Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

"Bật mí" thêm về bài hát "Người ở đừng về"

Tác giả: Nhạc Sĩ Dân Huyền

Chuông vàng gác cửa tam quan
Người ở đừng về - Thanh Huyền


50 năm qua, hầu như chúng ta, ai ai cũng từng nghe bài hát Người ở đừng về và coi nó, thừa nhận nó như là một bài dân ca quan họ quen thuộc. Nhưng chưa phải ai cũng biết rõ xuất xứ của nó.


Theo tục lệ của lối hát quan họ xưa, mỗi canh hát bao giờ cũng trải qua ba chặng: chặng mở đầu gọi là hát lề lối; chặng giữa gọi là hát vặt và chặng cuối gọi là hát giã bạn. Trong hệ thống hát giã bạn có nhiều bài hay, độc đáo cả về nội dung hình thức, cả về âm nhạc và lời ca. Một trong những bài hát giã bạn đó là bài Chuông vàng gác cửa Tam Quan. Tên bài là câu mở đầu của toàn bộ bài ca mà quan họ xưa vẫn thường dùng, cũng giống như Trèo lên trái núi Thiên Thai là câu mở đầu của bài "Trèo lên trái núi Thiên Thai", hoặc Khách đến chơi nhà là câu mở đầu cho bài "Khách đến chơi nhà" hay là Bây giờ chia rẽ đôi nơi là câu mở đầu bài "Chia rẽ đôi nơi".v.v. . .

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, qua làn sóng của Đài TNVN, qua sân khấu của Đoàn ca múa nhạc Trung Ương và qua đĩa hát của Nhà xuất bản Âm nhạc, bài dân ca quan họ Người ở đừng về xuất phát từ bài "Chuông vàng gác cửa Tam Quan" mà chúng ta từng nghe.

Theo nhạc sĩ Xuân Tứ, thì anh chỉ cải biên chừng 20% so với bản gốc của nghệ nhân hát. Anh đã cắt bớt đoạn đầu "Chuông vàng gác cửa Tam Quan - Đêm nằm tưởng đến người ngoan em phiền" để cho ý nghĩa bài ca được tập trung. Thay vào đó, anh thêm hai lần câu hát "Người ơi người ở đừng về" được mở rộng âm vực ở đầu bài, nhằm làm cho câu nhạc vuông vắn, cân xứng và làm cho người hát có dịp tạo khả năng thanh nhạc để phát triển nội tâm.

Liền anh liền chị hát quan họ

Trong Người ở đừng về, nét nhạc làm tăng thêm ở người nghe cảm xúc bồi hồi, tha thiết như khắc họa sâu thêm nỗi lòng nhớ mong của người tiễn bạn ra về và mong, rất mong có dịp tái ngộ sau những ngày xa cách để được "đến hẹn lại lên, đúng hẹn lại về".

Tuy nhiên, trong Người ở đừng về, chúng tôi cũng thấy vẫn còn có đôi điểm nhỏ khiến người nghe chưa thật thoả mãn. Ví như nét nhạc tương ứng của hai tiếng "trông theo" còn thiếu tự nhiên và hai tiếng "tái hồi" còn mang tính chất chữ nghĩa. Nhưng nhìn chung ở "Người ở đừng về" đã ghi nhận công lao của người cải biên, nếu đem so với Chuông vàng gác cửa Tam Quan. Đó là một thành công của nhạc sĩ Xuân Tứ trong việc sưu tầm, cải biên từ một bản dân ca - tạm gọi là gốc - của một nghệ nhân hát xưa kia, để đến nay nó trở thành một tiết mục quen thuộc đối với nhân dân cả nước.

Trong một cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Hồng Thao, anh đã kể rất vui rằng, một số nghệ nhân từng hát quan họ thời trước cách mạng tháng Tám, sau này cũng chịu ảnh hưởng của bài "Người ở đừng về" cải biên. Có một lối hát quan họ mới. Sau khi hát nét nhạc quan họ tương ứng với lời ca "Người ở đừng về" ở âm vực thấp thì các cụ nhắc lại lời ca ấy ở âm vực cao như cách đã được cải biên.

Từ Chuông vàng gác cửa Tam Quan được cải biên thành Người ở đừng về và bài hát cải biên ấy đã có được sức sống vững bền trong lòng người nghe. Tất nhiên phần giá trị lớn lao là của bản thân bài hát dân gian từ ngàn xưa truyền lại. Nhưng cũng phải nói cho công bằng một phần không nhỏ là nhờ phương pháp cải biên hợp lý của Xuân Tứ, cùng với khả năng diễn xuất hấp dẫn độc đáo, có phong cách riêng của nhiều nữ diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên như Thanh Huyền, Thanh Hiếu, Hồng Vân, Thanh Xuân v.v...

50 năm qua, nhiều lá thư của thính giả gần xa liên tục gửi về Đài TNVN đề nghị được nghe lại bài hát này, đã chứng minh sức sống của nó; đồng thời chứng minh sự cần thiết phải sưu tầm, khai thác phát huy vốn âm nhạc cổ truyền trong thời đại mới, trong kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam.

Mời quý vị cùng Tuần Việt Nam nghe bài hát "Người ở đừng về" do Thanh Huyền trình bày và bài "Chuông vàng gác cửa tam quan" ở Multimedia (phía trên, bên phải) để có sự so sánh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét