Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Một người cổ xưa còn sót lại

Một người cổ xưa còn sót lại

Tác giả: Nguyễn Quang Thiều

Những chuyện tôi đang viết đây mới chỉ là chuyện của hơn bốn mươi năm về trước. Nhưng nó mang không khí của một thời đã quá xa xăm. Nó như từ những thế kỷ trước. Tôi hoàn toàn tin rằng, nếu bà sống cho đến tận ngày nay, trong thời đại có qúa nhiều biến động và có quá nhiều điều kiện vật chất thì bà vẫn sống như vậy.

Cứ khi nào tôi nghĩ về bà nội tôi thì tôi lại nghĩ đến bà. Tên bà là Xuýt. Bà là em họ của bà nội tôi. Bà lấy chồng ở một làng chỉ cách làng tôi một cánh đồng. Bởi thế, khi bà nội tôi còn sống, bà Xuýt thường lên thăm bà tôi và ở lại chơi có khi đến nửa tháng.

Cũng như bà nội tôi, bà Xuýt là người không biết chữ. Và có lẽ trong cuộc đời của mình, bà không biết đến bất cứ điều gì ngoài một người chị họ là bà nội tôi và một con đường duy nhất trong cuộc đời, con đường chạy từ làng bà qua cánh đồng đến làng tôi. Chưa bao giờ tôi xác định được tuổi của bà. Lưng bà còng và nằm song song với mặt đất. Tôi cũng không hiểu vì sao bà lại bé nhỏ như thế.

Khi nghĩ đến bà là tôi nghĩ đến cuộc sống quá nhiều bon chen, quá nhiều tham vọng, quá nhiều sầu não và quá nhiều sợ hãi của chúng ta.. Ảnh: bluemelodyvn.com
Nhiều lúc tôi nghĩ bà chỉ bé bằng một con gà mái. Đoạn đường chạy qua cánh đồng chỉ chừng một cây số nhưng có lần bà đi từ khi gà gáy đến tối mịt mới lên đến nhà tôi. Không phải bà đi chậm mà không nghĩ tới nơi bà đang đến. Thế giới xunh quanh bà đã luôn luôn mời gọi bà ngồi xuống và trò chuyện với chúng cho đến khi nào bà thấy cần phải đứng dậy đi thì thôi.

Tôi đã từng nhìn thấy bà trên con đường chạy qua cánh đồng. Bà đi chậm rãi như một con ốc sên đang bò. Có lúc tôi nghĩ bà là một con ốc sên khổng lồ. Vì lưng bà còng nằm song song với mặt đất nên hình như bà không nhìn về phía trước. Nhưng bà vẫn nhớ từng chỗ rẽ của con đường. Những con đường đã nằm trong trí nhớ bà hay nó là chính bà mà bà không bao giờ lạc đường.

Răng bà đã rụng hết không còn một chiếc nào. Chính vì thế mà mặt bà nhỏ hơn. Một gương mặt kỳ lạ với những nếp nhăn xếp đều từng lớp làm tôi cảm tưởng mặt bà lợp bằng những nếp nhăn đó. Khi ăn cơm, bà không dùng đến đũa. Bà lấy tay vê những hạt cơm thành một viên cơm tròn nhỏ và đưa vào miệng nuốt như người ta nuốt thuốc viên. Bà ăn như một con gà mái ăn từng hạt ngô và chẳng cần mắm muối, chẳng cần thịt cá. Với bà, sự đa dạng của ẩm thực chẳng có ý nghĩa gì.

Đã có lúc tôi nghĩ bà sống bản năng như một đa bào. Nhưng ý nghĩ đó bị đánh gục ngay sau khi tôi nhìn bà ôm bà nội tôi kể những câu chuyện thời nhỏ của hai người và bà biết dùng những lời lẽ thật ngọt ngào để an ủi bà nội tôi khi bà nội tôi bị ốm.

Mỗi lần lên thăm bà nội tôi, bà không bao giờ chịu ngủ trên giường. Tối tối mẹ tôi chuẩn bị giường chiếu cho bà và ép bà lên giường ngủ. Nhưng chỉ sau đó bà lại bỏ giường xuống ngồi ở góc nhà lưng tựa vào tường. Bà ngồi ngủ ở góc nhà suốt đêm.

Sau này tôi biết bà đã ngủ như thế từ khi còn nhỏ. Gia đình bà quá ngèo và quá đông con, không có gạo ăn, không có giường ngủ từ khi còn bé. Bà đã ăn khoai lang hàng năm liền và ngủ trong góc nhà suốt từ bé cho đến lớn. Và thế là những điều kiện vật chất không thay đổi được thói quen của bà...

Có buổi tối tôi nhìn thấy hai đôi mắt bà sáng như hai hòn than củi trong góc nhà tối đen. Tôi giật mình sợ hãi. Bà cười khành khạch. Sau đó bà mắng tôi : " Cha bố mày, bà chứ ma đâu mà mày sợ ". Vào những ngày có nắng hanh trong mùa đông, bà nội tôi và bà ra sân ngồi bắt chấy cho nhau. Hai người đàn bà già nua trải chiếc khăn thâm ra nền sân và bắt những con chấy bỏ vào đó.

Thi thoảng bà lại gọi tôi và bảo : "Mày đếm cho bà được mấy con chấy rồi". Hồi ấy, khi tuốt trứng chấy, những người đàn bà thôn quê thường đưa cái trứng chấy vào miệng và cắn một tiếng rất giòn. Bà là người kiên trì dạy tôi cắn trứng chấy. Hồi đó tôi không biết làm thế nào mà bà cắn trứng chấy nổ giòn như thế mặc dù bà chẳng còn chiếc răng nào.

Bà sống như chẳng liên quan gì đến mọi thay đổi và đau khổ xunh quanh. Ảnh: doahoa.vn
Tôi học mãi mà không cắn được giòn và bà lại mắng tôi : "Cắn cái trứng chấy mà cũng không nổ, sau này mày chẳng làm được gì ra hồn". Lừoi bà như lời của một nhà tiên tri. Tôi đã sống trên thế gian này 50 năm mà nghĩ đi nghĩ lại thấy đúng là mình chẳng làm được gì cho ra hồn

Những chuyện tôi đang viết đây mới chỉ là chuyện của hơn bốn mươi năm về trước. Nhưng nó mang không khí của một thời đã quá xa xăm. Nó như từ những thế kỷ trước. Tôi hoàn toàn tin rằng, nếu bà sống cho đến tận ngày nay, trong thời đại có qúa nhiều biến động và có quá nhiều điều kiện vật chất thì bà vẫn sống như vậy.

Bà sống như chẳng liên quan gì đến mọi thay đổi và đau khổ xunh quanh. Nhiều lúc bà ngồi trước một gốc cây và cứ thế trò chuyện. Có lúc đang nói chuyện bà bật khóc hu hu và có lúc lại cười khành khạch như một đứa trẻ. Nhiều lúc tôi ước giá tôi chui vào được trong mắt bà để nhìn đời sống này xem bà nhìn nó như thế nào và thấy những gì. Hoặc là được chui vào óc bà để xem bà nghĩ gì.

Tôi không bao giờ chắc chắn được bà đang nghĩ gì và nhìn một con mèo có giống tôi nhìn nó không. Nhiều lúc bà hỏi tôi nhưng tôi không hiểu bà hỏi gì. Sau này nhớ lại những lúc như thế, tôi mới giật mình hiểu ra rằng lúc đó bà đang nói chuyện với một con mèo. Nhưng không phải bà đang nói chuyện với một con mèo mà lúc đó bà nghĩ tôi là một con mèo. Tôi chắc chắn là như thế.

Ngày bà nội tôi mất, hầu hết mọi người đều khóc khi đưa tiễn bà nội tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng bà Xuýt không khóc. Bà đi chậm rãi như một con ốc sên bò trên đường. Và vừa bò, con ốc sên không lồ ấy vừa nói chuyện với người chị họ của mình và đôi lúc lại cười khành khạch. Nhiều người bảo bà tâm thần hoặc quá lẫn lộn chẳng nhớ gì cả. Nhưng cứ đến ngày giỗ bà nội tôi là bà bỏ một ngày đi qua cánh đồng lên nhà tôi từ hôm trước và hỏi mẹ tôi đã chuẩn bị lưng cơm cúng mẹ chồng chưa.

Sau ngày bà nội tôi mất, thi thoảng bà lại đi bộ từ sáng sớm đến chiều tối lên nhà tôi. Bà chẳng chào hỏi ai như trước kia và cứ lặng lẽ vào căn buồng của bà nội tôi khi còn sống và làm những gì đó và nói chuyện với ai đó như chẳng có chuyện gì thay đổi. Có lúc bà đi ra thăm mộ bà nội tôi. Bà cứ ngồi bên mộ bà nội tôi và nói chuyện và hát một bài hát chẳng ra đầu ra đuôi mà tôi cũng chưa nghe thấy ai hát như thế bao giờ.

Một lần, người ta thấy bà mang theo một cái bay dùng để xây nhà ra mộ bà nội tôi. Bà hí hoáy đào đất. Người làng thấy vậy gọi mẹ tôi. Mẹ tôi vội ra mộ bà nội tôi và hỏi bà đào đất để làm gì. Bà thản nhiên đáp : " Tao đào huyệt cho tao chứ đào gì nữa mà hỏi". Mẹ tôi kéo bà về và bảo khi nào bà mất con cháu chúng nó lo chứ việc gì đến bà mà bà phải mó tay vào. Nghe vậy, bà nói người bà nhỏ, con cháu không biết cứ đào cái huyệt to như đào huyệt cho trâu thì nằm thế nào được. Bà nói bà ghét nằm ở những nơi rộng cứ trống huyếch trống hoác, rất khó ngủ.

Bây giờ thì bà chẳng còn sống nữa. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ bà đã chết. Tôi nghĩ vậy là do bà cứ sống thản nhiên và chết thản nhiên. Với bà, sống và chết đều giản dị như nhau. Cả đời bà chẳng hề ốm đau, chẳng hề lo lắng hay sợ hãi điều gì. Nếu bà là một Thiền sư hay là một hiền triết thì lại ra một nhẽ. Nhưng bà chỉ là một nông dân không biết chữ. Khi tôi biết bà thì tôi đã thấy bà chẳng bao giờ nói đến sự sung sướng và cũng chẳng nói đến sự khổ đau.

Vậy bà là ai ? Và vì đâu bà có một cuộc sống như thế ? Tôi hoàn toàn không lý giải được con người bà. Nhưng tôi tin bà là người của cổ xưa còn sót lại bằng một cách nào đó.Và tôi chỉ biết khi nghĩ đến bà là tôi nghĩ đến cuộc sống quá nhiều bon chen, quá nhiều tham vọng, quá nhiều sầu não và quá nhiều sợ hãi của chúng ta.

Rút từ bản thảo cuốn sách Hồi tưởng về những người đã khuất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét