Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

Người Việt và tình trạng chia rẽ- © Phạm Hy Sơn

Thấy miền Nam phân hoá, nhiều người tưởng những tín đồ tuyên xưng chủ nghĩa Đại Đồng Cộng Sản ở miền Bắc không có phe phái, chia rẽ. Thực ra không phải thế, qua những tác phẩm Viết Cho Mẹ và Quốc Hội của Nguyễn văn Trấn, Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ thư Hiên nội bộ Cộng sản đã có những phe phái thanh toán, hãm hại lẫn nhau. Rõ ràng nhất, cả thế giới đều biết, là phe Lê Duẫn, Lê đức Thọ đàn áp phe Hoàng văn Hoan. Hoan trốn thoát sang Tàu, Tướng Chu văn Tấn bị giết, một số bị tù đày.

Sau khi miền Nam thất thủ, mấy triệu người khắp nước liều chết tìm đường tị nạn. Những người này may mắn thoát chết tới được các nước tự do tất nhiên căm thù chế độ cầm quyền trong nước. Chính quyền cộng sản là mục tiêu đấu tranh, viên chức cộng sản từ to tới nhỏ đến nơi nào cũng bị biểu tình tố cáo tội ác nhưng lại không thống nhất được, có quá nhiều tổ chức chia rẽ nhau làm cho sức mạnh bị phân tán. Ngay cả những đảng phái quốc gia từng có thành tích đấu tranh trong quá khứ cũng không tránh khỏi hiện tượng này.
Ở những nước có nền dân chủ ổn định, ít có hiện tượng quá nhiều phe phái, có thể có năm, bảy đảng như nước Pháp (Anh, Mỹ thực tế chỉ có 2 đảng) nhưng người ta đặt quyền lợi quốc gia và dân tộc trên hết, không bao giờ đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi quốc gia.
Khi đắc cử lên cầm quyền, người ta lo phục vụ quốc gia, lo làm những điều ích quốc lợi dân, tôn trọng quyền đối lập của các đảng phái khác, không đàn áp, thủ tiêu hay bắt bớ, tù đày như ở Việt Nam từ trước đến giờ.
Trong cuộc vận động bàu cử năm 2004 hai ông George w. Bush và John Kerry cũng đả kích, biếm nhẽ nhau nhưng khi ông Bush được đa số cử tri tín nhiện, ông Kerry gửi lời chúc mừng và tuyên bố rằng tuy khác nhau về lập trường chính trị nhưng dù Bush hay Kerry đắc cử thì cũng đều đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết. Cuộc chiến ở Việt Nam trải qua ba, bốn ông Tổng thống Mỹ, Dân Chủ có, Cộng Hoà có nhưng chính sách hầu như không thay đổi. Người ta biết đặt quyền lợi tối thượng của quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân hay đảng phái. Ngay trong nội bộ đảng của họ (tổ chức rất lỏng lẻo) cũng có những khác biệt về lập trường – cánh tả, cực tả; cánh hữu, cực hữu; cánh trung dung – nhưng sau khi họp đại hội hay bỏ phiếu nội bộ, cánh nào chiếm ưu thế nắm quyền lãnh đạo thì tất cả mọi người trong đảng tự ý tuân theo, phe thiểu số không ly khai như chúng ta thường thấy trong sinh hoạt cộng đồng hay đảng phái Việt Nam. Tại sao người ta như thế, chúng ta lại khác?
Tược Lạc Long Quân tại Đền Hùng
Tượng Lạc Long Quân tại Đền Hùng
Trong cuộc nồi da xáo thịt nấy chục năm vừa qua, có người cho rằng chúng ta có truyền thống chia rẽ. Ngay từ thời khai quốc chúng ta đã chia hai: 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi. Lại có người xót xa cho rằng vì ông cha chúng ta lấy đất của người Chàm và người Thủy Chân Lạp nên con cháu bị quả báo. Nhưng đọc lịch sử Trung hoa chúng ta thấy luôn luôn có phân ly, nội chiến tàn khốc hơn chúng ta nhiều. Không những họ bị chia 2 mà còn chia bảy, chia ba như trong thời Tam quốc giữa Tào Tháo, Lưu Bị và Ngô Quyền. Mới đây chiến tranh quốc, cộng giữa Tưởng giới Thạch và Mao trạch Đông tàn sát nhau khốc liệt bao nhiêu năm trời và hiện nay Trung Hoa vẫn còn chưa thống nhất hoàn toàn. Lục địa thỉnh thoảnh lại đe dọa tiến chiến Đài Loan bằng võ lực, hiện bên nào cũng canh tân và tăng cường máy bay, tàu thủy, hỏa tiễn nhằm thanh toán nhau một mất một còn.
Như thế chứng tỏ sự chia rẽ giữa người Việt do những nguyên nhân khác, không phải do truyền thống (Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ chỉ là truyền thuyết mang tính thần thoại, không hẳn đã có thực cũng như người Nhật cho mình là con cháu của Thái dương thần nữ, dân tộc Pháp cho mình là dòng giống của con gà trống – gà trống đẻ ra con?), cũng không phải do qủa báo vì người Chàm, người Thủy Chân Lạp có lấy đất của ai đâu.
Người Việt cùng một nòi giống, cùng một tiếng nói, cùng một văn hóa, khởi thủy cùng một tín ngưỡng (thờ cúng tổ tiên). Sau này đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho, đạo Thiên Chúa xâm nhập nhưng người Việt vẫn giữ tôn giáo gốc của mình là đạo thờ ông bà. Trong các gia đình, bên bàn thờ Phật, bàn thờ Chúa là bàn thở tổ tiên. Các tôn giáo không phải là nguyên nhân gây chia rẽ. Người Việt ăn uống giống nhau, những món chính là cơm, canh, dưa muối, thịt, cá được khắp nước chế biến, nấu nướng tương tự. Quần áo cũng vậ, hơi khác một chút về màu sắc, miền Bắc xưa đa số mặc áo nâu, quần nâu (đàn ông), váy đen (đàn bà), miền Trung miền Nam mặc quần đen, áo đen nhưng cả ba miền may cùng một kiểu cách. Lễ lạt, cưới xin thì nam, nữ mặc áo dài, nam thêm cái khăn đóng (khăn gõ). Phong tục tập quán như nhau: làng xã nào cũng có lũy tre xanh, có đình thờ thần hoàng, tự trị về tổ chức và tài chánh, có hương ước và tục lệ riêng. Chúng ta có cùng một tiếng nói, tiếng Việt. Tuy giọng nói hơi khác nhau chút ít tùy theo phong thổ nhưng từ Nam tới Bắc mọi người nghe nói đều hiểu, điều này khác với người Trung hoa có hàng trăm thứ tiếng nói: Bắc kinh, Tiều , Hẹ , Quảng… miền này không hiểu tiếng miền khác nên họ phải dùng chữ viết để nói chuyện với nhau gọi là bút đàm (nói chuyện bằng bút).
Vậy sao lại có sự chia rẽ có thể nói là nặng nề hiện nay?
Theo thiển ý, sự chia rẽ giữa người Việt với nhau do một số nguyên nhân xa và gần dưới đây:
- Đầu Óc Thiển Cận, Hẹp Hòi : Như chúng ta đã biết, dân tộc Việt đã có chiều dày lịch sử (dù một phần là huyền thoại – có huyền thoại tức là đã có sự hiện diện của người Việt để tạo ra huyền thoại đó riêng cho mình), có một nền văn hoá trong đó tín ngưỡng (đạo thờ ông bà, tổ tiên, thành hoàng), đạo đức (đề cao nhân nghĩa , thật thà), luân lý (hiếu thảo, hòa thuận), phong tục (ăn trông nồi, ngồi trông hướng), tập quán (sểnh cha còn chú, sểnh mẹ bú dì)… được xây dựng thành những nguyên tắc sống vững vàng và truyền lại, không phải bằng chữ viết mà bằng một ngôn ngữ đặc biệt thể hiện qua những bài hát, những câu tục ngữ, ca dao có vần điệu, êm tai, dễ nhớ. Không người Việt Nam nào dù là thành thị hay thôn quê, có học hay không có học, không nhớ ít nhất vài chục câu tục ngữ, ca dao liên quan đến cuộc sống gần gũi hàng ngày.
Với nền văn hóa ấy, trong gia đình thì hiếu thảo hòa thuận, nơi xã hội thì thương yêu đoàn kết, đùm bọc nhau.
Vì thế khi người Tàu sang xâm chiếm, chúng ta đã được trang bị đầy đủ về vật chất và tinh thần (thơ, ca, chuyện cổ tích truyền miệng; nền tảng gia đình , xã hội đã dược tổ chức chặt chẽ) để chống lại những đợt đồng hóa dữ dội trong suốt hơn ngàn năm ngoại thuộc. Người Tàu thu sách, đốt sách vô ích, chúng ta duy trì nền văn hóa bằng cách truyền miệng cho nhau qua ca dao, tục ngữ. Người Tàu bắt chúng ta ăn mặc theo phong tục của họ, chúng ta bảo nhau chống lại không bằng sách vở, bích chương mà bằng miệng:
Trèo lên trên núi mà coi,
Kìa kìa Ngô khách mọc đuôi đằng đầu.
(Ca dao chống lại chính sách bắt người Việt kết tóc đuôi sam khi quân Thanh sang xâm lăng nước ta thế kỷ thứ 18 – thời Vua Quang Trung).
Mỗi gia đình là một thành trì chống ngoại xâm trong đó cha mẹ là người cầm đầu duy trì nền nếp của cha ông; mỗi thôn xóm là một phòng tuyến bảo vệ với những phong tục tập quán của tổ tiên để lại.
Chính trong giai đoạn ngoại xâm, ông cha chúng ta đã phải tăng cường những kỷ luật, chế tài mạnh mẽ đối với những người trong gia đình, trong thôn xóm bằng cách xét nét, miệt thị, chê trách, khinh bỉ, tẩy chay, cô lập những kẻ phá hoại thuần phong mỹ tục hay theo giặc, lấy giặc :
- Thằng Ngô, con đĩ.
- Tội gì mà ở chính chuyên,
- Một đêm là sám côn xìn (tám quan tiền) ai cho!
- Băm bầu, băm bí, băm chị thằng Ngô, băm cô cái ả.
Cũng chính trong giai đoạn đó, ông cha chúng ta bảo vệ nhau bằng bất cứ giá nào. Trong gia đình, dù phải dù trái đối với quân thù, vợ chồng cha con phải che chở lẫn nhau. Gia đình là trên hết; ngoài xã hội cũng vậy, dân làng phải giấu giếm cho nhau. Dân làng là trên hết. Cái nào của ta cũng hay, cái nào của giặc cũng dở.
Trong hơn một ngàn năm đối đầu với quân thù căng thẳng như thế, lối sống, lối suy nghĩ của chúng ta thành thói quen; người cha có uy quyền tuyệt đối để đối phó với bên ngoài làm chúng ta quen ham muốn quyền hành; chúng ta quen xét nét người khác, ít khoan dung hay chê trách, hay chửi bới, chỉ nghĩ đến bản thân, gia đình,thân thuộc. Do đó chúng ta có cái nhìn thiển cận, hẹp hòi, vụn vặt, quanh quẩn với quyền lợi riêng tư, tầm mắt không qua khỏi cái hàng rào của gia đình hay lũy tre xanh của thôn xóm. Vì vậy khi nắm quyền trong tay người ta lo vun vén cho bản thân, gia đình, thân thuộc. Đầu óc phe, đảng của các “lãnh tụ”cũng do từ lối sống hương đảng, xôi thịt ngấm vào xương tủy từ bao đời , tầm mắt chưa vươn tới tầm mức quốc gia do đó gây ra tình trạng chia rẽ.
Có thể bạn đọc cho lý luận trên không có bằng cớ. Tôi xin lấy lịch sử dẫn chứng. Đời vua Kiến Võ nhà Đông Hán (khoảng năm 24 sau tây lịch), Nhâm Diên được cử làm Thái thú quận Cửu Chân thấy dân chúng nhiều người bị nghèo đói không có tiền làm lễ cưới, ông ta “bắt những thuộc lại trong Quận lấy một phần lương bổng của mình mà giúp cho nhưng kẻ nghèo đói để lấy vợ lấy chồng. ” (Trần trọng Kim, VN Sử Lược, Bộ Giáo Dục XB lần thứ I, 1971, QI, trang 38). Khi nghèo đói thì tâm lý chung là lo cho bản thân hay gia đình mình trước hết, lâu dần thành thói quen ích kỷ. Trong hơn một ngàn năm ngoại thuộc nhân dân ta được bao nhiêu năm sống dưới quyền cai trị tử tế của Nhâm Diên? Phần lớn quan lại Tàu sang vơ vét , bóc lột dân chúng đến cùng cực đến nỗi khi về nước đem không hết vàng bạc, châu báu phải tìm cách chôn giấu rồi cho con cháu sang lấy sau.
Người ta nói con người là sản phẩm của xã hội và học giả Lê văn Siêu trong cuốn Văn Minh VN nói con người là sản phẩm của lịch sử. Điều đó chưa chắc đúng về phương diện cá nhân nhưng về số đông không hẳn là sai.
(Còn tiếp)
© Phạm Hy Sơn

Nguồn : Người Việt và tình trạng chia rẽ phần 1
----------

Người Việt và tình trạng chia rẽ (phần 2)
Lý do địa dư
Như chúng tôi vừa trình bày đầu óc thiển cận, cô lập là lối sống có từ lâu do ảnh hưởng của thời kỳ người Tàu đô hộ. Trong thời gian Bắc thuộc làng xã Việt Nam như những bạch bào co cụm để chống lại sự cai trị và đồng hoá. Thời gian ấy qúa dài nên chúng ta thành thói quen như con ốc nằm yên trong cái vỏ kiên cố của mình không muốn chui ra ngoài, yên chí như thế là hay nhất và lối sống (cách ăn nói, suy nghĩ, phong tục tập quán) của ta luôn luôn đúng, tuyệt đối đúng, không nơi đâu tốt hơn nên không có sự cởi mở, đón nhận, dung hòa những sự khác biệt!
Do đó đôi khi chỉ vì bông đùa nhái giọng nói (chửi cha không bằng pha tiếng) hay đem diễu cợt phong tục của nhau mà 2 làng vác gậy đánh lộn, lôi nhau tới cửa quan.
Điều kiện địa dư đáng nói là hình thể kéo dài của quốc gia với những dãy núi vây bọc hoặc chắn ngang làm cho vùng này cách biệt với vùng khác, tạo nên phong thổ khác nên giọng nói cũng khác. Đặc biệt là từ Nghệ An tới Bình Thuận (Phan Thiết) núi non ngăn cách quá nhiều nên mỗi tỉnh có giọng nói khác nhau. Giọng Quảng Trị khác giọng Thừa Thiên (Huế), Quảng Nam khác Quảng Ngãi…
Khởi đầu dân tộc Việt Nam quây quần ở châu thổ sông Hồng và sông Cả, sông Mã phong tục không có gì khác biệt lắm. Sau này dần dần đất nước được mở mang về phương Nam, qua nhiều giai đoạn và đồng hoá với nhiều sắc dân nên tuy vẫn giữ được bản sắc văn hoá gốc của mình nhưng những người Việt tiền phong đã phải dung hoà hoặc thâu nhận lối sống, sản phẩm bản xứ. Về ca nhạc, miền Trung và Miền Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều của người Chàm. Về tâm tình, người miền Nam hồn nhiên và cởi mở hơn người miền Trung, miền Bắc. Về ăn uống, đặc biệt miền Nam có món canh cá chua của người Thái Lan và đường Thốt Nốt của người Cao Miên…
Tuy có những khác biệt đó nhưng người Việt có ý thức thiết tha về dân tộc và đất nước của mình, luôn luôn bảo vệ văn hóa, phong tục của ông cha truyền lại. Từ Bắc tới Nam làng xã nơi đâu cũng được bao bọc kiên cố bởi lũy tre xanh, làng nào cũng có ngôi đình thờ thần hoàng, có những lễ hội. Người Nam, người Bắc luôn luôn coi nhau là đồng bào, là anh em ruột thịt của mình cho nên trải qua 80 năm bị Pháp đô hộ với chính sách “chia để trị ” triệt để vậy mà năm 1945 ngoài Bắc bị nạn đói kém, toàn miền Nam hô hào quyên góp cứu trợ với tinh thần ” máu chảy ruột mềm”.
Do đó về đại thể, điều kiện địa dư, giọng nói, lối ăn uống không thể gây ra sự chia rẽ người Việt, nhưng người Pháp đã lợi dụng hình thể đất nước kéo dài và những sự khác biệt ấy để chia nước ta ra làm 3 miền gần như 3 quốc gia với chế độ cai trị khác nhau, chính quyền khác nhau, thuế má khác nhau, nền giáo dục khác nhau, thâm hiểm nhất là cách ly 3 miền bằng cách hạn chế đi lại: miền này tới miền khác phải có giấy phép như chúng ta xin phép đi ra ngoại quốc thời nay với mục đích làm cho 3 miền dần dần sẽ có những lối sống, ngôn ngữ khác nhau (phong tục, tập quán và cả ngôn ngữ thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh sinh sống) như 3 quốc gia riêng biệt.
Năm 1945, 1946 người Pháp muốn tách rời miền Nam để thành lập 1 quốc gia tự trị riêng thuộc Pháp nên đã kích động chia rẽ Nam – Bắc mạnh mẽ ở Saigòn với những cuộc biểu tình và kỳ thị thời ông Nguyễn văn Thinh làm Thủ Tướng. Điều đáng buồn là sau khi thu hồi độc lập đến nay các chính quyền ở miền Nam cũng như miền Bắc vần duy trì sự phân chia này: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ hoặc Bắc Phần, Trung Phần, Nam Phần…
Yếu tố ngoại lai
Ai cũng biết Việt Nam chịu ảnh hưởng của người Tàu dù đoàn quân xâm lăng cuối cùng dưới triều Mãn Thanh đã bị vua Quang Trung đánh đuổi về nước nhưng ảnh hưởng của họ về văn hóa, chính trị ít nhiều vẫn còn tồn tại và trong đầu óc người Tàu không bao giờ muốn bỏ miếng mồi Việt Nam. Với những âm mưu sẵn có khi thì họ hành động riêng rẽ, khi phối hợp với nước khác nếu có dịp thuận tiện.
Trở lại với Pháp, người Pháp cai trị VN hơn 80 năm (1864-1945) triệt để khai thác những yếu tố địa dư, văn hóa để gây chia rẽ người Việt với người Việt. Về địa dư lợi dụng hình thể họ chia nước ta ra làm 3 như 3 quốc tôi đã trình bày: Nam Kỳ là thuộc địa Pháp cai trị trực tiếp, Trung Kỳ tự trị do vua quan Việt Nam cai trị dưới sự giám sát của viên Khâm sứ Pháp đặt tại Huế, Bắc kỳ là đất bảo hộ do quan lại VN cai trị nhưng có quan Thống sứ Pháp và mỗi Tỉnh đặt dưới quyền một viên Công sứ (người Pháp). Từ đó họ tìm cách ngăn cách người Việt ở từng miền và tuyên truyền, kích động, gây mâu thuẫn giữa dân chúng ba Miền. Đối với đồng bào thiểu số và người kinh, hễ miền núi chống đối thì Pháp cho lính người kinh đi đàn áp, ngược lại người kinh nổi lên Pháp đem binh lính đồng bào thiểu số tới đánh dẹp.
Nước Pháp đi khai hoá thuôc đia với bốn chữ vàng: Liberte – Egalite – Fraternite – Humanite (tự do – bình đẳng – huynh đệ - nhân đạo) qua các hình ảnh thực tế sau đây:
Chém giết
Những chiến sĩ cách mạng bị xử trảm trong các biến cố từ  tháng 7  đến tháng 9 năm  1908 tại Hà Nội và các Tỉnh
Những chiến sĩ cách mạng bị xử trảm trong các biến cố từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1908 tại Hà Nội và các Tỉnh
Gông cùm
Những phụ nữ bị đóng gông này đã tham gia cuộc kháng chiến chống  Pháp do Phụ Chính Đại Thần Tôn Thất Thuyết chủ xướng ngày 5 tháng 7 năm  1885 tại Huế vì Toàn quyền (tướng) De Courcy hống hách và muốn triều  đình  Huế hoàn toàn khuất phục Pháp.  Những vị nữ anh hùng nàybị bắt tại  chiến lũy Ba Đình. Pháp kêu họ là những nữ tướng cướp (femmes de  pirates)
Những phụ nữ bị đóng gông này đã tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp do Phụ Chính Đại Thần Tôn Thất Thuyết chủ xướng ngày 5 tháng 7 năm 1885 tại Huế vì Toàn quyền (tướng) De Courcy hống hách và muốn triều đình Huế hoàn toàn khuất phục Pháp. Những vị nữ anh hùng nàybị bắt tại chiến lũy Ba Đình. Pháp kêu họ là những nữ tướng cướp (femmes de pirates)
Xiềng xích
Một nghĩa sĩ đang bị thẩm vấn (dịch: Thẩm vấn những tù nhân thuộc  băng cướp của Đề Thám không phải là chuyện dễ và người  thẩm vấn bọn  cướp này đương nhiên được tưởng thưởng hậu hĩ. Tấm thiệp này cho quý vị  biết cách đối xử với bọn cướp nổi tiếng này(18 tháng 12 năm 1909). (Hình  ảnh lấy trong cuốn Le Việt-Nam Autrefois của Michel Germain, năm 1989)
Một nghĩa sĩ đang bị thẩm vấn (dịch: Thẩm vấn những tù nhân thuộc băng cướp của Đề Thám không phải là chuyện dễ và người thẩm vấn bọn cướp này đương nhiên được tưởng thưởng hậu hĩ. Tấm thiệp này cho quý vị biết cách đối xử với bọn cướp nổi tiếng này(18 tháng 12 năm 1909). (Hình ảnh lấy trong cuốn Le Việt-Nam Autrefois của Michel Germain, năm 1989)
Nước Pháp có 4 chữ Vàng. Nay nước Tàu có 16 chữ Vàng đang áp dụng cho dân bản xứ Tây Tạng, Tân Cương và đồng bào đánh cá Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa. (Các học giả và sử gia, nghiên cứu sử gia tương lai – 15, 20 thế kỷ tới – khi nghiên cứu sách sử của Pháp xin đừng kêu tiền nhân của mình là giặc cướp như các học-giả, sử-gia và nghiên-cứu-sử gia trước đây và hiện nay đọc sử sách của Tàu).
Năm 1954, sau khi giúp đảng cộng sản Việt Nam về cố vấn, binh lính, vũ khí, lương thực để thắng trận Điên biên Phủ, Mao trạch Đông đã gây áp lực buộc ông Hồ chí Minh ký hiệp định Genève chia đôi đất nước .
Chính ông Chu ân Lai, Thủ tướng TrungCộng trong một buổi tiếp tân ở Genève lúc ấy đã đề nghị với ngoại trưởng Trần văn Đỗ lập toà đại diện Chính phủ miền Nam tại Bắc kinh song song với cơ sở ngoại giao của chính phủ Cộng sản Hà nội, ngầm ý công nhận 2 nước Việt Nam để chia rẽ, chi phối làm cho dân tộc Việt Nam suy yếu, lụn bại rồi tùy cơ xâm chiến như họ đã xâm chiếm Tây Tạng vào thập niên 1950.
Đến năm 1975, Pháp và Trung hoa một lần nữa dàn xếp với nhau thực hiện chính sách thực dân bằng cách duy trì 3 nước Việt Nam (chính quyền Bắc Việt, chính quyền Giải Phóng Miền Nam và chính quyền Saìgon). Chính phủ Pháp cử tướng Vanuxem tới Saigòn vận động với đề nghị đưa quân Trung Cộng vào miền Nam để ngăn chặn bộ đội miền Bắc. Tổng thống Trần văn Hương không chấp nhận giải pháp đó. Ông nghĩ rằng qua kinh nghiệm lịch sử, thà để miền Nam rơi vào tay cộng sản còn hơn là để Việt Nam rơi vào tay người Trung hoa.
Đầu óc lãnh tụ
Một nguyên nhân khác gây chia rẽ là đầu óc lãnh tụ. Ngày xưa người ta nói: “Mỗi người Việt Nam là một ông quan” thì ngày nay chúng ta có thể nói: “Mỗi người Việt Nam là một ông lãnh tụ”! Trong thời đại loạn của dân tộc, chúng ta thấy xuất hiện những người cầm quyền xuất thân từ đủ mọi thành phần: nông dân, thợ thủ công, binh lính, nhà buôn, có học hay không có học… nhỏ thì cũng Tướng, Tá lớn thì Tỉnh Trưởng (Chủ Tịch Tỉnh), Tổng, Bộ Trưởng, Tổng Thống, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước đầy lợi lộc, quyền uy. Vì có nhiều lợi lộc và quyền uy nên bất cứ ông nào đã leo tới đó thì bám lấy cho đến chết mới thôi. Lãnh tụ cộng sản Tôn đức Thắng, thay ông Hồ chí Minh quá cố, mỗi khi tấm thân già nua yếu ớt xuất hiện trước công chúng tay cầm ly nước đua lên miệng run run làm nước muốn trào ra nhưng vẫn không muốn nhường chức vị cho người khác.
Phía quốc gia có những ông lãnh tụ sau mấy chục năm tại vị làm cho đảng của mình tan rã, rách bươm. Vậy mà dù tuổi già sức yếu vẫn không muốn rút lui, cố giữ cái chiếu chủ tịch cho đến hơi thở cuối cùng, nhưng không biết những vị ấy có biết cái chiếu mình đang ngồi hay đang tranh giành đã rách tả tơi trăm mảnh không?
Nhiều người muốn lập đảng cho riêng mình nếu chưa có đảng, hoặc đã có đảng thì phải làm sao củng cố một chỗ đứng riêng để xuất hiện như một lãnh tụ không lớn thì cũng nhỏ. Ít nhất có 2 người nhờ tôi viết giùm bản cương lĩnh để đứng ra lập đảng. Tất nhiên tôi từ chối vì một người không có khả năng viết bản cương lĩnh làm sao làm lãnh tụ được!
Quan niệm của tôi thì thế, nhưng trên thực tế chúng ta thấy thiếu gì những người đã từng lãnh đạo quốc gia không biết bản cương lĩnh là gì, mà nếu có họ cũng chẳng bao giờ áp dụng đúng bản cương lĩnh được họ đề ra. Nên trong giai đoạn vừa qua có câu ngạn ngữ được nhiều người biết: ” Bé không học lớn làm lãnh tụ “, ” Bé không học lớn làm quan”. Thật là một điều tai hại và do đó đất nước chúng ta cho đến giờ chưa ngóc đầu dậy được.
Khi một đảng hay một phe phái nắm được chính quyền thì họ coi quốc gia là của gia đình họ, của đảng, phe, phái họ. Họ lo chia chắc quyền lợi cho đảng, cho phe của họ để củng cố quyền hành và tiêu diệt phe khác, đảng khác bằng cách thủ tiêu hay bắt bớ, tù tội. Ngay trong nội bộ các đảng phái, các hội đoàn, đoàn thể số người tham gia không hoàn toàn nhằm mục đích theo theo đuổi lý tưởng hay mục tiêu đề gia mà có một số khá đông vào với dụng ý cá nhân: lấy tiếng hay tiến thân, cách tiến thân hay nhất không dựa vào tài năng, đức độ mà dựa vào kết bè, kết đảng để đưa mình lên. Những”lãnh tụ” kém đạo đức này dùng đủ mọi thủ đoạn lưu manh để lôi cuốn người khác theo mình bằng cách kích động đầu óc địa phương, tôn giáo, chính kiến, đoàn thể, nghề nghiệp….
Một số đảng phái cử người đi xứ bộ hoạt động, sau một thời gian đã củng cố xong địa vị có nhiều ông xứ bộ tự biến thành Sứ quân cát cứ lãnh địa của mình và hậu quả là một đảng nhưng có nhiều lãnh tụ, mỗi người hùng cứ một phương tranh chấp, mưu hại lẫn nhau không khác gì cái cảnh Thập Nhị Sứ Quân thời xưa.
Đầu óc lãnh tụ, phe, đảng không bao giờ nghĩ đến quyền lợi quốc gia, dân tộc của những người làm chính trị vô đạo đức là nguyên nhân chính gây ra tình trạng chia rẽ, ly tán hiện nay.

Ghi chú: Những hình ảnh minh họa ở phần 1 của bài này do trang web thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét