Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

Hà Nội, đâu rồi những cây cầu xe đạp?

Hà Nội, đâu rồi những cây cầu xe đạp?
(Toquoc)- Hà Nội trước đây có hai cây cầu dành cho xe thô sơ để đi sang nội đô là Long Biên và tầng dưới cầu Thăng Long. Thế nhưng hình ảnh của dòng người đạp đều đều trên những vòng tròn ngược xuôi in đậm hai đầu cầu giờ không còn nữa. Dấu ấn của ngày xưa sẽ đi vào quá khứ vì cả hai cây cầu này đã không còn là của riêng xe đạp.

Chứng kiến nhiều thăng trầm của Hà Nội phải kể đến cây cầu hơn trăm tuổi: Cầu Long Biên. Đi qua chiến tranh với nhiều vết thương được hàn gắn, cầu Long Biên như một cơ thể bề bỉ sức sống và sức chịu đựng để làm tròn nghĩa vụ của mình.

Cầu Long Biên ngày nay (ảnh Ngọc Thành)

















Bất kỳ một con sông nào, dù đẹp đẽ, rộng lớn và huyền bí bao nhiêu thì cũng dễ trở thành con đường cùng nếu không có những chiếc cầu bắc qua. Vì thế, không phải ngẫu nhiên hình ảnh chiếc cầu hiện diện trên mọi con sông cũng được ví von với những bờ vui đang được nối liền. Cầu Long Biên cũng vậy. Đi gần hết Gia Lâm (cũ) với cái cảm giác đường ở ngoại thành xa lắc, gặp một con dốc nhỏ chạy vòng vòng giục giã những bánh xe đi nhanh hơn để bất ngờ rẽ trái lên cầu. Và chỉ cần đi qua cầu như qua điểm giao cuối cùng ở ngoại thành với cây cỏ, sông nước ao hồ là bắt gặp sự sôi động của đời sống đô thị. Mọi thứ phô bày trước mắt cứ vỡ ra, đối lập hẳn với những gì ở bên kia cây cầu.
Cầu Long Biên (ảnh Vân Khánh)


















Cầu Long Biên không giống với các cây cầu của Hà Nội dù được phân chia thành hai chiều đi - về, nhưng đúng đường bao giờ cũng là làn đường “tay trái”. Cũng chẳng biết vì sao, rõ ràng ai cũng biết đó là cây cầu in đậm dấu vết của người Pháp nhưng lại được bố trí giao thông giống như nước Anh?

Những cây cầu dành cho xe đạp - trong đó có cầu Long Biên còn được nhiều người gọi bằng cái tên thân thuộc: Cầu của người nghèo. Nói như vậy là để so sánh với các cây cầu song song dành cho xe cơ giới. Nếu như trước đây, nhìn vào mật độ đi lại của hai cây cầu này thì sẽ thấy người nghèo - người đi xe đạp rất nhiều và hơn hẳn cầu Chương Dương cũng như tầng trên của cầu Thăng Long. Trên mỗi chiếc xe đạp đi trên cầu còn được đèo thêm người ngồi phía sau đủ để thấy ai đó có riêng một chiếc xe cũng thật đáng quý. Nhưng rồi cuộc sống của con người thay đổi nhanh chóng, những chiếc xe bạch phếch, đeo biển số đã dần dần vắng bóng và được thay thế bằng phương tiện khác, tiện ích cho việc đi lại hơn.

Xuất hiện muộn hơn, nên cầu Thăng Long trông cũng hiện đại hơn với kiến trúc hai tầng và tạo những đường cong bay lượn thật đẹp, bắc ngang hai bên bờ sông Hồng, thấp thoáng những trảng cát, thuyền bè và rặng cây xanh ngắt đúng như tên gọi rồng bay của chữ Thăng Long.

Cầu Thăng Long ngày nay (ảnh Ngọc Thành)

















Tôi đồ rằng, những ai được sinh ra ngay sau ngày giải phóng miền Nam đều ít nhất có một vài lần đi qua hai cây cầu Thăng Long và Long Biên bằng xe đạp với nhiều cảm xúc khác nhau. Còn những người trẻ tuổi thì có lẽ nhìn cây cầu Long Biên bằng sự xót xa, lỡ cỡ với Hà Nội đang từng ngày đổi mới, với dòng người và phương tiện đi trên đó. Hoặc chỉ là sự tạt ngang, rẽ tắt cho tiện, cho nhanh mỗi khi cầu Chương Dương quá tải, tắc đường chứ không mấy ý niệm về “cây cầu dành cho người nghèo”. Cũng như khi họ đã quen với những phương tiện hiện đại đi trên tầng cầu Thăng Long không hề biết rằng ngay cả tầng dưới giờ đã thay đổi.

Sự phân biệt của phương tiện giao thông qua hai cây cầu không đơn giản chỉ là sự qua lại của xe đạp - xe máy, nó còn mang nhiều ý nghĩa khác. Đó là tất yếu phải diễn ra mà có lẽ ngay cả những người đặt nền móng xây dựng cây cầu cũng không nghĩ tới. Một xã hội mà phương tiện xe máy lấn át và có quá ít người đi xe đạp, người đi bộ thì phải thay đổi. Nếu cứ khư khư giữ sự tồn tại của cây cầu trong hoàn cảnh cũ thì chắc hẳn Long Biên và Thăng Long sẽ lãng phí trong một nghịch cảnh với hai cây cầu song song nó.

Có ai làm phép tính để đếm xem một ngày mỗi cầu có bao nhiêu lượt xe thô sơ đi qua thì chắc hẳn sẽ không khỏi giật mình vì nó cũng đang bị xe máy lấn át. Người ta có thể nhìn mắt thường để kết luận về hiện tượng này bằng nụ cười xoa dịu, rằng: người nghèo đã ít đi?. Nhưng không hẳn vậy. Phải quan sát vào sáng sớm, vào chiều muộn và cả quãng trưa ngắn ngủi mới thấy gương mặt của những con người lam lũ trên chiếc xe đạp. Và hình ảnh chiếc xe đạp ấy không còn giống như ngày trước để đi lại. Xe đạp ngày hôm nay là phương tiện để mưu sinh. Đó là những vòng quay gấp gáp của chị chở sọt rau, của anh bán than tổ ong đen đúa và nặng nhọc trong ngày mưa bất chợt vội vã che cho than, của cô chở nước rác bằng chiếc thùng tự làm từ hai cái can nhựa ằng ặc nước nhưng chứ chăm chăm nhìn xuống mặt đường gồ ghề sợ nó sánh ra. Là vết chân chai sạm của người đàn bà đội thúng bánh mì trên đầu với câu rao lạc lõng, bước thấp bước cao đi sát vào mép cầu, là thúng ngô nóng hổi lệch một bên sườn đứa trẻ… Quả thật đã qua rồi năm tháng xe thô sơ lấn át xe cơ giới nhưng dường như thời nào cũng có những con người khốn khó trong cuộc mưu sinh. Họ có thể vẫn là người của hôm qua mãi chưa thay đổi được số phận của mình và cũng có thể của chính ngày hôm nay đang loay hoay và kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng sẽ đến.

Hà Nội vắng bóng những cây cầu dành cho xe thô sơ không gây ngỡ ngàng cho nhiều người. Và chắc chỉ có ai quá nhiều cảm xúc mới thấy trong lòng mình vương vấn những hồi cố xa xăm để chạnh lòng luyến tiếc. Với họ, Hà Nội đang mất đi nét riêng của từng cây cầu đã in đậm dấu ấn một thời. Giờ đây các cây cầu bắc qua sông Hồng sẽ chẳng khác nhau là mấy…
-----------------
Nhớ thật những buổi chiều ra sông Hồng nghịch cát, lội nước ..........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét