Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2009

Duy Ngọc - Mọi

Duy Ngọc - Mọi

Mới hôm qua, ra đường, bị một ông choai choai lượn xoẹt qua phát, suýt ngã. Đã vậy gã còn ngoái lại trợn mắt: “Đi kiểu mọi gì đó mày!” Trên đường về, nghĩ mãi cái từ “mọi” mà gã kia gán cho mình.

Và bây giờ thì viết ra đây.

“Mọi” là từ xuất hiện khá thường xuyên trong ngôn ngữ hàng ngày của người Việt, cho đến tận bây giờ (mà hình như dạo này người ta dùng hơi bị nhiều thì phải). Thấy Trung Quốc nó o ép, lấn át mình quá, xót, chửi “ĐM, bọn mọi Tàu khựa!” Đội bóng mình đá thua Thái Lan, lên mạng chửi té tát: “cái bọn mọi Thái, đá gì mà chẳng thèm… nhường ai!”, “Nhìn ông mọi quá đi”, “Nhìn bà bẩn như mọi”, “Ra khỏi nhà tao, lên rừng mà ở với mọi đi, thằng mất dạy!” v.v…

Người ta dùng “mọi” để chửi, để tỏ ý khinh bỉ cũng có, để đùa cũng có, quen miệng nói ra mà chẳng hiểu gì cũng có.

Thực ra từ này có truyền thống lâu đời rồi, nó là một kiểu “nhìn ra thế giới” quen thuộc của người Việt mình: nhìn ai cũng là “mọi” hết.

Cái này mình “học” được ở anh Hai phương Bắc qua 1000 năm bị đô hộ và thêm hơn 1000 năm phụ thuộc.

Trung Quốc nhìn Đông-Tây-Nam-Bắc đều là man-di-mọi-rợ tất, chỉ có họ là văn minh mà thôi. Trong phim Tể tướng lưng gù có cảnh mấy tay người Anh vào triều mà không chịu quỳ trước vua Càn Long, làm Càn Long tức giận. Lưu Dung mới bò lại, sờ sờ lên chân của mấy ông Tây rồi cười khậc khậc: “Bẩm hoàng thượng, bọn này là mọi rợ, chưa tiến hoá, không có đầu gối, nên không quỳ được”, Càn Long nghe vậy gật gù: “Ui cha cha, vậy hả vậy hả”.

Việt Nam cũng y vậy, nhìn đâu cũng thấy mọi (tất nhiên là chừa ông Trung Hoa ra).

Khoảng đầu thế kỷ 14, vua Trần Anh Tông gả em gái là công chúa Huyền Trân cho vua Champa là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý. Văn nhân nước Việt, quần thần nhất tề phản đối rần rần, nói bọn đó là man di, chưa biết đạo Thánh hiền, sao lại gả công chúa nhà mình cho nó được (hồi đó có vẻ còn dân chủ hơn chừ đó hè, ít ra còn cho phản đối). Dân gian thời đó còn truyền tai nhau mấy câu “thơ” nhân vụ Huyền Trân lấy chồng:

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.

Nhưng phản đối thì phản đối, vua quyết gả (cái này thì giống bây giờ, nhỉ!) để tóm được châu Ô, châu Lý mà không cần uýnh đấm nhọc thân. Chế Mân cũng quyết lấy đất đổi công chúa Đại Việt, mặc cho quần thần phản đối, dân chúng kêu than.

Một năm sau, Chế Mân chết (không biết Huyền Trân có liên quan chi không đây?). Vua ta mới sai tướng Trần Khắc Chung sang cướp lại công chúa. Hai anh chị gặp nhau, dạt thuyền ra đảo hoang “dzui dzẻ” suốt 1 năm trời rồi mới chịu về lại Thăng Long.

Sau đó, bên Champa họ đòi lại Ô Lý quá trời, nhưng vua ta không trả: Trả sao được, Ô, Lý đã là một phần không thể tách rời của nước Đại Việt!

Ôi, chẳng biết ai mọi hơn ai!

Khoảng vài trăm năm sau đó thì vua Lê Thánh Tông đem quân vào san bằng kinh đô Đồ Bàn, giết vua Champa và [theo một số tài liệu] tàn sát hơn 60 nghìn người, bắt sống hơn 30 nghìn người (gồm cung nữ, vũ nữ, thợ giỏi…) đem về làm nô tì. Lãnh thổ Đại Việt vèo cái vô tới Phú Yên ngày nay.

*

Trên bước đường Nam tiến, gặp ai ta cũng gọi là mọi. Các tài liệu cũ lưu lại từ thế kỷ 16, 17 của ta đã phân loại các dân tộc ít người ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ thành đủ các loại “mọi”: Mọi Đá Vách (người Hrê), Mọi Đá Hàm (người Jarai), Mọi Hời (Hroi, Kor, Bru, Ktu, Pakô), Mọi Bồ Nông (Mơ Nông), Mọi Vị (Raglai), Mọi Bà Rịa (Mạ). Hết chỗ nói!

Vì xem là mọi, nên suốt các triều vua Việt, chẳng ai thèm rớ tới Tây Nguyên, và tất nhiên là chẳng hiểu gì về Tây Nguyên (bây giờ cũng chẳng hiểu gì nữa là!). Hồi đó còn có cả đường biên giới giữa Tây Nguyên với Đại Việt, có lính canh đàng hoàng. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, đầu XX, người Pháp mới khám phá và cho sáp nhập Tây Nguyên vào lãnh thổ của Việt Nam ta (trước đó định đưa sang cho… Lào).

*

Đến bây giờ, thì có bớt đi, nhưng cái nhìn khinh khi với kẻ yếu hơn kia ở ta vẫn chưa mất đâu nhé.

Thử lên Tây Nguyên sống vài tháng sẽ thấy cái nhìn kỳ thị như thế trong rất nhiều người Kinh đối với các cộng đồng người dân tộc thiểu số vẫn còn nặng nề như thế nào.

Hằng ngày ta vẫn hay nói bí mọi, heo mọi… (dù chỉ là thói quen thôi).

Nhiều người gọi mấy người nước ngoài da trắng là “ông Tây”, trong khi gọi người da đen là “thằng Đen” hoặc “Tây đen” kèm theo cái cười vô duyên hết chỗ nói.

Hằng ngày lên mạng, ra đường vẫn nghe người ta chửi nhau mọi này mọi nọ.

*

Cứ mãi gọi thiên hạ là mọi, nhưng cho đến bây giờ, xứ mình:

- 80% không biết rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh (ước đoán vậy).

- 80% nhà vệ sinh không đảm bảo vệ sinh (cũng ước đoán vậy). Nhiều làng không có nhà vệ sinh, nhiều trường học cũng không có.

- Không ai đọc thơ, trừ người làm thơ.

- Không ai xem các bức tranh nghệ thuật, trừ người vẽ tranh nghệ thuật.

- Cử nhân ra trường không biết thế nào là dân chủ, và dân chủ thì dùng để làm gì.

- Hỏi ai làm ra Triết học thì 80% dân số nói ông Mác-Lênin

v.v…

*

Dân tộc cứ lùn đi vì những cái nhìn như thế!

© Duy Ngọc

© 2009 talawas blog




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét