le, la trong tiếng Pháp; cái, con trong tiếng Việt), vậy The White House ở thủ đô Washington DC là một hợp danh hay một tổ hợp không thể tách rời, đáng lẽ không nên dịch bởi hợp danh này chỉ định rõ ràng một địa điểm duy nhất là Dinh Tổng Thống của nước Mỹ. Trước kia, Miền Nam dịch The White House thành Toà Bạch Ốc, tuy chưa hoàn toàn chính xác nhưng, so với Nhà Trắng, cách diễn dịch nào tương đối hợp tình hợp lý và trang nhã hơn?
Liệu hồn (料 魂) = Gốc tiếng Hán gồm hai chữ: Liệu là tính toán, sắp đặt (Tiên liệu); Hồn là ngược với Xác (Vong hồn, Tâm hồn). Người Việt ta dùng với nghĩa Coi chừng, hàm ý đe doạ.
Quá giang (过 江) = Gốc tiếng Hán chỉ có 1 nghĩa là Qua Sông bằng thuyền, đò, ghe. Người Việt bồi thêm nghĩa khác: Đi nhờ xe bò, xe đạp, xe ôm cũng gọi là Quá giang.
An trí (安 置) = Người Việt ta dùng với nghĩa bị đày đi một nơi nào đó nhưng được tự do sinh nhai, không bị giam tù (ví dụ Vua Duy Tân bị thực dân Pháp an trí tại đảo Réunion). Tình cảnh này người Tàu dùng hai chữ Câu cấm (拘 禁).
Mâu thuẫn (矛 楯) = Mâu gốc Hán là cái giáo, Thuẫn là cái mộc. Người Việt dùng với nghĩa bóng để chỉ sự trái ngược nhau, diễn nôm là cái Sống tố cáo cái Biết, chẳng hạn: Lời thuyết giáo thì mênh mông tình dân, cuộc sống hàng ngày thì mênh mông tiền dân; Chủ nhân phải khúm núm trước đầy tớ; Đầy tớ toàn quyền tùy tiện trù dập chủ nhân.
v.v.
Do đó mới có chuyện một nhà cách mạng người Hoa "chê cụ Phan Bội Châu viết chữ Hán không thuần”. Họ chê thì nhất định là phải đúng. Nhưng tại sao lại như vậy? Tại sao một người như cụ, nổi tiếng hay chữ bực nhất trong nước có văn tài mà viết tiếng Hán không thuần? - Tại vì cụ học ở Việt Nam, sống ở Việt Nam cho nên có lối suy nghĩ, phô diễn của Việt Nam, đó là một lẽ. Còn lẽ này nữa: tổ tiên chúng ta học tiếng Hán và dùng tiếng Hán để tạo ra nhiều chữ mới không có trong từ điển Trung Hoa hoặc có mà dùng theo một nghĩa khác". (7)
Nếu trong văn tự chữ Nôm là loại chữ "Việt" được biến chế từ một, hai chữ Hán mà ra, nhìn vào người Hoa chẳng hiểu mô tê thì trong quốc ngữ chẳng thiếu gì những tiếng kép được ghép từ tiếng Hán và tiếng Pháp, tiếng Pháp và tiếng Việt, tiếng Việt và tiếng Hán, tiếng Việt và tiếng Anh. Dưới đây là một ít thí dụ:
Phim trường / Phim ảnh = Phim là phiên âm của Film (Pháp), Trường (Hán, sân khấu để quay phim), Ảnh (Hán, hình).
Mét hệ = Mét là phiên âm của Mètre (Pháp, dụng cụ để đo đạc) + Hệ (Hán, như hệ thống, hệ vận hành).
Mét khối: Nửa tây, nửa tàu; Mét vuông: Nửa tây, nửa ta.
Ba dơ hoá = Ba-dơ là phiên âm của Base (Pháp, căn bản) + Hoá (Hán, biến đổi)
Bố ráp = Bố là tiếng Việt + Ráp là phiên âm của Râfle (Pháp).
Bồi bếp = Bồi là do Boy (Anh, con trai), Bếp là tiếng thuần Việt.
Canh gác = Canh (Hán, xem chừng, đề phòng) + Gác (Pháp, Garde)
Xu-hào = Xu – bạc cắc, bạc lẻ (Pháp, sou: 1/20 franc, cũ ), Hào (Hán, đơn vị tiền tệ cũ bằng 1/10 đồng); khác với Xu-hào có gốc từ chữ Pháp Chourave: củ xu-hào… rồi nào Ô-tô thiết giáp, Ô tô hòm, Xăng nhớt, cây cổ thụ, Nhập vào, Xuất ra, bốn Phương, tàu chiến, nào tài giỏi, thì giờ, mưu mẹo, nghi ngờ… và Bố Cái Đại Vương (Bố là cha, Cái là mẹ (hai chữ thuần Việt) + Đại Vương (Hán) là tôn hiệu dành cho Phùng Hưng, người đã có công đánh đuổi được quân Tàu ra khỏi bờ cõi nước ta trong một thời gian (thế kỷ VIII).
Thứ đến, những từ ghép đề huề Hán-Pháp-Việt như A-xít hoá, Ôxy hoá, vuông hoá, tròn hoá, lành mạnh hoá, vôi hoá… và trùng trùng những tiếng Việt có gốc Hán mà nếu không tầm nguyên thì ít ai ngờ: Bủn xỉn < bần tiện, Sẵn sàng < hiện thành, Xuềnh xoàng < tầm thường, Thì thầm < đê thanh, Lang chạ < lân cư, Bảnh choẹ < bình toạ, Mực < mặc, tim < Tâm, tìm < Tầm, chìm < Trầm … (8)
*
Bây giờ thử bàn qua một phần nhỏ trong lượng chữ mới đã theo bước chân "giải phóng" lan toả khắp Miền Nam, coi như sự đã rồi. Tôi đã rà đọc lại một số sách tiêu biểu được xuất bản tại Hà Nội trước 1954 và nhận thấy ngoại ngữ "Việt hoá" ở Bắc, trên tổng thể, không khác ngoại ngữ "Việt hoá" trong Nam, vị chi những chữ mới và cách dùng chữ hiện hành ở nước ta đã do vô tình chế ra sau 20-7-1954 hay quả có chủ tâm xáo trộn tiếng nước ta giữa hai miền qua phân? Chúng ta thử so sánh một số trường hợp từ ngữ dùng trước và sau 1975 (tôi sắp xếp trước và sau một vạch nghiêng [/]:
- Ăn cướp / Trấn lột. (“Ăn cướp” là bất ngờ giật đồ rồi bỏ chạy. Trấn lột là hù doạ nạn nhân để đòi của một cách bình tĩnh)
- Ba lê / Pari (Paris)
- Bạch thư / Sách trắng
- Băng tần / Kênh sóng
- Bảo đảm / Đảm bảo
- Bổ túc / Bổ sung
- Bùng binh / Vòng xoay ( “Bùng binh” thường có kiến trúc hình tròn cố định, là trục giao điểm của ít nhất 4 con đường, xe phải chạy vòng để bắt qua 1 con đường khác hay đoạn đường bị bùng binh chắn ngang rồi chạy tiếp. Ở giữa bùng binh thường có một vườn hoa hay/và một tượng đài danh nhân hoặc một tác phẩm điêu khắc, ví dụ Vòng xoay Ngã Năm Hiệp Thành - Bình Dương. Bùng binh còn được gọi là quảng trường như đại quảng trường Etoile-Charles de Gaulle (Khải hoàn môn Arc de Triomphe) tại Paris Q.8 gồm 12 con đường trong đó có đại lộ Champs Elysées. Hai chữ “Vòng xoay” khó làm cho người ta hình dung ra đó là “Bùng binh” nhưng lại dễ gây hiểu lầm là chính nó…xoay vòng).
- Buôn bán, thương mại, kinh doanh / Làm kinh tế
- Căn bản / Cơ bản
- Căn nhà / Căn hộ
- Cao cấp / Cấp cao
- Chứng minh / Minh chứng (nhưng sao lại dùng Chứng minh thư (nhân dân) để chỉ Thẻ/Giấy căn cước?)
- Cố gắng / Tranh thủ
- Có thể / Có nguy cơ, có khả năng ("Thưa mẹ, tối nay anh Vũ có thể đến nhà mình ăn cơm không?" và "Thưa mẹ, tối nay anh Vũ có nguy cơ đến nhà mình ăn cơm không?". Hai câu này hẳn không cùng một ý, chứ nếu cùng một ý thì cách nào nhẹ nhàng, chính xác hơn? Vả lại nếu "có nguy cơ" thì mẹ con nhà này mời người ta đến làm gì?
"Anh ấy có thể gặp nguy hiểm" và " Anh ấy có nguy cơ gặp nguy hiểm". Hai câu này chắc chắn có cùng một ý nhưng câu nào gọn nhẹ hơn?)
Từ Điển Tiếng Việt (Viện Ngôn Ngữ Học, nxb Đà Nẵng 2002) ghi: Nguy cơ = Cái có thể gây ra tai hoạ lớn; mối nguy cơ. Nguy cơ chiến tranh. Đứng trước nguy cơ phá sản, trang 692. Từ Điển Bách Khoa VN 2003, tập 3 không có hai chữ này và chỉ có 1 nhóm chữ Nguy cơ cao (nói về bệnh nguy hiểm như AIDS), trang 151.)
- Côte d'Ivoire, Ivory coast (nước) / Bờ biển ngà (Tên đất nước người ta mà cứ dịch bừa, vậy nếu người ta cũng mang tên nước, tên thành phố mang tên "người" của mình ra dịch tả thì sao, mình có khó chịu không ?)
- Cửa sông, cửa vịnh, hải cảng... / Cửa khẩu
- Di chuyển / Di dời
- Diễn hành / Diễu hành
- Du đãng, côn đồ / Đầu gấu
- Đại học hàm thụ / Đại học tại chức (Hỏi: Người không tại chức hoặc không có chức có theo học đại học tại chức được không? Đáp: - Bất kỳ ai có tú tài đều có thể theo học đại học hàm thụ!)
- Đề nghị / Đề xuất
- Đĩ điếm / Gái gọi
- Điều tra / Làm việc
- Đồng ý / Thống nhất, nhất trí
- Đơn giản / giản đơn
- E ngại / Quan ngại
- Gan dạ, kiên cường / Ngoan cường
- Gấp rút / Khẩn trương
- Ghi danh / Đăng ký
- Gia nã đại / Ca-na-đa
- Hải phận / Vùng biển
- Hân hoan, hoan hỉ, vui mừng, vui sướng / phấn khởi, hồ hởi, hưng phấn
- Hàng không mẫu hạm / Tầu sân bay
- Hiểu / Nắm bắt
- Hiểu rõ / Quán triệt
- Hoà Lan / Hà lan
- Hoa Thịnh Đốn / Oa-sing-tơn
- Hoả tiễn / Tên lửa
- Học hàm thụ / Học từ xa
- Hư hỏng / Hủ hoá
- Kẹt xe / Ùn tắc
- Khai triển / Triển khai
- Khiêu vũ, nhảy đầm / Múa đôi (Vậy khi cả trăm người cùng túa ra sắp hàng nhảy theo điệu Madison phải gọi là gì ?)
- Khuyến khích, an ủi / động viên
- Ký giả / Nhà báo (Một ký giả có thể đồng thời là nhà báo hay ngược lại nhưng hai nghiệp vụ không hoàn toàn giống nhau. Ký giả là phải đi săn tin khắp nơi; nhà báo có thể nằm hay ngồi trong nhà đọc hàng lô sách báo khác rồi soạn bài, soạn tin cho báo, cho các báo mà mình cộng tác.)
- Lạc hậu / Tụt hậu
- Lâm nghiệp / Nghề rừng
- Liên gia trưởng / Tổ trưởng dân phố
- Liên lạc / Liên hệ
- Liên lạc mật thiết / Quan hệ
- Lợi tức / Thu nhập
- Máy bay hạ cánh / Tiếp đất
- Máy thu thanh / Đài bán dẫn
- Mối tương quan / Trục quan hệ
- Một cặp, một đôi / Cặp đôi (Một cặp = Một đôi = 2 người, 2 cái, 2 con, 2 thứ. Vậy cặp đôi tức 4 người, 4 cái, 4 con, 4 thứ…chứ! Đọc thêm: “10 cặp đôi gợi cảm nhất trên màn ảnh” để biết qua nội dung của từ mới được sáng tạo: 10 cặp đôi nhưng chỉ có 10 nam, 10 nữ.)
- Nam Hàn / Hàn Quốc
- Nghệ sĩ / nghệ nhân
- Nghi vấn / Có vấn đề
- Ngoại tình / Quan hệ trên mức tình cảm
- Ngũ Giác Đài (Pentagon) / Lầu năm góc
- Ngư phủ / Ngư dân
- Nhà hàng / Cửa hàng ăn uống
- Nhóm chữ / Cụm từ
- Nón, mũ an toàn / Mũ bảo hiểm (!)
- Nữ quân nhân / Chiến sĩ gái, lính gái
- Ở tù / Học tập cải tạo
- Phác giác / Phát hiện
- Phẩm chất / chất lượng
- Phát ngôn viên / Người phát ngôn
- Phi cảng / Cảng hàng không
- Phi công / Chiến sĩ lái (!)
- Phi công trưởng / Cơ trưởng
- Phi thuyền / Con tàu vũ trụ
- Phổ biến / Phát tán
- Quan thuế / Hải quan
- Rạp hát / Nhà hát
- Sổ thông hành / Hộ chiếu
- Tài liệu / Tư liệu
- Tài tử / Nghiệp dư
- Tẩm bổ, bồi bổ / Bồi dưỡng
- Tăng gia / Gia tăng
- Thăm viếng, du ngoạn / Tham quan
- Thẻ căn cước / Chứng minh thư (nhân dân)
- Thịt kho Tàu / Thịt kho Trung Quốc
- Thủy quân lục chiến / Lính thủy đánh bộ, Hải quân đánh bộ
- Thuyết phục / Đả thông tư tưởng
- Tiền mặt / Tiền tươi
- Tiệp Khắc / Cộng hoà Séc
- Tiếp nhận ý kiến / Tiếp thu ý kiến
- Tiêu thụ / Tiêu dùng
- Tờ khai gia đình / Hộ khẩu
- Toà Bách ốc (The White House) / Nhà Trắng
- Trở ngại, trục trặc / Sự cố
- Trực thăng / Máy bay lên thẳng
- Tường trình / Báo cáo
- Viện (nhà) bảo sanh / Xưởng đẻ
- Viên chức / Quan chức
- Vũ nữ / Ca-ve (!)
- Vùng hẻo lánh / Vùng sâu, vùng xa
- Xấu / Xuống cấp
- Xe cút kít / Xe cải tiến
- Xe gắn máy / Xe máy
- Xe hơi, xe du lịch / Xe con, Ô tô con
- Xe lửa tốc hành / Tàu hoả cao tốc
- Xuất cảng / Xuất khẩu
V.v.
Trong số những tiếng đôi hay từ kép đứng sau [/] như Bảo đảm/Đảm bảo, Đơn giản/Giản đơn, Tăng gia/Gia tăng…vừa sơ lược trên, có nhiều tác giả trên mạng cho là "chướng", là lối của…VC, theo tôi e hơi câu nệ, hơi khe khắt. Tôi cho là hơi khắt khe vì thật ra đâu có gì "chướng", đâu phải là đặc cách của họ: Trường hợp này trong ngôn ngữ học Việt Nam – tùy tác giả, đã đặt tên là phép phục đảo (Đào Trọng Đủ, 1950), đảo-nghịch (Bùi Đức Tịnh, 1962) … Và trước nay người mình hằng ngày vẫn sử dụng, nhất là trong Văn-Thơ-Nhạc: Mỉa mai/mai mỉa, tối tăm/tăm tối, lơ lửng/lửng lơ, ước ao/ao ước, khao khát/khát khao, nhớ nhung/nhung nhớ, non nước/nước non, ngẩn ngơ/ngơ ngẩn, kỳ lạ/lạ kỳ, vẩn vơ/vơ vẩn, ngần ngại/ngại ngần, vững bền/bền vững, v.v. Tóm lại, những tiếng đôi này có thể nói/viết ngược lại song phải có cùng một ý nghĩa, cùng một giá trị tức miễn sao thuận miệng khi nói; du dương câu văn, câu thơ, lời nhạc khi hạ bút. Nhưng có rất nhiều trường hợp, do thói quen, không thể nói/viết ngược: non sông, đất nước, cha con, đạo đức, bánh trái, bàn ghế… Hơn nữa, có nhiều tiếng đôi khi nói/viết xuôi mang một nghĩa khác, khi đảo ngược lại có nghĩa khác: chuyên chính/chính chuyên, hại người/người hại, tình người/người tình, ong mật/mật ong, tham quan/quan tham…Còn nói lái lại là chuyện khác.
Nhìn chung những gì vừa ghi sau [/] trên kia, cá nhân tôi cảm nhận được tính lập dị mà không sợ bị nhầm lẫn: Những từ kép nào xưa có gốc thuần Hán-Việt thì họ đảo qua hoặc thành thuần Nôm, hoặc là nửa Hán nửa Nôm và ngược lại; những địa danh ngoại quốc nào đã được phiên âm theo lối Hán-Việt, họ đảo qua cách phiên âm theo nguyên ngữ và ngược lại.
Tôi sinh nhai bằng nghề vi tính từ năm 1983. Năm 1988, để ôn lại vốn liếng tiếng Việt, tôi đã bạo gan một mình biên dịch nguyên hệ vận hành Apple-MacIntosh đến ấn bản 7.0, đặt tên là Mac-VN-ThinArt; đến năm 1992 tôi soạn ra bộ gõ Chữ Việt cho hệ Windows từ ấn bản 3.1 trở đi đặt tên là Win-VN-ThinArt (9), cùng lúc "ứng tấu ứng tác" được 99 kiểu chữ Việt dùng cho cả hai hệ. Khi biên dịch hệ MacIntosh, tôi sử dụng các từ Hán-Việt là chính – có tham khảo ý kiến anh Đỗ Thông Minh bên Nhật, hoặc dựa theo Hán-Việt mà biến chế ra các dụng ngữ mới, ví dụ: Hardware/Marériel = Cương kiện, Software/Logiciel = Nhu liệu, Program/Programme = Chỉ trình, Floppy disk/disquette = Đĩa mềm, Hard disk/ Disque dur = Đĩa cố định, Memory/Mémoire = Điện não, Rom/Mémoire morte = Định não, Ram/Mémoire vive = Hoạt não, v.v… Cho nên, đến gần cuối thập niên 1990, khi đọc nào “Ổ cứng, Phần mềm, Ổ mềm, Phần cứng, Bộ nhớ”… xuất phát từ Việt Nam, tôi thấy kỳ kỳ và thú thật đã trộm nghĩ dường như mấy người đưa ra các từ kép này chưa nằm trong ngành vi tính, nên còn mù mờ ý nghĩa đặc thù của từng thuật ngữ gốc: họ dịch "à la lettre" (dịch theo con chữ, dịch theo nghĩa đen) hoặc biết đâu chẳng cố tình bình dân hoá dụng ngữ khoa học kỹ thuật như đã từng hiện thực hoá Nhà vệ sinh thành Nhà ỉa, Viện bảo sanh thành Xưởng đẻ…mà đến nay tôi vẫn chưa thông suốt?
Xong việc biên dịch hệ vận hành Mac kèm cả phụ liệu tự động sắp xếp thứ tự các mẫu tự (Sort utility/Utilitaire de trie) và đặc biệt sáu dấu giọng trong Việt ngữ mà tôi vốn đã nằm lòng từ xửa từ xưa: Không dấu-Sắc-Huyền-Hỏi-Ngã-Nặng. Tôi đã lắm. Nhưng khi coi trong cuốn:
1/ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Paulus Huình Tịnh Của (SG, 1895) thì khác: - Không dấu-Nặng-Sắc-Huyền-Hỏi-Ngã;
2/ Dictionnaire Annamite-Français của JFM Génibrel (Tân Định,1898): - Không dấu-Huyền-Ngã-Hỏi-Sắc-Nặng;
3/ Việt-Pháp Từ Điển của Đào Đăng Vỹ (SG, 1970): - Không dấu-Huyền-Sắc-Nặng-Hỏi-Ngã.
4/ Tự Điển Tiếng Việt (HN, 1977): - Không Dấu-Huyền-Sắc-Hỏi-Ngã-Nặng.
Tôi bèn sửa lại theo quy tắc trong Tự Điển Tiếng Việt -1977. Nhưng than ôi, chưa kịp tự liên hoan thì một số khách hàng đã yêu cầu tôi làm lại theo quy tắc mới của Viện Ngôn Ngữ Học CHXHCN VN, ấn bản HN 1992: - Không dấu-Huyền-Hỏi-Ngã-Sắc-Nặng !
Tôi không soạn lại theo quy định sắp xếp mới, mặt nổi tôi viện cớ không có thời giờ, mặt chìm là do tôi đã "quán triệt" chân lý Việt là cái lý có chân: "Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai". Rốt cuộc tôi quay lại quy tắc mà tôi đã nằm lòng. Đến nay tôi có thêm Tự Điển Tiếng Việt ấn bản 1994, 2002 và Từ Điển Bách Khoa VN 2005 có cùng trật tự trên (1977) nhưng khổ nỗi tôi đã hết hứng lập trình rồi, vả lại đã có Unicode.
Nếu xét trên phương diện trực nghĩa của nguyên ngữ Hán-Việt, phải thừa nhận rằng một số từ kép từ Miền Bắc toả xuống khắp nước sau 30-4-1975 là bất ổn. Xin nêu một ít thí dụ:
1/ Chất lượng (質 量) = gồm hai chữ, chất và lượng. Chất là yếu tố cấu tạo của sự vật. Lượng là đồ đong mức độ ít nhiều, có thể xác định bằng con số cụ thể. Vậy khi dùng Chất lượng với nghĩa duy nhất của Chất (Quality/Qualité) là không đúng. Trong Tự Điển Tiếng Việt do Trung Tâm Tự Điển Học biên soạn, xb & ph tại Hà Nội năm 1994 vẫn có từ kép Phẩm chất = Cái làm nên giá trị của người hay vật. Hàng kém phẩm chất (trang 744); nxb Đà Nẵng tái bản năm 2002, trang 770. Tại sao lại dùng sai Chất lượng thay vì dùng cho đúng là Phẩm chất ?
2/ Hải quan (海 關) = gồm hai chữ, hải và quan. Hải là Bể/Biển, chỗ trăm sông đều đổ nước vào. Gần đất thì gọi là Hải, xa đất thì gọi là Dương, như trong đại dương (Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển - Hà Nội 1942). Quan là cái cổng (như Ải Nam Quan), vả trong chữ Quan có chữ Môn (門 = Cái cửa, như trong Khải hoàn môn). Vậy dùng hai chữ Hải Quan cho mọi địa điểm kiểm thâu thuế xuất nhập cảng là không đúng, ví dụ: Giữa Việt Nam và Lào đâu đã…có biển! Dùng hai chữ Quan Thuế như xưa vẫn dùng là chính xác.
3/ Chuyên cơ (专 机) = gồm hai chữ, chuyên và cơ. Chuyên là chuyên môn, chuyên nhất (trong một lãnh vực nào đó). Cơ là máy móc nói chung chứ không chỉ rõ là máy gì. Chuyên cơ theo nguyên nghĩa chẳng hề hàm ý là "máy bay chuyên dùng cho những chuyến đi đặc biệt hoặc chở nhân vật quan trọng đặc biệt" (trích nguyên văn từ Tự Điển Tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học và Trung Tâm Từ Điển Học biên soạn, trang 187 - Nxb Đà Nẵng, 2002).
4/ Vô tư (無 私) = gồm hai chữ vô và tư. Vô là không. Tư là riêng. Vô tư theo nguyên nghĩa là không tư lợi, không thiên vị, không có lòng riêng. Ở Việt Nam hiện nay dùng hai chữ Vô tư theo nghĩa Tự nhiên, Không cần áy náy…là hoàn toàn nghịch lại 8 chữ vàng cửa miệng của Đảng và Nhà nước: Cần, kiệm, liêm chính chí công vô tư. Ví dụ nếu tôi nói "ông Huỳnh Ngọc Sĩ là một cán bộ vô tư nhưng cứ vô tư nhận hối lộ", bạn đọc không tủm tỉm sao?
5/ Doanh nhân (贏 人) = gồm hai chữ doanh và nhân (người). Doanh nghĩa là thừa thãi: kiếm được lời nhiều; Được: đánh bạc được gọi là Doanh, thua gọi là Thâu. Dùng chữ Nhà doanh thương hay Nhà doanh nhiệp còn tương đối hợp lý, chứ dùng Doanh nhân với nghĩa của Thương gia là bất cập.
6/ Động viên (动 員) = Theo nguyên nghĩa là Động binh, điều động binh lính: Động viên mọi lực lượng quân đội, động viên chiến tranh. Ngày nay Việt Nam dùng với nhiều nghĩa hơi kỳ khôi: Kêu gọi cũng dùng động viên, khuyến khích, khích lệ cũng dùng động viên, mà an ủi cũng dùng động viên luôn…
7/ Thiết bị (設 備) = Gồm hai chữ thiết và bị. Thiết có nghĩa là sắp đặt, bày sẵn. Bị là dự bị, dự sẵn. Việt Nam ngày nay dùng Thiết bị như đồ dùng, dụng cụ thì thật tình không hiểu nổi.
8/ Nội thất (內 室) xe = Nhóm chữ này có hai chữ Hán-Việt, nội và thất. Nội là ở trong, Thất là cái nhà. Nội thất nghĩa là ở trong nhà. Nhưng dùng Nội Thất xe với nghĩa Bên trong xe thì quả là "kách mệnh": Ví dụ, xử lý nội thất xe hơi ngập nước, đại lý nội thất xe hơi, hộp khử mùi nội thất xe hơi!
v.v.
Tôi vẫn chưa tự khẳng định được rằng bản thân do may hay rủi khi biết thêm vài ngoại ngữ. Lắm khi tôi có cảm tưởng mình như Lệnh Hồ Xung của Kim Dung được hay bị Đào Cốc Lục Quái dồn sáu luồng nội lực khác nhau vào người. Lệnh Hồ Xung nhờ Bất Giới hoà thượng hoá giải 6 nguồn nội lực ngoại lai nên thoát chết và tăng thêm nội công; phần tôi tuy chưa đến mức tẩu hoả nhập ma nhưng đầu óc thỉnh thoảng cứ gọi là lộn tùng phèo. Nhưng may thay, chính nguồn nội lực cha sanh mẹ đẻ đã điều hoà được hết: Tiếng nước ta hiện nay đã thuộc loại bí pháp cao cường, nếu vượt được quán tính lập dị, tự kiêu rởm, tự ái hão mà bình thản tiếp tục "tá lực đãi lao, ứng tấu ứng tác" kho Hán tự nữa thì thật thụ là bí pháp biến hoá vô hạn, kỳ nhông được trong mọi lãnh vực. Xin thòng thêm rằng Tịch Tà Kiếm Phổ là bí lục ghê gớm lắm nhưng thầy trò, cha vợ con rể Nhạc Bất Quần và Lâm Bình Chi duy ý chí luyện bừa, cái giá phải trả cũng gớm ghê khôn lường.
Tôi nói chúng ta cứ bình thản tiếp tục "tá lực đãi lao, ứng tấu ứng tác" kho chữ Hán là nói có sách, mách có chứng hẳn hoi:
1/ Những từ ngữ ông cha ta đã không tốn công dịch mà mượn thẳng từ người Hoa (tương tự người Wallon – Bỉ, nói tiếp Pháp, người Thụy sĩ nói tiếng Pháp, cả vùng Phi châu nói tiếng Pháp mượn thuật ngữ tin học do người Pháp dịch từ tiếng Anh), ví dụ:
Animal-Animal/động vật; Instinct-Instinct/bản năng; Absolu-Absolute/tuyệt đối; Relatif-relative/tương đối; International-International/quốc tế; circonstance-circumstance/hoàn cảnh; mobiliser-mobilize/động viên…v.v.
2/ Những từ ngữ do người Nhật dịch trước, người Hoa và người mình dùng theo, ví dụ:
Banque-bank/ngân hàng; Economie-economy/kinh tế; Affirmation-affirmation/khẳng định; négation-negation/phủ định; négatif-negative/tiêu cực; positif-positive/tích cực…v.v.(10)
Và ngày nay thiếu gì những tiếng chỉ còn là "vang bóng một thời" hoặc rất ít được dùng: Mựa, nỏ (= đừng), nỏ (= không), lọ (= cần, lọ là = đâu cần), đòi ( = nhiều, đòi phen), nua (= già, già nua), no đôi (= đủ đôi), chưng (= bởi chưng = tại vì), khứng (= chịu, bằng lòng), min (= mình), chung chinh (= cùng chung), mỡ (mựa) ểu (= chớ kêu ca, than phiền)… Đọc lại thơ Nguyễn Trãi, Lục Vân Tiên, Kiều, Cung Oán, Trinh Thử… chúng ta dễ dàng ghi ra vài trăm từ đơn, từ kép có cùng số phận với những tiếng nêu trên. Cũng như có những từ đơn, từ kép khi đứng một mình thì có nghĩa, có giá trị nhưng khi gom thành câu, thành cú lại không có hay không còn gì cả hoặc chỉ còn nghĩa, còn giá trị trong sách (từ điển cũng là sách), ví dụ: "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", "tư tưởng X là đỉnh cao trí tuệ của loài người", v.v. Mà những tiếng này, những câu này bị mai một, bị ngao ngán đâu do quyết định của chính quyền này, hội đồng kia, bộ-viện nọ mà là do quần chúng: Quần chúng là vua không ngai nhưng lại độc quyền trong vấn đề Sống hay Chết này. Cho nên tôi tin rằng những tiếng "chướng tai", những câu nói "bất cập" chóng chầy sẽ tự động chui vô nằm trong kho đồ…cũ.
Tác giả Cao Xuân Hạo, trong bài "Giữ gìn tiếng Việt" có ý phiền lòng trước hiện tượng mất dần của mấy tiếng "ảnh (anh + ấy), chỉ (chị + ấy), bển (bên + ấy)", ngoải (ngoài + ấy), hổi giờ (hồi nãy + đến giờ)”… Tôi xin góp ý như sau:
Trường hợp này, trong các sách nghiên cứu về tiếng nước ta mà tôi đã đọc qua – tùy tác giả, gọi là cách nói trại, nói ríu, nói rút hay thúc vần, tụ nghĩa. Khi vay mượn từ tiếng nước ngoài đã có hiện tượng đặc Việt này:
- Từ tiếng Pháp: Casserole > Xoong; Galon > lon; Essence > xăng; Adjudant > ách; Enveloppe > lốp…
- Từ tiếng Hoa: Long nhãn > nhãn (quả, trái nhãn); Thục địa > thục (củ thục); Tiểu đồng > tiểu (chú tiểu), Tiểu tiện > tiểu (đi tiểu); Tuần phủ > tuần (ông tuần); Tri huyện > huyện (ông huyện); lương y > lang (ông lang)… (11)
Muốn tạo ra tiếng mới, theo lẽ, phải hiểu rõ tiếng cũ và phải biết nguồn gốc ra sao. Tiếng mới có chính xác, gọn, nhã hơn tiếng cũ không, nếu không, hà tất phải "sáng tạo" thêm chi thứ dụng ngữ "phe giăng-đờ-rờ". Còn khi dịch từ ngoại ngữ, đặc biệt trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, tôi nghĩ, tiêu chuẩn "chuyên" là điều quan trọng nhất, chứ cứ tưởng ta đã vừa là phó Tiến $ĩ văn chương, vừa "hồng" lại vừa nằm trong Viện này, Bộ nọ rồi dịch phứa thì chỉ tủi cho tiếng nước nhà, đắc tội với quốc dân…trẻ, nhất là thế hệ quốc dân trẻ đã bị giáo dục thứ Tiếng Việt què quặt vì thiếu hiểu biết về vốn từ Hán Việt do chính sách sai lầm của Bộ Giáo Dục miền bắc sau 1954.
Nếu ở Bắc phương có hiện tượng Mãn nuốt Hoa rồi biến thành Hoa thì ở Nam phương cũng có trường hợp đuổi giặc Ân rồi biến thành giặc Ân. Nói cụ thể, 34 năm sau ngày đất nước thống nhất, riêng trên phương diện nhân văn-xã hội, không biết Miền Bắc đã bớt được bao nhiêu phần trăm tâm ý tự tôn khú đế chứ theo tôi Miền Nam đã xoá sạch tâm ý tự ti.
Tôi được sinh ra, lớn lên và sắp thành cụ ở hải ngoại, nhờ thế hoàn toàn không hề có cảm giác ngạc nhiên trước các phương ngữ, như là "chén / đọi / bát", "đạp thắng / hãm phanh", "từ từ / gượm lại"…, nào bệnh/bịnh, ốm/gầy, hãi quá/sợ ghê, bắp/ngô, chính/chánh, cách mệnh/cách mạng, giỏi mắng/chửi hay… Thật là thú vị khi được nghe đủ kiểu phương âm: giọng Bắc bộ, giọng Trung bộ và giọng Nam bộ với mỗi vùng miền mỗi "thói quen đặc cách", dễ thương chi lạ! Mà chính sự đa dạng này đã làm phong phú tiếng mẹ đẻ và đã trở thành tiếng-Việt-tình-tôi!
Nhân tham khảo các sách đã ghi trong bài, tôi thấy tên cuốn Ca Dao Toán Học của cụ Đào Trọng Đủ, tôi thử hỏi con trai của cụ là bác T. và bác đã sốt sắng gửi biếu tôi cuốn CDTH, trong đó có bài thơ dưới đây, tôi mượn thay lời kết:
Một Khúc Trường Ca
Đặc sắc tiếng ta
Ai là người biết
Độc âm rõ rệt
Song biến rành rành
Sáu luật ghép thanh
Tiếng đôi nhan nhản
Bốn phần căn bản
Nghĩa, giọng, thanh, âm
Nay tiếng Việt nam
Xưa Giao chỉ ngữ
Mượn kho Hán tự
Từng chữ từng câu
Toàn quốc thi nhau
Nho dân lưỡng hoá
Ngũ đồng ai lạ
Tứ nghĩa ai ngờ
Cụ thể bao giờ
Cũng nhờ dân chúng
Thanh, âm cung giọng
Đổi hoá sinh đôi
Phục đảo ngược xuôi
Nhập gia thụ hưởng
Đều là khuynh hướng
Tiếng Việt Nam ta
Một khúc trường ca
Khi trầm khi bổng
Véo von sáu giọng
Bốn trắc hai bằng
Tiếng đã gọi rằng
Trắc bằng nhị thể
Lưu truyền hậu thế
Tiếng để nghìn thu
Cho bõ công phu
Tiền nhân kiến thiết.
(Cô Đào-Đào Trọng Đủ, 1897-1995) (12)
Hàn Lệ Nhân
© Thông Luận 2009
(1) HLN: Lạc Hồng, khung trời nỗi nhớ.
(2) Theo Simon Leys; Nguyễn Hiến Lê: Hồi Ký tập 3, trang 134, nxb Văn Nghệ, USA 1988; L. Carrington Goodrich, A Short History of the Chinese People; Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc. Lời tựa, Nxb SudAsie, Paris 1988.
(3) HLN: Sách cũ tình tôi.
(4) Nguyễn Hưng Quốc, Văn Học VN dưới chế độ Cộng sản, Nxb Văn Nghệ, USA 1991, chương ba, trang 197-228; Nhiều tác giả, Văn Hoá Văn nghệ MN dưới chế độ Mỹ-Ngụy, 2 tập, Nxb Văn Hoá – Hà Nội 1979. Trong này, bài làm tôi buồn cười nhất là bài của Phan Đắc Lập: "Truyện "chưởng" của Kim Dung, một công cụ nô dịch văn hoá và tư tưởng của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ", trang 306-341, sđd, tập 2. Không hiểu khi đọc lại bài của chính mình, tác giả Phan Đắc Lập đã có cảm giác ra sao trước hiện tượng sách Kim Dung vẫn được tái bản và phát hành vô tội vạ khắp trời Việt Nam XHCN!
(5) Những mẩu chuyện tiếu lâm đỏ này tôi đã lược tuyển một phần trong cuốn Cười XHCN tập 1, Nxb Viet Publications-Làng Văn, phát hành tại Canada 1986. Ngoài ra tôi còn Cười XHCN tập 2, chưa in.
(6) Nghệ sĩ ưu tú = Danh hiệu của Nhà nước tặng cho nghệ sĩ có tài năng, có uy tín lớn trong cả nước. Nghệ sĩ nhân dân = Danh hiệu của Nhà nước tặng cho nghệ sĩ có tài năng xuất sắc, tiêu biểu cho một hoặc nhiều môn nghệ thuật trong cả nước. Nghệ nhân = Người chuyên nghề biểu diễn một bộ môn nghệ thuật hoặc chuyên làm một nghề thủ công mĩ nghệ, có tài nghệ cao. Nghệ nhân tuồng. (TĐTV, trang 676, Viện Ngôn Ngữ Học, nxb Đà Nẵng-2002).
(7) Nguyễn Hiến Lê, Tôi tập viết tiếng Việt, Nxb Văn Nghệ – USA 1988, trang 144.
(8) Lược theo Ca Dao Toán Học của Đào Trọng Đủ, Nxb Vĩnh Bảo – Sàigòn 1950.
(9) Win-VN-ThinArt hiện nay nằm chung trong bộ gõ VPS 4.3 của Hội Chuyên Gia Việt Nam, vẫn dùng được với Windows XP hay Vista.
(10) Lược theo Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình, Khảo luận về Ngữ pháp VN. Nxb. Đại Học, Huế 1963.
(11) Ai đọc sách đều rõ "Lương y như từ mẫu" là câu thành ngữ của người Tàu từ ngàn xưa, vậy mà, soạn giả Đào Thản lại ghi rành rành là của…bác Hồ! Có cả chú thích ở số 86: "Tới thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây, Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện điều này, 20-4-1963".(Lời non nước – Danh ngôn của chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ tái bản tháng 2 năm 2008, trang 183). Nguyên văn ông Hồ nói: “Người ta có câu: "Lương y kiêm từ mẫu", nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải như là một người mẹ hiền” (trích “Thư gửi Hội nghị Quân y”, tháng 3-1948, HCM Toàn Tập, tập 5 1948-1950 trang 64. Nxb Sự Thật, HN 1985).
Tội nghiệp ông cụ quá, cứ mắc oan ơi ông địa hoài! Mấy câu dưới đây vẫn còn giá trị:
Cái ông vốn có người ta bảo không,
Cái ông không có, người ta bảo có.
Ông thấy đó, làm hiền nhân đã khó,
Huống hồ làm thánh khi đã tịt ngôn.
Đời ông hai chữ dại khôn,
Trồng người người lại lẹo luồn hại ông.
(12) “Một Khúc Trường Ca” đúng ra là một bài kệ vì tác giả đã dùng từng hai câu làm tựa cho một tiêu đề, giải thích rõ ràng, ví dụ "Độc âm rõ rệt, Song biến rành rành" là gì… nhưng không tiện ghi ra đây; bao giờ nhận được sự đồng ý của hai bác Đào Trọng T. và Đào Trọng Ng. tôi sẽ 'scan' trọn bộ, chia sẻ cùng bạn đọc.
----------
Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam - Nhiều khi mình cũng không hiểu hết chữ nghĩa, ý tứ sâu xa của tiếng Việt. Rồi thì theo thời gian, cuộc sống sẽ chắt lọc và còn giữ lại sự trong sáng của tiếng Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét