Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Cái mặt không chơi được!

(Tamnhin.net) - Lâu nay chúng ta quen gọi loài người, với ý nói về một loại động vật cấp cao nói chung. Nhưng chỉ cần quan sát riêng cái bộ mặt, có lẽ cũng phải phân loài người ra nhiều loại, chí ít là hai: loại thứ nhất gọi là loại có tâm, có đức, có trí và loại thứ hai là loại không có những thứ đó.

Ảnh minh họa nguồn Internet
Loại thứ nhất có đặc điểm như sau: Khi định làm một việc gì đó mà trong lòng cảm thấy không được thoải mái, phải đắn đo suy nghĩ nên hay không, thì người ta thường tự thấy ngượng ngùng, bẽn lẽn. Cao hơn tí nữa, thấy mình bối rối, mất tự nhiên sinh ra thẹn thò (thường thì cố giữ kín trong lòng nhưng nhiều lúc thì… thẹn ra mặt!). Lại có khi ngượng quá thì người ta còn nói: “ngượng chín cả mặt”. Thẹn gì chứ một khi thẹn với lương tâm thì cái sự thẹn ấy đã ở mức nghiêm trọng lắm lắm!

Xấu hổ là trạng thái nặng nề hơn ngượng và thẹn, ấy là khi người ta nhận ra mình thua kém người khác về một lĩnh vực nào đó; là khi người ta đã làm một điều không nên làm, một điều không xứng đáng với tư cách và trình độ của bản thân, không xứng đáng với sự tín nhiệm hoặc trông cậy của mọi người; hoặc là khi người ta nhận ra cái lỗi trong việc làm của mình. Xấu hổ có nhiều mức, nhẹ thì “xấu hổ quá, chả dám nhìn mặt ai”, nặng thì “xấu hổ chết đi được”!

Tất cả các trạng thái dẫn ra ở trên đều xuất phát từ trong tâm, từ lòng tự trọng của mỗi người và được biểu hiện  một cách rất tự giác, rất tự nhiên. Nhiều khi việc sai quấy của họ chỉ mình họ biết, hoàn toàn không một ai biết, nhưng họ vẫn tự dằn vặt, tự thẹn với chính lương tâm họ… Ngay những người đóng vai hề mua vui cho thiên hạ (nghĩa là không phải kẻ thực sự làm điều sai quấy) cũng thường phải vẽ mặt, đeo râu, đeo mặt nạ chứ không dám chiềng cái mặt thật của mình ra.

Loại thứ hai: Ngược lại với loại trên, khi làm một việc sai trái tỉ như nói một đáng làm một nẻo, tỉ như biết làm thế là sai quấy, là ti tiện, là tàn bạo, là dã man, là mọi rợ, là loạn luân, là thất đức… nhưng cứ phớt lờ đi mà làm, - miễn là việc làm ấy đem lại tiền của, danh vọng cho họ. Vì tiền, vì chức, họ không kể gi đến, không đếm xỉa gì đến thuần phong mỹ tục, đến truyền thống của tổ tiên, đến gia phong của gia đình, đến cái chuẩn mực văn hóa tối thiểu mà một con người sống ở trên đời cần phải có… Họ hành động không thấy ngượng, không thấy thẹn, không thấy xấu hổ, cứ chiềng cái mặt ra nhăn nhăn nhở nhở trước bàn dân thiên hạ… một cách trơ trẽn, trơ tráo, lì lợm. Đấy là những bộ mặt rất khó “lay chuyển”, nghĩa là rất khó phục thiện, khó trở thành người tử tế lắm – Như Nam Cao viết : Những bộ mặt “không thể chơi được”. Và trước những kẻ như vậy, người ta chỉ có thể nói: đồ mặt trơ trán bóng, đồ lì lợm, đồ mặt dày…

Loại thứ hai này rõ ràng còn thua cả một số loài động vật, vì lẽ những phẩm chất biết thẹn, biết ngượng, biết xấu hổ không chỉ có ở mỗi loài người thứ nhất nói trên mà còn có ở cả một số loài động vật: Con mèo còn biết… giấu phân, con chó còn biết cụp duôi khi bị chủ mắng…

Có người đã nói: “Nhìn mặt, tắt ti-vi!” – Nhưng với loại mặt thứ hai này, hẳn là không chỉ muốn làm có thế!


Trần Huy Thuận
Nguồn: TN-Cái mặt không chơi được!

--Có hiện tượng thương mại hóa trong khen thưởng cấp nhà nước (TT 13/08)

1 nhận xét:

  1. Chúng có còn là con người đâu để biết lòng tự trọng là cái gì.

    Trả lờiXóa