Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

Khiếp nhược hay là đang náu mình

Bài viết của con trai Nguyễn Đình Thi, nghe mà chua xót. Trí thức bây giờ biết tin ai, đi về đâu hỡi người ...
Khiếp nhược hay là đang náu mình

Nguyễn Đình Chính, nhà văn

Viết cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội

Nhà văn Nguyễn Đình Chính đang sống tại Hà Nội

Ông Phan Quang - nhà văn, nguyên chủ tịch hội nhà báo VN, một trí thức tiêu biểu đã nghỉ hưu - được hỏi trí thức có hèn không thì ông trả lời trí thức VN chỉ thiếu tinh thần hợp tác, kém đoàn kết, và hay ghen ghét, kèn cựa nhau mà thôi. Và khi lại được hỏi ông có loại trừ mình là một tri thức có những lúc hèn không thì ông chỉ nói trí thức phải là người không được quyền hèn, không thể hèn.

Bà Nguyễn Thị Bình, vị phó chủ tịch nước một thời nổi tiếng nay cũng đã nghỉ hưu cho rằng đúng là trí thức ở thời điểm này hay thời điểm khác có biểu hiện xu thời nhưng cũng rất nhiều trí thức luôn giữ được phẩm tiết của mình.

Bà than phiền trí thức VN chưa đạt đến tinh hoa không phải do không có trình độ và không biết tự trọng. Bà đổ lỗi cho khâu đào tạo, bồi dưỡng và cách nhìn nhận đánh giá trí thưc nhiều lúc chưa đúng, chưa đầy đủ.

Mới đây, nhà báo nghỉ hưu Hữu Thọ, đã có thời là trưởng ban tư tưởng văn hoá của Đảng CS, thẳng thừng công nhận đúng là trí thức thời nay có xu nịnh, cơ hội và hèn. Nhưng nói tất cả tầng lớp trí thức như vậy thì quá lời; ông cho rằng văn hoá cầm quyền cao nhất của người lãnh đạo là biết tôn trọng ý kiến khác mình

Bác sĩ Phạm Song, nguyên bộ trưởng bộ y tế, hiện đang hoạt động cho một tổ chức xã hội nhân đạo thì công nhận có sự khiếp nhược của trí thức hiện nay. Ông ca ngợi những giáo sư Hoàng Tuỵ, giáo sư Hồ ngọc Đại dám nói lên sự thật, dám phản đối quyết liệt những gì họ cho là sai trái.

Tiến sĩ Chu Hảo, đã từng là thứ trưởng bộ giáo dục đào tạo, nay đã hưu nhưng vẫn làm giám đốc nhà xuất bản Trí thức, đưa ra lí do là để không bị loại ra khỏi cuộc chơi, để bảo trọng, để khỏi mất phương tiện sinh sống nên không ít trí thức phải náu mình.

Ông Chu Hảo còn lưu ý: Trong không khí dồn nén thì khó có thể có được một tầng lớp trí thức có đủ dũng cảm và nhân cách. Và cần phải xây dựng một cơ chế dân chủ bảo đảm tự do tư tưởng và độc lập sáng tạo thì mói xây dựng được một tầng lớp trí thức đúng nghĩa.

Từ câu hát đồng giao đến nghị quyết 7

Cách đây hơn 70 năm, cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng CS Đông Dương ghi rõ Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ.

Như vậy trí thức là đối tượng được ưu tiên xếp hạng đầu tiên Đảng CS cần tiêu diệt. Tất nhiên mấy chữ nghe như một câu sấm truyền này bây giờ chỉ được trí thức VN nhắc đến như một câu hát đồng giao hài hước trong dân gian

Cuối năm 2008 đảng CS VN họp hội nghị trung ương ra nghị quyết 7 về công tác trí thức.

Cũng có thể sau hơn bẩy chục năm kiên trì chờ đợi hão huyền, trí thức đã ngấm đòn: Gõ cửa quyền lực chỉ là một ảo tưởng của trẻ nít.

Nguyễn Đình Chính


Ông Phan Quang nghi ngờ không hiểu nghị quyết này ngấm sâu thế nào chứ hiện nay có vẻ lặng lẽ lắm. Ông Phan Quang công nhận nghị quyết 7 được chuẩn bị rất kĩ nhưng tại sao nó vẫn không được trí thức VN đón nhận như mong đợi.

Sau khi nghi ngờ như vậy ông lại khuyên trí thức nên kiên trì chờ đợi vì đây không phải là một cuộc quyên góp làm từ thiện chống bão lụt và sớm muộn thì nghị quyết này sẽ đi vào đời sống xã hội.

Vẫn náu mình chờ đợi

Vậy là trí thức VN hãy kiên trì chờ đợi như họ đã từng kiên trì chờ đợi hai phần ba thế kỉ nay rồi.

Tuy nhiên trong khi giới trí thức VN đang kiên trì chờ đợi thì cũng có thể phải nhắc lại lời một trí thức than vãn: Khi trí thức tin Đảng thì Đảng không dùng. Nay đảng cần dùng đến trí thức thì trí thức lại không tin Đảng nữa.

Cũng có thể sau hơn bẩy chục năm kiên trì chờ đợi hão huyền, trí thức đã ngấm đòn: Gõ cửa quyền lực chỉ là một ảo tưởng của trẻ nít. "Vừng ơi mở cửa ra" mãi mãi chỉ là câu thần chú trong chuyện cổ tích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét