Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

Bậc thầy thuật hóa kim [1]

Bậc thầy thuật hóa kim [1]

Nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha
Chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh của Alan R. Clarke

Lời người dịch

Câu chuyện này được dịch ra để tặng những thằng con trai và đứa con gái Việt mười lăm mười bảy tuổi, và cũng để tặng cho bất kỳ ai muốn có được một câu chuyện hay để đọc. Người dịch đọc được câu chuyện này lần đầu khi đã ba mươi mấy tuổi, và ước gì mình đọc được nó ở cái tuổi mới lớn đó. Cuộc đời hẳn sẽ đã khác. Tuổi mới lớn của lứa người dịch trùng với cái giai đoạn cuối trào của một thời mông muội vốn tác họa đến tận giờ. Đó là một trải nghiệm không may, đầy đau khổ và sự mất mát, đặc biệt về tinh thần, cho tuổi trẻ. Nhưng, để vượt thắng, cần phải biết nhận ra sự sống ở sa mạc. Người dịch hy vọng lứa người trẻ tuổi hiện đang đi trên con đường riêng của mình sẽ tìm thấy ở áng văn này của Paulo Coelho những suy ngẫm và sự khích lệ cần thiết, như các lứa trước đây đã tìm ra hứng khởi từ Hoàng Tử Nhỏ.

Thực ra đây không phải là một bản dịch đúng nghĩa vì nó không được dịch thẳng ra từ nguyên tác O Alquimista tiếng Bồ Đào Nha của tác giả Paulo Coelho. Đây chỉ là một bản dịch theo bản The Alchemist tiếng Anh của dịch giả Alan R. Clarke, được nhà HarperOne xuất bản năm 1993 ở Mỹ. Vì vậy, đây chỉ là một bản dịch theo cái cách mà người dịch cảm được từ bản tiếng Anh. Trong khi chờ hoài không thấy một bản dịch ra tiếng Việt thẳng từ nguyên tác tiếng Bồ — hy vọng là mình sai — người dịch đã không cưỡng được cái cám dỗ dịch câu chuyện ra tiếng Việt theo bản tiếng Anh. Hy vọng không tam sao thất bổn.

Với người lớn, xin dẫn lại một ý của Susan Sontag: cần tới sức gợi cảm của nghệ thuật để diễn giải. Chắc chắn một ai đó sẽ không thất vọng nếu muốn làm điều đó với áng văn này. Nhưng, để làm chi! Hãy để cho câu chuyện quyến rũ mình, theo cách của nó. Tác giả biết tuổi trẻ đọc chuyện theo lối tự nhiên đó.

Giờ, xin mời mọi người thưởng thức.

Mi Khê
Plano. 03/2008

DẪN

Bậc thầy thuật hóa kim lượm lên một quyển sách ai đó trong đoàn lữ hành đã đem theo. Lướt qua các trang sách, ông thấy chuyện Narcissus.

Ông có biết câu chuyện thần thoại về Nacissus, cái anh chàng hằng ngày quỳ bên bờ hồ để ngắm nghía vẻ đẹp của chính mình. Chàng ta mê mình đến nỗi một sáng nhào đầu xuống hồ và chết đuối. Ở chổ chàng ta chết, một loài hoa mọc lên và được gọi là hoa narcissus.

Nhưng đây không phải là cách tác giả sách kết thúc câu chuyện.

Tác giả nói khi Narcissus chết, các nàng tiên ở rừng hiện ra và nhận thấy hồ nước, vốn ngọt thanh, đã hóa thành hồ nước mắt mằn mặn.

“Sao hồ khóc?” những nàng tiên hỏi.

“Em khóc Narcissus,” hồ nước trả lời.

“À, chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì hồ khóc Narcissus,” những nàng tiên nói, “vì tụi mình lúc nào cũng đuổi theo chàng trong rừng, nhưng chỉ có một mình hồ được nhìn ngắm chàng cận kề thôi.”

“Nhưng… Narcissus có đẹp không?” hồ nước hỏi.

“Ngoài hồ ra thì còn ai rành hơn nữa?” các nàng tiên tư lự. “Chẳng phải chàng quỳ bên hồ mỗi ngày để ngắm mình đó sao.”

Hồ nước im lặng một lúc, rồi nói:

“Em khóc Narcissus, nhưng em chưa hề để ý là Narcissus đẹp. Em khóc bởi vì mỗi lần chàng quỳ bên em, em thấy được, sâu trong đáy mắt chàng, vẻ đẹp của chính mình phản chiếu lại.”

“Một câu chuyện đáng yêu,” ông nghĩ.

PHẦN MỘT

Thằng con trai tên Santiago. Chiều buông khi nó cùng đàn cừu tới được một ngôi nhà thờ bỏ hoang. Mái đã sạt từ lâu, và một gốc ngô đồng bự chảng mọc ngay chỗ cái buồng thiêng.

Quyết định ngủ qua đêm ở đây, nó kiểm lại cho chắc là toàn bộ đàn cừu đã theo vô hết qua cái cổng đổ nát, rồi ngáng những thanh gỗ qua để ngăn cừu khỏi lạc ra trong đêm. Vùng này không có chó sói, nhưng một khi có con cừu nào đi lạc trong đêm, thì thằng con trai phải bỏ cả ngày để đi tìm nó.

Nó phủi sàn bằng cái áo khoác và nằm xuống, dùng quyển sách vừa mới đọc xong làm gối. Nó đã tự nhủ là phải bắt đầu đọc những quyển dày hơn: đọc lâu hơn, và làm gối tốt hơn.

Trời vẫn còn tối khi nó tỉnh dậy. Nhìn lên trời, nó thấy ánh sao xuyên qua cái mái sạt hết một nửa.

Mình muốn ngủ thêm được chút nữa, nó nghĩ. Nó thấy lại giấc mơ hồi tuần trước, và một lần nữa lại tỉnh dậy trước khi giấc mơ kết thúc.

Nó đứng dậy và lấy cây móc, đánh thức đàn cừu còn đang ngủ. Nó đã để ý, ngay khi nó tỉnh dậy, phần lớn đàn cừu cũng đã bắt đầu lay động. Dường như có một thứ năng lực huyền bí nào đó ràng buộc nó với đàn cừu nó dắt đi tìm cỏ và nước suốt hai năm nay. “Tụi nó quen mình đến nỗi biết được cả giờ giấc của mình,” nó lẩm bẩm. Ngẫm nghĩ điều đó một chút, nó chợt nhận ra cũng có thể ngược lại lắm: thiệt ra thì nó mới là kẻ quen giờ giấc của chúng.

Nhưng có một cái chắc về đàn cừu là mất nhiều thì giờ hơn để làm cho tụi nó tỉnh dậy. Nó lấy cây móc chọt từng con, gọi từng tên. Nó luôn tin là cừu hiểu được tiếng mình. Vì vậy, có lúc nó đã đọc cho chúng nghe nhiều đoạn trong các quyển sách gây ấn tượng cho mình, hoặc kể chúng nghe nỗi cô đơn hoặc niềm hạnh phúc của đứa chăn cừu ngoài đồng. Đôi khi nó bình phẩm với chúng về những thứ nó thấy được trong những ngôi làng chúng đi ngang qua.

Nhưng hổm rày nó nói với chúng chỉ một điều: đứa con gái con một ông chủ tiệm sống ở cái làng chúng sẽ đến trong khoảng bốn ngày nữa. Nó tới làng này độc một lần hồi năm ngoái. Ông chủ tiệm vải luôn đòi nó phải cạo lông cừu ngay trước mắt để khỏi bị lừa. Một thằng bạn nói cho nó biết cái tiệm, và nó dắt bầy cừu tới đó.

*

“Tôi cần bán một mớ lông cừu,” thằng con trai nói với ông chủ tiệm.

Cửa tiệm đang bận rộn, và ông ta kêu nó đợi tới chiều. Vì vậy thằng con trai ngồi chờ trên bậc thềm và lấy một quyển sách ra khỏi túi.

“Em chưa thấy anh chăn cừu nào biết đọc hết,” một giọng con gái cất lên từ phía sau lưng.

Cô là đứa con gái tiêu biểu của miền Andalusia, với mái tóc đen dài, và đôi mắt mơ hồ gợi lại những kẻ chinh phục gốc Ả Rập.

“Ơ, thường thì anh học được từ đám cừu nhiều hơn là từ sách vở,” nó trả lời. Trong suốt hai tiếng ngồi nói chuyện với nhau, cô nói cô là con ông chủ tiệm, và kể về đời sống ở làng, cái nơi mà ngày nào cũng giống y như mọi ngày khác. Thằng chăn cừu kể cô nghe về miền quê xứ Andalusia, và thuật lại tin tức từ các phố thị nó đã ghé lại. Thú vị hơn nói chuyện với lũ cừu nhiều.

“Sao anh biết đọc?” có lúc cô gái hỏi.

“Như mọi người khác,” nó trả lời. “Ở trường.”

“Ô, nếu anh biết đọc, sao anh chỉ là một kẻ chăn cừu?”

Thằng con trai lí nhí một câu trả lời để né câu hỏi của cô gái. Nó biết chắc là cô sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi. Nó bèn kể tiếp những câu chuyện phiêu du của mình, và đôi mắt Ả Rập sáng ngời của cô mở to với vẻ ngạc nhiên và lo sợ. Khi thời gian lướt qua, thằng con trai ước gì cái ngày này không bao giờ dứt và cha cô cứ bận hoài để nó phải chờ tới ba ngày nữa. Chợt nó nhận ra nó cảm thấy có một điều gì đó nó chưa hề biết tới: nỗi ao ước được sống mãi ở một nơi. Với cô gái có mái tóc đen này, ngày giờ của nó sẽ không bao giờ như trước nữa.

Cuối cùng thì ông chủ tiệm hiện ra, và kêu nó cạo lông cừu. Ông trả tiền và dặn nó năm sau trở lại.

*

Giờ chỉ còn bốn ngày nữa là nó sẽ trở lại ngôi làng đó. Nó thấy bồn chồn, và cùng lúc bứt rứt: có lẽ cô đã quên nó. Nhiều tên chăn cừu đã đi qua làng để bán len.

“Không sao hết,” nó nói với bọn cừu. “Ta biết mấy đứa con gái nữa ở mấy chỗ khác.”

Nhưng trong thâm tâm nó biết là chuyện hệ trọng. Nó biết tụi chăn cừu, cũng như đám thủy thủ và bọn bán hàng rong, luôn tìm được cái nơi có một người sẽ làm chúng quên đi niềm hoan lạc của lang thang vô tư lự.

Ngày đang hừng lên. Thằng chăn cừu thúc đàn cừu đi theo hướng mặt trời. Chúng chẳng bao giờ phải lấy một quyết định nào, nó nghĩ. Có lẽ đó là sao chúng luôn ở kề bên mình.

Thứ duy nhất chúng quan tâm là cỏ và nước. Chừng nào mà thằng con trai biết cách tìm ra được những bãi cỏ tốt nhất ở miền Andalusia thì chúng sẽ là bạn của nó. Đúng vậy, ngày nào của chúng cũng như nhau, với giờ giấc dường như bất tận giữa bình minh và hoàng hôn; và chúng không bao giờ đọc một quyển sách trong tuổi thanh xuân của mình, và không hiểu gì khi thằng con trai kể chúng nghe về quan cảnh các thành phố. Chúng thấy thỏa mãn chỉ với cỏ và nước, và đổi lại, chúng rộng lượng cho lại len của mình, sự bầu bạn, và — thỉnh thoảng — thịt.

Nếu hôm nay mình hóa thành quái vật, và quyết định giết chúng, từng con một, chúng chỉ tỉnh ra sau khi gần nguyên đàn đã bị sát hại, thằng con trai nghĩ. Chúng tin mình, và quên mất làm sao để dựa vào chính bản năng của chúng, bởi vì mình nuôi chúng mập mạp.

Thằng con trai thấy ngạc nhiên với chính những suy nghĩ của mình. Có lẽ ngôi nhà thờ, có cây ngô đồng mọc bên trong, có ma. Ma khiến cho nó mơ cùng một giấc mơ tới hai lần, và ma khiến nó cảm thấy giận dữ với những người bạn tin cậy của mình. Nó uống chút rượu vang sót lại từ bữa ăn đêm qua, và kéo áo khoác chặt hơn vô mình. Nó biết trong vài giờ nữa, khi mặt trời lên tới đỉnh, sức nóng sẽ ghê đến mức nó không thể dắt nổi đàn cừu băng qua đồng. Đó là giấc toàn cõi Tây Ban Nha ngủ trong suốt mùa hè. Cơn nóng kéo dài cho tới khi đêm xuống, và suốt khoảng thời gian đó nó phải đeo theo cái áo khoác. Nhưng khi nó sắp sửa càm ràm sức nặng của cái áo khoác, nó nhớ ra, nhờ có cái áo khoác, nó chống chọi được với cái lạnh buổi ban mai.

Chúng ta phải được chuẩn bị để ứng phó với các biến đổi, nó nghĩ, và thấy biết ơn cái áo khoác ấm và nặng.

Cái áo khoác có một mục đích, và thằng con trai cũng vậy. Mục đích của đời nó là phiêu du, và sau hai năm đi trên đất Andalusia, nó biết hết các phố thị trong miền. Nó dự tính chuyến viếng thăm này là để giảng giải cho cô biết cái chuyện một đứa chăn cừu biết đọc nó mới đơn giản ra làm sao. Là nó đã học ở trường dòng cho tới lúc mười sáu tuổi. Cha mẹ nó muốn nó trở thành linh mục, vốn là niềm kiêu hãnh cho một gia đình thôn dã. Họ làm việc cực khổ chỉ để có được đồ ăn và thức uống, như loài cừu. Nó đã học tiếng Latin, tiếng Tây Ban Nha, và thần học. Nhưng từ hồi nhỏ, nó đã muốn biết được thế giới, và với nó cái này quan trọng hơn biết được đấng Trời và tội lỗi của con người nhiều. Một chiều nọ, trong chuyến về thăm nhà, nó lấy hết can đảm nói với cha là nó không muốn thành linh mục. Nó muốn phiêu du.

*

“Người từ khắp thế gian đã đi ngang qua ngôi làng này đó con,” cha nó nói. “Họ đến để tìm kiếm những điều mới lạ, nhưng khi đi khỏi làng họ chẳng khác gì mấy so với lúc họ tới. Họ leo lên núi để coi tòa lâu đài, rồi rốt cục cho là quá khứ tốt hơn hiện tại. Tóc họ vàng, hoặc da họ đen, nhưng căn bản họ cũng y như người sống ở đây.”

“Nhưng con muốn coi các tòa lâu đài ở những thành phố họ sống,” thằng con trai giải thích.

“Mấy người đó, khi thấy được xứ mình, nói họ muốn sống ở đây mãi mãi,” cha nó tiếp tục.

“Ơ, con muốn thấy được xứ họ, và coi họ sống ra sao,” đứa con nói.

“Mấy người tới đây có bộn tiền xài, vì vậy họ mới đi du lịch được,” cha nó nói. “Trong đám người mình, những kẻ duy nhất có thể phiêu du là bọn chăn cừu.”

“Ô, con sẽ làm một thằng chăn cừu!”

Cha nó không nói gì nữa. Hôm sau, ông đưa nó cái túi có chứa ba đồng tiền vàng Tây Ban Nha thời cổ.

“Cha tìm được mấy đồng tiền này ngoài đồng. Cha muốn chúng là một phần gia tài con sẽ thừa hưởng. Nhưng thôi, dùng nó để mua bầy cừu. Đi đi, rồi có ngày con sẽ biết ra quê mình đẹp nhất, và đàn bà mình cũng đẹp nhất.”

Và ông chúc con trai mình may mắn. Đứa con trai thấy được trong ánh mắt cha mình cũng có nỗi khát khao phiêu du khắp thế gian — một niềm ao ước vẫn còn sống động, dù cha nó cố giấu, hàng chục năm qua, dưới gánh nặng của cuộc vật lộn để có được miếng ăn, thức uống, và một mái nhà tối về ngủ.

*

Chân trời ửng đỏ, và bất thình lình mặt trời ló lên. Thằng con trai nhớ lại cuộc nói chuyện với cha, và cảm thấy sung sướng; nó đã coi được nhiều toà lâu đài, và gặp được nhiều người đàn bà (nhưng không ai bằng được cô gái nó đang mong gặp lại trong vài ngày nữa). Nó có được cái áo khoác, một quyển sách dùng để đổi lấy một quyển khác được, và một đàn cừu. Nhưng, quan trọng hơn hết là mỗi ngày nó được sống hết mình cho giấc mơ phiêu du. Nếu nó chán những cánh đồng của Andalusia, nó có thể bán đàn cừu và ra biển. Đến lúc nó chịu hết nổi biển nữa thì nó đã biết được nhiều thành phố khác, nhiều người đàn bà khác, và nhiều cơ hội khác để được vui thú. Mình chẳng thể nào tìm ra nổi đấng Trời trong cái tu viện, nó nghĩ, khi ngắm mặt trời lên.

Tiện lúc nào là nó tìm một con đường mới để đi lúc đó. Trước đây, nó chưa hề tới cái nhà thờ đổ nát đó, dù qua lại phần đó nhiều lần. Thế gian này rộng vô cùng; nó chỉ việc cho đàn cừu tự đi, và nó sẽ khám phá được nhiều điều thú vị khác. Vấn đề là đàn cừu không biết được cứ mỗi ngày chúng lại đi trên một con đường mới. Chúng không thấy được là các cánh đồng lạ hoắc và trời đổi mùa. Chúng chỉ biết có cỏ và nước.

Có lẽ tất cả chúng ta đều như vậy, thằng con trai tư lự. Ngay mình cũng vậy — mình chưa hề nghĩ đến đàn bà cho tới khi gặp được cô con gái ông chủ tiệm. Ngước nhìn mặt trời, nó tính là sẽ tới được Tarifa trước giữa trưa. Ở đó, nó có thể đổi sách lấy một quyển dày hơn, đổ đầy bình rượu vang, cắt tóc cạo râu; nó phải chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với cô, và nó không muốn nghĩ tới cái khả năng mấy đứa chăn cừu khác, có đàn cừu lớn hơn, đã đến đó trước và dạm hỏi.

Cái khả năng biến được giấc mơ thành hiện thực khiến đời sống trở nên thú vị, nó nghĩ, khi ngước nhìn vị trí mặt trời lần nữa, và bước nhanh hơn. Nó chợt nhớ ra, ở Tarifa, có bà già lý giải được các giấc mơ.

[CÒN TIẾP]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét