Saigon - Chợ Lớn: thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 - Phần I
Diễn Đàn xin giới thiệu biên khảo của tác giả Nguyễn Đức Hiệp về lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn. Vì nguyên tác quá dài chúng tôi chia làm ba phần, sẽ lần lượt được xuất bản cách nhau vài ngày. Để tôn trọng nguyên bản, chúng tôi giữ nguyên các con số quy chiếu về tham khảo; và để dễ đọc, đoạn tham khảo sẽ được lặp lại trong cả ba phần.
Đồng nai xứ sở lạ lùng
Dưới sông cá lội, trên giồng cọp um
Tư liệu quan trọng và hầu như duy nhất về vùng đất Saigon-Gia Định thuở ban đầu nói riêng và miền Nam nói chung là quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825). Trịnh Hoài Đức có lúc cũng là quan tổng trấn Gia Định thành (1816-1819).
Ngoài ra ta có các tư liệu và sách của các doanh nhân, nhà ngoại giao, giáo sĩ, y sĩ Tây phương; như R. Purefoy, John White, George Finlayson và John Crawfurd; viết về Saigon - Gia Định khi họ viếng thăm nơi này trong khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Tư liệu chính về Saigon trong các thập niên đầu thế kỷ 19 trước khi người Pháp đến lập thuộc địa (1859) và phát triển Saigon làm trung tâm Nam kỳ là các tác phẩm của Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) viết giữa thế kỷ 19. Petrus Trương Vĩnh Ký là người của thời đó nên ông đã ghi lại các sự kiện, phong cảnh và sinh hoạt đời sống trong các thập niên trước thời kỳ Pháp thuộc. Các quan sát của ông rất có giá trị về lịch sử phát triển thành phố Saigon. Ngoài ra các dữ kiện trước thời ông không xa lắm vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 cũng được ông ghi lại bổ sung cho những tư liệu trong chính sử và các nguồn của các tác giả nước ngoài ghi lại khi viếng Saigon và Nam bộ.
Có thể nói Trịnh Hoài Đức, R. Purefoy, George Finlayson, John White và Petrus Trương Vĩnh Ký đã phác họa cho ta thấy một chân dung mặc dầu không toàn diện chi tiết lắm nhưng đủ để ta hình dung lại hình ảnh về vùng đất Gia Định trong thời kỳ đầu trước khi người Pháp đến.
Bài viết này có mục đích phác họa sự phát triển thành phố Saigon về phương diện lịch sử văn hóa và con người vào thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 19. Ngoài những tư liệu đã được biết như của Trịnh Hoài Đức, John Barrow, John White, John Crawfurd và George Finlayson, nguồn tư liệu mới của một thương gia người Anh tên R. Purefoy sẽ được dùng để bổ túc thêm về thông tin liên quan đến đời sống và con người Saigon ở đầu thế kỷ 19. Đặc biệt tư liệu của thuyền trưởng John White và bác sĩ người Tô Cách Lan George Finlayson sẽ được để ý và phân tách chi tiết hơn cho thấy đặc tính và hành xử của người Saigon đủ mọi giai cấp, nhất là tả quân Lê Văn Duyệt. Chính Charles Darwin, nhà khoa học đề xuất ra thuyết tiến hóa nổi tiếng, đã đọc và dùng tư liệu của Georges Finlayson quan sát về hình dạng và đặc tính của người Saigon để làm một trong nhiều dữ liệu chứng minh về nguồn gốc con người trong sách “The Descent of Man” của ông.
1. Saigon theo Trịnh Hoài Đức
Theo biên niên sử Khmer, mà Maspéro và Moura đã dịch (18) thì vua Cao Miên Chey Chetta II sau khi lên ngôi và cưới một người con gái của chúa Nguyễn Phước Nguyên năm 1618 có khuynh hướng dùng hậu thuẫn của chúa Nguyễn để đương đầu với Xiêm (Thái Lan). Năm 1623, chúa Nguyễn xin phép vua Chey Chetta II mượn xứ Prei Nokor và Kras Krobey (Saigon và Bến Nghé) để mở trạm thuế thương chính và được phép gởi quan đến quản lý thương mại, hành chánh và thu thuế. Điều này chứng tỏ trước đó, ít nhất ở đầu thế kỷ 17, đã có lưu dân người Việt đến định cư trong khu vực gần Saigon, chủ yếu là vùng Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai phía gần biển mà Trịnh Hoài Đức đã ghi như sau (1):
“Lúc ấy địa đầu của Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai (nay là trấn Biên Hòa) đã có lưu dân của nước ta đến cùng với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên rất khâm phục uy đức của triều đình, họ đem nhượng đất ấy rồi kéo nhau tránh đi nơi khác, chẳng dám tranh chấp điều gì.”
Trạm thu thuế này, kho Quản Thảo, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (18) là ở vị trí khu đất chợ Cầu Kho (Quận 1, ngày nay), sát sông Saigon cũ (sông An Thông hay rạch Bến Nghé ngày nay) và cạnh rạch Cầu Kho (rạch bắt đầu từ đầu đường Lê Lai chảy dọc đường Nguyễn Trãi ngày nay rồi đổ ra rạch Bến Nghé).
Gia Định thành thông chí có nói:
“Tháng 9 mùa thu năm thứ 11 Mậu Tuất (1658) thời Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế (Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần) vua Cao Miên là Nặc Ong Chăn xâm phạm biên giới. Khâm mệnh dinh Trấn Biên (thời mới khai thác thì những chỗ đầu biên giới gọi là Trấn Biên, ở đây tức Phú Yên ngày nay), Phó tướng quân Yến Vũ hầu, Tham mưu Minh Lộc hầu, Tiên phong Cai đội Xuân Thắng hầu đem 3 ngàn quân đi trong 2 tuần đến thành Mô Xoài của nước Cao Miên, phá thành và bắt vua Nặc Ong Chăn giải về Quảng Bình là nơi hành tại. Vua ra dụ xá tội cho, rồi phong làm Cao Miên quốc vương, luôn phải giữ đạo phiên thần, thường xuyên phải triều cống, không được xâm lấn cư dân ở ngoài biên, rồi sai quan binh hộ tống cho về nước.”
Sử Việt Nam lần đầu tiên nói đến Saigon là vào năm 1674 khi Nặc Ông Đài (Neac Ang Chei theo biên niên sử Khmer) đuổi vua Nặc Ông Nộn (Neac Ang Non), tiến xuống chiếm lũy Saigon. Nộn cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn (Thái Tông) sai Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên Phái đem binh đánh, phá vỡ 3 lũy Saigon, Gò Bích và Nam Vang. Đài thua và tử trận. Chúa Nguyễn phong cho Nặc Ông Thu làm Cao Miên quốc vương ngự trị ở thành Vũng Long (Oudong), còn Nặc Ông Nộn làm phó vương ngự trị ở Saigon (18). Nặc Ông Nộn đóng đô ở Saigon 15 năm (1674 -1688) đã nhiều lần chiêu mộ lính (chắc là chủ yếu lưu dân Việt, người Minh hương và Chăm) để đánh Nặc Ông Thu ở Cao Miên (Thu dựa vào Xiêm La). Chúa Nguyễn cũng lập đồn dinh Tân Mỹ gần đó năm 1679, coi như một thứ chính quyền bán chính thức ở vùng Saigon để hỗ trợ nặc Ông Nộn và bảo vệ lưu dân.
Cũng theo Nguyễn Đình Đầu thì doanh trại và dinh thự của phó vương Nặc Ông Nộn có lẽ là ở vùng từ chùa Cây Mai tới trường đua Phú Thọ trên một dải đất gò cao ráo. Thuyết này có nhiều cơ sở vì vùng quanh chùa Cây Mai, Phú Lâm, trường đua Phú Thọ (và xa hơn nữa đi về phía Bà Hom, An Sơn, Đức Hòa, tỉnh Long An) là những nơi có nhiều di tích khảo cổ, di tích văn hóa định cư của người Khmer được tìm thấy nhiều hơn những nơi khác ở gần sông Saigon như vùng Tân Kiểng, thành Ô ma. Và người Khmer theo phong tục tôn giáo của họ thì vua chúa đều xây đền thờ, chùa trên gò cao (như gò Cây Mai) chung quanh là ao hồ, tượng trưng cho núi Meru nơi các thần linh ngự trị giữa đại dương. Vì thế nơi phó vương trú đóng là phải ở gần gò Cây Mai. Riêng khu trường đua Phú Thọ, nhà khảo cổ Pháp Malleret cho biết từ các không ảnh chụp trong thập niên 1930 có thể thấy các đường chạy cắt nhau như bàn cờ. Đấy có thể là vết tích của một khu định cư cổ xưa còn nhận dạng được. Cũng theo Malleret thì có thể cung điện này mà người Việt gọi là “Tây cung” (cung điện phía tây) gần Chợ Lớn để phân biệt với thành Saigon ở Bến Nghé phía đông, và từ “Tây Cung” sau này để chỉ Chợ Lớn mà người Hoa gọi là “Xigong” phát âm gần với từ Saigon.
Trịnh Hoài Đức nói về vùng đất Saigon trong giai đoạn này:
“Gia Định (tức đất Sài Gòn) nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú, thuở vua Thái Tông (Nguyễn Phước Tần, 1648-1686) sai tướng vào khai thác phong cương ở nơi bằng phẳng rộng rãi, tức là chỗ chợ Điều Khiển ngày nay, xây cất đồn dinh làm chỗ cho quan Tổng tham mưu cư trú, lại đặt dinh Tân Thuận, tức nay là Lân Tân Thuận, có cất nhà thự cho các quan Giám quân, Cai bộ và Ký lục ở, lại có quân trại hộ vệ, ngăn ra từng khu rào, ngoài ra thì cho dân trưng chiếm chia lập làng xóm phố chợ” (1).
Lân Tân Thuận ở khoảng xóm chợ Đũi trên đường Nguyễn Trãi ngày nay. Chợ Điều Khiển ở vị trí ngã ba đường Nguyễn Trãi và Nam Quốc Cang ngày nay và đồn Tân Mỹ ở vùng sau này là thành Ô Ma mà Pháp thiết lập (18).
Trịnh Hoài Đức cũng có tả về một thắng cảnh khác ở vùng Saigon: Mai khâu (Gò Cây Mai):
“Ở về phía nam cách trấn thành 13 dặm rưỡi, gò đất nổi cao, có nhiều cây nam mai thân cỗi nghiêng ngang, nhưng khi trổ hoa nở không bung xòe trắng tinh rạng rỡ, cánh hoa vẫn còn úp túm giữ mùi thơm. Thứ hoa này vốn bẩm linh khí mà sinh ra, không thể dời trồng ở nơi khác được. Trên có chùa Ân Tông, đêm tụng kinh, chiều giộng chuông, âm thanh tản mạn trong mây khói, giống như đang ở giữa thế giới núi Linh Thứu của Phật. Lại có suối trong chảy quanh chân núi, các du nữ chiều mát quẫy mạnh mái chèo đi hái sen; gặp khi trời đẹp, văn nhân thi sĩ mang bầu rượu leo từng bậc cấp lên đây ngâm vịnh dưới gốc hoa ở đầu gò, câu chữ nồng nàn, thật là một thắng cảnh cho người du lãm.
Nơi đây, ngày xưa là chỗ chùa tháp đất Phật của nước Cao Miên, nền móng xưa còn thấy rõ. Năm Bính Tý (1816) niên hiệu Gia Long thứ 15, có nhà sư sửa sang lại chùa và đã đào lấy được nhiều gạch lớn, ngói xưa, và cả 2 miếng vàng lá hình vuông, mỗi bề hơn 3 phân, mỗi miếng nặng 3 đồng cân, trên mặt chạm hình cổ Phật kỵ tượng (Phật cưỡi voi), có thể đây là cái vật của Hồ tăng dùng để trấn tháp đó chăng ?” (1)
Chùa trên gò Cây Mai, Mai khâu tự hay Mai Sơn tự, còn được gọi là chùa Cây Mai. Gò cây Mai là nơi mà nhiều văn nhân như Trịnh Hoài Đức trong nhóm “Bình Dương thi xã” ở cuối thế kỷ 18 và sau này nhóm “Bạch Mai thi xã” của Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Hồ Huấn Nghiệp, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa…đến thưởng ngoạn. Khi Pháp đến Saigon, họ chiếm chùa làm đồn để làm phòng tuyến tấn công đồn Kì Hòa. Ngày nay là trại quân đội ở đường Hồng Bàng, vết tích chùa không còn, chỉ còn một gốc cây mai trong trại. Chùa Cây Mai khác với chùa gần đó gọi là chùa Gò. Địa điểm chùa Gò ngày nay là Phụng Sơn Tự, trên đường 3 tháng 2, Quận 10. Theo Charles Lemire (24) vào năm 1869 (chỉ vài năm sau khi Pháp chiếm Saigon), lúc ông đến gò Cây Mai trong chuyến viếng thăm Saigon-Chợ Lớn thì từ trên gò Cây Mai, có thể nhìn thấy các ruộng lúa trải dài dọc theo rạch Tàu Hủ, cánh đồng mã, chiến tuyến đồn Kì Hòa, cách đồng và rừng Gò Vấp, cho đến tận núi ở Tây Ninh, với khoảng cách ba mươi dặm. Ông tả cảnh ở gò Cây Mai như sau:
“Khoảng 15 phút từ Cholen (Chợ Lớn), trên đường đi Mitho (Mỹ Tho), là đồn Cây Mai. Một lối đi, hai bên trồng cây keo (acacia), dẫn chúng tôi đến chân một ngọn núi nhân tạo, trong một cảnh quan tuyệt diệu; một ngọn suối nhỏ chảy róc rách đến chân một bậc thang làm bằng đá; ba cửa vòng cung, một còn nguyên vẹn, tạo thành cổng vào đồn, trong đồn người ta thấy trên đỉnh gò là một chùa tám cạnh có tháp chuông; bên cạnh đó là cây cọ (palmier à sucre) và đặc biệt là Cay-mai, một loại cây họ mận (prunier rhéédia), có hoa thơm, mà ngày xưa không ai được sờ đụng nếu không phải bị tội tử hình. Những hoa này được tiến cung dâng vua, và được dùng để ướp trà cho vua.
Những vị sư ở đây giữ chùa và cây mai này. Nơi đây là điểm hành hương của nhiều tín đồ. Một viên quan bậc lớn người An Nam, vị tổng trấn Saigon và tác giả Gia-dinh thong chi, đã tả cho chúng ta một cảnh rất ý nhị. Đây là một đại diện tiêu biểu của thơ người An Nam…“
Cũng theo Lemire thì người Việt cho đến đầu thế kỷ 19 vẫn còn gọi thành phố Cholen (Chợ Lớn) là Saigon và vùng đa số cư dân người Việt ở cạnh sông Saigon (Tân Bình) lúc đó là Bến Nghé hay Bến Thành (tức bến cạnh thành Phiên An). Nhưng người Pháp đã nhầm lẫn gọi cả khu vực là Saigon, mà chủ yếu tập trung vào khu trung tâm gần thành (citadelle).
Theo Petrus Trương Vĩnh Ký (3), trước 1680, Saigon chỉ là một làng Khmer nhỏ. Năm 1680, Saigon là địa điểm của vua thứ hai Khmer, vị vua chính ở Gò Bích (bên Cambodge). Đây cũng là thời gian mà hai tướng nhà Minh dẫn 3000 quân, cùng gia đình của họ trên 60 thuyền đi từ Nam Trung quốc vào lập nghiệp sau khi được chúa Nguyễn cho phép. Trong hai vị tướng chỉ huy, một vị tướng là Trần Thượng Xuyên dẫn một đoàn đến Cù Lao phố (Biên Hòa) và một là Dương Ngạn Địch đi xuống Mỹ Tho lập nghiệp.
Vài năm sau, vị vua Khmer ở Saigon, vì nằm ở giữa 2 đạo quân nhà Minh cảm thấy bị đe dọa nên đã báo chúa Nguyễn là các quân nhà Minh có ý làm phản (sau khi phó tướng của Dương Ngạn Địch là Hoàng Tấn giết Ngạn Địch và mưu đồ cát cứ làm phản). Chúa Nguyễn gởi tướng Mai Vạn Long vào đánh thắng quân Hoàng Tấn ở Mỹ Tho. Sau đó cùng với Trần Thượng Xuyên ở Cù Lao Phố và Nặc Ông Nôn tiến lên Gò Bích (Oudong) đánh vua Nặc Ông Thu (1688). Trong cuộc hành quân này, Nặc Ông Nộn chết. Con Nặc Ông Nộn là Nặc Ông Yêm lên thay làm phó vương ở Saigon. Năm 1697, Nặc Ông Nêm về Oudong vì được nặc Ông Thu gả con gái và hy vọng sẽ lên thay Ông Thu làm vua Cao Miên sau khi Ông Thu mất. Từ năm đó, chức phó vương ở Saigon không còn nữa.
Năm sau (1698), chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, chính thức hóa cai trị vùng đất mới mà trên thực tế phó vương Cao Miên chỉ đứng tên, quyền hành và hành chánh thực sự nằm trong tay chúa Nguyễn. Gia Định thành thông chí viết như sau:
“Mùa xuân năm thứ 8, Mậu Dần (1698) thời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Chu), triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu họ Nguyễn (Hữu Cảnh) sang kinh lược đất Cao Miên, ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị. Về vệ thuộc thì có hai ty Xá, Lại để làm việc, quân binh thì có tinh binh cơ đội thuyền thủy bộ và thuộc binh để hộ vệ. Ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng đinh điền bạ tịch. Con cháu người Hoa nếu ở Trấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch.”
“Mùa thu năm thứ 9, Kỷ Mão (1699), triều đình tra xét bắt đạo Hoa Lang, phàm nhân dân ta ai có đạo thì phải bỏ để trở lại làm dân bình thường, lấy nhà tu làm nhà ở, lại còn đốt sách vở của đạo ấy, còn người phương Tây thì buộc họ phải về nước.
Tháng 8 mùa thu năm thứ 18, Mậu Tý (1708), triều đình phong cho người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông là Mạc Cửu làm Thống binh Hà Tiên.”
(…)
Tháng 6 mùa hạ năm thứ 17, Giáp Tuất (1754), chia quân Gia Định ra làm hai đạo, Nghi Biểu hầu đem kỳ binh từ sông Bát Đông tiến phát, quân đến đâu địch thua đến đó, rồi đến Tần Lê Bắc ra sông lớn hội cùng chính binh Tiền Giang của Thiện Chính hầu ở đồn Lò Yêm. Bốn phủ Xoài Lạp (Soi Rạp), Tầm Đôn, Cầu Nôm và Nam Vang của Cao Miên đều hàng. Tiếp đó liền sai thuộc tướng Cai đội Chấn Long hầu đến phủ Tầm Phong Tiêm chiêu dụ người Côn Man Thuận Thành để gây thanh thế. Lúc ấy quốc vương Cao Miên là Nặc Ong Nguyên chạy lánh sang phủ Tầm Phong Thu (nay là phủ La Vách) lại gặp trận lụt mùa thu quá lớn, quan quân phải trở về đồn nghỉ ngơi.
Mùa xuân năm thứ 18, Ất Hợi (1755), đại binh của Thiện Chính hầu đã về trước ở đồn Mỹ Tho, rồi lệnh cho người Côn Man Thuận Thành phải bỏ vùng Ca Khâm đem hết bộ lạc xe cộ xuống đồn trú ở Bình Thanh, tinh tráng hơn vạn người, khi đến đất Vô Tà Ân liền bị hơn một vạn binh của Cao Miên thừa cơ tập kích, quân Côn Man sức yếu thế cô, liền đem hết xe chất thành lũy và một lòng chống giữ, mặt khác cho quân đi cấp báo. Thiện Chính hầu vì ao đầm ngăn trở nhất thời khó bề cứu viện ngay được, chỉ Nghi Biểu hầu dẫn 5 đội tùy quân đến ứng cứu, quân Cao Miên nghe hơi đã phải rút lui. Nghi Biểu hầu đón hơn 5000 dân Côn Man cả nam lẫn nữ về trú dưới chân núi Bà Đinh (Đen) rồi hạch tấu Thiện Chánh hầu về tội làm hỏng quân cơ, rút quân thiếu kỷ luật, bỏ rơi người mới quy phụ, không cứu viện - để quân giặc bắt đi. Tấu được dâng lên, triều đình cho tra xét rồi giáng Thiện Chánh hầu xuống làm Cai đội, thu quyền Thống suất, ra lệnh cho Cai đội Du chính hầu Trương Phúc Du làm Thống suất, dùng người Côn Man dẫn đường để tiến đánh Cầu Nôm và Nam Vang và giết được một số Ốc nha. Vua nước ấy quá sợ nên phải chạy sang nương thân vào Đô đốc Tông Đức hầu Mạc Thiên Tứ ở trấn Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ thay lời tâu rằng: Việc ấy do biên tướng Cao Miên là Chiêu trùy Ếch đàn áp người Côn Man, vua nước ấy xin chịu nhận tội.
Năm thứ 19, Bính Tý (1756). Quốc vương Cao Miên là Nặc Ông Nguyên xin hiến đất hai phủ Tầm Đôn và Xoài Lạp (Soi Rạp) để chuộc tội, đồng thời xin cống nạp lễ vật còn thiếu ba năm trước đó.”
(Gia Định thành thông chí)
Người Côn Man Thuận Thành (Chiêm Thành) đây là chỉ người Chăm ở Bình Thuận và ở vùng đất thuộc Cao Miên trong xứ Gia Định-Đồng Nai. Như vậy vùng đất Saigon-Gia Định vào giữa thế kỷ 18 đã có người Chăm, lưu dân Việt, Hoa và người Khmer cư ngụ cùng với những người bản xứ, chủ nhân cũ của miền Saigon, Biên Hòa, Gia Định, Bà Rịa và Cần Giờ: người Mạ và người Stieng.
Trịnh Hoài Đức mô tả một thắng cảnh chùa Gíác Lâm gần thành Saigon như sau (1):
“Ở trên gò Cẩm Sơn, cách lũy Bán Bích về phía tây 3 dặm, gò chùa nầy như đống vàng bỗng nổi lên giữa chỗ đồng bằng trải thẳng cả trăm dặm, giống như tựa bình phong, đội nón, mở trướng, trải thảm, rộng 3 dặm, cây to thành rừng, hoa núi dệt gấm, sớm chiều mây khói bốc lên quấn cuộn, tuy nhỏ nhưng lý thú. Mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời Thế Tông năm thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch, đến ngày Thanh minh, Trùng cửu nhàn hạ, thi nhân du khách kết đoàn 5, 3 người đến đây mở tiệc thưởng hoa, nâng chén quỳnh mà ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa đời thường, bụi bặm xa cách ra ngoài tầm mắt, thật là một nơi đáng du lịch và thưởng ngoạn. Gần đây có Viên Quang đại lão hòa thượng đời thứ 36 thuộc phái Lâm Tế chính tông, mật hạnh kiên trì, trải từ tuổi nhỏ cho đến khi già, kiên trì tu hành ngày càng tinh tấn, lại có tính yêu cảnh sương khói suối khe, ít khi để chân đến chốn thị thành huyên náo. Từ khi ông đến đây dừng trụ trong núi dứt phiền não, dưới rừng lộ chùa chiền. Năm Gia Long thứ 16 (1817) ông mở đại giới đàn, từ đó thiện nam tín nữ đến quy y rất đông, mà sơn môn lại thêm phần khởi sắc.”
Và chợ Tân Kiển (hay chợ Quán):
“Cách trấn về phía nam hơn 6 dặm, phố chợ rất đông đúc, thường năm đến ngày Nguyên đán có tổ chức chơi đu tiên vân xa, đáng gọi là một chợ lớn. Từ trước, đến cuối năm thường có chém tù ở đây. Cách sông ở bờ phía đông, ngày trước có người Cao Miên là Nặc Đích theo Nặc Tha đến, cắm dùi sống luôn ở đấy, y bèn làm cầu ngang qua sông để thông đến chợ, gọi là cầu Nặc Đích, sau trải qua loạn lạc nên hư hỏng. Đầu phía tây đường lớn có đồn bắt trộm cướp đóng giữ.
Ngày 25 tháng giêng năm Canh Dần (1770) đời Duệ Tông (Định vương Nguyễn Phúc Thuần), sau khi bình định, có con hổ dữ vào nhà dân ở phía nam chợ, nó gầm rống rất dữ, dân quanh vùng đều hoảng sợ, họ báo với đồn dinh để phái quân vây bắt. Sau phải triệt hạ phòng ốc, làm nhiều lớp hàng rào bao quanh, nhưng con hổ rất dữ, không ai dám đối đầu. Qua ngày thứ 3, có thầy tu đi vân du là Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng xin vào đánh cọp. Hồng Ân cùng hổ quần thảo một hồi, hổ bị côn đánh rát quá, nhảy núp vào lùm tre, Hồng Ân đuổi nà theo, hổ bị dồn ngặt nên cự trở lại với Hồng Ân. Hồng Ân lui chân té xuống mương nhỏ, bị hổ tát thọ thương. Trí Năng tiếp viện đánh trúng đầu, hổ chết dưới làn côn, nhưng Hồng Ân bị thương nặng nên cũng mất liền khi ấy. Người ở chợ cảm nghĩa đem xác Hồng Ân chôn tại chỗ đấy rồi xây tháp, nay vẫn còn.”
Về văn hóa, trong giai đoạn này cũng bắt đầu phát triển và có những đặc thù riêng biệt phản ảnh tinh thần ở vùng đất mới. Gia định thành thông chí viết về người Saigon như sau: "Gia định ở về địa vị Dương Minh, nhiều người trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dầu là hàng phụ nữ cũng thế". Văn học có Nguyễn Đình Chiểu làm truyện “Lục Vân Tiên” ở Saigon nói lên đạo đức nghĩa tiết của con người lục tỉnh. Sách dạy chữ nho đặc biệt "Minh tâm bửu giám", không có trong chương trình thi cử, được soạn ra và trở thành cuốn sách gối đầu giường của miền Lục tỉnh. Sách hướng về ứng dụng thực tế tập hợp những trích đoạn của những sách Nho, Lão, Phật gồm những câu nói đạo đức, triết lý nhân sinh nhằm rèn luyện bồi dưỡng đức hạnh hướng dẫn việc ứng sữ hàng ngày (19). Sách phản ảnh triết lý bao dung và tinh thần phóng khoáng thực tế của con người đất Saigon-Gia Định.
Trường học nổi tiếng đất Saigon - Gia Định vào thế kỷ 18 là trường của nhà giáo Võ Trường Toản ở Hòa Hưng. Học trò của ông có nhiều người được ghi danh trong văn học như Trịnh Hoài Đức, ông nghè Chiêu, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định. Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh còn lập ra "Bình Dương thi xã", các hội viên thi xã thường gặp nhau ở khu vực chùa Cây Mai và xã Minh hương vùng đất Saigon làm thơ phú lấy hứng thú từ cảnh vật chung quanh lúc đó vẫn còn thiên nhiên hoang dại với cây nước, ao hồ, gò cao và chim thú...
Bài vịnh Cổ Gia Định bằng chữ Nôm (có lẽ là của Ngô Nhân Tĩnh) nói về cảng Saigon, nơi tàu các nước đến, như sau (19)
"Thuyền bắc nam lui tới
Ghe đen mũi, ghe vàng mũi, ra vào coi lòa nước
Người đông tây qua lại,
Tàu xanh mang, tàu đỏ mang, hàng hóa chất ngất trời"
Có mặt người Việt, Hoa, người Âu, và cả người Phi châu hay Ấn độ da đen nữa:
"Lũ Tây dương da trắng bạc
Mồm giớn giác, miệng xếch xác, hình vóc khác
Quân Ô rồ mặt đen thui
Thể lọ nồi, đầu quấn rít, miệng trớt môi,
In thiên bồng, thiên tướng, thiên lôi"
Sau cuộc khởi nghĩa Tây Sơn năm 1772 ở Bình Định, chúa Nguyễn Ánh cùng thân quyến chạy vào Gia Định - Đồng Nai - Saigon lánh nạn vào năm 1774. Chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn trở nên gay gắt và Nguyễn Ánh phải nhiều lần bỏ đất Saigon bôn ba ra các đảo và sang Xiêm La. Năm 1789, sau khi chiếm lại Saigon, Gia Long cho xây thành bát quái với sự trợ giúp của một viên sĩ quan hải quân người Pháp, Victor Olivier de Puymaniel, thiết kế thành theo kiểu Vauban ở Âu châu. Đá ong xây thành được lấy từ Biên Hòa (2). Về phía đông bắc Saigon (Biên Hòa) và bắc Saigon (Thủ dầu một, Bình Dương, Tây Ninh) lúc này là đất của người Mạ và người Stieng. Họ vẫn còn cư ngụ rất đông mà người Việt và sau này người Pháp gọi họ là “mọi”. Ở Saigon cũng có một đường người Pháp gọi là “rue des Moïs” (đường người Mọi, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu).
Trong năm 1823, theo John Crawfurd khi ông đến Saigon thì hôm 31/10/1823, sau khi được hội kiến với tổng trấn Gia Định trước khi tổng trấn ra Huế trình với vua về việc đoàn sứ giả Anh do Crawfurd cầm đầu đến Saigon, một buổi trình diễn giải trí sau đó đã được tổ chức trong nguyên ngày với nhiều triển lãm và trình diễn. Trong số khán giả Crawfurd thấy có 8 người ít ăn mặc và diện mạo hoàn toàn khác với những người chung quanh. Vị tổng trấn cho họ mỗi người một bộ quần áo và nói cho Crawfurd biết là những người này mới chính là những thổ dân đích thực của miền Nam trước khi người Việt đến thống trị và dân số họ đông hơn người Việt (7).
2. Saigon và đàng trong theo quan sát của John Barrow (1792-1793)
Người nước ngoài đầu tiên đến và viết lại nhiều tư liệu giá trị về Saigon và đàng trong vào thế kỷ 18 là John Barrow. Năm 1792, thuyền trưởng người Anh John Barrow đi từ Anh, qua Ba Tây (Nam Mỹ), ghé Nam Phi, Java và cuối cùng đến vùng đất mà ông mô tả là Cochinchina thuộc Đàng Trong từ Saigon miền Nam đến Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế, ở Trung phần (12). Ông đến trong năm 1792-1793 vào lúc chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh đang diễn ra kịch liệt. Saigon đang nằm trong tay Nguyễn Ánh, trong khi Huế và Đà Nẵng dưới sự ngự trị của vua Quang Toản.
Vì thế, như ông viết, không lạ gì mà khi từ Saigon ra Đà Nẵng năm 1793 đoàn tàu Anh của ông đã gây lo âu và nghi ngờ từ triều đình Tây Sơn “mà người bạn Bồ Đào Nha của chúng ta, Manuel Duomé, đã dùng để làm lợi thế cho ông ta và không bị cản trở đứt đoạn sự buôn bán độc quyền và rất lợi mà ông ta đã có từ nhiều năm qua với những người dân ở xứ này”.
Hình 1: Cảnh một kịch hát ở Đàng Trong (theo John Barrow, 1792)
Qua tư liệu hồi ký của một sĩ quan Pháp tên là Barissy phục vụ cho Nguyễn Ánh, John Barrow đã tóm tắt tình hình lịch sử từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đến lúc Nguyễn Huệ lên ngôi và đánh bại quân Thanh ở Đông Kinh (Thăng Long) và sau đó Nguyễn Huệ được vua Càn Long nhà Thanh mời sang Bắc Kinh để được tấn phong vua ở Đàng ngoài. Trong khi đó Nguyễn Ánh được Bá Đa Lộc (évêque d’Adran) và các giáo sĩ (như 1 giáo sĩ tên Paul) và giáo dân giúp đỡ lánh nạn Tây Sơn ở miền Nam. Khi chạy vào Saigon thì lúc đó ở Saigon đã có một tàu thương mại do một người Pháp tên là Manuel chỉ huy, 7 thương thuyền Bồ Đào Nha và một số ghe buồm đang trú trong cảng để buôn bán (chú thích của dịch giả: ông Manuel này chính là người có bài vị thờ trong chùa Hiển trung do vua Gia Long sau này xây ở Saigon mà Vương Hồng Sển có nói đến (6)).
Hình 2: Một nhóm người ở Đàng Trong tụ tập chơi một trò chơi (theo John Barrow, 1792).
Qua cố vấn của giám mục Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh đã mua lại và mướn người cho hạm đội đủ loại tàu này, trang bị chúng nhanh chóng để mong sẽ đánh úp thình lình vào vịnh Qui Nhơn lúc Tây Sơn không nghĩ là sự kiện này có thể xảy ra. Nhưng sự tấn công vào Qui Nhơn không thành, Nguyễn Ánh phải bỏ chạy lại vào Saigon, sau đó bị rượt đuổi phải trốn ở đảo “Poulo wai” trong vịnh Thái Lan, sau đó chạy qua Siam để lánh nạn. Không bao lâu, Nguyễn Ánh cũng phải rời Siam, trở lại Poulo Wai khi có hiềm khích với vua Siam. Từ đảo này giám mục Bá Đa Lộc đã mang hoàng tử Cảnh sang Pháp hy vọng gặp vua Louis 16 để được giúp đỡ. Một hiệp ước đã được ký kết giữa vua Louis 16 và hoàng tử Cảnh, qua đó vua Pháp gởi quân và tàu chiến đến giúp đỡ và được đặt dưới quyền của Nguyễn Ánh. Đổi lại sau khi thống nhất, nhà vua Việt Nam phải nhường lại cảng Đà Nẵng, các đảo ngoài Hội An. Sau khi đã ký, Bá Đa Lộc được Louis 16 bổ nhiệm là Đại sứ của vua Pháp ở Việt Nam.
Hình 3: Cúng trái cây cho thần (theo John Barrow, 1792)
Hạm đội Pháp trên đường đến Cochinchine ghé vào Pondichery (một nhượng địa của Pháp ở Ấn Độ, nơi mà nhiều người Ấn sau này đến Saigon và Việt Nam). Ở đây vì Bá Đa Lộc không hài lòng với việc toàn quyền Pháp Conway có vợ lẽ, bà Madame de Vienne, bà này vì thế gây hiềm khích giữa Conway với Bá Đa Lộc, Conway ra lệnh đoàn tàu dừng lại vô hạn định và không đi tiếp cho đến khi Conway trực tiếp nhận được tin từ vua Louis 16. Không lâu sau đó cách mạng Pháp nổi lên, chấm dứt sự can thiệp của Pháp và chuyến đi bị bỏ hẳn. Chỉ có Bá Đa Lộc, vài người thân cận và hoàng tử Cảnh trở về Nam kỳ. Lúc này Nguyễn Ánh cũng đã bỏ đảo quay về Saigon sau 2 năm khổ cực ăn rễ cây trên đảo. Hoàng tử Cảnh đoàn tụ với chúa Nguyễn năm 1790 ở Saigon.
(chú thích: Conway là người Pháp gốc Ái Nhĩ Lan. Rất nhiều người Ái Nhĩ Lan theo đạo công giáo khác với Tin lành ở Anh làm sĩ quan trong quân đội Pháp như Hennessey mà sau này lập nghiệp và sản xuất rượu mạnh Hennessey ở Pháp).
3. Saigon theo quan sát của R. Purefoy (1800-1807)
Đầu thế kỷ 19, trong các năm 1800 đến 1807, ông R. Purefoy đến Saigon để buôn bán. Năm 1826 viết lại về vùng Saigon trong tập san Á châu vùng Ấn và phụ cận, ông cho biết (22) như sau:
“Saigon chính thật ra, hay như người bản xứ phát âm, Thai Gone, nằm ở phía trên một nhánh nhỏ của con sông, khoảng tám hay mười dặm Tây Bắc của Bến Nghé, là cảng chính của thương mại. Thành phố này lớn đáng kể, được xây chủ yếu bằng gạch: nơi đây là các nhà thương gia chủ yếu của đất nước này cư ngụ.
Người Bồ Đào Nha ở Macao đã giao thương độc quyền ở cảng này từ nhiều năm trước 1800, nên khi một tàu Anh đến đây từ Madras, sự ghen ghét của họ dao động lên cao đến độ họ viết thư lên tổng trấn Saigon nói là họ coi họ mang nhiều ơn lớn với ngài vua đàng trong nên báo cho ngài biết về sự nguy cơ to lớn khi cho phép những tàu người Anh vào bất cứ cảng nào trong xứ, và bảo đảm với ngài là người Anh đến dựng cớ là thương mại nhưng kỳ thực là học biết thông tin về nước này để làm dễ dàng sau này ý định xâm chiếm, và trong dịp này họ cũng nói về những thuộc địa của chúng ta ở Ấn Độ. Con trưởng của nhà vua lúc đó là tổng trấn Saigon; ông ta không để ý gì đến bức thư này; rõ ràng ông ta thấy là các tác giả bức thư chỉ có các động cơ tư lợi riêng, bởi vì họ chẳng mang ra được chứng cớ gì về những điều họ nói, và trong lúc tra hỏi ở hội đồng họ đã có ý trái nghịch lẫn nhau.
Vị hoàng tử này, là một người trai trẻ thông minh, nói tiếng Pháp lưu loát, đã được mang qua Pháp khi còn nhỏ bởi giám mục D’Adran, một phần được giáo dục ở Paris. Ông ấy mất vì bị bệnh đậu mùa năm 1802.”
(chú thích: như vậy Saigon, bắt nguồn từ một từ phát âm ra “Thai Gone”, thật sự là chỉ thành phố Chợ Lớn ngày nay)
Ông Purefoy viết tiếp:
“Những sản phẩm chính của tỉnh này là trầu (betel-nut) gồm ba loại, đỏ, trắng và một loại nhỏ, mà ở Trung Quốc có nhu cầu rất lớn, đường, gạo, tiêu, quế, bạch đậu khấu (cardamom), lụa, vải, sừng tê giác và nai, thỏi vàng và bạc, ngà voi, và cá khô với số lượng lớn hàng năm được nhập vào Quảng Đông và các cảng khác ở Trung Quốc. Đồng Nai cũng sản xuất gỗ rất tốt để đóng tàu, gọi là ‘shaou’ (sao), một loại gỗ tếch (teak), rất giống gỗ cây sồi Anh (English oak), một loại gỗ khác nữa giống như gỗ cây tần bì (ash), được dùng làm mái chèo thuyền để xuất khẩu, và cột gỗ thông và mù u, rất tốt để làm cột thuyền và sân thuyền; nhựa đen (tar), nhựa vàng (dammar), dầu từ cây (wood oil) có thể thêm vào danh sách trên. Năm 1801, lượng trầu xuất khẩu đạt tới 135000 peculs (1 pecul hay tạ Trung quốc tương đương với 68kg).
Lương thực rất rẻ ở cảng Saigon, nơi đây có bán ba loại gạo, gạo trắng, gạo đỏ và gạo đen; hai loại gạo sau được nghe nói là có đặc tính bổ tốt cho sức khỏe. Họ sấy thịt heo ở đây bằng một quá trình bí mật, làm thịt heo khô có thể được mang lên tàu và dự trữ được rất lâu.…“
Điều này cho thấy vùng Saigon và các tỉnh chung quanh như Đồng Nai rất sung túc về sản phẩm nông nghiệp, hải sản và lâm nghiệp. Từ Saigon (tức Chợ Lớn) hàng hoá được thông thương buôn bán với các nước ngoài và xuất khẩu rất nhiều đi các nơi.
Nguyễn Đức Hiệp
Tham Khảo
(1) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Đồng Nai,
http://namkyluctinh.org/a-sachsuvn/giadinhthanh-thongchi%5Bp3%5D.pdf
(2) Anatole Petiton, La Cochinchine française: la vie à Saïgon, notes de voyage, Éditeur : Impr. de L. Danel (Lille), 1883.
(3) Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs, conférence faite au collège des interprètes par M. P. Truong Vinh Ky, Éditeur : Impr. coloniale (Saïgon), 1885.
(4) Les colonies françaises: notices illustrées / publ. par ordre du sous-secrétaire d'état des colonies sous la dir. de M. Louis Henrique, Quantin (Paris), 1889-1890.
(5) Trần Ngọc Quang, Saigon và những tên đường xưa,
http://namkyluctinh.org/a-lichsu/tngocquang-saigontenduongxua.pdf.
(6) Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, 1992, Nxb Trẻ
(7) John Crawfurd, Journal of an embassy from the governor of India to the courts of Siam and Cochinchina; exhibiting a view of the actual state of those kingdom by John Crawfurd. London. Henri Colburn and Richard Bentley, New Burlingtong Street. 1830.
(8) John White, A Voyage To Cochin China; by John White, Lieutenant in The United State Navy, London, 1824. Online:
http://www.archive.org/stream/voyagetocochinch00whitrich#page/n15/mode/2up
(9) Nguyễn Công Tánh, Thay đổi tên đường của Thành Phố Sài Gòn từ năm 1928 đến năm 1993,
http://motgocpho.com/forums/showthread.php?1895-L%E1%BB%8Bch-S%E1%BB%AD-Saigon
(10) Hình ảnh, tư liệu, http://belleindochine.free.fr/Saigon1882.htm
(11) Albert Morice, Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74, par M. le Dr Morice, H. Georg (Lyon), 1876.
(12) John Barrow, A voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793: containing a general view of the valuable productions and the political importance of this flourishing kingdom, T. Cadell and W. Davies in the Strand, London, 1806. online : http://purl.pt/126
(13) Jules Blancsubé, Notes sur les réformes les plus urgentes à apporter dans l'organisation des pouvoirs publics en Cochinchine (Signé : Jules Blancsube [31 Décembre 1878]), Impr. de Ve Remondet-Aubin (Aix), 1879.
(14) Réveillère, Paul-Émile-Marie (dit Paul Branda), Ça et là. Cochinchine et Cambodge. L'âme khmère. Ang-Kor. Troisième edition, Fischbacher (Paris), 1887.
(15) P. Midan, La Pagode des clochetons et la pagode Barbé, contribution à l'histoire de Saïgon-Cholon, Impr. de l'Union Nguyên-van-Cua (Saïgon), 1934.
(16) Excursions et reconnaissances, No. 4, Imprimerie du gouvernement, Saïgon, 1880.
http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5747850m.image.hl.r=Wang-Tai.f5.langEN.pagination
(17) J. Bouchot, Saigon sous la domination cambodgienne et annamite, Bulletin de la Société des études indochinoises, année 1926, 1926 (Nouv Ser,T1), pp. 3-82, Société des études indochinoises (Saïgon).
(18) Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, trong “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb Tph Hồ Chí Minh, 1987, Quyển I, trang 125-231.
(19) Trần Văn Giàu, Lược sử thành phố Hồ Chí Minh, trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb Tph Hồ Chí Minh, 1987, Quyển I, trang 235-420.
(20) Josiah Conder, Birmah, Siam, and Anam, London: printed for J. Duncan, Oliver & Boyd, Edingburgh, M. Ogle, Glasgow and R. M. Tims, Dublin, 1826,
http://www.archive.org/stream/birmahsiamanam00condrich#page/n11/mode/2up
(21) George Finlayson, The mission to Siam and Hue the capital of Cochin China in the years 1821-2, London, John Murray, Albemale Street, 1826.
http://www.archive.org/stream/missiontosiaman00raffgoog#page/n7/mode/1up
(22) R. Purefoy, Cursory remarks on Cochin-China, The Asiatic journal and monthly register for Bitish India and its dependencies, Vol. 22, pp. 143-147, pp. 652-655 London, 1826.
(23) Charles Darwin, The Descent of Man: and selection in relation to sex, John Murray, London, 1879.
(24) Charles Lemire, Cochinchine française et royaume de Cambodge, avec l'itinéraire de Paris à Saïgon et à la capitale cambodgienne, Challamel aine, Paris, 1869.
Saigon - Chợ Lớn: thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 - Phần II
4. Saigon dưới quan sát và nhận xét của John White (1819-1823)
Thế thì đời sống ở Saigon trong giai đoạn này ra sao?. Trước hết ta hãy xem mô tả Saigon và cuộc sống ở đây vào các năm 1819-1823 qua quan sát của thuyền trưởng Mỹ John White, người đã đến và sống tại đây một thời gian. Với mục đích tìm hiểu xứ đàng trong, liên hệ ngoại giao để giao thương buôn bán, trung úy hải quân Mỹ John White, năm 1819 trong chuyến viếng thăm Saigon trên tàu Franklin, từ cảng Salem tiểu bang Massachuset, đã cho ta những thông tin giá trị. Salem là một thương cảng sầm uất có tàu buôn và đánh cá voi đi khắp thế giới trong thế kỷ 17-19. Trước khi viếng Saigon và đàng trong, ông đã có đọc sách nói về đàng trong của John Barrow. Với những kinh nghiệm và chứng kiến ở Saigon trong nhiều tháng sống ở đấy, ông đã viết lại một hồi ký được giữ trong kho lưu trữ của hội "Hội hàng hải Đông Ấn của Salem" (East India Marine Society of Salem). Nhưng các bạn của ông khi đọc, họ thấy có những thông tin hữu ích, nên nên đã in thành sách.
Hành trình của tàu Franklin đi từ Salem ngày 2 tháng 1, 1819 là đi xuống Ba Tây, Nam Mỹ, vượt Đại Tây Dương đến mũi Hảo Vọng để đến Batavia (Nam Dương) thuộc Hòa Lan rồi đến Nam kỳ đàng trong. Sau Côn Đảo, Vũng Tàu, đến Cần Giờ; nhưng ở Cần Giờ tàu Franklin gặp khó khăn phải ở đến 5 ngày đợi lấy giấy phép vào Saigon. Khó khăn nhất là từ quan địa phương quấy nhiễu lên tàu lấy đồ, đòi hỏi đồ tặng như rượu, tiền, quà cáp... Nghĩ là tàu phải chờ đợi rất lâu trước khi xin được phép vào cảng Saigon. ông bỏ ra Đà Nẵng (Turon) hy vọng đến Huế để xin được phép. Nhưng khi tới Đà Nẵng, qua tiếp xúc với các quan lại, ông được biết nhà vua đã ra Bắc Hà và qua sự khó khăn về ngôn ngữ truyền thông, ông quyết định đi Phi Luật Tân với hy vọng tìm người thông hiểu tiếng Onam (Cochinchina, đàng trong) rồi sẽ trở lại đàng trong.
Ở Manila, ông cũng ngạc nhiên là hầu như không ai biết về xứ đàng trong, một vương quốc cạnh đấy. Ông chỉ gặp 3 người có chút kiến thức: một người Đan Mạch, đã sống ở Saigon vài năm nhưng vì đã lâu rồi nên không còn nhớ gì nhiều, một thủy thủ già Tây Ban Nha đã từng buôn bán ở sông Cam Bốt (các sông ở nam kỳ như Cửu Long) và có thấy người đàng trong và nghe nói vê xứ đàng trong. Và một ông cha, giáo sĩ, đã từng ở địa phận Huế một thời gian ngắn trong thời nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh, và đã từ đấy thoát về đây. Cả ba không ai biết tiếng Onam và không biết gì nhiều về đất nước này hay cho thông tin hữu ích về xứ sở này. Tuy nhiên họ đều cho biết ý kiến không luận lợi về đặc tính của chính phủ và người dân Onam. Những khó khăn và nản chí mà chính ông đã gặp khi đến đàng trong ở Cần Giờ và Đà Nẵng dường như trở thành hoàn toàn khi nghe những người này nói về đàng trong. Ông sửa soạn đến Canton (Quảng Đông) lấy hàng thay vì lấy ở Manila trên đường về Mỹ thì xảy ra một sự kiện may mắn hi hữu và không ngờ đã làm ý nghĩ viếng đàng trong của ông quay trở lại. Số là khi tàu ông được coi là tàu Mỹ đầu tiên đến Cần Giờ, mong đi ngược dòng sông Đồng Nai viếng Saigon nhưng đã phải ra đi Đà Nẵng, thì một tàu Mỹ khác vài ngày sau tình cờ cũng đến với cùng mục đích. Tàu này là tàu Marmion từ Boston, một cảng gần Salem, do thuyền trưởng Oliver Blanchard điều khiển. Lúc bấy giờ, vị phó vương (tổng trấn Lê Văn Duyệt) nhận được tin là tàu của John White đã có mặt ở sông, nên ông đã gởi một người thông dịch bản xứ, biết nói tiếng Bồ Đào Nha phương đông, đến Cần Giờ với mục đích là truyền thông được với bất cứ tàu nào sau đó đến.
Đúng vào dịp đó, tàu Marmion đến, trên tàu có một thư ký và thủy thủ nói được tiếng Bồ Đào Nha. Sau một vài khó khăn, thuyền trưởng Blanchard được phép vào Saigon trên tàu của làng Cần Giờ. Nhưng ông không thể mua bán gì được vì số tiền vàng (doubloon) Tây ban Nha mà thuyền mang theo không được người Onam biết mặc dầu chúng có giá trị hơn tiền dollar Tây ban Nha. Một vài người bản xứ chịu nhận tiền vàng nhưng với giá rẻ. Thuyền trưởng quyết định không vào cảng để buôn bán vì sẽ trả giá cắt cổ tiền thuế, tặng phẩm, quà cáp. Người Onam bảo đảm với Blanchard là giá đường và các hàng khác rất rẻ, và nếu tàu có mang tiền dollar Tây ban Nha thì sẽ có hàng ngay lập tức. Nhưng vì chỉ có tiền vàng Tây ban Nha nên tàu Marmion quyết định đi Manilla để mua hàng thay vì ở Saigon.
Thuyền trưởng Blanchard bị bệnh và mất khi tàu vừa rời Cần Giờ. Ở Manilla thuyền trưởng John White tàu Franklin gặp người thay thế Blanchard trên tàu Marmion và bàn tính cùng đi trở lại Saigon, sau khi tiền vàng trên tàu Marmion được đổi qua dollar Tây ban Nha ở Manila.
Trở lại Vũng Tàu và Cần giờ lần này ở cửa sông ông thấy nhiều cá heo sông sống ở nước ngọt (fresh water river dolphin) màu hồng (ngày nay như ta biết không còn cá heo sông ở sông Saigon - Đồng Nai nữa, chỉ còn một ít gần tuyệt chủng ở sông Cửu Long), sau vài ngày chờ đợi cuối cùng được phép cho vào cảng buôn bán nhưng với điều kiện là ngoài tiền thuế phải trả do vua chỉ định, phải có tặng phẩm như là thông lệ bắt buộc (gọi là sagouetes, quà triều cống) cho ngài phó vương và các quan lại. Mặc dầu chấp nhận nhưng White muốn gợi lên vấn đề triều cống khi gặp phó vương vì ông không nghĩ đó là thông lệ tốt cho sự buôn bán có lợi cho cả hai bên.
Sau bao nhiêu thăng trầm, tàu Franklin và Marmion cuối cùng cũng vào đến cảng Saigon. John White và đoàn tùy tùng lên bờ đi qua chợ giữa sự tò mò, bu quanh của dân cư, ồn ào đủ loại chó chạy rông, vào thành qua cửa nam để diện kiến vị phó tổng trấn (lúc đó là Huỳnh Công Lý). Ông mô tả như sau, sau khi qua khỏi khu chợ:
"Ở cuối đường đầu tiên, tuy vậy, khung cảnh trở thành dễ chịu hơn. Con đường chúng tôi đi khúc khuỷu che khuất và hai bên đường là hai tường đá chắn, dài khoảng một phần tư dặm qua một dốc ngược vừa phải, che phủ bởi cây xanh, chúng tôi chẳng bao lâu đến một cầu đá, lúc mà tiện dân, hai chân và bốn chân (chỉ chó rông) đã xa chúng tôi; cầu bằng đá và đất, băng ngang qua một hào nước sâu và rộng, dẫn tới cửa đông nam của thành, hay đúng hơn một thành phố quân sự; vì tường của thành, bằng đá và đất, cao khoảng 20 feet (8m), tường dầy vô cùng, bao quanh khu hình tứ giác dài khoảng 3 phần tư dặm mỗi cạnh. Nơi đây là nơi vị phó vương (tổng trấn) và các lãnh binh cư ngụ, và có rất nhiều doanh trại rộng tiện nghi, đủ chứa 50000 binh lính. Dinh hoàng gia ở ngay giữa thành, trên khu dất xanh tươi đẹp rộng khoảng 8 acres (mẫu anh, 0.4 hecta) bao quanh bởi hàng rào cọc cao."
Dinh hoàng gia xây bằng gạch, nền gạch trên mặt đất khoảng 6 feet (2.5m) được dành cho vua khi đến ngự. Dinh bỏ trống vì vua Gia Long đã chuyển về Huế, nên dinh được dùng làm kho dữ liệu chứa giấy tờ và dấu ấn hoàng gia.
Hình 4. Saigon – Thành Quy (Gia Định thành) 1795, vẽ bởi Jean-Marie Dayot năm 1799. Dayot (tên người Việt gọi ông là Đồng Nai) là một trong những sĩ quan hải quân Pháp (như người em Felix Dayot, Jean-Baptiste Chaigneau, Phillipe Vannier (Lê Văn Lang), Victor Olivier (Ông Tín)) giúp Nguyễn Ánh trang bị hải quân và chỉ huy hai tàu Dong-nai và Prince de Cochinchine tham dự đánh Tây Sơn. J. M. Dayot bị đắm tàu chết năm 1809. |
Đi qua cửa vào dinh tổng trấn, trong dinh, trên bục gỗ quí, giống như gỗ hoàng dương bóng loáng như gương là vị phó tổng trấn
"Trên bệ cao này, vị phó tổng trấn ngồi chân xếp hai bên kiểu người Á, và vuốt râu trắng lưa thưa; ông là một người già ốm, da nhăn, rất thận trọng mà điệu bộ, mặc dù có nở nụ cười không đáng tin cậy, không cho ta thấy một điều gì công chính và thành thật. Trên các bục hai bên là các quan, lãnh binh đủ chức tước được ngồi xa hay gần nhân vật oai phong đại diện đất nước tùy theo chức hạng."
Trong thành về phía đông bắc có 6 tòa nhà lớn, bao bọc bởi hàng rào cọc, mỗi tòa nhà dài khoảng 120 feet chiều dài và 80 feet chiều ngang. Đây là những nhà kho chứa lương thực, vũ khí, đạn dược…Rải rác trong thành là các nhóm nhà cho binh sĩ giữa những cây vùng nhiệt đới trông rất đẹp mắt, trong đó có vài bụi cây hương hải ly (castor). Nhiều đường đi rất dễ chịu với hai bên thường trồng các cây bông sứ (palmaria) khi nở hoa trắng vào tháng 10 và tháng 11 tỏa hương thơm xa khắp nơi.
John White cho biết dân số Saigon là 180000 trong đó có khoảng 10 ngàn người Hoa. Số liệu này ông cho biết là từ nguồn thông tin xác đáng và chính thức mà ông nhận được từ cha Joseph và chính từ vị tổng trấn Gia định thành Lê Văn Duyệt khi tổng trấn trở lại Saigon từ Huế không lâu sau khi John White đến Saigon. Ở phía tây của thành phố là hai chùa người Hoa, chùa người Việt (Onamese, chữ dùng của John White chỉ người Việt và Onam xứ sở Việt đàng trong) ở rải rác khắp thành phố. Ở chính giữa thành phố có một nhà thờ do hai giáo sĩ Ý cai quản, họ có vài học trò và nhiều người theo đạo. Theo các giáo sĩ và tổng trấn Gia định thành thì ở nam kỳ (đây chỉ cả miền trung và nam việt nam trừ Đông kinh miền bắc) tín đồ công giáo có 70 ngàn và ở địa phận Đồng Nai là 16 ngàn.
Sau khi diện kiến vị phó tổng trấn, đoàn John White viếng chợ ngoài thành, đi xem đường phố. Ông mô tả chi tiết sinh hoạt, con người đủ loại tầng lớp trong xã hội, cũng như lần trước đi đâu đoàn của ông cũng bị mọi người bu quanh, thích thú tò mò sờ mó đến nỗi khi về thuyền, quần áo mọi người tơi tả.
Trong sách John White nói rõ gạo là sản phẩm chiến lược quan trọng, không ai được xuất cảng, người đi tàu xa chỉ được cung cấp đúng khẩu phần cho thủy thủ đoàn trong thời gian đi mà thôi. Ông thấy một tàu kiểu Siam của người bản xứ trên cạn gần sông, và được biết là thuyền trưởng và nhân viên đã bị tử hình và thủy thủ đoàn bị giam vì đã vi phạm điều luật xuất cảng gạo này. Ông cũng viếng thăm khu đóng tàu ở phía gần sông Saigon và rạch Thị nghè, ông thán phục kỹ thuật đóng tàu và chất lượng của gỗ quí làm tàu từ nguồn tài nguyên trù phú ở đàng trong.
Ông cho biết thành phố Saigon lúc đầu là ở phía cực tây của địa điểm gần thành Saigon. Tức là Chợ Lớn thành lập trước và là Saigon xưa. Vì thế phía Chợ Lớn có những kiến trúc cao tốt đặc sắc hơn. Một vài con đường ở Chợ Lớn được lót bằng đá phiến; các bến tàu làm bằng gạch dài gần một dặm dọc theo sông. Thành Saigon và xưởng hải quân, trừ một vài chòi cho các thợ máy, là duy nhất có cư ngụ ở phần phía đông; nhưng sau khi chiến tranh Nguyễn Ánh - Tây Sơn chấm dứt, dân cư phát triển nhanh chóng về phía đông cho đến khi cả hai nơi trở thành một thành phố, lên đến bên kia rạch Thị nghè bao bọc thành Saigon và công xưởng hải quân.
Cũng theo John White ở Chợ Lớn có con kênh vừa được đào:
"Ở phía tây của thành phố, một sông hay kênh vừa được đào (thật ra chưa hoàn tất khi chúng tôi đến) dài 23 dặm Anh, nối với một nhánh của sông Cam Bốt, từ đó thông thương qua đường thủy với Cam Bốt, mà người Việt gọi là Cou-maigne (Cao Miên). Kênh này sâu 12 feet (5m), rộng 80 feet (32m), được đào xuyên qua rừng đầm lầy lớn bao la, trong vòng 6 tuần. Hai mươi sáu ngàn dân công, ngày và đêm đào công trình vĩ đại này, với 7 ngàn người chết vì cực nhọc hay bệnh. Hai bên bờ kênh này đã đựợc trồng các cây hoa bông sứ, là cây mà người Việt rất thích.".
Kênh này chính là kênh An Thông Hà do Huỳnh Công Lý đứng ra huy động xây theo lệnh vua Gia Long. An Thông Hà, thay thế Kinh Ruột ngựa (Mã Trường Giang) đã bị cạn lấp, nối rạch Tàu Hủ xuống sông Rạch Cát và từ đó xuống Cần Giuộc, Tân An và sông Vàm Cỏ và các tỉnh miền Tây.
Cuôi cùng sau khi tổng trấn Lê Văn Duyệt hoàn thành công tác ở Huế (năm sau 1820 thì vua Gia Long mất) trở về Saigon, John White cũng được diện kiến với Lê Văn Duyệt trong dịp bá quan văn võ nghênh đón ông tổng trấn và ngày hôm sau tại chính dinh thự của ngài tổng trấn trong bữa tiếp chuyện và khoãn đãi dành riêng cho phái đoàn ông John White
“…Đúng thời điểm hẹn, chúng tôi đến dinh phó vương, ngài phó vương (vice-roy, chỉ Lê Văn Duyệt) đã có chủ đích trong dịp này không tiếp khách bản xứ, chỉ có những nhân viên thân cận giúp việc trong dinh ông, độ khoảng 40 người và 4 thông dịch viên của chính quyền là Antonio, Mariano, Joseph và Vicente, họ là người bản xứ theo đạo. Chúng tôi được tiếp đón rất thân tình và chi li. Ngài phó vương lúc này đã bỏ qua tất cả những “hãnh diện, nghi lễ, nghi thức” của chức vụ ngài, ngài nói chuyện thoải mái tự do với chúng tôi; và sự háo hức tò mò của ngài, sự chọn lựa sáng suốt đúng đắn các đề tài trong sự tìm hiểu thẩm tra, chứng tỏ ông có một đầu óc mở rộng, thúc đẩy bởi một sự khao khát không nguôi về tri thức và thông tin; và những lời bình chính chắn của ông trong nhiều đề tài đã thuyết phục chúng tôi về khả năng thiên tư cao độ của ông. Chiến tranh, chính trị, tôn giáo, phong tục, cách xử sự của các nước Âu châu là những đề tài mà ông rất chú trọng; và khi nghe là tôi từng phục vụ trong hải quân ở nước tôi, ông đặc biệt tập trung tìm hiểu hỏi tôi về các chiến thuật hải quân và chiến trận hàng hải. Khi sự tò mò của ông đã được thỏa mãn về các chi tiết này, ông vui vẻ khen ngợi sự thông minh, kỹ năng và năng lực của người “Olan” (Tây dương), và, với một cảm xúc buồn tủi, ông lấy làm tiếc phàn nàn về tình trạng còn thiếu văn minh của nước ông.
Sau hai giờ đàm đạo rất thích thú, ông thông báo chúng tôi là có một buổi tiệc giải lao đãi chúng tôi theo kiểu Âu, dưới sự điều hành của Antonio, thông dịch viên trước đây đã ở Macao. Trên một bàn nhỏ ở giữa sảnh đường có đầy các dĩa, chén chứa đủ loại thức ăn Á châu, gà, vịt luộc, cơm, khoai, khoai lang, heo nướng, cá, bánh và cá giầm muối… Antonio đã tìm được ở đâu đó, có thể từ Pasqual, hai con dao và một nĩa cũ, để chúng tôi chia nhau dùng để cắt thịt, và sau đó dùng các lông nhiếm để cắm đồ ăn và bỏ vào miệng.
Ngay lúc đầu buổi tiệc, ngài phó vương đã thân tình chăm sóc chúng tôi, cầm chai rượu mà chúng tôi đã tặng ngài trong một tay còn tay kia cầm một ly, ông mời chúng tôi uống không ngưng nghỉ cho đến khi chúng tôi van xin được tha, lúc đó ông mới cho phép chúng tôi nghỉ mệt khỏi sự hiếu khách nhiệt thành, nhưng cản trở của ông. Tuy nhiên, vì sự băn khoăn muốn cho chúng tôi được tận hưởng tất cả những cao lương thú vui trước mắt chúng tôi, ông đã tiếp tục ép chúng tôi ăn uống, và ông đã tự tay cầm đưa vào miệng chúng tôi đủ loại thức ăn, cá, gà, cơm, cơm chiên, cà ri, thịt heo, khoai, kẹo bi, v.v… không cần thứ tự, cho đến khi mắt chúng tôi bắt đầu lồi ra khỏi tròng, và nước mắt chảy liên tục xuống má chúng tôi. “
Sự hiếu khách, luôn mong học hỏi, phát triển hiện đại đất nước của Lê Văn Duyệt lại là tương phản với hầu hết những quan lại, nhân viên viên chính quyền dưới quyền ông ở Gia Định.
John White đã kể lại các chi tiết về hành xử của quan lại, nhân viên cũng không khác như tình hình ngày nay là bao. Tàu Franklin và Marmion đậu tại cảng và phải trả thuế tính theo trọng tải, được ước lượng qua chiều ngang gần mũi tàu. Tàu Franklin được tính ngang gần mũi tàu 17.6 covids (1 covid khoảng 40cm) hay 176 tấc (đơn vị thời đó) với giá 160 quan (1 quan là 10 tiền, 1 tiền là 60 đồng, đồng làm bằng kẽm (zinc) có lỗ hổng ở giữa để tiện cho việc xâu lại thành bó. Ngoài ra còn có “bạc đính” tức thỏi bạc lớn bằng ngón tay út và “bạc nén” lớn nặng 375gr có giá trị 16 tiền (piaster) mexicaine, mỗi tiền mexicaine là 7 quan (29 )).
Giá trị 1 quan tương đương với 50 cent dollar Tây ban Nha (Spanish dollar). John White than về chi phí tặng phẩm cho quan lại vua chúa, quà cáp cho đủ loại nhân viên từ thuế vụ đến lãnh bình. Riêng thuế lên đến 2700 dollars chỉ riêng tàu Franklin. Vào 9 giờ sáng, trước khi đo đạc để trả thuế, nhân viên thuế đòi phải có rượu uống trước. Sau khi thâu thuế, nhân viên thuế vụ đòi hỏi được đãi ăn, nhậu. Đến 12 giờ trưa, sau khi đã say sưa họ ra về, để lại cho thủy thủ đoàn lau rửa dọn dẹp, mà khó rửa nhất là các bãi nước trầu đỏ ghê tởm mà họ phun từ miệng xuống đầy sàn tàu.
Những người đầu tiên muốn tiếp xúc và buôn bán hàng hóa với ông là những thương gia phụ nữ, ông gặp họ khi ông đến nhà của một người Tagal (gốc Phi Luật Tân, đảo Luzon) nói tiếng Tây ban Nha tên là Pasqual định cư ở Saigon khi lấy một người Việt. Pasqual trước đó đã lên tàu Franklin mời đoàn của ông John White đến thăm nhà. John White cho biết đa số các thương gia môi giới hàng là phụ nữ và họ giỏi hơn đàn ông.
Trong những lần thương lượng với các nhà buôn để mua đường, ông đã gặp rất nhiều khó khăn về sự thiếu thành thật. Các nhà buôn hôm nay đồng ý giá này nhưng không lâu sau đó thấy có cơ hội lại đưa giá cao hơn nhiều, hứa sẽ có mẫu hàng nhưng không có, luôn luôn tìm cách bóp chẹt...
Ông đã gặp phó tổng trấn (chỉ Huỳnh Công Lý) xin giúp để nhanh chóng làm việc, nhưng sau nhiều lần tiếp thì ông mới biết là chính vị phó tổng trấn đã thông đồng và cùng làm chung với các nhà buôn để bắt chẹt, lừa dối và tống tiền gây giá cao so với giá ở chợ, cùng với các quan chức với các thủ tục quan liêu làm tiền bằng mọi cách. Khi phái đoàn John White cho ý kiến về tư cách của các nhà buôn
" Có thể ông ấy cảm thấy bị đụng chạm nao núng; nhưng làm sao mà chúng tôi có thể biết, hay đoán là, ngài 'Oung-quan tung keon' (ông quan tổng trấn), người giữ chức vị thứ hai ở Đồng Nai, và đã một lần có vinh dự đại diện cho nhà vua oai nghiêm ở triều đình Bắc Kinh (đây là sự kiến có thật), thực ra là một người nhỏ mọn buôn đường và các hàng khác, thông đồng với các con buôn lặt vặt tầm thường khác để hưởng lợi bằng sự lừa gạt và tống tiền những người nước ngoài, đã dùng hết sức của mình để đến từ xa mong đáp lại những thuận lợi và vui thú trong cuộc trao đổi thương mại thân thiện với họ ?...
Sau bữa ăn ngắn, ông ta đứng lên khỏi ghế và trở lại bục ngồi, và ngay lập tức hỏi là chúng tôi có những đồ gì đặc sắc lạ không để cho ông xem; chúng tôi trả lời là không có, vì biết được hậu ý của ông ta; nhưng một trong những người thông ngôn (những người này, nói ra, đều là đểu cáng không biết xấu hổ) nói với ông ta là nó đã thấy trong phòng tôi một khẩu súng săn hai nòng, nên bắt buộc tôi phải đưa ra; sau khi chiêm nghiệm thán phục tài nghệ khéo léo của cây súng; ông ta tỏ ý hạ cố muốn mượn cho chuyến đi săn ngày mai. Tôi đành phải tuân theo ước muốn một cách miễn cưỡng hết sức của tôi; và may mắn đây là cơ hội mà tôi rời nó cuối cùng, không có cơ hội nào khác sau này, bởi vì tôi không bao giờ thấy nó lại nữa, ngay cả những cố gắng sau này trong lúc còn ở đây, tôi cũng không thấy một thoáng của nó, ngài phó tổng trấn tự cho rằng đây là một món quà."
Ngày hôm sau, đoàn đến gặp phó tổng trấn về thủ tục trả thuế tàu đậu tính theo tiền Việt. Đoàn muốn trả tiền thuế bằng đô la Tây Ban Nha theo giá thị trường ở chợ nhưng vị phó tổng trấn bắt là phải trả đô la theo giá chính thức mà xê xích 1 đô la là 18 tiền chính thức so với 19 tiền ở chợ. Đoàn thương lượng tìm cách trả thẳng bằng tiền Việt, cuối cùng vị tổng trấn cũng miễn cưỡng đồng ý. Đoàn ông White ra chợ đổi tiền và sâu vào thành bó trong các bao mang đến ngân khố trả mới biết là họ tìm cách làm khó khăn, đóng cửa, đếm sai gian trá, kéo dài thì giờ và ngay cả ăn cắp... Về nhà trọ mướn thì tối đến bị ném đá liên tục mà hướng là từ phía nhà của vị phó tổng trấn bên kia kênh.
"Sau khi trả thuế, phái đoàn chúng tôi đến gặp phó tổng trấn với mục đích bàn về vấn đề qui luật triều cống. Vị phó tổng trấn tiếp ở nhà trong một phòng lớn có 1 thư viện nhỏ, một trường kỷ bên cạnh một bục nhỏ mà vị tổng trấn ngồi và một vài đồ đạc kiểu Trung hoa. Ở đây không có lính hậu vệ mà chỉ có hai cậu bé giúp việc, một cậu đứng quạt cho vị phó tổng trấn. Ông phó tổng trấn tiếp khách ân cần mời phái đoàn ngồi với nước trà, trầu và đồ ngọt. Sau khi trả lời thỏa mãn sự tò mò của ông qua các câu hỏi về Âu châu mà tổng trấn cũng coi Mỹ như là thuộc châu này (gọi chung không phân biệt là người ‘Olan’), chúng tôi nêu vấn đề mong muốn không có triều cống. Ông cho chúng tôi biết là có một luật cố định và không thể thay đổi của vương quốc về vấn đề này, mà ông không dám bãi bỏ hay tránh được; và ngay cả nếu ông ta muốn nhưng vì có quá nhiều các giới chức sắc khác cũng có can dự, nên có cố gắng cũng là vô vọng.
Sau buổi tiếp chuyện khoảng ba phần tư tiếng đồng hồ, lúc chúng tôi đứng lên ra về thì ông nói gì đó với các người thông dịch, muốn chúng tôi ngồi lại. Các thông dịch nói với chúng tôi là tổng trấn sửa soạn gởi người mang thơ đến cho vua, với các giấy tờ chính thức liên quan đến sự việc chúng tôi đến đây, và muốn biết là chúng tôi có muốn gởi nhà vua quà tặng gì không. Chúng tôi trả lời là có, và biết rằng có một sĩ quan người Pháp đang phục vụ cho vị vua này, chúng tôi xin phép được viết cho vị sĩ quan này. Ông phó tổng trấn chấp nhận ngay. Chúng tôi sau đó ra về húa là sáng sớm mai quà và lá thơ sẽ có sẵn.
Khi chúng tôi trở về tàu, chúng tôi gặp một viên quan quân nhu đi cùng với một viên chức khác; người viên chức này mời chúng tôi đến nhà ông, cũng gần tàu. Sau khi mời chúng tôi nước trà, trầu, etc.., chủ nhà mang ra một chai không chứa mù tạc với hình huy hiệu Vua nước Anh trên tờ nhản hiệu của chai và hàng chữ lớn "Best Durham Mustard" ở phía dưới, và trình thêm một miếng giấy mà trên đó có một phệt dài gì đó. Vệt đó giống như thuốc cao của người bào chế thuốc nhưng màu đen, đã khô không còn mùi hay vị nữa. Cái này họ cho biết là mẫu mà chai này trước đây đã chứa, và hỏi chúng tôi có thứ này trên tàu chúng tôi không. Chúng tôi trả lời là có, và chúng tôi đã mang một vài thứ này để cho vua. nghe vậy, họ rất vui và nói chúng tôi là nhà vua cực kỳ thích thứ này, và đã gói cẩn thận gởi chai không và giấy có hàng mẫu đến từ Huế vài tháng trước như là mẫu để đưa cho người nước ngoài mà nhà vua muốn có hàng như vậy. Đây cũng là mẫu hàng mà họ đã đưa cho chúng tôi hồi ở Đà Nẵng tháng 8 năm ngoái, vì thế khi ở Phi Luật Tân chúng tôi đã mua nhiều hàng này trước khi trở lại Cochinchina. Trở lại tàu, chúng tôi soạn lá thư viết cho ông Vannier, đề đốc của nhà vua ở Huế, nhờ ông đại diện chúng tôi cố gắng thương thảo giảm lượng quà cáp triều cống (sagouète); và trao cho nhà vua bảo kiếm kèm theo bức thơ này.
(chú thích dịch giả: Vannier và các sĩ quan Pháp như Chaigneau, Dayot theo Gia Long sau khi được Bá Đa Lộc tuyển ở Pondicherry vừa khi cách mạng Pháp bùng nổ. Vannier đã từng tham dự chiến tranh cách mạng dành độc lập ở Mỹ. Sau này, cũng như Chaigneau, làm quan ở Huế dưới triều Gia Long. Cả hai đều có vợ Việt, con trai Chagneau là Đức Chaigneau, tác giả sách “Souvenirs de Hue”. Không lâu sau khi Minh Mạng lên ngôi với chính sách cấm đạo và thù ghét người ngoại quốc, Chaigneau và Vannier gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng cả hai mang gia đình hồi hương trở về Pháp)
Sáng ngày mai, những thông dịch viên và vài viên chức đến đòi hỏi và được trao tặng phẩm cho vua. Họ hết sức vui với cái sáng long lanh rất đẹp, và trang trí của lưỡi gươm, và cán gươm lộng lẫy, các câu thốt ra, "Kaa", "Kaa" (chú thích dịch giả: có lẽ là “kìa”, “kìa”) tỏ vẻ thán phục và ngạc nhiên được lập đi lập lại nhiều lần. Lá thư gởi ông Vannier sau đó được đưa cho họ cùng với một chục chai mù tạc cho nhà vua, khi họ đi, mà họ chỉ ra đi sau khi đã xin và uống rất nhiều cốc rượu.”
Trong thời gian ở Saigon, đoàn ông White mướn một nhà, do một góa phụ người Việt, vợ một thương gia Bồ ở Macao làm chủ. Nhà ở dọc bờ một con kênh trong Chợ Lớn nơi có nhiều người nước ngoài trú khi họ đến Saigon vì nơi đây có nhiều hàng hóa, kho chứa hàng và nhà buôn. Ông đã đi thăm những kho chứa hàng của người Hoa dọc theo kênh để xem nhưng gì có thể mua được. Đối diện với nhà mướn này bên kia kênh là nhà của vị phó tổng trấn (Huỳnh Công Lý). Ông được biết là khi tổng trấn (Lê Văn Duyệt) ra Huế để trả lời về các vu khống nặc danh là lạm dụng chức quyền, vị tổng trấn thay vì bị khiển trách lại được vua Gia Long an thưởng, trở về an toàn sau khi đã giải bày tình hình.
Trong hồi ký của John White viết về vị tổng trấn (Lê Văn Duyệt) và phó tổng trấn (Huỳnh Công Lý), ta thấy rõ đặc tính, tư cách và tầm nhìn của hai người hoàn toàn khác nhau như một trời một vực. Về chức vụ, Lê Văn Duyệt là tổng trấn và là quan võ, trong khi Huỳnh Công Lý là phó tổng trấn và là quan văn. Lê Văn Duyệt rất chính trực, cai trị nghiêm minh đôi lúc có phần độc đoán thì Huỳnh Công Lý rất tham ô, lươn lẹo và hèn nhát. Lê Văn Duyệt hiểu rõ tình hình trong và ngoài nước (ông biết rõ diễn biến tình hình của Napoleon và chính trị ở Âu châu đương thời, hàng hải, khoa học kỹ thuật hiện đại... và thường đàm đạo với những người nước ngoài), mong muốn phát triển và khuyến khích thương mại, thường than phiền về sự yếu kém, suy nghĩ thấp và thiển cận nhưng vẫn tự mãn của người Việt trong khi Huỳnh Công Lý thì lại hoàn toàn ngược lại. Không lạ gì mà sau này Lê Văn Duyệt đã xử tội Huỳnh Công Lý, dù lúc đó Huỳnh Công Lý là cha vợ của vua Minh Mạng.
Qua nhiều thử thách và kinh nghiệm, ông nói về tính cách cá biệt của người Cochinchina trong sự giao dịch buôn bán như sau:
“Họ hoàn toàn dựa vào lòng tin cậy. Luôn muốn gạt và tìm lợi thế trên chúng tôi, sự kiên trì bướng bỉnh cố được hơn bằng cách thay qua đổi lại và bằng các thủ đoạn, mà thật ra họ có thể dễ dàng đạt được bằng sự thoáng mở trong suốt và thỏa thuận công bình; những thủ tục, hình thức nhiêu khê trong đủ loại giao dịch thương mại, cho đến những giao dịch tầm thường nhất; sự bất định trong sự đồng ý coi như là sau cùng sau thương lượng (với hy vọng mỏng manh sẽ làm người mua hết kiên nhẫn, và làm người mua phải trả thêm một chút, cũng đủ để làm vô hiệu những qui định hợp đồng bằng miệng), và không có đường khiếu nại, trừ khi có hợp đồng được ghi ra giấy, mà nói ra không bao giờ có được, cho đến khi mọi phương thức được dùng, mọi cách lạm thâu ép buộc được đưa ra và dùng hết sức để lợi hơn một chút ít; những phiền nhiễu này cộng với sự tham lam, không có niềm tin, độc tài, và đặc tính chống ghét thương mại của chính phủ, cho đến khi nào mà các cơ nguyên này vẫn còn, sẽ làm cho Cochinchina (xứ đàng trong) là một nước ít được ưa thích nhất cho những nhà thám hiểm thương mại. Những lý do này cũng làm cho người Nhật từ bỏ thương mại: họ đã đẩy những người Bồ Đào Nha ở Macao ra khỏi xứ, chuyển thương mại qua những kênh khác, và nhanh chóng hàng năm giảm thông thương với Trung Quốc và Siam. Những người có thiện ý, những nhà doanh nghiệp kỹ nghệ, và nói chung cả thế giới văn minh, có thể thấy tình trạng khốn khổ hiện nay của một đất nước đẹp trời cho này, không có gì hơn là tiếc và buồn cho nó.”
(chú thích dịch giả: Lúc này Nhật vẫn còn bế quan tỏa cảng chống thương mại)
John White kể lại ngày cuối ở Saigon trước khi hai tàu Franklin và Marmion nhổ neo ra đi. Qua những gì ông viết trong nhật ký, ta thấy tình cảm quí trọng của ông cho vị tổng trấn Gia Định thành, Lê Văn Duyệt sau nhiều tháng sống ở đây, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm và kinh nghiệm với nhiều tầng lớp trong xã hội:
“Sau khi trả tiền hết các đòi hỏi, chúng tôi đến gặp phó vương để từ giã và lấy các chữ ký cho giấy tờ để chúng tôi ra đi cũng như biên nhận thuế tàu neo tai cảng Saigon, quà triều cống, v.v... Ngài phó vương bày tỏ rất hối tiếc về những gì chúng tôi đã gặp khó khăn khổ sở ở đây, và than phiền về sự mong muốn ông có được quyền lực để diệt hết những nguyên cơ của những sự than van của chúng tôi, ông mong rằng sẽ được gặp lại chúng tôi sớm lần nữa ở Saigon, và nói lời từ giã chúng tôi với nhiều xúc động và quan tâm.
Cảm tưởng sau khi giã từ con người vĩ đại này, mang đến trong lòng tôi một sự hối tiếc vô cùng là tình huống đã không trao gậy trị vì của bán đảo tốt đẹp này vào tay ông, một người biết hơn nhiều làm sao mang nước này thành một nước vinh quang và hạnh phúc, hơn vị vua độc tài hiện nay, mà con tim ích kỷ chỉ đập để đáp ứng với cái đầu óc lạnh và dễ sai trái bao quanh bởi một mũ miệng vương quyền.
Bây giờ là lúc chúng tôi đi theo vị quan quân nhu, và hai vị quan khác đến điện hoàng gia, vào một phòng rộng rãi và nghiêm trang với nền nhà gỗ đánh bóng. Trên tường, ở ba bên treo các màn chiếu và ở mặt thứ tư là một ngăn chia bằng gạch tráng vôi, ngăn với một phòng tiếp khách (saloon) rộng hơn mà chúng tôi được dip ghé mắt nhìn vào. Chúng tôi không thấy trong đó có gì đặc biệt; ngoại trừ một tủ lớn bằng gỗ hồng mộc, còn lại hoàn toàn không có đồ đạc hay vật cố định nào, gian nhà tối và ẩm hầu như hoàn toàn đóng lại. Từ cái tủ trên, một hộp bằng gỗ mun trang trí đẹp được lấy ra, chứa những con dấu lớn được ấn trên các giấy tờ của chúng tôi chỉ với sự hiện diện của ba hay bốn người lính canh gác đi chậm và yên lặng qua lại dưới ánh sáng yếu ớt của hoàng hôn trong điện cô đơn này.
Sáng ngày hôm sau, 30 tháng 1 (1820), chúng tôi nhổ neo và ra sông. Ngày kế, dòng nước xiết làm tàu Marmion trôi tới một giải đất ngầm như đã đề cập trước đây khi vào Saigon, bắt buộc tàu phải thả neo chờ thủy triều lên. Khi đi qua 'Seven Mouths" ("bảy miệng", khúc sông Đồng Nai có nhiều cửa rạch chảy ra biển), chúng tôi lại nghe tiếng hòa tấu của đàn cá dưới lòng tàu. Và ngày 1 tháng 2 lúc 8 giờ sáng chúng tôi thả neo đối diện với Cần Giờ, và thả xuống hai người lính đi kèm chúng tôi từ Saigon, và tiếp một quan văn ở Cần Giờ. Tôi cũng nên nói ở đây là tất cả các trạm lính canh ở dọc bờ biển xứ này, nơi mà khi ở chổ đất thấp thì có các bục được dựa trên bởi 4 cột cao từ 20 đến 40 feet (9 đến 18 m) là những đài quan sát mà một người lính trên đó có thể quan sát tất cả những gì trong tầm nhìn ở dưới. Ở Cần Giờ cũng có 1 đài như vậy.
Lúc 8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi thả neo ở Vũng Tàu để chờ đợi tàu Marmion, và cũng để dựng lại cột buồm chính vì cây cột đang dùng đã bị bật sút ra. Ngày mùng ba, tàu Marmion gặp lại chúng tôi.
Và lúc 3 giờ chiều, chúng tôi nhổ neo ra biển cả. Một dải san hô ngầm, dưới mặt nước ít nhất khoảng 4 sải (7.2m) ở phía nam của mũi Cape St James (Cap St Jacques hay mũi Vũng Tàu) khoảng hơn 2 dặm, nhưng không coi là nguy hiểm cho tàu thương mại.
Tôi nghĩ tôi sẵn sàng tin, khi tôi nói ra, là một vài giọt nước mắt của chúng tôi đã nhỏ xuống, khi chúng tôi rời khỏi một đất nước, nơi mà chúng tôi đã gặp quá nhiều trục trặc gian nan và khó khăn; chỉ có vài người mà chúng tôi kính trọng thật sự đó là vị phó vương (tổng trấn), Cha Joseph và ông già Polonio. Pasqual là người thành thật nhưng tính khờ dại, và hoàn toàn bị lấn áp bởi một người vợ mưu mô và tham lam. Joachim (đã lấy được thông hành và sắp sửa rời khỏi nước để đi Siam, khi chúng tôi ra khơi) mặc dầu anh ta đã đi nhiều nơi ở Á châu, một người có nhiều nhận xét đáng kể và có trí nhớ lâu, và nói được nhiều ngôn ngữ phương đông, mặc dầu không hoàn toàn, lại thêm biết được tiếng Pháp và vài từ tiếng Anh, vẫn chưa phải là con người đáng quí trọng, vì ngoài nguồn gốc xuất thân từ một dân tộc nơi có một số lượng lớn những thói xấu không đáng kể có nguồn gốc Âu châu, ông ta lại ghép thêm những mầm trồi, từ đất màu mỡ nhất, của các phần xấu mất phẩm cách Á châu. ”
5. Saigon qua nhận xét của bác sĩ George Finlayson (1821)
Sau John White không lâu, năm 1821 John Crawfurd được toàn quyền Anh ở Ấn độ cử là sứ giả đến Siam và Cochinchina (đàng trong), ông đã tường thuật chi tiết những gì ông hoạt động và chứng kiến ở Saigon và Đàng Trong trong năm 1823. Ông cũng gặp một số nhân vật mà John White trước đó đã tiếp xúc, như tổng trấn, Antonio (thông dịch viên)… ông cho biết những sản vật mà Nam Kỳ sản xuất, lương của lính là một quan một tháng,… Tuy nhiên vì đây là bản tường trình chính thức nên những chi tiết về đời sống xã hội ở Saigon không có được chi tiết, cho ta nhiều thông tin như là những gì ghi chép của bác sĩ và nhà thiên nhiên học đi cùng với ông John Crawfurd là bác sĩ và nhà thiên nhiên học George Finlayson.
Bác sĩ Finlayson đã viết hồi ký về chuyến đi và sau khi ông mất trên đường trở về Anh, quyển hồi ký được lưu lại trong viện bảo tàng của công ty Đông Ấn cho đến khi được in và xuất bản vào năm 1826 (21).
Một đoạn Finlayson mô tả là sau khi đoàn của ông được đón tiếp từ trên tàu đậu ở Cần Giờ xuống ghe vào Saigon, và được cho ở trong một nhà có lính canh chung quanh. Ông có gặp và tiếp một nhà thiên nhiên học người Pháp tên là M. Diard, đã sống ở đây hơn 1 năm, ăn mặc như người Việt . Sau đó ngày 30/8/1821, ông đã tự đi ra ngoài sau khi được lính canh cho phép ông và người họa sĩ trên tàu được ra. Ông quan sát ở khu chợ ở Bến Nghé như sau:
“Những sản phẩm mà người bản xứ dùng đều có rất nhiều ở mọi cửa hàng. Có lẽ không có nước nào sản xuất nhiều trầu hay cau như nơi này. Lá trầu ít dồi dào hơn; cá khô và tươi; gạo, khoai lang chất lượng rất tốt; ngô bắp Ấn độ (Indian corn), măng (tre) đã được nấu chín; hạt lúa đã nảy mầm, đường thô, chuối lá, cam, bưởi, mãng cầu, lựu, và thuốc lá, có rất nhiều. Heo được bán ở tất cả các cửa tiệm, và gà trong tình trạng tốt đều bán rất rẻ. Thịt cá sấu(*) rất được chuộng, và người thông ngôn Hoa kiều của chúng tôi nói rằng ở đây cũng có bán thịt chó.
Các cửa tiệm rộng đủ thuận tiện, trong đó các hàng được trưng bày thuận lợi nhất. Một trường hợp không thể bỏ qua, vì nó cho thấy một sự khác nhau rõ ràng về thị hiếu và phong tục của dân ở đây với các dân ở các nước ở Ấn độ. Ở những nước này, trong rất nhiều trường hợp, sản phẩm chế tạo của Âu châu tràn lấn sản phẩm bản xứ; và anh khó có thể kêu một tên sản phẩm Âu nào mà không tìm thấy ở các cửa tiệm. Ở đây trái lại, trừ duy nhất ba hay bốn thùng chai với thủy tinh thô, không có một sản phẩm nào tìm thấy được mà giống chút ít gì sản phẩm Âu châu. Một tiêu chuẩn thị hiếu khác thống lãnh ở đây. Vải bông rất hiếm. Vải kếp đen, satin và lụa duy nhất là được dùng; đa số là được sản xuất từ Trung quốc và Bắc kỳ (Tonkin), ở đây hầu như rất ít hay không có kỹ nghệ chế tạo nào.
Những sản phẩm mà họ làm không có nhiều. Tôi có thể liệt ra vài thứ như sau: các loại chiếu đẹp và thô, đan để làm buồm cho tàu và ghe, các giỏ thô, các hộp mạ vàng và đánh bóng vạt ni, dù, các túi lụa đẹp, chúng được dùng phổ thông mà cả đàn ông và đàn bà đều mang theo mình; đinh sắt, và một loại kéo thô sơ. Tất cả những thứ khác đều được nhập từ các xứ sở chung quanh. Để đổi lại các hàng nhập, xứ của họ có gạo rất nhiều, bột gia vị bạch đậu khấu, tiêu, đường, ngà voi, trầu, etc… Ở đây có một vài người Hoa giàu có, họ buôn bán trãi rộng khắp nơi trong khu vực này; còn lại đa số là rất nghèo, chỉ một số ít có điều kiện buôn bán nhưng trong một giới hạn rất nhỏ. Rất ít các tiệm trong phố buôn bán chứa đựng những hàng có giá trị hơn giá tiền mua bốn chục hoặc sáu chục đô la, và đa số hàng không có giá bằng nửa số tiền trên.
Khó có thể tưởng tượng là một dân số lớn lao như vậy, sống chung và hiện hữu trong hình thái này mà doanh thương lại quá nhỏ bé: thật ra có hai thành phố ở đây, mỗi thành phố lớn bằng như là thủ đô của Xiêm La (Siam). Một thành phố xây dựng gần mới đây gọi là Binghe; và thành phố kia ở cách đó khoảng một hay hai dặm, gọi là Saigon. Thành phố đầu ở cạnh một thành, được xây dựng các năm gần đây, dựa trên nguyên lý thành quách của Âu châu. Nó được dựng trên đồi có dốc là, có hào nước và tường thành cao, nhìn xuống chung quanh vùng. Thành có hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng nửa dặm. Thành chưa hoàn tất xây xong, không có ô cửa lỗ châu mai, và cũng không có các khẩu đại bác trên tường thành. Đường ngoành vòng quanh lên thành rất ngắn, và lối đi vào cổng thành thẳng tắp; các cửa thành được làm rất đẹp và trang trí theo kiểu Trung Hoa. Chúng tôi không lấy được thông tin gì về dân số của hai thành phố này. …“
((*) Cá sấu xưa kia có nhiều ở sông Đồng Nai từ cửa Cần Giờ đến thượng nguồn mà các tác giả Pháp cuối thế kỷ 19 còn ghi nhận. Ngày nay chúng chỉ còn rất ít ở bầu Sấu, trong vườn quốc gia Nam Cát Tiên, thượng nguồn sông Đồng Nai)
Finlayson nói rõ có hai thành phố cách nhau khoảng một hay hai dặm: Binghe (Bến Nghé) vừa mới thành lập và Saigon (tức Chợ Lớn ngày nay) lớn hơn và đã thành lập trước lâu. Như vậy Saigon là tên của thành phố Chợ Lớn ngày nay. Và nguồn gốc của từ “Saigon” chắc là bắt nguồn từ vùng Chợ Lớn. Gia Định thành thông chí cũng như Đại nam nhất thống chí cũng có nói: "Chợ Sài Gòn cách phía nam trấn (tức thành Bát quái) 12 dặm". John Crawfurd cũng viết: "Thành phố Saigun gồm hai thị tứ tách biệt nhau, cách nhau 3 dặm. Pingeh (bến nghé) là lỵ sở cai trị và thành trì, nằm ở phía tây bờ sông lớn, còn Saigun đích thực thì nằm cạnh sông nhỏ thông liền với Pingeh" (19).
Finlayson đã tả một buổi viếng thăm Saigon (tức Chợ Lớn ngày nay) như sau:
“Ngày 1 tháng 9 - Dường như là vị tổng trấn Saigon không có gì phủ nhận về đề tài của các giấy tờ đã đưa trình lên hôm qua; một viên quan hôm nay trở lại để lấy các bản sao, nói rằng các giấy tờ đã trình lúc ban đầu đã được gởi ngay lập tức đến triều đình. Ngay sau khi các bản sao đã được đưa cho viên quan, chúng tôi đi lên tàu với ông Diard để viếng Saigon. Khoảng cách của thành phố này khoảng 3 dặm cách thành. Nhưng trên đường đến thành phố phần lớn có nhiều nhà dọc theo hai bờ sông. Có ít ghe và các tàu đi biển là do ở cuối mùa. Số lượng tàu đi qua đi lại tuy vậy rất đáng kể. Vùng đất chung quanh đây cho thấy rất là màu mỡ; các bờ sông rạch được che phủ bởi các cây cau và cây dừa, chuối, mít và những cây ăn trái khác. Rất nhiều các con rạch đi lại đan xéo cắt ngang vùng đất này ở đủ mọi hướng, tạo ra mọi phương tiện để gia tăng kỹ nghệ thương mại.
Ở đây, cũng giống như ở Xiêm La, các nghề và việc cực nhọc đều do đàn bà làm, và các ghe tàu trên sông thông thường là do những người đàn bà chèo lái. Một thông lệ, không được "ga lăng" cũng như bất công, được áp dụng thường thấy ở đây cũng như ở Xiêm La, là chỉ bắt đàn bà trả tiền khi đò ghe chở khách qua sông rạch còn đàn ông đưa qua thì không tốn tiền. Lý do biện hộ cho thông lệ này là đàn ông tất cả đều được tuyển dụng làm dịch vụ cho nhà vua. Rất là đáng tiếc, khi thấy rằng một số rất lớn đàn ông ở nước này được xử dụng trong những nghề hoàn toàn không giúp ích, sản xuất gì cho xứ sở, mà còn gây thiệt hại cho kỹ nghệ quốc gia. Tất cả mọi viên quan dù nhỏ bé cũng đều có nhiều người hầu hạ.
Thành phố Saigon được xây trên một nhánh đáng kể của con sông lớn và trên các bờ của hằng hà các kênh rạch. Nó là trung tâm thương mại của tỉnh màu mỡ này. Thành phố Bingeh (Bến Nghé), trong khi đó ít bận tâm theo đuổi mục đích thương mại này. Một vài di dân từ Trung Hoa buôn bán lớn ở một mức độ qui mô vượt bực rất đáng kể, nhưng còn người đàng Trong (Cochin China, chỉ người Việt) thì đa phần là quá nghèo để có thể tham gia vào những nghề nghiệp như vậy.
Chúng tôi đáp tàu xuống khoảng ở giữa thành phố, và sau khi đi một khoảng ngắn, chúng tôi vào nhà một người Trung Hoa. Ông ta tiếp đón chúng tôi rất lịch sự và mời chúng tôi cùng dùng giải khát. Ông ta nói là ông ta rất mong mỏi muốn thông thương với người Anh, và hiện trong tay ông có nhiều hàng rất hợp thuận cho thương mại này.
Chúng tôi bỏ ra vài tiếng để viếng thăm nhiều khu khác nhau của thành phố, và trở về chỗ chúng tôi trú ngụ vào lúc chiều tối rất là hài lòng với những gì chúng tôi đã chứng kiến, và với ấn tượng tốt nhất về tư cách đối xử và tâm tính của người dân ở đó.
Sự tân tâm, tử tế và hiếu khách mà chúng tôi kinh nghiệm nhận được, cho đến nay vượt quá những gì chúng tôi đã chứng kiến ở các nước Á châu, đến nỗi chúng tôi không thể tin và mơ tưởng rằng chúng tôi đang ở giữa những người dân hoàn toàn có một tính tình khác. Chúng tôi là những người hoàn toàn lạ, chỉ trãi qua vài tiếng đến thành phố này vậy mà hầu như ở mọi đường phố chúng tôi được mời bởi nhiều người Hoa giàu có vào thăm nhà, và dùng giải khát. Họ không thể biết trước được là chúng tôi đến thăm thành phố này, vậy mà một vài chiêu đãi giải trí mà chúng tôi nhận được rất là thanh lịch và phong phú dư dật, nói lên sự giàu có và lòng hiếu khách của chủ nhà mời chúng tôi.
Trong số họ, chúng tôi được mời bởi ba anh em người Hoa đã đến lập nghiệp ở xứ này từ lâu. Họ mặc đồ người Đàng Trong, và trông không khác gì người bản xứ. Phong cách của họ rất là hấp dẫn lôi kéo, hoàn toàn dễ dãi và lịch sự; nhà của họ rất đẹp và rộng rãi; không có đồ gì làm ra vẽ đây là một biệt thự cao cấp, ngay cả trong ý kiến của một người Âu. Họ tiếp chúng tôi trong một phòng khách lớn được trang bị đầy đủ đồ đạc; một bàn ngay sau đó được phủ đầy các loại trái cây, các loại mứt kẹo thanh nhã nhất, và nhiều loại bánh và thạch. Tự họ khẩn khoản mời chúng tôi ngồi xuống bàn và lo cho chúng tôi, và dù làm cách nào họ cũng không ngồi xuống cùng bàn khi chúng tôi hiện diện trong nhà họ. Trà được dọn mời trong những tách nhỏ; một bàn lớn cũng được trãi ra cho những tùy tùng của chúng tôi với rất nhiều bánh, mứt, kẹo. Chủ nhà của chúng tôi nói rất ít; họ có vẽ rất hài lòng chúng tôi đến viếng, cũng như chúng tôi với sự tiếp đãi ân cần độ lượng của họ cho chúng tôi.
Hãy để những người khác nói về mục đích gì mà sự hiếu khách và quan tâm quá mức của những người Hoa thông minh và có đầu óc cấp tiến này cho những người thật xa lạ; về phần tôi, tôi phải công tâm bảo vệ thật đúng cho họ và tin là họ hoàn toàn vô vụ lợi.
Các hàng chợ ở Saigon chứa nhiều hơn tất cả các thứ hàng ở Bingeh (Bến Nghé). Các nhiễu, kếp đen (crape) Trung Hoa và Bắc Hà (Tonkin), lụa, satin, quạt Trung Hoa, đồ gốm etc..là những loại thường có trong các tiệm. Đường phố thẳng, rộng và tiện lợi. Dân số rất đông. Chúng tôi vào thăm một đền Trung Hoa rất đẹp, xây rất mỹ thuật, và có rất nhiều trang trí. Những đền của người Đàng Trọng, mặc dầu có vẽ thờ giống nhau, nhưng bề ngoài kém hơn không bằng đền Trung Hoa...“
Qua Finlayson và Purefoy ta thấy ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, thành phố Chợ Lớn là trung tâm thương mại rất trù phú ở Nam kỳ với các trạm thương mại của người Bồ Đào Nha đặt ở đó, các tàu nước ngoài đến mua bán và người Hoa đã có hệ thống doanh thương rộng lớn khắp trong vùng. Sản phẩm chính là gạo, tiêu, đường, cá khô, ngà voi, sừng tê giác. Trần Văn Giàu (19) khi trích một đoạn rất ngắn về sự tận tâm hiếu khách của những người Hoa mà Finlayson đã tả như trên để tổng quát là con người Saigon tử tế và lịch thiệp thì e không đúng lắm vì thật ra Finlayson nói về con người ở khu Chợ Lớn ngày nay.
Finlayson có tả về hình thái của người Việt ở Saigon mà Charles Darwin đã viết như sau trong quyển “The Descent of Man: and selection in relation to sex” (23):
“Finlayson, sau khi mô tả chi tiết người ở Nam kỳ (Cochinchina), nói rằng đầu và mặt tròn của họ là đặc tính chính; và ông thêm là ‘dáng người tròn của họ nổi bật ở phụ nữ, được coi là đẹp cân xứng trên khuôn mặt của họ’. Người Xiêm La có mũi nhỏ với hai lỗ mũi chìa ra, miệng rộng, môi hơi dầy, khuôn mặt thật lớn, với xương má cao và rộng. Vì thế không có gì ngạc nhiên kỳ thú là ‘cái đẹp, dưới quan điểm của chúng ta, là rất lạ lùng với họ. Họ coi là phụ nữ của họ đẹp hơn hẳn các phụ nữ Âu châu.”
Nói về thành Saigon, Finlayson cho biết thêm về cuộc gặp gỡ trong Thành của sứ bộ Crawfurd (do Toàn quyền Anh ở Ấn Độ gởi đến Xiêm và Đàng Trong để giao thương) với tổng trấn Lê Văn Duyệt sau khi Crawfurd được tổng trấn mời đến Saigon từ tàu của sứ bộ đang đậu ở Cần Giờ trên đường đi Đà Nẵng, và sau đó chứng kiến cuộc đấu ngoạn mục giữa cọp và voi ở Saigon như sau:
“Ngày 2 tháng 9 – Chúng tôi được thông báo là ngài tổng trấn sẽ cho tiếp sứ giả của Toàn Quyền Ấn Độ sang sớm hôm nay. Lúc 10 giờ, viên quan, người đã đưa chúng tôi từ tàu trước đây, đến nói là Tổng Trấn đang chờ chúng tôi. Sau khi chúng tôi hỏi được dùng phương tiện nào để đến thành, ông ta nói rằng chúng tôi phải đi bộ đến thành. Sau khi chúng tôi không đồng ý, năm con voi được rước đến. Các con voi này đều có ghế (haudah) ngồi trên lưng voi, như những ghế mà người dân ở Ấn Độ dùng. Một vài phút chở chúng tôi vào thành nơi ngài Tổng Trấn cư ngụ. Nhà của ông, mặc dù lớn, nhưng giản dị không có nhiều trang trí ở phía trong và phía ngoài. Dinh này tọa lạc hầu như ở giữa trung tâm thành giữa khoảng trống rộng. Khi chúng tôi đến trong khoảng năm mươi thước Anh (yard) trước cửa dinh, chúng tôi được thông báo xuống voi và đi bộ phần còn lại. Một đám binh sĩ, đa số cầm giáo, đứng hai bên sân. Ngài Tổng Trấn, chung quanh là các quan, ngồi ở trong điện lớn nhìn ra phía sân. Chúng tôi đi tiến lên, trực tiếp trước ông, lấy nón ra và chào ông như phong tục của nước chúng tôi. Ghế đã được sửa soạn sẵn, và chúng tôi ngồi xuống phía trước một chút, ở phía phải các vị quan. Ở phía sau của điện là viên Tổng Trấn ngồi trên một bục cao không có trang trí, rộng khoảng mười hai phút (foot) vuông có chiếu phủ ở trên, và bên trên chiếu có một hay hai nệm. Ở bục thấp hơn, phía bên trái ông, và một chút về phía trước là ông Phó Tổng Trấn ngồi, một ông già dễ nhìn, có vẽ đã hơn bảy mươi tuổi. Trực tiếp đối diện với ông phó Tổng trấn là khoảng một chục viên quan, mặc áo đóng đen, ngồi xếp chân kiểu Ấn, trên một bục giống như bục đối diện, và phía sau có các người hầu cầm vũ khí đứng tụ lại một chỗ. Trước mặt ngài Tổng Trấn, có hai người Xiêm, đã đến trước có việc riêng, đang nằm phủ phục ở dưới đất, theo phong cách mà họ theo khi tiếp kiến thủ lãnh của họ.
Ngài Tổng Trấn được biết là một hoạn quan, và hình dạng của ông đúng một mức nào đó với ý niệm trên. Ông ta có vẻ khoảng năm mươi tuổi, dáng thông minh, và có lẽ được kính trọng là có hoạt động trí tuệ và thể lực dồi dào; gương mặt của ông tròn và mịn, hình thể nhão và nhăn; ông ta không có râu, và có dạng giống một bà già: giọng nói của ông, cũng vậy, the thé và nữ tính; nhưng điều này tôi cũng quan sát thấy, mặc dầu mức độ ít hơn, ở những người đàn ông ở nước này. Y phục của ông, không những trơn tru không màu mè, hầu như nhớp nhúa, trông giống như đồ dơ của những người nghèo nhất.
Ông ta đã đòi hỏi là lá thư của Toàn Quyền Bengal phải được chúng tôi mang đến khi diện kiến. Trông thấy lá thư ấy ở trong tay tôi, ông hỏi tôi đang cầm gì; và sau khi đã xem xét mảnh vải vàng đựng bức thư, ông ta trả lại và cùng lúc nói rằng sau khi đã làm cóp-pi bản chính, theo như thông luật của xứ này, là không được mở ra nữa.
Bây giờ ông ta mới tìm hiểu hỏi chúng tôi là đã bao lâu từ khi chúng tôi rời Calcutta đến nay và tuổi của chúng tôi. Ông cho rằng thường thì chỉ có vua mới viết thư gửi cho vua khác, “Vậy thì tại sao”, ông ta nói, “Toàn quyền Bengal lại có thể gửi thư cho vua Đàng Trong ?”. Ông ta có vẽ hiểu các mục đích của chuyến đi chúng tôi, và có nhận xét thuận lợi về các mục đích này. “Tất cả các tàu”, ông cho rằng, “đều được thông thương buôn bán với Đàng Trong. Nếu”, ông nói tiếp, “thần dân của vua Đàng Trong đến Bengal hay bất cứ lập địa nào của Anh, thì rất đúng khi ở đó họ phải theo luật của nơi đó và xử theo luật. Cũng như vậy, thần dân của những nước khác đến Đàng Trong phải theo và được xử theo luật hiện hành của nước đó. Nếu không thì sẽ không có sự công bình thực sự. Ông hỏi chúng tôi là sẽ đi thẳng đến Turon (Đà Nẵng), hay là cảng ở Huế, và với tư cách gì sứ bộ của Toàn Quyền muốn theo đuổi khi đến nơi ấy. Chúng tôi nói với ông là bản tường trình về việc chúng tôi đến nên được gởi ngay đến triều đình khi chúng đến cảng. Khi nghe xong, ông cho ý kiến là vị quan coi về voi (mandarin of the elephants) là vị có nhiệm vụ về vấn đề này và sẽ cho biết tất cả những thông tin cần thiết về vấn đề thương mại.
Tôi đã diễn tả như trên, dùng những từ tổng quát về nội dung và phạm vi của cuộc đối thoại đã diễn ra. Các viên quan có vẻ như rất thoải mái dưới sự hiện diện của ngài Tổng Trấn, không có lộ vẻ gì sợ hay kinh sợ. Họ thường đặt câu hỏi với chúng tôi trong buổi phỏng vấn này. Cuộc đối thoại diễn ra dùng tiếng Bồ Đao Nha là phương tiện diễn đạt, qua một người bản xứ tên là Antonio.
Gần cuối của cuộc đàm thoại, ông Diard đi vào, ông mặc một bồ đồ kiểu quan lại, và ngồi xuống ghế cạnh chúng tôi. Chúng tôi được mời uống trà, như thông lệ.
Ở trước điện là một cái chuồng nhốt trong đó một con cọp rất lớn, mà ngài Tổng trấn đã ra lệnh bắt để ngài có thể triển lãm cho chúng tôi thấy một cuộc giao đấu giữa con vật hung dữ nhất trong các loài vật, với một con voi. Chúng tôi được hỏi là liệu cảnh tượng của cuộc đấu voi và cọp này có hợp với chúng tôi không, sau khi nhận được trả lời là đồng ý, ngài Tổng trấn ra chỉ thị sửa soạn bắt đầu cuộc đấu voi-cọp. Ở ngay giữa một đồng cỏ dài khoảng nữa dặm, và chiều ngang cũng có khoảng cách dài như vậy, có chừng khoảng sáu chục hay bảy chục con voi rất đẹp mắt, đứng xếp theo vài hàng, mỗi con voi có một quản tượng ngồi trên đầu điều khiển và một ghế trống trên lưng voi.
Ở một bên khán đài có các ghế ngồi được xếp đặt thuận lợi; tổng trấn, các quan và nhiều binh lính đều có mặt xem cảnh đấu voi-cọp này. Ở phía bên kia là đám đông khán giả. Con cọp được cột vào một cây cột đặt giữa cánh đồng, bằng một sợi dây chắc nịch buộc chung quanh lưng của nó. Chẳng bao lâu chúng tôi nhận thấy cuộc đấu này rất không cân bằng; các móng vuốt của con vật tội nghiệp này đã bị rút ra và hai môi của nó đã bị khâu lại bằng chỉ chắc, không cho nó mở miệng ra được. Khi được thả ra khỏi chuồng, nó cố gắng nhảy qua cánh đồng nhưng khi biết mọi cố gắng tự giải thoát đều vô ích, nó nằm dài xuống cỏ, và khi thấy con voi lớn với ngà dài tiến đến, nó đứng dậy và đối diện với hiểm nguy đang tới.
Con voi thấy thái độ của con cọp và nghe tiếng gầm gừ ghê sợ của con cọp, cảm thấy sợ hãi, và quay lại chạy trong khi con cọp đuổi nhanh phía sau, quất vào hông sau của con voi bằng chân trước, làm con voi chạy nhanh thêm. Người quản tượng thành công kéo con voi quay tấn công trở lại trước khi nó chạy quá xa, và lần này con voi giận giữ chạy nhanh lại, chúi hai sừng của nó vào mặt đất dưới con cọp, nâng con cọp lên cao và quăng nó ra xa khoảng ba mươi feet (tức khoảng 9 mét). Tới đây là điểm lý thú của cuộc chiến; con cọp nằm dài dưới đất như là đã chết, nhưng dường như nó không bị suy suyển gì mấy, bởi vì trong lần tấn công kế tiếp nó đứng dậy trong dáng điệu phòng thủ, và khi con voi sửa soạn húc nó lên, nó phóng vào trán con voi, hai chân sau bám chặc vào vòi voi. Con voi bị thương trong cuộc tấn công này, và quá sợ nên không có gì cản nó chạy phá qua các chướng ngại vật, nó chạy biến mất. Người quản tượng coi như là không hoàn thành nhiệm vụ, và chẳng bao lâu sau với hai tay trói buộc sau lưng được mang tới trước mặt Tổng trấn, và ngay tại chỗ bị đánh 100 roi phạt tội.
Một con voi khác được mang ra, nhưng con cọp chống cự yếu dần với mỗi lần tấn công kế nhau. Rõ ràng các lần bị quăng ra xa, chẳng bao lâu sẽ làm nó chết. Tất cả các con voi mang ra đấu đều có ngà, và phương thức tấn công ở mọi lần, của các con voi kế tiếp nhau, là chạy đến con cọp dùng ngà húc phía dưới rồi nâng lên, và quăng ra xa. Các con voi dĩ nhiên rất cẩn thận với vòi của chúng, cẩn thận cuốn vòi dưới cằm. Khi con cọp hoàn toàn chết, một con voi được mang tới, thay vì nâng con cọp bằng ngà của nó, nó dùng vòi túm con cọp, và quăng con cọp xa ba chục feet.
Cuộc trình diễn tiếp theo hoàn toàn khác. Mục đích của cuộc đấu này là cho thấy khả năng của một hàng voi vững chãi tiến lên và phá phòng tuyến của quân thù.
Hai hàng phòng thủ được thiết lập tại chỗ, và trước mỗi hàng là các cây cọc phía trên được đốt cháy bằng một chất liệu với pháo bông tủa ra đủ loại hình, và một vài khẩu đại bác loại nhỏ. Chỉ trong một chốc tất cả đều cháy sáng chói và lửa pháo bông hay đẹp như vậy được giữ cháy. Các con voi tiến lên thẳng hàng, bước đều và nhanh, nhưng mặc dầu chúng đến gần hàng cột lửa, chỉ có rất ít con bị thúc tiến qua được, còn lại chạy vòng quanh lửa qua lối này hay lối nọ. Tấn công kiểu này được lập lại lần nữa, và sau đó chấm dứt thú vui tiêu khiển.
Ngài tổng trấn lúc này kêu chúng tôi lại chỗ ông ngồi và nói rằng ông ta rất vui lòng nếu chúng tôi ở lại thêm một ngày nữa để tham quan thành phố; và sẽ có một hài kịch được diễn cho chúng tôi xem giải trí. Ông Crawfurd nói những lý do mà chúng tôi muốn lên đường ra đi, và chúng tôi từ giã ông; và biết ơn ông rất nhiều đã tận tình tiếp đã chúng tôi.
Ngày 3 tháng 9 - Các thuyền trước đây chở chúng tôi (từ Cần Giờ vào Saigon) đợi chúng tôi vào sáng sớm. Chúng tôi lên vào lúc 6 giờ sáng và đến tàu lớn của chúng tôi khoảng 5 giờ chiều cùng ngày.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi nhổ neo, và tiếp tục hành trình đến Turon (Đà Nẵng) dưới hướng gió thổi mạnh từ Tây Nam. Trên đường ra khỏi sông, tàu suýt đụng một cồn cát hay bờ cát, không có ghi trên bản đồ...“
Qua những gì Finlayson viết, ta thấy tổng trấn Saigon Lê Văn Duyệt rất là hiếu khách và muốn mở rộng buôn bán với các nước tây phương. Ông hiểu biết rất nhiều về họ. Điều này phù hợp với những gì John White viết về ông. Tuy vậy sứ bộ Crawfurd sau đó thất bại trong mục đích thiết lập đường thương mại với Việt Nam. Khi phái đoàn đi ra Đà Nẵng và Huế, vua Minh Mạng (vừa lên ngôi 1 năm sau khi Gia Long mất) đã từ chối không tiếp sứ bộ Crawfurd, cho rằng sứ bộ Crawfurd không xứng đáng vì Crawfurd chỉ là sứ giả của vị toàn quyền Anh ở Ấn Độ chứ không phải là do vua nước Anh gởi qua. Cuộc đấu giữa cọp và các con voi chắc chắn là xảy ra ở phía ngoài, sát cạnh thành Saigon vì đồng cỏ nơi diễn ra trận đấu có chiều dài và ngang khoảng nửa dặm và thành Saigon cũng lớn bằng cánh đồng cỏ này. Vì thế trận đấu không thể ở trong thành. Khả năng lớn là cánh đồng cỏ này chính là cánh đồng tập trận ở phía tây kế thành Saigon và cạnh cánh đồng mả.
Ta cũng thấy George Finlayson có cảm tưởng tốt đẹp về Saigon và con người ở đó so với John White. Lý do chính là Finlayson nằm trong phái bộ ngoại giao trong khi John White chỉ là thuyền trưởng tàu thương mại Mỹ đến Saigon để buôn bán nên sự tiếp đãi và đối xử có khác nhau. Hơn nữa John White đã sống tại Saigon lâu dài (nhiều tháng) trong khi George Finlayson chỉ viếng có ba ngày nên không thể có kinh nghiệm sống thật sự với tất cả bề mặt và bề trái mà John White đã trải qua.
Sau John Barrow, John White, John Crawfurd và George Finlayson, Trương Vĩnh Ký cho ta biết thêm nhiều chi tiết về các khía cạnh địa phương ở các khu vực trong Saigon. Quyển “Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs” viết bằng tiếng Pháp của ông xuất bản năm 1885 ghi lại phố xá Saigon vào những năm trước khi người Pháp phát triển thành phố này. Vì thế ông so sánh vị trí thành phố, đường xá thời kỳ trước dựa vào các đường đang có ở thời kỳ người Pháp đến thiết lập 25 năm sau khi họ chiếm Saigon-Gia Định (1859). Một thời gian không lâu lắm để có thể hoàn toàn biến dạng bộ mặt thành phố.
Nguyễn Đức Hiệp
Tham Khảo
(1) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Đồng Nai,
http://namkyluctinh.org/a-sachsuvn/giadinhthanh-thongchi%5Bp3%5D.pdf
(2) Anatole Petiton, La Cochinchine française: la vie à Saïgon, notes de voyage, Éditeur : Impr. de L. Danel (Lille), 1883.
(3) Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs, conférence faite au collège des interprètes par M. P. Truong Vinh Ky, Éditeur : Impr. coloniale (Saïgon), 1885.
(4) Les colonies françaises: notices illustrées / publ. par ordre du sous-secrétaire d'état des colonies sous la dir. de M. Louis Henrique, Quantin (Paris), 1889-1890.
(5) Trần Ngọc Quang, Saigon và những tên đường xưa,
http://namkyluctinh.org/a-lichsu/tngocquang-saigontenduongxua.pdf.
(6) Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, 1992, Nxb Trẻ
(7) John Crawfurd, Journal of an embassy from the governor of India to the courts of Siam and Cochinchina; exhibiting a view of the actual state of those kingdom by John Crawfurd. London. Henri Colburn and Richard Bentley, New Burlingtong Street. 1830.
(8) John White, A Voyage To Cochin China; by John White, Lieutenant in The United State Navy, London, 1824. Online:
http://www.archive.org/stream/voyagetocochinch00whitrich#page/n15/mode/2up
(9) Nguyễn Công Tánh, Thay đổi tên đường của Thành Phố Sài Gòn từ năm 1928 đến năm 1993,
http://motgocpho.com/forums/showthread.php?1895-L%E1%BB%8Bch-S%E1%BB%AD-Saigon
(10) Hình ảnh, tư liệu, http://belleindochine.free.fr/Saigon1882.htm
(11) Albert Morice, Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74, par M. le Dr Morice, H. Georg (Lyon), 1876.
(12) John Barrow, A voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793: containing a general view of the valuable productions and the political importance of this flourishing kingdom, T. Cadell and W. Davies in the Strand, London, 1806. online : http://purl.pt/126
(13) Jules Blancsubé, Notes sur les réformes les plus urgentes à apporter dans l'organisation des pouvoirs publics en Cochinchine (Signé : Jules Blancsube [31 Décembre 1878]), Impr. de Ve Remondet-Aubin (Aix), 1879.
(14) Réveillère, Paul-Émile-Marie (dit Paul Branda), Ça et là. Cochinchine et Cambodge. L'âme khmère. Ang-Kor. Troisième edition, Fischbacher (Paris), 1887.
(15) P. Midan, La Pagode des clochetons et la pagode Barbé, contribution à l'histoire de Saïgon-Cholon, Impr. de l'Union Nguyên-van-Cua (Saïgon), 1934.
(16) Excursions et reconnaissances, No. 4, Imprimerie du gouvernement, Saïgon, 1880.
http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5747850m.image.hl.r=Wang-Tai.f5.langEN.pagination
(17) J. Bouchot, Saigon sous la domination cambodgienne et annamite, Bulletin de la Société des études indochinoises, année 1926, 1926 (Nouv Ser,T1), pp. 3-82, Société des études indochinoises (Saïgon).
(18) Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, trong “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb Tph Hồ Chí Minh, 1987, Quyển I, trang 125-231.
(19) Trần Văn Giàu, Lược sử thành phố Hồ Chí Minh, trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb Tph Hồ Chí Minh, 1987, Quyển I, trang 235-420.
(20) Josiah Conder, Birmah, Siam, and Anam, London: printed for J. Duncan, Oliver & Boyd, Edingburgh, M. Ogle, Glasgow and R. M. Tims, Dublin, 1826,
http://www.archive.org/stream/birmahsiamanam00condrich#page/n11/mode/2up
(21) George Finlayson, The mission to Siam and Hue the capital of Cochin China in the years 1821-2, London, John Murray, Albemale Street, 1826.
http://www.archive.org/stream/missiontosiaman00raffgoog#page/n7/mode/1up
(22) R. Purefoy, Cursory remarks on Cochin-China, The Asiatic journal and monthly register for Bitish India and its dependencies, Vol. 22, pp. 143-147, pp. 652-655 London, 1826.
(23) Charles Darwin, The Descent of Man: and selection in relation to sex, John Murray, London, 1879.
(24) Charles Lemire, Cochinchine française et royaume de Cambodge, avec l'itinéraire de Paris à Saïgon et à la capitale cambodgienne, Challamel aine, Paris, 1869.
Saigon - Chợ Lớn: thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 - Phần III (Diễn Đàn)-
6. Saigon mô tả chi tiết qua Trương Vĩnh Ký
Những chi tiết sau đây đa số là trích từ sách “Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs” của Petrus Trương Vĩnh Ký (3).Trước khi có thành, ở đất Gia Định chỉ có đồn Dinh, lũy Hoa Phong, sau có lũy Bán bích. Thành này được gọi là thành Quy, xây theo kiểu thành Vauban của Pháp. Tường thành cao 5m20. Trung tâm thành là cột cờ và hành cung, ở vị trí gần nơi ngày nay là nhà thờ đức bà.
Thành xây hướng về Đông Bắc và cao độ 1 trượng 3 xích có ba bậc.Trong thành đặt nhà Thái miếu và kho về bên tả, bên hữu là xưởng trại, ở giữa là hành cung. Trại lính thì bố liệt chung quanh (4).
Ở phía đông là hai cửa tiền (đông môn), một gọi là Gia định môn nhìn ra công trường và rạch chợ Saigon, cửa kia gọi là Phan Yên môn ngay cạnh các đại pháo, nằm trên đường chạy dọc xuống theo kênh Kinh Cây Cám. Rạch chợ Saigon (rạch chợ Vải) sau này thời Pháp có hai con đường chạy dọc theo rạch gọi là đường Rigault de Genouilly (chạy xuống sông) và đường Charner (chạy từ sông lên). Khi rạch chợ Vải được lấp đi thì thành một đường lớn gọi là đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Người dân gọi là đường Kinh Lấp.
Hai cửa hậu ở phía Tây (tây môn) gọi là Vọng Khuyết môn và Cọng thìn môn hướng về cầu thứ hai (cầu Bông) và thứ ba (cầu xóm Kiệu) trên rạch Avalanche (Thị Nghè).
Hình 5. Vị trí thành Saigon (Gia định thành)
Ở cửa trái về hướng bắc (bắc môn) là hai cửa Hoài Lai môn và Phục viễn môn, hướng về cầu trên rạch Thị Nghè (gọi là cầu thứ nhất). Cửa phải của thành (nam môn) có hai cửa Định biên môn và Tuyên hóa môn, ở phía đường sau này gọi là đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Thị Minh Khai (Định Biên môn) và góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Trãi (Tuyên Hóa môn). Hai cửa này dần ra hai đường, một là đường chiến lược (rue strategique, đường đi Phú Thọ, Phú Lâm hay đường 3/2 ngày nay, và một nữa là đường cao đi Chợ Lớn (route haute, sau là gồm đường Frère Louis nay là đường Nguyễn Trãi chạy tới đường Nancy, hay Cộng Hòa trước 1975 nay là Nguyễn Văn Cừ và cuối cùng vào Chợ Lớn cũng theo con đường Nguyễn Trãi nối dài ngày nay). Xưa đi Chợ Lớn còn có một đường nữa từ trung tâm Saigon dọc theo rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ qua vùng cầu Ông lãnh và dưới Chợ quán ngày nay, gọi là “route basse” hay đường dưới, đường Trần Hưng Đạo sau này vào thế kỷ 20 mới có.
Hình 6: Đường Saigon-Chợ Lớn (route haute, đường trên), từ Nguyễn Trãi, qua Nguyễn Văn Cừ (Thuận Kiều xưa) vào Chợ Lớn |
Thành này nằm gọn trong khu vực các đường Lê Thánh Tôn (rue d’Espagne), Nguyễn Đình Chiểu (Rue Richaud hay Phan Đình Phùng trước 1975), Đinh Tiên Hoàng-Tôn Đức Thắng (Boulevard de la Citadelle (1865), Boulevard Luro (1901), hay Cường Để trước 1975), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Rue Mac Mahon hay Công Lý trước 1975) như trong hình 5. Thành xây hướng về Đông Bắc và cao độ 1 trượng 3 xích có ba bậc. Hào thành sâu 14 xích; bề ngang 10 trượng 5 xích; chu vi 794 trượng. Có xây điếu kiều, ngoài kiều có đắp thạch trại (4).
Thành Saigon được Nguyễn Ánh ở trong 12 năm làm cơ dinh đánh Tây Sơn, năm 1802, sau khi lên ngôi ở Huế, Gia Long trao lại cho Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định thành (1812-1815 và 1820-1832). Lê Văn Duyệt ở cung Hoàng cung, vị trí của cung này là đường Norodom (nay là Lê Duẩn), phía ngoài thành Gia Định (3). Vòng ngoài thành, vua Gia Long cũng có xây một ngôi nhà cho giám mục Pigneau de Béhaine (gọi là Evêque d'Adran tức Bá Đa Lộc hay cha Cả) trên đường sau này gọi là rue Richaud (đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) để trả ơn cho sự giúp đỡ của ông này trong lúc còn chiến tranh với Tây Sơn. Ngày nay vị trí tòa nhà này là Tòa Tổng Giám mục (5). Nhà của ông giám mục Bá Đa Lộc trước đó ở cạnh thành Saigon, vị trí ngày nay là trong khuôn viên sở thú gần viện bảo tàng. Khi chiếm lại thành Saigon, ngôi nhà này đã bị Minh Mạng phá hủy sau khi dẹp loạn Lê Văn Khôi.
Hàng năm, sau Tết, Lê Văn Duyệt (gọi là Ông lớn thượng) tổ chức diễn tập lính từ 6 tỉnh Nam kỳ ở cánh đồng mả (plain de tombeaux), "đồn tập trận" ở phia đất giữa Saigon và hướng trường đua, Phú Lâm (chú thích: sau này gọi là cánh đồng mả vì có nhiều mộ chôn, kể cả mả của những người bị chết trận hay bị vua Minh Mạng hành hình sau cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi, chôn ở “mả ngụy” gần khu ngã 6 đường 3/2 và cách mạng tháng 8, tức khu Vườn Chuối ngày nay)
Vào đêm trước ngày 16 tháng một năm mới, vị tổng trấn cùng đoàn tùy tùng đến bái (homage) vua trong đền thờ của ông, sau đó sau ba phát súng cà nông, ông lên kiệu giữa hàng đầu lính mở đường và hàng lính hộ tống phía sau ra khỏi thành, ngang qua cửa Gia Định môn, và cửa Phan yên môn, đi đến cạnh Chợ Vải (gần cửa rạch kế chợ Cũ), sau đó đi lên đường sau này gọi là đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để lên các gò cao gọi là mô súng. Ở đó, là nơi các khẩu đại bác được bắn và trình diễn quân sự được tiến hành với các voi.
Tổng trấn sau đó đi vòng sau thành và đến xưởng tàu thủy quân xem tập trận rồi trở về thành. Trong khi diễn hành, dân chúng trong nhà đánh âm thanh lớn, đốt pháo để đuổi đi ma quỷ có thể ám nhà họ.
Vào dịp tết thứ hai (tức vào tháng năm, tổng trấn trở về nơi tịch điền (nơi nhà vua hay đại diện vua, làm gương cho dân bằng sự làm việc lao động chính mình). Nơi làm nghi lễ này rất gần mặt nhà thương của các sơ Sainte-Enfance, ở Thị Nghè.
Từ tường của thành Saigon xuống đến bến sông Saigon tức là từ đường Espagne (Lê Thánh Tôn) xuống bến Bạch Đằng là một phần chính của thành phố thương mại xưa của người Việt gồm một số nhà, cửa tiệm xen kẽ với các đường hẻm ít được bảo trì nằm trong địa phận của bốn làng từ cửa rạch Thị nghè (arroyo de l'Avalanche) đến rạch Bến Nghé (arroyo chinois): làng Hòa Mĩ (nơi xưởng Ba son), làng Tân Khai, Long Điền và Trường Hòa, mà giới hạn là đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Làng Mĩ Hội bao gồm thành Saigon trở lên trên. Thời kỳ này thì lý trưởng của làng này là một trong những lý trưởng quan trọng nhất của thành phố, ông ta có quyền đội nón hình trái bí và có quyền hành chính như huyện trưởng (canton). Làng có xây một đình, một chùa hay một nhà họp và nhà vua có gởi người mang ấn chiếu trên một khâm vàng, năm dây vải thắt (ligatures) và các tặng phẩm để khai trương các tòa nhà này. Khu này gọi là Hàng đinh nằm ở phía trên đường Catinat, từ cạnh khách sạn Laval cho đến chỗ ở của giám đốc nội vụ. Ở tòa đô chính Saigon, có một kênh băng qua ống cống trên cầu gọi là “Cống cầu dầu”.
Dọc theo bờ sông Saigon phủ đầy các nhà sàn dựng trên cột sông. Ở cuối đường Catinat nơi bến phà Thủ Thiêm có một nhà "Thủy các" (kiosk hoàng gia), nhà tắm "lương tạ" cho vua được xây trên những bè nổi làm bằng tre.
Người ta gọi chỗ này là Bến ngự (Kompong Luong theo tiếng Khmer), tức bến của vua. Từ cửa rạch Thị nghè đến đường thành Saigon là các xưởng đóng tàu và các thuyền hải quân. Từ bờ chạy ra sông có một bến gọi là "Cầu gọ" hay "Cầu quan".
Trước khi đến pháo đài trước thành Saigon là một rạch nhỏ gọi là Kinh Cây Cám, kinh này lên đến tận đường Lê Thánh Tôn (rue d'Espagne), băng qua pháo đài đến thành. Kênh chợ Saigon là Kinh chợ vải, chạy lên đến tận giếng nước cùng tên, đối diện với nhà của ông Brun, người làm và bán yên ngựa.
Giữa nhà của ông Vương Thái (Wang Tai) góc kênh Chợ Vải và sông Saigon trên đường Rigault de Genouilly và hướng về cảng thuơng mại Saigon có một rạch nhỏ nữa, gọi là Rạch cầu sấu chạy lên đến tận đầu phía trên của kinh Chợ Vải. Nối Rạch cầu sấu và kinh Chợ Vải là kinh Coffine mà đại tá Coffine đã cho đào để nối hai đầu kinh. Nhà ông Vương Thái, năm 1868 được hội đồng thành phố mướn làm trụ sở tạm thời, nhà ở vị trí đằng sau sở thương chánh (Douanes ) nằm giữa đại lộ Nguyễn Huệ (Charner) và Hàm Nghi (Boulevard de la Somme). Ngôi nhà này còn được dùng làm phòng thương mãi và chứng khoán. Năm 1880, thị trưởng Blancsubé đặt vấn đề xây cất một tòa thị chánh cho Saigon.
Kinh Coffine sau này được lấp và trở thành đường Bonard (đường Lê Lợi ngày nay) và rạch cầu sấu (tên gọi vì nơi đây trước có trại nuôi cá sấu) khi được lấp trở thành đường Boulevard de la Somme (nay là đường Hàm Nghi).
Từ nhà của ông Vương Thái về hướng cảng thương mại Saigon, dọc theo rạch Bến Nghé (arroyo chinois) là các xưởng làm gạch và ngói của ông Vương Thái. Trong các ngói đỏ hơn trăm năm trên nóc nhà thờ đức bà ở Saigon là một số ngói làm từ các xưởng gạch này của ông, số còn lại là nhập từ Pháp. Gần đây năm 2009 chi tiết này được biết khi một số ngói bị hư tháo xuống ở nhà thờ thì thấy có chữ đề xuất xứ “Wang-Tai Saigon” trên mặt các ngói. Các xưởng làm gạch của ông Vương Thái sản xuất gạch tốt được dùng ở Saigon và ở nhiều nơi trong Nam kỳ. Trong cuộc triển lãm công nghiệp và nông nghiệp năm 1880, các sản phẩm gạch của ông được huy chương bạc (16).
Ở phía cảng thương mại Saigon là nơi có xây một đồn và nơi cư ngụ của các chức sắc từ Huế vào, và cũng là nơi xưa kia Duệ tông, Mục Vương và Gia Long đến lánh nạn. Đối diện với Saigon bên kia bờ sông thời Gia Long là Xóm tàu ô (xóm thuyền đen). Đây là nơi trú ở của các hải tặc người Hoa mà tàu họ sơn đen. Vì họ chịu thần phục vua Gia Long, nên nhà vua cho họ đến cư trú và cho làm Tuần hải đô dinh và đặt họ dưới quyền của tướng họ là "Tướng quân Xiền". Họ có nhiệm vụ tuần tra bờ biển và những người ở lại trên bờ được dùng để bảo trì, làm kín vỏ tàu của hạm đội nhà vua.
Hình 7: Khu vực phía tây thành phố Saigon 1772
Năm 1822, khi lệnh cấm đạo thiên chúa nói riêng và người Âu nói chung, cùng lúc là lệnh phá hủy nhà thờ được vua Minh Mạng ban hành. Ngài phó vua (tổng trấn Lê Văn Duyệt) đang xem đá gà, thì lệnh được đưa đến tay ông "Làm sao, ông kêu lên, chúng ta có thể đối xử những người cùng đạo với giám mục Adran (Bá Đa Lộc hay cha Cả) và những người Pháp đã giúp chúng ta trước kia như vậy, nhờ họ mà ngày nay chúng ta vẫn còn nhai gạo giữa hai hàm răng của chúng ta ?”. “Không”, ông nói tiếp, trong lúc tức giận về sự phản bội này, đã xé tờ lệnh của vua trong tay, “khi nào mà ta còn sống thì không thể làm như vậy được, nhà vua có thể làm như ý muốn sau khi ta chết." (3).
Lê Văn Duyệt trị rất nghiêm khắc, làm dân ở Nam kỳ và Cao Miên nể sợ, tuy vậy có lúc hơi quá đáng. Ông xử trảm trước không hỏi ý kiến vua hay thượng thư bộ hình.
Một thí dụ điển hình là ông đã xử tử một thơ lại của ông không thương tiếc. Người thơ lại này lúc đi ra khỏi văn phòng thấy ở cửa thành một người đàn bà đang bán cháo hay bán đường. Ông ta muốn giỡn chọc ghẹo bà ấy, ông để tay lên hộp trầu mà bà đã để trên nắp giỏ của bà. Bà này kêu lên ăn cắp. Ông thơ lại bị bắt và bị xử trảm trên cánh đồng theo lệnh của Lê Văn Duyệt không qua một quá trình xét xử nào cả. Chẳng bao lâu, vụ này được truyền làm sợ hãi khắp Nam kỳ.
Để làm người Cao Miên kính nể và sợ hãi, ông cho vua Cao Miên Udong thấy con người phi thường và đầy quyền lực của ông. Ngồi trên bệ cao kế vua Oudong, ông ăn đường phèn và uống trà. Những người Cao Miên ngồi gần đó nghe tiếng kêu gảy giòn dưới răng của Lê Văn Duyệt lúc nhai mấy cục đường, bèn hỏi những quan lại Việt nam có mặt ở buổi chiêu đãi này là ông tướng trời đang ăn gì vậy. Những người này trả lời là đó là những viên đá sỏi mà ngài tướng trời đang nhai trong miệng.
Hình 8: Saigon – 1815, vẽ theo bản đồ của Trần Văn Học, người theo vua Gia Long và giáo sĩ Bá Đa Lộc trong những năm bôn tảo và chiến tranh với Tây Sơn ở Gia Định (nguồn: “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, Nguyễn Đình Đầu) |
Cao Miên lúc đó đang dưới sự bảo hộ của Việt nam, vị vua xứ này hàng năm vào dịp tết buộc phải đến Saigon để thần phục hoàng đế Việt Nam trong chùa hoàng gia, cùng lúc với phó vương tổng trấn Gia định thành. Nhà vua cao Miên đi cùng sứ giả Việt có nhiệm vụ lo việc bảo hộ đến đêm trước của ngày đầu năm; nhưng thay vì ở Saigon, lại ngủ qua đêm ở Chợ Lớn. Đến 5 giờ sáng đầu năm, tổng trấn cử hành nghi thức lễ trong tiếng nhạc mà nhà vua không có mặt. Nhà vua Cao Miên đến thì buổi lễ đã chấm dứt. Ông bị phạt không thương tiếc 3000 tiền franc bắt buộc phải trả trước khi trở lại Cao Miên.
Ông tổng trấn rất thích chơi đá gà, hài kịch và hát tuồng. Ông nâng đỡ, nuôi nhiều nghệ sĩ và có rạp hát riêng. Các toà nhà dùng trong các giải trí này ở ngoài tường thành Saigon (thành Quy) trên vùng đất mà ngày nay là dinh thống đốc và trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn).
Trong cánh đồng mả (plaine des tombeaux) có vài mộ nổi tiếng, có liên hệ đến lịch sử. Một ngôi mộ ở cạnh đường rầy xe lửa (tramway), kế nhà Vandelet (chú thích: Octave Vandelet là thương gia người Pháp, chủ trại đầu tư trồng nho nhưng thất bại ở Vũng Tàu, cố vấn và là bạn vua Cam Bốt Norodom và Sri Sowath). Ngôi mộ này được vua Minh Mạng xây và săn sóc cẩn thận để tưởng niệm cha vợ của nhà vua, ông Huỳnh Công Lý. Huỳnh Công Lý là quan trấn của tỉnh Gia Định (Saigon) dưới quyền của tổng trấn Lê Văn Duyệt, bị xử trảm qua lệnh của Lê Văn Duyệt vì trong lúc ngài phó vương ra Huế, Lý có gian díu với các người vợ của ngài phó vương tổng trấn. Khi trở về, được nghe nói lại như vậy, đã xử trảm Huỳnh Công Lý không cần phải có lý do hệ trọng nào và không để ý đến vua Minh Mạng. Một mộ lớn khác kế lăng mộ Cha Cả là mộ Tả dinh, em của phó vương Lê Văn Duyệt, chết một năm trước ngài phó vương mất.
Năm 1832, tổng trấn Lê Văn Duyệt mất. Sau khi ông mất, Minh Mạng bổ người thay thế và thẳng tay trừng trị Lê Văn Duyệt và những người theo ông đã không theo chánh sách bài ngoại, đóng cửa, bảo thủ phong kiến tập trung quyền lực của Minh Mạng, bằng cách đàn áp và bắt nhốt các người thân cận theo ông. Người con nuôi của ông là một người Mường, tên là Lê Văn Khôi đã nổi lên, giết viên tổng trấn mới, rồi đứng lên kêu gọi chống lại triều đình Minh Mạng. Lê Văn Khôi được sự ủng hộ của các người Hoa ở Saigon - Chợ Lớn, giáo dân theo đạo, người Chăm ở Pandagura, người Khmer, các dân tộc bản xứ gốc Tây nguyên, các lưu dân Việt và của kiều dân và giáo sĩ Pháp trước đây theo Gia Long ở Saigon. Sự khởi nghĩa của Lê Văn Khôi phản ảnh sự bất bình cao độ của người dân Gia Định về chính sách của Minh Mạng. Cuộc khởi nghĩa này đồng thời với cuộc khởi nghĩa lớn ở Cao bằng vùng Bắc bộ của người Tày-Nùng do Nông Văn Vân lãnh đạo. Miền Nam đã có liên hệ lịch sử và cảm tình với các chúa Nguyễn từ bao đời qua công sức mở đất cho lưu dân tứ xứ đủ mọi dân tộc và tinh thần bao dung và chấp nhận sự đa dạng, nhưng đây là một sứt mẻ to lớn về ý thức hệ và niềm tin vào triều đình nhà Nguyễn, bước đầu cho sự chia cắt về nhân sinh quan và ý thức hệ giữa hai miền.
Sau khi khởi nghĩa của Lê Văn Khôi không thành, thành Saigon nơi Lê Văn Khôi rút vào trấn thủ bị quân triều đình chiếm lại tháng 9-1835. Lê Văn Khôi đã mất vì bệnh trước đó nhưng có 1137 người bị triều đình Minh Mạng xử tử ở “cánh đồng mả” (plaine de tombeaux), ngay tại “cánh đồng đa giác” (champ du polygone), gần đường Thuận Kiều (nay là đường Cách mạng tháng 8) và chôn ngay tai đó gọi là mả biền tru hay mả ngụy. Người con của Lê Văn Khôi mới 7 tuổi cùng 4 đồng đảng trong đó có một người Hoa và một giáo sĩ người Pháp tên là Joseph Marchand (có mặt trong thành) đã bị đóng cũi nhốt và mang ra Huế chịu nhục hình. Thủ cấp sau đó được mang bày ở miền Bắc để răn đe. Người Hoa chịu nhục hình có tên là Mạch Tấn Giai, là tác giả bài thơ truyện lục bát 308 câu kể lại cuộc khởi nghĩa trước khi bị xử tử. Bài thơ truyện này có tên là Bốn bang. Có thể Bốn bang ở đây là ý chỉ 4 bang người Hoa đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa.
Thành Gia Định kiên cố theo kiểu Vauban của Victor Olivier de Puymaniel bi Minh Mạng ra lệnh phá đi và cho xây lại nhỏ và yếu hơn, được gọi là thành Phụng hay thành Phiên An mà sau này vào năm 1859 quân Pháp đã đánh chiếm. Minh Mạng còn cho phá mộ của ông Lê Văn Duyệt ở làng Bà Chiểu, xiềng xích trên mộ với hàng chữ “Quyền yêm hoạn Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (nơi đây viên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu phép nước), Năm 1848, vua Tự Đức đã minh oan cho Lê Văn Duyệt và cho xây lại lăng mộ.
Theo Nguyễn Công Tánh trích dẫn Đại nam Nhất thống chí (9) thì “Thành tỉnh Gia Định do Minh Mạng xây cất có chu vi 429 trượng (1960m), cao 10 thước 3 tấc (4m70), hào rộng 11 trượng 4 thước (52m07), sâu 7 thước (3m19), có 4 cửa ở địa phận thôn Nghĩa Hòa huyện Bình Dương.
Trên bản đồ thành phố Sài Gòn ngày nay thành Gia Định của Minh Mạng thường được gọi là thành Phụng xây cất nằm ở góc đông bắc của thành cũ (thành Quy của Gia Long) tức là nằm trong chu vi của 4 con đường: Nguyễn Du là mặt trước, Nguyễn Đình Chiểu là mặt sau, Nguyễn Bỉnh Khiêm là mặt bên trái, Mạc Đĩnh Chi là ở bên phía tay mặt. Thành Phụng (1836) mặt trước nhìn ra đường Cường Để-Bến Bạch Đằng; mặt sau nhìn ra đường Đinh Tiên Hoàng; mặt trái và phải đều hướng ra đường Hồng Thập Tự (Chasseloup Laubat)” (9).
Hình 9: Saigon 1867 – Thành Saigon vẫn còn trên bản đồ. Có thể chỉ còn là khu đất trống với mấy bức tường vì năm 1859, Rigault de Genouilly đã cho đốt phá hết các kho lương thực gạo, trại lính, dinh điện... sau khi đã hạ được thành. |
Thành Saigon (thành Phụng) nhỏ hơn và không kiên cố như Gia Định thành (thành Quy) bị Minh Mạng phá đi. Theo bản đồ Saigon 1867 ở trên, để ý là đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) và đường Boulevard de la Citadelle (Tôn Đức Thắng và Đinh Tiên Hoàng) giao nhau ở ngay trung tâm thành Phụng. Thành Phụng nằm gọn giữa bốn đường: rue Taberd (Nguyễn Du), rue des Mois (Nguyễn Đình Chiểu), rue de Bangkok (Mạc Đĩnh Chi) và rue Rousseau (Nguyễn Bỉnh Khiêm trước sở thú). Miếu Barbé nằm bên phải đường Chasseloup Laubat đi về hướng Phú Lâm - Chợ Lớn ở cánh đồng mả (plaine des tombeaux) đối diện với dinh Độc Lập (Thống Nhất). Tại miếu Barbé trước đây, viên tướng Pháp Charner đã đặt trọng pháo cùng với các trọng pháo khác ở phía đồn Cây Mai chĩa mũi tấn công vào đồn Chí Hòa (Pháp gọi là Kỳ Hòa) vào năm 1861 trong một thời gian, cuối cùng họ đã chiếm và hạ được đồn Kỳ Hòa, nơi Nguyễn Tri Phương trấn thủ.
(chú thích: Nicolas Barbé là viên đại úy Pháp trấn giữ chùa Khải Tường, khi đề đốc Rigault de Genouilly để một ít quân lại ở Saigon để ra Đà Nẵng. Ngày 7/12/1860, Barbé bị quân Việt Nam phóng lao phục kích khi đi ngựa ra ngoài trên đường đến chùa Hiển Trung (pagoda des Mares) và thủ cấp ông được mang về thành Kì Hòa, được thiết lập gần đó để bao vây quân Pháp trấn đóng ở “phòng tuyến chùa” từ Saigon đến Chợ Lớn. Nhà văn Le Verdier dùng Barbé là một nhân vật chính trong tác phẩm ”Scène de la vie annammite, Ki-Hoa”).
Ta hãy đi theo hành trình mà ông Trương Vĩnh Ký mô tả (3) trên con đường từ Saigon đến Chợ Lớn (người Pháp gọi là route haute tức đường trên), qua các địa danh cũ của Saigon - Chợ Lớn trước khi người Pháp đến trong các đoạn sau.
Đường trên đi từ Saigon đến Chợ Lớn bắt đầu từ khu tòa án ngày nay (thời Trương Vĩnh Ký, Pháp mới xây thay thế tòa án trong thành Saigon đã bị phá) và nhà tù gần đó. Khu tòa án ngày xưa gọi là xóm Vườn Mít vì nơi đây có một vườn mít lớn. Tại nơi tòa án và nhà giam xưa có một chợ gọi là “Chợ da còm”, nơi đây có một cây đa rất lớn với thân cong queo. Sau chợ này về phía phải đi về hướng Chợ Lớn là “Chợ đũi” bán vải.
Xa chút nữa trước khi đến đường Thuận Kiều (nay là Cách mạng tháng 8) là “Xóm đệm buồm”. Trên đường Thuận Kiều đi qua “Chợ cây đa thằng mọi” và “Chợ điều khiển”. Sở dĩ gọi là “Chợ cây đa thằng mọi” vì ở chợ này có nhiều người bán đèn dầu bằng đất có hình thằng mọi đội đèn trên đầu. Chợ này kéo dài từ trước nhà ông Blancsubé cho đến đường sắt. Đi xa hơn qua cánh đồng mả (plaine des tombeaux), nước từ vùng này đổ vào một rạch sau nhà Blancsubé. Khúc đường ở đây lúc nào cũng ẩm. Người ta gọi khúc đường này là "Nước nhĩ" do nước chảy nhĩ ra.
(ghi chú của dịch giả: Jules Blancsubé là thị trưởng Saigon và chủ tịch Hội đồng quản hạt. Ông là luật sư cải cách, chống lại sự lạm quyền, và quyền hạn độc đoán của chức vụ thống đốc Nam kỳ như (Duperré) mà ông cho là đi ngược lại nguyên lý bình đẳng của hiến pháp cách mạng Pháp, và nguyên lý phân cách quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; ông có tư tưởng cộng hòa chống độc tài của hoàng đế Napoleon III của Pháp. Công lý theo ông phải được áp dụng như nhau cho mọi công dân Saigon không kể chủng tộc, tư pháp phải độc lập với hành pháp mà chức vụ tối cao là thống đốc, thống đốc không được quyền bổ nhiệm người vào tòa án, tòa án xét lại, kiểm tra. Ông tự nhận mình là công dân Saigon và khi đắc cử thị trưởng ông đã thiết lập những cải cách rộng lớn về luật pháp (13). Sau này có con đường Blancsubé đi qua gần nhà ông, sau đổi thành rue d’Arras, ngày nay là đường Cống Quỳnh. Đường Blancsubé về sau là đường Catinat nối dài nay là Phạm Ngọc Thạch. Quảng trường hồ con rùa ngày nay trước đây cũng được gọi là quảng trường Blancsubé)
Sau đó là đến chùa Kim Chương. Chùa Kim Chương do vua Gia Long xây trên nền một chùa xưa của người Khmer. Nơi đây có hai biến cố mà lịch sử chưa được biết nhiều. Chúa Duệ Tông, chú của vua Gia Long và hoàng tử Mục vương bị Tây sơn bắt ở Bassac (Cà Mau) năm 1776 và Mục Vương bị bắt ở Ba vác (xưa thuộc tỉnh Vĩnh Long, nay trong pham vi tỉnh Bến Tre phía đông bắc Mỏ Cày) không lâu sau đó. Cả hai bị xử tử trong chùa này năm 1776. Ngày nay (thời Trương Vĩnh Ký) trong chùa này có hai điện: Hiển trung tự và miễu công thần.
Hình 10: Bản đồ Saigon-Chợ Lớn sau khi Pháp chiếm 1859
Hình 11: Bản đồ Saigon - Chợ Lớn lúc người Pháp đến 1859 (nguồn: Tour du Monde 1860). Để ý gần Chợ Lớn có một chùa (pagode) trên bản đồ đó là chùa Cây Mai. Sông “Donnai” trên bản đồ là sông Saigon hay sông Tân Bình và trước khi vào cảng Saigon có 2 đồn (fort) ở hai bên bờ sông, có thể là pháo đồn Cá Trê (Tả binh pháo) và pháo đồn Giao khẩu (hữu binh pháo). Bên trong thành Saigon có ghi vị trí “điện vua”, “điện hoàng hậu”, “điện hoàng tử”, các trại lính, nhà thương, cột cờ, kho thuốc súng…như trong bản đồ hình 5. |
Bắt đầu vào Chợ Lớn, trước hết là gặp “Xóm bột”, làng này làm và bán bột vì thế gọi là xóm bột. Sau làng này là “Chợ hôm” (chơ, họp lúc chiều tối). Sau chợ này là một ngôi chùa gọi là Trần tướng, Trần tướng là một trong các tướng của Gia Long bị Tây sơn giết và được vua Gia Long xây một ngôi chùa tại đây để tưởng niệm.
Trên một rạch nhỏ, nơi có các chùa của nghĩa địa người Hoa, có một cầu nhỏ gọi là “Cầu Linh Yển”. Theo truyền thống thì một binh sĩ tên là Yển đã cõng vua Gia Long lên vai trốn chạy Tây sơn rượt đuổi. Khi đến cầu này, một binh sĩ khác đã thay thế binh sĩ Yển để tiếp tục cõng vua chạy. Vì mệt nên anh ta (Yển) đã phải dừng lại để nghỉ mệt và vì thế bị quân Tây Sơn đuổi kịp và giết chết. Vua Gia Long đã xây tại nơi này một ngôi chùa để tưởng niệm. Làng này gọi là Tân Thuận hay Hàm luông. Khu này có một cây me lớn và dưới báng cây me này là các quán gọi là “Quán bánh nghệ”. Ở đó trên đường nay (thời Trương Vĩnh Ký) gọi là Rue des Marins (nay là Trần Hưng Đạo nối dài) có nhiều nhà tập trung lại thành “Xóm cốm” và “Xóm chỉ”.
….
Giờ chúng ta trở bước lại ra về, chúng ta đến Chợ quán. Tên Chợ quán, áp dụng cho các làng Tân Kiểng, Nhơn Giang, Bình Yên, là tên một chợ họp ở dưới các cây me lớn ở đại lộ nhà thương Chợ Quán (avenue de l'hôpital de Chợ Quán). Ở đây cũng có nhiều quán trọ nên gọi là Chợ quán.
Giữa đại lộ nhà thương và một nông trại trong khu các đầm ao (des Mares, khu này thời Trương Vĩnh Ký gọi là ao đầm vì có nhiều đầm và ao, sau này là trạm quân sự thành Ô Ma hay Camp des Mares và là trụ sở công an thành phố giáp đường Nguyễn Văn Cừ ngày nay) là làng thợ đúc, Nhơn ngãi (nay, tức thời Trương Vĩnh Ký, gọi là Nhơn Giang). Nơi đây người ta có thể thấy được các vết tích của một làng cổ Cao Miên với nhiều tháp làm bằng đá được tìm thấy ở một khu nhà. Lúc đào ở đây, người ta tìm thấy những đá Khmer, các đá nung hình lục bình, các tượng phật nhỏ bằng đồng, bằng đá. Còn có hai tảng đá granit lớn được đánh bóng với các tượng chạm trổ khắc nổi trên đá.
Từ Chợ quán (làng Nhơn Giang) cho đến đường xuống "Cầu kho", bên đường là các nhà chung quanh có vườn rải rác cách nhau. Phía trên đường Cầu kho cho đến nhà Blancsubé, cũng có một số người ở. Vùng này thời Gia Long, có nhiều người ăn mày sống rất cực khổ.
Khi thấy quân Tây Sơn rượt đuổi vua Gia Long đi ngang qua, họ đã tụ lại đánh trống khiêng nghe rất lớn kinh thiên động địa. Quân Tây Sơn phải dừng lại, tưởng là gặp phải một chướng ngại khó vượt qua. Vua Gia Long sau đó đã xây khu nhà cho những người ăn mày này để thưởng công họ. Làng này có tên là Tân lộc phường.
Cầu trên rạch sau nhà ông Blancsubé gọi là "Cầu gạo", nơi đây người ta bán gạo. Ngày xưa người Cao Miên trồng lúa và làm chiếu ở vùng này. Trước nhà ông Spooner, người ta bán lá buôn và các nhà tụ lại gọi là "xóm lá buôn". Từ đây đi đến nhà giam thành phố, bên bờ đường là các nhà vườn quê của các quan (mandarin) và chức sắc triều đình. Phía trên đường Boresse (rue Boresse, tức đường Yersin ngày nay) là "Cầu quan" (rue des mandarins).
(Chú thích dịch giả: “Cầu quan” ở trên rạch cùng tên. Boresse là tên trung úy hải quân Pháp được đô đốc Jauréguiberry chỉ định thiết lập cảnh sát và cơ quan hành chánh Saigon sau khi Pháp chiếm, có đi cùng với phái bộ Phan Thanh Giản trở về Saigon năm 1864 sau khi phái đoàn qua Pháp điều đình. Ông Andrew Spooner là thương gia có cơ sở nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước đầu tiên ở Chợ Lớn. Ông là người Mỹ sinh năm 1840, mất ngày 29/7/1884. Từ năm 18 tuổi đã qua Á châu làm ăn, ông là thuơng gia (negociant) ở Singapore 1 năm, sau đó đến Saigon. Hai năm sau ông là ký giả cho báo “l’Ilustration” ở Nam kỳ năm 1861, theo đoàn quân Pháp đánh Biên Hòa ngày 9/12/1861 và tường trình trận đánh này trên tờ báo “l’Illustration”. Trong giai đoạn phôi thai Pháp đến Saigon, vì có tài thương mại, ông được nhà cầm quyền Pháp cử làm Ủy viên (commissaire) quản lý Sở quan thuế (Douanes et Regis) từ năm 1870 đến lúc chính thức thành lập năm 1882. Sở này nằm cạnh sông Saigon, gần nhà ông Vương Thái và gần Xưởng làm thuốc phiện. Ông cũng hợp tác với người Hoa làm thuốc phiện. Năm 1862, đề đốc Bonard cử ông dẫn đầu đoàn thám hiểm đi ngược dòng sông Mekong lên Angkor và Battambang để nghiên cứu và tường trình về kinh tế, khả năng thương mại ở Cam Bốt (55). Ông đầu tư vào một nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước đầu tiên ở Chợ Lớn, mở dịch vụ chuyên chở Saigon - Pnom Penh bằng tàu hơi nước hai lần mỗi tháng. Ông làm thêm dịch vụ cung cấp gas đốt đèn đường và nhà trong thành phố Saigon. Ông cũng là hội viên của Hội đồng tư vấn thuộc địa (conseil prive de la colonie) (54). Ông là người Mỹ đầu tiên sống và định cư ở Saigon)
Trở lại lên đường Mac Mahon cho đến đường Mọi, nơi có toà án mới, dinh thống đốc, trường Chasseloup Laubat (Lê Quí Đôn) mà chúng ta thấy bên trái, tất cả đều nằm ngoài thành Saigon xưa. Ở đây dưới thời quan tổng trấn hoạn quan, phó vương Lê Văn Duyệt, là dinh của vợ ông (dinh bà lớn), nhà hoa của phó vương, nhà hát và trường ná (trường bắn).
Cạnh nhà của ông de Lanneau, người ta vẫn còn thấy 2 cây phi lao, ở đây ngày xưa là Nền xã tắc, hình cái nón cúng thần đất. Công viên của thành phố là Xóm lụa xưa kia (nơi làm lụa, tẩy trắng và bán lụa). Trên đường chiến lược (route strategique, đi Chợ Lớn, tức đường Chasseloup Laubat sau này, ngày nay là Nguyễn Thị Minh Khai)) cho đến phía trên của Sở nuôi ngựa, là Xóm thuẫn, Xóm chậu và Xóm củ cải.
(chú thích: de Lanneau là giám đốc hành chánh và tài chánh ở Nam kỳ, l’inspecteur des services administratives et financiers)
Giờ ta hãy quay về phía phải đi theo con đường Mọi (rue des Mois, Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) cho đến cầu thứ hai trên Rạch Thị Nghè, chúng ta sẽ thấy bên phải đối diện với nhà ông Potteaux, là nhà tù xưa của Saigon và xa hơn nữa là công viên cho voi (xưa thành Saigon có nuôi voi dùng trong chiến tranh và để di chuyển) và một chợ tên là Chợ vông, ở giữa nghĩa địa và cầu thứ hai.
(chú thích: Ernest Potteaux là người đứng ra làm tờ Gia Định báo năm 1865, báo quốc ngữ đầu tiên mà sau này Trương Vĩnh Ký thay thế làm chủ nhiệm năm 1869. Potteaux thông thạo tiếng Việt và làm thông ngôn cho chính quyền Pháp).
Cầu thứ ba, Cầu Xóm kiệu (nay là Tân Định), cho đến chợ Chợ xã tài, ngày xưa là một làng lớn có 72 chùa. Giờ chúng ta đi xuống cầu thứ hai ở cửa rạch Thị Nghè. Cầu thứ hai ngày xưa có tên là Cầu Cao mên; sau đó gọi là Cầu Hoa. Từ "Hoa" bị kị húy bởi tên của một hoàng tử, vì thế người ta đổi tên là Cầu Bông.
Sự cấm đạo gay gắt dưới thời Minh Mạng được tiếp tục trong thời Thiệu Tri và Tự Đức. Từ năm 1857 khi linh mục Pellerin từ Nam kỳ trở về Pháp, Pellerin đã vận động với các cấp trong Công giáo (như Père Huc), nữ hoàng Eugenie, bộ ngoại giao Pháp ở quai d’Orsay và báo chí. Qua bức thư của cha Huc gởi Hoàng đế Napoleon III, một Ủy ban đặc biệt về Nam kỳ (Commission spéciale pour la Cochinchine). Pellerin và Huc thuyết trình ở Ủy ban và gặp hoàng đế Napoleon III. Tháng 9 năm 1857, vua Tự Đức xử trảm Monsignor Diaz, một linh mục người Tây Ban Nha ở Bắc hà. Thêm một cái cớ để Pháp đánh Việt Nam. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha được thành lập dưới sự chỉ huy của đề đốc (amiral) Rigault de Genouilly. Hạm đội của Genouiily tháng 9 năm 1858 đánh phá và đổ bộ Đà Nẵng, nhưng gặp khó khăn do quan quân triều đình Huế chống trả. Để lại một số quân và chiến thuyền ở Đà Nẵng, đề đốc Genouilly mang hạm đội vào Nam tấn công Gia Định. Thành Saigon thất thủ ngày 17 tháng 2 1859. Nhưng vì thành quá lớn để có thể giữ được, quân Pháp phá hủy thành Saigon và đốt cháy kho lương chứa gạo khổng lồ. Để lại một số quân giữ Saigon, Genouilly quay trở lại Đà nẵng nhưng tại đấy không đạt được tiến triển mong muốn. Rigault de Genouilly bị chỉ trích ở Pháp và được thay bởi đề đốc Francois Page.
Hình 12: Quân Pháp tấn công thành Saigon 17-2-1859
Pháp lập phòng tuyến các chùa (ligne des pagodes) gồm chùa Cây Mai, chùa Barbé (chùa Khải Tường), chùa Clochetons (Kiểng Phước, theo Vương Hồng Sển thì ở đầu đường Phù Đổng Thiên Vương ngày nay, trước kia mang tên là đường Clochetons, gần thánh đường Hồi giáo trên vùng đất cao ráo nay là nền trường Đại học Y khoa), chùa Pagode des Mares (chùa Hiển Trung). Phòng tuyến này trải dài từ Chợ Lớn đến Saigon để bao vây đánh đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa), viện binh do Nguyễn Tri Phương chỉ huy mà triều đình Huế gởi vào để đánh chiếm lại Saigon khỏi tay người Pháp. Hai chùa Barbé và Kiểng Phước là gạch nối liên lạc giữa Saigon và Chợ Lớn nơi có đồn Cây Mai. Chùa Kiểng Phước vào năm 1860 đã bị lính Pháp do đại úy Malet chỉ huy chiếm đóng và biến thành đồn “clochetons” làm nơi đóng quân, phòng thủ trong khi đề đốc Charner đang ở Trung Quốc. Chùa Kiểng Phước (đồn clochetons) là đầu mối liên lạc giữa Chợ Lớn với Saigon và Chợ quán.
Trong lúc liên quân Pháp-Tây Ban Nha ở lại cầm cự trấn giữ Saigon sau khi Genouilly ra Đà Nẵng, thì cảng Saigon được Pháp cho mở cửa tự do thông thương với các tàu nước ngoài. Tàu từ nhiều nơi đến mua bán hàng hóa ở cảng Saigon-Chợ Lớn tấp nập gần sông và kinh rạch Chợ Lớn trong khi đại binh Nguyễn Tri Phương đóng ở phòng tuyến Kỳ Hòa cách đó không xa đang tìm cách phản công lấy lại Saigon.
Theo Midan (15) thì qua các bản vẽ sơ đồ 1:5000 kế hoạch thành phố “Saigon, ville de 500.000 âmes” có chữ ký của thượng sĩ Clipet, trung tá công binh Coffyn và đề đốc Bonard mà Midan tìm được trong kho lưu trữ “Archives de la Direction de l’Artillerie à Saigon” thì có ghi vị trí chùa pagode des clochetons thành đồn clochetons. Dùng bản đồ kế hoạch tương lai xây cất Saigon thành phố 500000 dân xưa nhất này của trung tá Coffyn và so sánh với bản đồ thật sự lúc đó (1934) với cùng tỉ lệ, Midan đi đến kết luận: “Chùa Kiểng Phước (clochetons) ở đại lộ Marechal Foch kéo dài từ đường Rue des clochetons, bắt ngang qua hai lô đất 21 và 22 của bản đồ mới, phần chính là nằm trên địa điểm thật sự của trường Ecoles des Filles và khu đất cạnh đường Armand Rousseau”. (chú thích: đại lộ Marechal Foch là Lý Thường Kiệt và Armand Rousseau là Nguyễn Chí Thanh ngày nay)
Cũng theo Midan, thì thơ của ông Passerat de la Chapelle, kế toán trưởng Chợ Lớn, gởi cho ông chủ tịch thành phố nói là khi ông mới đến Chợ Lớn vào tháng 6-1891, ông được thành phố cho ở trong một tòa nhà trong khu chùa Kiểng Phước, mà ông nói thật ra là trường mẫu giáo. Trường mẫu giáo (ecole maternelle) đổi thành trường nữ sinh (ecole des filles) vào năm 1917. Như vậy trái với Vương Hồng Sển, chùa Kiểng Phước không nằm ở phía đại học y dược ngày nay mà ở nhích phía trên, nơi trường mầm non gần bệnh viện Chợ Rẫy góc đường Lý Thường Kiệt và Nguyễn Chí Thanh ngày nay. Tư liệu cho thấy chùa Kiểng Phước của người Hoa cột bằng gỗ, hai cổng và tường là gạch và đã biến mất chỉ còn mấy cây gỗ mục trong khuôn viên chùa vào năm 1866 (14).
Chùa Khải Tường (Berbet) là nơi vua Minh Mạng sanh năm 1790 khi Nguyễn Ánh còn trú tại Saigon trong cuộc chiến với Tây Sơn. Sau này để tưởng nhớ, vua Gia Long đã dâng cúng tượng Phật A di Đà rất đẹp cho chùa, tượng này nay ở Viện bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh (trong sở thú).
Vi trí chùa Khải Tường ngày nay được nhiều người cho là Viện bảo tàng chứng tích chiến tranh, số 28 đường Võ Văn Tần (đường Testard thời Pháp, Trần Quí Cáp trước 1975). Theo Midan, sau khi Pháp đánh chiếm Saigon, thì 10 năm sau (1869), chuẩn đô đốc G. Ohier cho xây lại chùa và trong khuôn viên xây các trại lính cảnh sát. Hợp đồng xây sau đó được ký kết giữa ông Hermite, kiến trúc sư thuộc địa, trưởng phòng sở công chánh với một doanh nhân người Hoa giàu có ở Saigon tên là A-Fo. Nhưng hợp đồng không được thực hiện.
Dùng bản đồ 1:2000 năm 1871, so sánh với bản đồ năm 1931, Midan đưa đến kết luận: “Chùa Berbet ở lô đất 1 (số 93 đường Richaud, xưa là rue no. 27, đường 27, sau đó là rue des Mois, đường người Mọi) và lô đất 8 và 9 (số 26 đường Testard). Lô 1 ngày nay (1934) là tòa nhà của Chartered Bank, lô 8 và 9 là biệt thự của ông Matthieu ở góc đường Testard và Berbet. Đồn Berbet mà chỉ dụ của thống đốc Ohier ban ngày 10 tháng 9 năm 1869 nói đến là ở lô 24 nay là nhà của Chủ tịch Tòa án đầu tiên, số 6 đường Berbet” (chú thích: đường Richaud là Nguyễn Đình Chiểu, Testard là Võ Văn Tần và Berbet là Lê Quý Đôn ngày nay). Theo Bouchot thì chùa Barbé (đúng hơn tên mà nhiều người gọi nhầm lẫn Berbet) bị phá hủy năm 1904 (17).
Chùa Hiển Trung gồm hai miếu miếu Công thần và miếu Hội đồng do vua Gia Long xây dựng ở khu xóm nhiều đầm lầy gần làng Chợ Quán về phía Chợ Lớn gọi là xóm Ô Ma (sau này thành nơi đóng quân, nuôi ngựa của Pháp gọi là thành Ô Ma, đường Nancy nay là trụ sở công an đường Nguyễn Văn Cừ).
Quân thủy binh, bộ binh Pháp - Tây Ban Nha chiếm giữ các phòng tuyến chùa này cùng các đại pháo mang từ các tàu chiến đậu trên sông, rạch Saigon và Chợ Lớn tham gia cuộc tấn công đồn Kỳ Hòa năm 1860-1861. Chỉ huy trong trận này là phó đô đốc Charner, người thay thế đề đốc Francois Page và Rigault de Genouilly mà năm trước đó (1859) đứng đầu liên quân Pháp - Tây ban Nha đã hạ và phá hủy thành Saigon. Grenouilly chiếm giũ và thành lập các đồn gần trung tâm Saigon, như đồn Saigon, chùa Berbet để phòng sự phản công của triều đình Huế.
Sau chiến dịch ở Trung quốc, đoàn tàu chiến hạm Pháp đi vào Saigon để tiếp viện cho quân Pháp - Tây Ban Nha đang cầm cự và đánh chiếm nốt các tỉnh thành chung quanh Saigon.
Khu trú ngụ của nhiều thủy quân là khu vực Rue des Marins (đường Đồng Khánh, ngày nay gọi là Trần Hưng Đạo nối dài) gần đường Tản Đà (rue de Jacccario) nơi trước kia chiến hạm Jaccario đậu để hỗ trợ thủy binh và lính đóng tại đồn Cây Mai trong trận vây đánh thành Kì Hòa do Nguyễn Tri Phương trấn giữ. Đa số quân Tây Ban Nha đóng dinh trại tại vùng sau này gọi là rue d’ Espagne (Lê Thánh Tôn ngày nay).
Hình 13: Thành Saigon 1870 – bên trong người Pháp đã thay đổi tất cả, xây chỗ ở cho sĩ quan, trại lính, kho bạc, nhà tù. |
Năm 1860, vừa sau khi đánh chiếm Saigon, đã có đề nghị trong Hội đồng quản hạt (consei colonial) về vấn đề lấp kinh chợ Vải (ngay đường Nguyễn Huệ ngày nay). Vấn đề này đưa đến sự tranh cãi sôi nổi giữa hai bên: nhóm ủng hộ về vấn đề vệ sinh rạch và nhóm thương nhân chống vì lợi ích thực tiễn thương mại (10). Vấn đề lấp kinh được hoãn cho tới 25 năm sau.
7. Tổng kết: Saigon giai đoạn thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19
Saigon từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19 là thời kỳ lưu dân người Việt từ miền Trung và người Hoa từ nam trung quốc đến lập nghiệp và biến vùng đất hoang vu ít người này thành một vùng định cư trù phú mang dấu ấn văn hóa Việt-Hoa hấp thụ và thay thế dần nét văn hóa và đời sống của các dân tộc bản xứ và người Khmer. Dù vậy cho đến đầu thế kỷ 20, chung quanh Saigon vẫn còn nhiều người bản xứ như ở vùng Biên Hòa, Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thủ Đức, Bà Rịa (còn được gọi là xứ Mọi và là nơi có nhiều thú dữ như voi, cọp) và người Khmer cư ngụ như ở Long An. Ngay tại Saigon, cho đến đầu thế kỷ 19, vẫn còn một số người bản xứ và nhiều người Khmer. Người Âu từ phương tây cũng đã đến Saigon và các vùng phụ cận từ trước thế kỷ 18. Những người này là người Bồ, Pháp, Ý, đa số là giáo sĩ, thương gia và các người mạo hiểm. Sau này có thêm các quân nhân, sĩ quan hải quân Pháp tình nguyện đi cùng giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh.
Các biến cố quan trọng ở Saigon trong thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19
- Saigon là chiến trường giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Trong giai đoạn này có sự có mặt của Bá Đa Lộc là một người thông thạo tiếng Việt, để lại nhiều sách, bài viết về ngôn ngữ, văn hóa (22). Không thành công khi trở lại Pháp với hoàng tử Cảnh trong sự việc mang đoàn tàu Pháp đến Gia Định giúp Nguyễn Ánh như mong ước, nhưng đã có một số lính và sĩ quan tình nguyện bỏ Hải quân theo Bá Đa Lộc đến Việt Nam như Dayot, Chaigneau, Vannier..
- Lê Văn Duyệt làm tổng trấn sau khi Nguyễn Ánh trở lại Huế. Chính sách của Lê Văn Duyệt phản ảnh tư tưởng mở rộng đa chiều mà xã hội Saigon và miền Nam được tạo thành. Nguyễn Ánh sau khi thống nhất đất nước thay vì ở lại Saigon, vùng đất với tinh thần khai phóng lại trở về nguồn để tái lập truyền thống phong kiến xưa. Saigon nói riêng và Việt Nam nói chung mất cơ hội phát triển với hệ thống mở, trở nên đầu nguồn của các tư tưởng mới
- Khởi nghĩa của Lê Văn Khôi. Sự bất đồng giữa tổng trấn Lê Văn Duyệt với chính sách độc đoán, bài ngoại, và đóng cửa với thế giới bên ngoài của vua Minh Mạng dẫn tới sự trừng phạt những người thân tín và theo tổng trấn của Minh Mạng sau khi Lê Văn Duyệt mất dẫn đến sự nổi dậy của Lê Văn Khôi với sự tham dự của lưu dân người Việt, Hoa, người Chăm, Khmer và bản xứ. Sự thất bại của khởi nghĩa và Việt Nam, qua Minh Mạng, đã chọn lựa đi theo một chủ thuyết độc tôn văn hóa, cứng rắn tập trung, bài thương mại, dẫn đến sự chạm trán các nền văn minh sau này.
Nguyễn Đức Hiệp
Tham Khảo
(1) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Đồng Nai,
http://namkyluctinh.org/a-sachsuvn/giadinhthanh-thongchi%5Bp3%5D.pdf
(2) Anatole Petiton, La Cochinchine française: la vie à Saïgon, notes de voyage, Éditeur : Impr. de L. Danel (Lille), 1883.
(3) Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs, conférence faite au collège des interprètes par M. P. Truong Vinh Ky, Éditeur : Impr. coloniale (Saïgon), 1885.
(4) Les colonies françaises: notices illustrées / publ. par ordre du sous-secrétaire d'état des colonies sous la dir. de M. Louis Henrique, Quantin (Paris), 1889-1890.
(5) Trần Ngọc Quang, Saigon và những tên đường xưa,
http://namkyluctinh.org/a-lichsu/tngocquang-saigontenduongxua.pdf.
(6) Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, 1992, Nxb Trẻ
(7) John Crawfurd, Journal of an embassy from the governor of India to the courts of Siam and Cochinchina; exhibiting a view of the actual state of those kingdom by John Crawfurd. London. Henri Colburn and Richard Bentley, New Burlingtong Street. 1830.
(8) John White, A Voyage To Cochin China; by John White, Lieutenant in The United State Navy, London, 1824. Online:
http://www.archive.org/stream/voyagetocochinch00whitrich#page/n15/mode/2up
(9) Nguyễn Công Tánh, Thay đổi tên đường của Thành Phố Sài Gòn từ năm 1928 đến năm 1993,
http://motgocpho.com/forums/showthread.php?1895-L%E1%BB%8Bch-S%E1%BB%AD-Saigon
(10) Hình ảnh, tư liệu, http://belleindochine.free.fr/Saigon1882.htm
(11) Albert Morice, Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74, par M. le Dr Morice, H. Georg (Lyon), 1876.
(12) John Barrow, A voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793: containing a general view of the valuable productions and the political importance of this flourishing kingdom, T. Cadell and W. Davies in the Strand, London, 1806. online : http://purl.pt/126
(13) Jules Blancsubé, Notes sur les réformes les plus urgentes à apporter dans l'organisation des pouvoirs publics en Cochinchine (Signé : Jules Blancsube [31 Décembre 1878]), Impr. de Ve Remondet-Aubin (Aix), 1879.
(14) Réveillère, Paul-Émile-Marie (dit Paul Branda), Ça et là. Cochinchine et Cambodge. L'âme khmère. Ang-Kor. Troisième edition, Fischbacher (Paris), 1887.
(15) P. Midan, La Pagode des clochetons et la pagode Barbé, contribution à l'histoire de Saïgon-Cholon, Impr. de l'Union Nguyên-van-Cua (Saïgon), 1934.
(16) Excursions et reconnaissances, No. 4, Imprimerie du gouvernement, Saïgon, 1880.
http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5747850m.image.hl.r=Wang-Tai.f5.langEN.pagination
(17) J. Bouchot, Saigon sous la domination cambodgienne et annamite, Bulletin de la Société des études indochinoises, année 1926, 1926 (Nouv Ser,T1), pp. 3-82, Société des études indochinoises (Saïgon).
(18) Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, trong “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb Tph Hồ Chí Minh, 1987, Quyển I, trang 125-231.
(19) Trần Văn Giàu, Lược sử thành phố Hồ Chí Minh, trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb Tph Hồ Chí Minh, 1987, Quyển I, trang 235-420.
(20) Josiah Conder, Birmah, Siam, and Anam, London: printed for J. Duncan, Oliver & Boyd, Edingburgh, M. Ogle, Glasgow and R. M. Tims, Dublin, 1826,
http://www.archive.org/stream/birmahsiamanam00condrich#page/n11/mode/2up
(21) George Finlayson, The mission to Siam and Hue the capital of Cochin China in the years 1821-2, London, John Murray, Albemale Street, 1826.
http://www.archive.org/stream/missiontosiaman00raffgoog#page/n7/mode/1up
(22) R. Purefoy, Cursory remarks on Cochin-China, The Asiatic journal and monthly register for Bitish India and its dependencies, Vol. 22, pp. 143-147, pp. 652-655 London, 1826.
(23) Charles Darwin, The Descent of Man: and selection in relation to sex, John Murray, London, 1879.
(24) Charles Lemire, Cochinchine française et royaume de Cambodge, avec l'itinéraire de Paris à Saïgon et à la capitale cambodgienne, Challamel aine, Paris, 1869.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét