Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009

Tiếng nói của lương tri

Tiếng nói của lương tri
TT - “Tại sao các vị lại chối bỏ trách nhiệm đối với dân tộc này?”. Câu hỏi của bà Trần Tố Nga đặt ra với chính phủ và các công ty Mỹ trong bài phát biểu với vai trò nhân chứng đã được đón nhận bằng những tràng pháo tay tán thưởng của khán phòng cả trăm người dự. Những tiếng nói của nhân chứng đã cất lên tại phiên tòa công luận quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam VN ở Paris ngày 15-5...
<<<: Dù bài viết chỉ về chất độc màu da cam nhưng liệu có ai sực nhớ tới lương tri từ một hành động dù vô tình hay hữu ý của mình . Chỉ một chữ ký, một cái bắt tay, biết đâu cả một vùng đất , đi cùng với người dân, văn hóa , sắc tộc ... mất đi . Vậy hãy nhớ tới lương tri.... một bài học, hơn 30 năm rồi, nỗi nhức nhối còn đó . Việt Nam một dân tộc bất hạnh với biết bao nỗi đau .... >>>
Thứ Bảy, 16/05/2009, 07:52 (GMT+7)

Phiên tòa công luận Quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam VN:

Tiếng nói của lương tri

(Tường thuật của phóng viên Tuổi Trẻ từ Paris, Pháp)

TT - “Tại sao các vị lại chối bỏ trách nhiệm đối với dân tộc này?”. Câu hỏi của bà Trần Tố Nga đặt ra với chính phủ và các công ty Mỹ trong bài phát biểu với vai trò nhân chứng đã được đón nhận bằng những tràng pháo tay tán thưởng của khán phòng cả trăm người dự. Những tiếng nói của nhân chứng đã cất lên tại phiên tòa công luận quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam VN ở Paris ngày 15-5...

Luật sư Jitendra Sharma, chủ tịch bồi thẩm đoàn, phát biểu tại phiên tòa - Ảnh: VÕ TRUNG DUNG

Phiên tòa khai mạc sáng 15-5 tại phòng Pierre Nicole của Trường Mỏ và cầu đường với phần việc chính là lắng nghe những câu chuyện thật của các nạn nhân chất độc da cam. Chân thực, thẳng thắn, đầy cảm xúc…

Nữ nhân chứng đến vào giờ chót

Bà Tố Nga, nhân chứng bất ngờ...
Bà Trần Tố Nga (Việt kiều Pháp) là nhân chứng đăng ký vào giờ chót và câu chuyện của bà là câu chuyện của bản thân, của những người bạn chiến đấu và của những nạn nhân mà bà giúp đỡ trong những năm gần đây với vai trò đại diện tại VN của Tổ chức Những cựu tù binh Pháp tại Đông Dương. Những chiếc khăn đã được rút ra chậm nước mắt khi nghe bà Nga kể về cậu thanh niên tật nguyền 20 tuổi đưa cánh tay cong queo chùi nước mắt cho bà khi bà chứng kiến tận mắt cảnh sống không thể nghèo hơn của cậu.

Trả lời câu hỏi của một thẩm phán về cảm giác phải hứng chịu đợt rải chất độc da cam khi ở Củ Chi, bà Nga nói: “Nó là đám mây trắng đục phủ xuống mặt đất. Chúng tôi đã ho, ho đến hết hơi”. Bà Nga đến phiên tòa không chỉ kể câu chuyện của mình mà còn của những đồng đội mà bà nhớ họ tên từng người. Họ đã không chết vì bom đạn trên chiến trường mà chết vì thứ chất hóa học khai quang nhiều năm sau đó. Chưa kể những đứa con bất hạnh không thể sống quá 3 tuổi vì cha chúng đã hít phải thứ khói màu trắng năm nào.

“Tôi nguyện dành những năm tháng còn lại của đời mình để giúp đỡ những người còn đang đau khổ vì bệnh tật ở VN”. Giọng bà Nga nghẹn lại như lời hứa tự thân đối với những số phận mà bà tận mắt chứng kiến. Đó còn là câu chuyện của người phụ nữ 40 tuổi “mà hom hem như một bà già” đang phải tảo tần nuôi hai đứa con ngớ ngẩn và người chồng phát bệnh tâm thần khi biết mình chính là nguyên do khuyết tật của các con. “Cô ta kể với tôi đã ba lần định tự tử nhưng dừng lại vào phút chót vì biết rằng sẽ không có ai chăm sóc được ba người thân bệnh tật của mình”.

Nhân chứng Phạm Thế Minh tại phiên tòa - Ảnh: VÕ TRUNG DUNG

Những câu chuyện chân thực

Không nhiều người trong số bảy thẩm phán ngồi trên bàn luận tội của phiên tòa công luận quốc tế đã có dịp tận mắt chứng kiến cảnh sống của những nạn nhân da cam VN, như thừa nhận của một vị trong số họ. Nhưng qua năm nhân chứng có mặt tại tòa, họ đã hiểu nhiều hơn thế nào là tác hại dài lâu của chất da cam.

* Bảy thẩm phán

- Chủ tịch bồi thẩm đoàn, luật sư Jitendra Sharma, thuộc Tòa án Tối cao Ấn Độ.

- Bà Marjorie Cohn, người Mỹ.

- Bà Claudia Morcom, người Mỹ.

- Ông Adda Bekhouche, người Algeria.

- Ông Gavril Iosif Chiuzbaian, người Romania.

- Ông Shoji Umeida, người Nhật.

- Ông Juan Guzman, người Chile.

* Hai luật sư nguyên đơn

- Bà Joanne Mirer, người Mỹ.

- Ông Roland Weyl, người Pháp.

Khi nhân chứng Mai Giảng Vũ, đến từ TP.HCM, dìu nhân chứng Phạm Thế Minh lên trình bày, cả khán phòng như lặng đi. Một người lính của chế độ cũ tại VN hỗ trợ đứa con của một người lính từng một thời nằm bên kia chiến tuyến với mình. Họ gặp nhau tại Paris bởi họ chính là nạn nhân của sự vô lương tâm của các công ty nằm bên kia Thái Bình Dương. Thế Minh trình bày bài làm chứng của mình bằng tiếng Anh chuẩn xác.

Một thẩm phán mời Minh bước ra để đoàn thẩm phán thấy rõ nỗi đau thể xác mà anh đang phải hứng chịu. Đôi chân tật nguyền của Minh run rẩy bước ra với cây gậy trên tay. Không cần nhiều lời giải thích. Không cần thêm những giọt nước mắt bởi cuộc đời của Minh, như trình bày trước tòa, đã chạm đến tận cùng nỗi đau. “Tôi là một người đàn ông 34 tuổi nhưng tôi đã bị tước đoạt quyền được sinh ra lành lặn, quyền được học hành, quyền được ước mơ, quyền được cống hiến”. Thấp thoáng đâu đó trong khán phòng là những đôi mắt đỏ hoe.

Câu chuyện của bà Rosemarie Mizo, vợ của cựu binh Mỹ George Mizo, cũng nhận nhiều sự chia sẻ. Câu chuyện của bà là câu chuyện không thể che giấu được của quân đội Mỹ. Chồng bà là người từng nhận nhiệm vụ rải chất khai quang. Chồng bà từng là người chứng kiến cảnh các binh sĩ Mỹ thảy những thùng chất độc còn thừa xuống khu dân sự sau khi kết thúc nhiệm vụ. “Họ đã giải thích với dân chúng rằng đó là chất diệt muỗi”.

Khi ông George bắt đầu nhận thức những điều tệ hại và phản ứng thì cũng là lúc ông đón nhận sự trả đũa của cấp trên: hai năm rưỡi tù và mất quyền trợ cấp cho cựu binh bị thương tật.

Vợ chồng bà Mizo không thể sống được ở Mỹ phải chuyển sang Đức. Từ đây cũng bắt đầu một chương mới trong cuộc đời họ: bù đắp lại phần nào những gì mà quân đội Mỹ đã gây ra tại VN. Họ đã đeo đuổi dự án Làng hữu nghị Vân Canh mà đến nay đã giúp nuôi nấng và chăm sóc sức khỏe cho hơn 2.000 nạn nhân chất độc da cam ở VN. Không đưa ra lời yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ nhận trách nhiệm và bồi thường như các nhân chứng VN, bà Mizo gửi đến phiên tòa thông điệp của chồng và cũng là phần việc mà bà đang đeo đuổi: “Ai ai cũng có thể góp tay để giúp đỡ cho thế giới này tốt đẹp hơn”.

Lời làm chứng của vợ góa cựu binh Mizo kết thúc bằng lời kêu gọi: “Tôi không chỉ đứng ở đây để phát biểu trong vai trò nhân chứng. Tôi đến đây để kêu gọi mọi người hãy hành động, hãy nắm tay nhau giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam tại VN”.

THANH LIÊM - VÕ TRUNG DUNG (từ Paris)

Bà Rosemarie Mizo: “Mọi người hãy hành động” - Ảnh: Võ Trung Dung

"Chúng tôi từng ủng hộ cuộc đấu tranh của dân tộc VN chống lại sự xâm lược của Mỹ. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh của các nạn nhân chất độc da cam VN đòi bồi thường từ phía chính quyền Mỹ và các công ty hóa học Mỹ đã sản xuất các chất độc hại và rải xuống VN"

Luật sư Jitendra Sharma
(chủ tịch Hội Luật gia dân chủ thế giới (AIJD),
chủ tọa phiên tòa công luận quốc tế vì nạn nhân
chất độc da cam VN)

"Chúng tôi không đồng ý cách lẩn tránh trách nhiệm của chính phủ và các công ty Mỹ đối với các nạn nhân da cam VN. Các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ đã biết rõ tác hại của chất dioxin, vậy mà họ lẩn tránh phúc đáp lệnh triệu tập của phiên tòa này. Kẻ vi phạm phải bồi thường. Đó là luật. Chúng ta sẽ không dừng bước, chúng ta phải đi đến bản cáo buộc yêu cầu các công ty Mỹ phải bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân da cam VN, buộc Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm hỗ trợ tẩy rửa, khôi phục môi trường do ảnh hưởng dài lâu của các chất khai quang tại VN"

Luật sư Roland Wyel (phó chủ tịch AIJD)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét