Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Dưa cải kho thịt và Tết ngọt, Tết đắng...

aNồi dưa cải kho lúc đó thay “thùng rác” của nhà bếp ngày Tết: thức ăn thừa, đặc biệt là thịt, cá thừa lại sau mỗi bữa cúng. Ảnh minh họa -Dưa cải kho thịt và Tết ngọt, Tết đắng...

- Ngày Tết, không ai dám cúng món dưa cải kho dù rất nhớ Tết xưa. Sợ em út lại chỉ ăn món dưa cải kho vì tưởng các món ngon là của người khác.

TIN LIÊN QUAN


Em tôi về quê ra í ới: “Chị ơi, qua nhà em ăn cơm. Em kho dưa cải với thịt chị ăn rồi xem có giống nồi dưa cải của mệ (bà) ngày xưa không nhé!”. 

Vừa sang đến đầu ngõ nhà nó đã nghe mùi dưa cải kho thơm nồng. Tưởng tượng ra vị ấm ấm, ngọt ngọt, cay cay...

Mắt tôi cũng cay cay. 
Dưa cải chị gái tôi muối, ém chặt hai hũ nhựa bọc kín trong túi nilon từ hôm 26 Tết. Tôi hoặc em trai về, khi chuẩn bị trở ra, chị trao hũ dưa với những dặn dò: “Cải quê mình, trồng trên lèn (núi đá) khác hẳn dưa Hà Nội. Chị muối mặn. Bọn em kho với thịt, bỏ thêm chút đường là vừa ăn... Cố gắng kho cho giống kiểu bà nội hồi trước để mấy đứa nhỏ biết thêm món Tết của làng mình”.

Tết làng tôi thời nghèo nhất cũng có bánh tét, thịt lợn, mứt gừng, kẹo lạc tự làm. Và có nồi dưa cải kho thịt. Khi khá giả thì thịt nhiều hơn dưa.

Tết 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm sau ngày mẹ mất, ít khi thấy có miếng thịt nạc trong nồi dưa cải kho ngày Tết. Bà nội bảo: “Tại mệ già rồi, ra tới chợ, người ta bán hết thịt nạc. Chỉ còn thịt mỡ. Mệ đãng trí, đun lâu quá. Thịt mỡ nó tan vào dưa hết rồi. Cứ ăn thử đi. Vẫn ngon như nhiều thịt...”.

Đúng thật. Vẫn thơm. Vẫn ngậy mỡ. Vẫn cay. Vẫn ngọt. Và hết hai lát bánh tét, hai bát cơm phần mình rồi vẫn muốn ăn thêm dưa kho.

Ngày mẹ mới mất, thấy đội sản xuất chia sắn, khoai, gạo, thịt, mấy chị em lại chộn rộn định xách thúng đi chực. Bà nội bảo: “Miếng ăn là miếng nhục. Đừng chộn rộn vì miếng ăn. Cái gì không phải mình làm ra thì không phải là của mình. Mẹ cháu mất rồi, không làm được nữa. Người ta không chia cho các cháu nữa đâu. Lúc nào các cháu lớn rồi, làm được rồi, thì các cháu có quyền đòi được chia...”.

Ngày cha làm lễ đầy tháng cho đứa em cùng cha khác mẹ của chúng tôi ở cách làng 15km, em trai tôi  nhìn theo thùng bánh chưng cha chở đi, đòi ăn. Bà nội ôm em vào lòng và bảo với hai chị em tôi: “Cái gì không thuộc về mình thì cố giành cũng không được...”.

Ba mươi năm rồi, tôi nhớ mãi ánh mắt của bà hôm đó.  Như thể, bà muốn dùng cả sức lực và ý chí của mình để đem về sự no đủ và ấm áp cho những đứa cháu mồ côi.

Nhưng, hơn thế, bà đã dạy cho chúng tôi biết chấp nhận và để bước đi trên cõi đời này một cách tự tin và rắn rỏi!

Làng mỗi năm qua thời cận chiến tranh có khá hơn chút xíu. Bữa cơm Tết có thêm cá, gà, giò, thịt kho Tàu... nhưng vẫn không thiếu nồi dưa cải kho. Nồi dưa cải kho lúc đó thay “thùng rác” của nhà bếp ngày Tết: thức ăn thừa, đặc biệt là thịt, cá thừa lại sau mỗi bữa cúng, bữa cỗ các nhà đều đổ vào đó. Tết càng dài, nhà càng khá giả, nồi dưa kho càng ngon.

Ông bà nội mất. Mấy chị em tôi ngày Tết chia nhau tản đi “ăn chực” mỗi nhà một bữa. Ở nhà của cha cũng nấu món nọ, món kia để đãi khách nọ, khách kia. Dù chưa thành người lớn nhưng chị em tôi cũng không thấy mắt thèm, mũi nhức, bụng chộn rộn hay ấm ức. Phận mồ côi nó dạy cho con trẻ nên bỏ đũa vào đâu trong ngày Tết cho đúng chỗ, cho khỏi rón rén.

 Hóa ra cả Tết, bốn chị em tôi đứa nào cũng chỉ ăn có món dưa cải kho. Kể cho nhau nghe rồi cười. Cũng không thấy tủi thân. Biết thân, biết phận cũng là một cách tự tin

Bốn chị em, sau rồi vơi một, chỉ còn ba. Em út tôi thiệt phận năm 12 tuổi. Không kip được hưởng một cái Tết có đủ thịt, cá, kẹo bánh...

Ba chị em tôi giờ đã đi qua dốc của nửa đời người. Tết nào cũng thao thiết trở về mảnh vườn xưa một, vài ngày. Dù nhà chẳng còn là nhà. Tết nào cũng chỉ muốn cúng cho ông bà nội, cho mẹ, cho em thức nọ, thức kia.

Chỉ có điều, tuyệt nhiên, không ai dám cúng món dưa cải kho dù rất nhớ Tết xưa. Có lẽ cả ba đều chung ý nghĩ: “Sợ em út lại chỉ ăn món dưa cải kho vì tưởng các món ngon là của người khác”.

Catleson

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét