Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

Tranh khỏa thân của Nguyễn Kim Đính 4.2009

Ảnh khỏa thân không được duyệt của họa sỹ Nguyễn Kim Đính
Sự xuất hiện của tranh khỏa thân phụ thuộc vào những cái lắc và gật đầu hơn là vào giá trị của tranh
‘Cởi truồng đứng giữa ngã tư’ Nhân đọc bài báo ‘Chuyện rắc rối từ một bức tranh’ trên website của báo Thể thao Văn hóa, tôi lại bần thần nghĩ đến hàng loạt những triển lãm tranh, ảnh nude bị đình chỉ và đến những ‘đống’ tác phẩm bị xếp xó bởi một lý do vô cùng kiên định: ‘Trái với thuần phong mỹ tục’. Kể ra nghệ sĩ nước nhà cũng cứng đầu, bao lần bị từ chối mà vẫn cứng đầu theo đuổi con đường ‘nghệ thuật cởi truồng’ (dịch một cách dân dã của cụm từ ‘art nude’).

Khi tôi học cấp I, mỗi khi có cảnh hôn nhau trên tivi, bố mẹ đều bảo tôi nhắm mắt. Tôi hỏi tại sao, bố mẹ tôi bảo ‘vì đây là chuyện của người lớn’. Đến khi học cấp II, mỗi khi có cảnh trai gái sờ soạng, tôi vẫn phải bịt mắt. Tại sao? ‘Tại con chưa đến tuổi’. Khi tôi học cấp 3, theo thông thường nếu có cảnh trai gái làm tình tôi vẫn sẽ phải bịt mắt nhưng truyền hình Việt Nam thì kiếm đâu ra cảnh làm tình nên bố mẹ tôi đành phải dặn trước, ‘nếu chẳng may thấy cảnh đó ở đâu thì vẫn phải bịt mắt nhé, con vẫn chưa đến tuổi’.
Rồi lần đầu tiên trong đời tôi xem một bức ảnh nude là đọc những câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ‘Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên’. Lần thứ hai thì là một bức ảnh nude thật sự, của Helmut Newton, bố và tôi cùng ngắm và im lặng.
Giả sử lúc đấy bố tôi có cấm tôi xem những bức ảnh nude của Helmut Newton hoặc Irving Penn với lý do là ‘chưa đến tuổi’ thì tôi vẫn thấy dễ chịu hơn là lý do ‘trái với thuần phong mỹ tục’. Tôi đoán là một số bạn bè nhiếp ảnh và hội họa của tôi cũng sẽ dễ chịu hơn nếu nhà nước cấm họ triển lãm tranh, ảnh nude vì ‘chưa đến tuổi’ hoặc ‘vẽ/chụp quá xấu’ hơn là ‘vi phạm thuần phong mỹ tục’. Nên chăng nhà nước ra một định nghĩa rõ ràng về việc ‘trái với thuần phong mỹ tục’ để anh em nghệ sĩ đỡ mất công trên con đường sáng tác nghệ thuật?
Bức tranh ‘cởi truồng đứng giữa ngã tư’ (hay còn có tên chính thức là Dậy thì) của nữ họa sĩ trẻ Hà Quỳnh Nga thì có một chặng đường gian truân riêng. Bị hạ xuống khi có một vị quan chức lắc đầu, rồi sau đấy được nhắc lên khi có một vị quan chức khác gật đầu. Nghĩa là nhắc lên hạ xuống không còn phụ thuộc vào chất lượng của bức tranh nữa rồi mà phụ thuộc vào những cái lắc, gật đầu.
Nhàm
Tôi nhớ đến năm thứ hai đại học khi đi làm cho một công ty quảng cáo. Công ty này nhận thầu làm quảng cáo cho dịch vụ viễn thông của ngành bưu điện.
Team của tôi ngày đêm ra sức nghĩ cách viết sao cho kịch bản quảng cáo của mình thật độc đáo và sinh động nhưng rồi đến ngày đi gặp các vị lãnh đạo cao cấp, sếp tôi đưa ra hai bản thảo nào đó khác và nói bọn tôi đừng buồn vì chắc là hai kịch bản này sẽ được chọn.
Và hai kịch bản đó được chọn thật.
Đó là lý do vì sao người tiêu dùng Việt Nam sẽ chỉ được nhìn đi nhìn lại hai mẫu quảng cáo đã quá nhàm, đứng trên cầu thang cuốn nói chuyện điện thoại và bỗng nhiên gặp một ai đó hoặc là bác nông dân, bác tri thức, bác giám đốc gọi điện về cho gia đình nói chuyện.
Quảng cáo bây giờ có thể đã khác ngày xưa nhưng nó khiến tôi hiểu một điều, Tiến sĩ ngành Luật không thể hướng dẫn sinh viên ngành Y làm luận án tốt nghiệp.
Giữa ngã tư đường
Vậy thì làm sao chúng ta có thể hy vọng các quan chức chỉ chuyên đi họp và tiếp khách có thể duyệt và cấp phép những tác phẩm nghệ thuật? Nhưng chúng ta cũng chẳng nên buồn, bởi chuyện này cũng xảy ra ở các nước được coi là tiên phong về nghệ thuật, ví dụ như ở Anh.
Cách đây ít lâu, quảng cáo cho triển lãm của họa sĩ người Đức Lunas Cranach trong hệ thống ga điện ngầm tại London đã bị gỡ bỏ do việc sử dụng một trong những tác phẩm của họa sĩ này, bức ‘Venus’, bị coi là ‘quá suồng sã, khiếm nhã’. Bức tranh miêu tả Venus trong trạng thái khỏa thân, chỉ với một vài trang sức đeo trên cổ và tay nâng một tấm màn trong suốt.
Sự việc gây ra một loạt những phản đối từ giới hoạt động nghệ thuật và người phát ngôn của TFL (Transport for London – tạm dịch Giao thông London) đã phải lên tiếng xin lỗi và thừa nhận họ đã sai trong việc dỡ bỏ quảng cáo này.
Và nếu như tôi là một trong số các nhà kiểm duyệt cần mẫn kia, tôi sẽ tự mình cầm vải hoặc bạt đi che hết các linga, yoni tại các bảo tàng văn hóa trên cả nước.
Joan Smith, một học giả quen thuộc của BBC và tờ báo tiếng tăm The Independent, cho rằng xảy ra những việc như vậy bởi lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với những hình ảnh được ‘porn hóa’ (hở hang, gợi dục) trên các phương tiện truyền thông nên khi nhìn thấy những vẻ đẹp thuần khiết như bức Venus của Lunas Cranach thì lại cảm thấy không thoải mái, có cái gì đó không quen, không thực với cuộc đời xô bồ bây giờ.
Chính thế nên tôi lo ngại, rằng kể cả khi có một điều không tưởng là tác phẩm điêu khắc nổi tiếng David hoặc tuyệt phẩm ‘The Creation of Adam’ của Michelangelo có ý định đến với công chúng Việt Nam thì chắc hẳn cũng khó lòng qua được cửa ‘kiểm duyệt’, đơn giản thôi, ‘trái với thuần phong mỹ tục’.
Đừng nói gì đến những tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại khác.
Và nếu như tôi là một trong số các nhà kiểm duyệt cần mẫn kia, tôi sẽ tự mình cầm vải hoặc bạt đi che hết các linga, yoni tại các bảo tàng văn hóa trên cả nước, cũng như là những hình ảnh nam nữ giao cấu được tạc trên các nhà mồ Tây Nguyên hoặc trên trống đồng Đông Sơn triển lãm tại Bảo tàng dân tộc học.
Nhưng nếu đổ hết cho khâu ‘kiểm duyệt’ thì cũng thật là quá đáng, bởi lẽ một sự thật không thể phủ nhận, người dân Việt Nam vẫn chưa quen tiếp cận với loại hình văn hóa này.
Ai cũng biết là ‘cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức để một tác phẩm hội họa khỏa thân đẹp, chính đáng, có ý nghĩa và chất lượng nghệ thuật đừng bị gọi, và bị đối xử như là ‘cái tranh cởi truồng đứng giữa ngã tư’, nhưng làm như thế nào thì lại chẳng ai biết.
Thế nên, sau rốt, ‘nghệ thuật cởi truồng’ ở Việt Nam vẫn đứng giữa ngã tư.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, sinh viên du học tại Anh.


Loạt tranh khỏa thân bị cấm treo trong cuộc triển lãm tháng 4.2009 của họa sĩ Nguyễn Kim Đính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét