Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

Phá vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động lớn nhất từ trước đến nay

Phá vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động lớn nhất từ trước đến nay VOV News
VOV) - Các đối tượng sử dụng những chiêu thức lừa đảo mới với các thủ đoạn tinh vi: lập dự án ma, sử dụng "mác" người nước ngoài cùng đi để làm bình phong, rồi tặng quà, đầu tư tiền trước khiến người dân mất cảnh giác

12h30' trưa 12/5/2009, tại số nhà 07, ngõ 38/24/C5 (phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội), hai vợ chồng hờ Lê Tuyết Minh và Sim Jun Sup (người Hàn Quốc) đã ngỡ ngàng khi đưa tay vào còng số 8 của cơ quan Công an tỉnh Nghệ An. Chiến công của Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT), Công an tỉnh Nghệ An đã vạch mặt thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) rất tinh vi của Lê Tuyết Minh, cảnh tỉnh người dân cùng một số doanh nghiệp cần cảnh giác với loại tội phạm trong xuất khẩu lao động đang rộ lên này...

Thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động mới

Thời gian qua, nhiều đơn thư của người bị hại gửi về cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An đều tập trung tố cáo một đối tượng là Lê Tuyết Minh. Số tiền công dân tố cáo lên tới hơn 1,3 tỷ đồng bởi đối tượng sử dụng chiêu thức lừa đưa người đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An đã vào cuộc xác minh Lê Tuyết Minh, SN 1966, HKTT tại xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Huyền Trang - trụ sở tại 87 Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Hồ sơ của một nạn nhân

Cuối tháng 10/2008, Minh xuất hiện ở Nghệ An cùng một người đàn ông quốc tịch Hàn Quốc tên là Sim Jun Sup. Để tạo thanh thế, đôi vợ chồng hờ này đặt vấn đề qua một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An làm cầu nối tiếp cận chính quyền cơ sở về nhu cầu tìm mua khoảng 5 hecta đất để xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu cá cơm ở Nghệ An dưới hình thức liên doanh với Công ty "mẹ" ở Hàn Quốc, có vai trò thu gom, kiểm định mặt hàng cá cơm, cá trích tại Việt Nam, sau đó báo giá và xuất khẩu sang Hàn Quốc, dự án lên tới hàng chục tỷ đồng. Biết các doanh nghiệp XKLĐ tại Nghệ An đang gặp khó khăn về thị trường, đặc biệt là Hàn Quốc, Minh không bỏ lỡ cơ hội tự quảng cáo khả năng tuyển người đi Hàn Quốc của mình theo diện "công ty mẹ bảo lãnh công ty con". Minh tự quảng cáo về công ty của chồng (Sim Jun Sup) ở Hàn Quốc và một số chi nhánh liên kết riêng ở Vũng Tàu, Dung Quất (Quảng Ngãi) và sắp tới là ở Nghệ An (?), Minh có thể tuyển lao động ở Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc hợp đồng vài ba năm sau đó về Việt Nam (đã có sẵn nghề) tiếp tục vào làm việc tại các công ty "con" ở Việt Nam.

Với cách ăn mặc sang trọng, nói năng lịch thiệp và cách chi tiêu hào phóng, đặc biệt là cái mác có chồng là thương gia Hàn Quốc (do Minh giới thiệu), các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ ở TP Vinh, Quỳnh Lưu… háo hức tiếp cận và bị thuyết phục bởi những dự án kinh tế mà Lê Tuyết Minh vạch ra. Minh sử dụng chiêu thức nhận kết nghĩa chị em rồi đến thăm gia đình các "đối tác" XKLĐ, bỏ ra hàng chục triệu đồng mua quà cho các cháu phục vụ học hành như: vi tính, xe đạp, quần áo… thậm chí Minh còn hứa sẽ cho đối tác cả 100 đến 200 triệu đồng để mua ôtô đi lại.

Ông Đặng Thành Vinh (Công ty Vilimex ở TP Vinh), ông Bùi Văn Sáng (Công ty Vihacoop ở Quỳnh Lưu) cùng một số người dân muốn đưa người đi Hàn Quốc đã “mắc câu” của Minh… Để củng cố niềm tin với "con mồi" của mình, Minh đưa Đặng Thành Vinh, Bùi Văn Sáng vào nhà anh chị ở Hà Nội giới thiệu công việc của họ là làm ở Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ… có thể chạy những dự án hàng trăm tỷ đồng (sau này cơ quan ANĐT xác minh phát hiện cặp vợ chồng hờ này đều không có công ăn việc làm, chuyên "cò" dự án, thuê nhà ở La Thành, Hà Nội để hoạt động lừa đảo). Tính từ tháng 11/2008 đến tháng 1/2009, hơn 1 tỷ VND của các doanh nghiệp thu từ người lao động đã chuyển cho Lê Tuyết Minh.

Chiến công của Công an Nghệ An

Sau khi chiếm đoạt được số tiền lớn trên, ngày mùng 5 Tết, Minh hẹn các doanh nghiệp đưa 10 lao động vào có mặt tại TP Hồ Chí Minh để ngày mùng 6 Tết âm lịch 2009 lên đường đi Hàn Quốc, các lao động lục tục kéo nhau vào TP. HCM đợi chờ… Tuy nhiên, Lê Tuyết Minh lần lữa với đầu mối và người lao động qua điện thoại với đủ các loại lý do "đang ở Australia chăm mẹ chồng bị ốm", lúc thì "đang chịu tang bố chồng ở Hàn Quốc"… Hứa hẹn 1 tháng, 2 tháng, rồi 3 tháng, cuối cùng Minh tắt điện thoại, bỏ trốn khỏi trụ sở công ty tại Quảng Ngãi. Những tài liệu Cơ quan ANĐT có được chỉ gồm: đơn tố cáo của công dân, hóa đơn chứng từ, hợp đồng lao động tiếng Hàn Quốc của các lao động và một tấm ảnh đối tượng với hàng loạt địa chỉ trải dài khắp cả nước: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và lời nhắn khi đối tượng bỏ trốn: Minh đã về Hàn Quốc với chồng.…

Vào cuộc, tổ công tác bắt đầu từ nơi sinh ra Lê Tuyết Minh và mối quan hệ của đối tượng ở Hà Nội, Quảng Ngãi… Qua xác minh ban đầu, kết quả là đã hơn 10 năm Minh không về quê ở Vĩnh Phúc, dù bố mẹ, họ hàng và các anh chị vẫn sống ở đây. Tổ công tác xác minh mối quan hệ chị gái Minh ở Hà Nội và được quần chúng cung cấp thời gian khoảng 1 tháng có người hình dáng giống Minh đến nhà này… Lần theo tin báo của những người bị hại thì Lê Tuyết Minh thỉnh thoảng gọi điện thoại bằng dịch vụ "dấu số cuộc gọi đến" cho thấy Minh lúc thì ở Hàn Quốc, lúc thì đang bận việc ở Australia, không về Việt Nam. Tổ công tác nhận định đây là thủ đoạn bắn tin đánh lạc hướng của đối tượng và xác định Lê Tuyết Minh hiện vẫn ở Việt Nam…

Ngay từ khi bỏ trốn, Lê Tuyết Minh đã chuẩn bị thủ đoạn đối phó với cơ quan điều tra và người nhà các bị hại truy đuổi như: dùng CMND mang tên người khác để thuê nhà, sử dụng tiền lừa đảo để mua chuộc người dân, kể cả một số cán bộ biến chất, nhằm che dấu tung tích và hành vi phạm tội của mình, khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn có khi tưởng chừng bế tắc. Nhưng với tinh thần đấu tranh quyết liệt, tổ công tác vừa tiến hành thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, vừa tập trung hướng truy bắt đối tượng. Sau khi sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng trên địa bàn Hà Nội, kết hợp sự năng động sáng tạo của các điều tra viên, cơ quan ANĐT Nghệ An đã xác định được Lê Tuyết Minh đang ở Hà Nội.

Đúng 12h30' ngày 12/5/2009, tại số nhà 07 ngõ 38/24/C5 (phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội), hai vợ chồng hờ Lê Tuyết Minh và Sim Jun Sup trong khi đang chuẩn bị hành lý để bay vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục chạy trốn, đã bị các chiến sĩ cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An tóm gọn Ngày 20/5/2009, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Tuyết Minh về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đây là một trong những chiêu thức lừa đảo mới của các đối tượng hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu lao động, với các thủ đoạn lừa đảo được dàn dựng tinh vi như dựng công ty TNHH với những chức năng "đa ngành, đa nghề, đa phương diện", lập dự án ma, sử dụng "mác" người nước ngoài cùng đi để làm bình phong, rồi tặng quà, đầu tư tiền trước khiến người dân mất cảnh giác, nhất là chủ doanh nghiệp mới ra đời kinh nghiệm còn ít.

Lê Tuyết Minh sẽ phải trả giá cho những hành vi phạm tội của mình. Nhưng chính một chủ doanh nghiệp có liên quan trong vụ việc cũng phải liên đới trách nhiệm trước dân, trước pháp luật. Bài học đau xót rút ra cho người lao động và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ cần phải cảnh giác với những chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi, đồng thời cần phải thẩm định kỹ đối tác, đơn hàng trước khi thực hiện các thư ơng vụ, đặc biệt là làm ăn có yếu tố nước ngoài./.

--------------

Nhiều DN xuất khẩu lao động “trốn” báo cáo CafeF

Nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất khẩu lao động không thực hiện việc báo cáo với lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại, gây ra nhiều thiệt thòi, rắc rối cho người lao động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét