Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

Lại không được nhập cảnh Việt Nam


08/04/2009 | 10:45 chiều |

Tác giả: Nguyễn Hưng Quốc

Chuyên mục: Tổng hợp
Thẻ: Không đủ điều kiện nhập cảnh

Lần này chuyến đi Việt Nam của tôi được tiến hành một cách khá bí mật. Trừ vợ con và một số ít đồng nghiệp ở đại học nơi tôi dạy, tôi không hề hé môi với bất cứ ai cả. Người quen: không. Bạn bè: không. Ngay với thân nhân của tôi, trong đó có ba tôi, người lúc nào cũng khắc khoải mong gặp lại tôi “lần cuối” - theo chữ ông thường dùng - tôi cũng giấu bặt. Tôi định chỉ thông báo cho mọi người biết khi tôi đã đặt chân an toàn trên đất Việt Nam.

Thật ra, chuyến đi cũng chẳng có một “sứ mệnh” gì đặc biệt đến nỗi phải giữ bí mật đến như vậy. Tôi chỉ về Việt Nam để tham dự một cuộc hội nghị quốc tế do đại học Monash ở Úc và Đại Học Mở ở Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề của cuộc hội nghị rất hiền lành: Vai trò của ngôn ngữ và giáo dục đa văn hoá trong việc giáo dục các cộng đồng địa phương trong nền kinh tế toàn cầu (The role of language and multicutural education in educating local communities in global economies) dự định được tổ chức trong hai ngày 7 và 8 tháng 4. Bài tham luận tôi sẽ trình bày cũng rất hiền lành: “Việc bảo tồn tiếng Việt tại Úc: nhìn từ kinh nghiệm của các gia đình hôn nhân dị chủng Việt Úc” (Vietnamese language maintenance in Australia: A perspective from cross-language Australian - Vietnamese families). Đây là một phần trong dự án lớn được trường Đại Học Victoria ở Melbourne tài trợ để nghiên cứu trong năm 2008. Kết quả các cuộc điều tra dân số trong nhiều năm qua cho thấy: tiếng Việt là một trong vài ngôn ngữ cộng đồng được bảo tồn tốt nhất tại Úc. Tỉ lệ những người Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh như ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình rất thấp; ở thế hệ thứ hai cũng thấp; thấp hơn hẳn các ngôn ngữ cộng đồng lớn khác ở Úc. Số lượng học sinh học tiếng Việt tại các trường ngôn ngữ sắc tộc ở Melbourne rất cao, chỉ đứng sau tiếng Hoa (gồm cả tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại). Nhưng đó là trong các gia đình Việt Nam. Còn trong các gia đình hôn nhân dị chủng giữa người Việt và người Úc thì sao? Ở đây cũng có điều cần ghi nhận: cộng đồng Việt Nam là cộng đồng ít lấy người nước ngoài nhất tại Úc: ở thế hệ thứ nhất, tỉ lệ người Việt có vợ hay chồng khác chủng tộc chỉ khoảng 8 hay 9 phần trăm; ở thế hệ thứ hai chỉ khoảng 14%. Vấn đề tôi đặt ra trong đề tài nghiên cứu của mình là: Con cái trong các gia đình hôn nhân dị chủng này có biết nói tiếng Việt hay không? Nếu có, tại sao? Và mức độ thông thạo đến đâu? Vai trò của cha mẹ trong việc duy trì tiếng Việt của con cái như thế nào? V.v… Để trả lời các câu hỏi ấy, tôi và các phụ tá nghiên cứu đã phỏng vấn 14 gia đình. Phỏng vấn bố. Phỏng vấn mẹ. Phỏng vấn con. Tư liệu thu nhặt được khá phong phú. Đủ để phân tích và đi đến một số phát hiện thú vị liên quan đến quan niệm của bố mẹ, người Việt và người Úc, về vấn đề song ngữ (bilingualism) và vấn đề bản sắc song văn hoá (bicultural identity).

Tôi giữ bí mật cũng không phải vì có âm mưu gì ghê gớm cần giấu giếm cả. Không. Ngoài việc tham dự hội nghị, nếu có chương trình gì khác, chắc chắn cũng chỉ quanh quẩn trong mấy việc quen thuộc: đi mua sách, đi bát phố, gặp gỡ và tán dóc với thân nhân và bạn bè. Vậy thôi. Tôi giữ bí mật chỉ vì dè dặt. Dè dặt chỉ vì một kinh nghiệm cay đắng đã từng xảy ra vào cuối năm 2005, lúc tôi dẫn một đoàn sinh viên Úc về Việt Nam du khảo. Lần ấy, tôi cũng có visa. Vậy mà đến phi trường Tân Sơn Nhất vẫn bị từ chối nhập cảnh, cuối cùng, phải bay ngược về lại Úc, bỏ mặc đám sinh viên Úc ngơ ngác ở phi trường, không biết chuyện gì xảy ra với thầy của mình, và cũng không biết làm gì ở một đất nước, với phần lớn các em, hoàn toàn xa lạ. Lần ấy, không ai cho tôi biết lý do tại sao tôi bị cấm vào Việt Nam. Trong biên bản, phần lý do, công an cửa khẩu chỉ ghi mấy chữ: “Theo lệnh trên”. Trên là ai? Và lệnh ấy là gì? Không ai cho biết. Về lại Úc, trường đại học nơi tôi công tác, viết thư lên Toà Đại Sứ Việt Nam để hỏi, cũng chẳng có ai trả lời, bất chấp những quy tắc ngoại giao và xã giao tối thiếu.[i]

Chuyện xảy ra năm 2005 cũng có thể xảy ra bây giờ. Tôi biết vậy. Nhưng tôi vẫn muốn thử. Trước hết, tôi cho việc cấm tôi nhập cảnh vào Việt Nam năm 2005 chỉ là một quyết định vu vơ, chẳng có lý do gì chính đáng, và do đó, càng không có lý do gì để kéo dài cả. Vả lại, tôi cũng nhớ Việt Nam. Nhiều thân nhân tôi còn ở đó. Nhiều bạn bè tôi còn ở đó. Quá khứ với gần 30 năm đầu tiên trong đời của tôi ở đó. Tiếng Việt, cái ngôn ngữ gần gũi nhất của tôi, cái làm cho tôi-là-tôi, cũng chủ yếu ở đó. Trên các ngả đường. Trong các tiệm ăn. Ở mọi nơi. Hơn nữa, đó cũng là quê hương của tôi, điều mà tôi tin là không có ai có thể dành độc quyền hay trấn lột được.

Khi được chính thức mời tham dự cuộc hội nghị, tôi gửi đơn xin nhập cảnh. Cũng chẳng hy vọng gì lắm. Cũng là một cách “thử” thôi. Không ngờ, mấy ngày sau, tôi lại nhận được visa với chữ ký của tham tán Toà Đại Sứ Việt Nam tại Úc, bà Hồ T. Phương Thảo. Cẩn thận, tôi không kể với ai cả. Để khỏi làm “rách việc”, nói theo ngôn ngữ đang thông dụng trong nước. Nhưng trong lòng vẫn tự nhủ: chẳng có lý do gì để gặp trục trặc lần nữa. Bởi, tôi nghĩ, Toà Đại Sứ Việt Nam ở Úc thừa biết tôi là ai. Họ cũng thừa biết là tôi đã từng gặp trục trặc trong việc nhập cảnh lần trước. Chắc thế nào họ cũng “tham khảo” với Bộ Công An để tránh lặp lại cái điều đã từng xảy ra hồi cuối năm 2005.

Cuộc hội nghị chính thức diễn ra trong hai ngày 7 và 8 tháng Tư. Tối Thứ Hai, ngày 6, là buổi tiệc khoản đãi các diễn giả. Tôi muốn đến Hà Nội trước một ngày. Ngày ấy không có chuyến bay thẳng nào từ Melbourne đến Hà Nội. Nên tôi phải ghé lại Bangkok và phải mất thêm hai tiếng đồng hồ chờ đợi đổi chuyến bay, cộng thêm một tiếng rưỡi nữa để bay về Hà Nội. Tổng cộng là 12 tiếng. Mệt, nhưng nghĩ đến chuyện được gặp lại thân nhân và bạn bè, kể cũng vui.

Chiếc máy bay TC682 từ Bangkok hạ cánh xuống phi trường Nội Bài vào lúc 9:27 sáng Chủ Nhật 5/4. Phi trường quốc tế Nội Bài, với tôi, khá lạ. Lần đầu tiên tôi đến phi trường này là vào năm 1996, trên một chuyến bay từ Hong Kong. Sau đó, tôi về Việt Nam vài lần nữa, nhưng lần nào cũng ghé Sài Gòn trước, làm hết thủ tục nhập cảnh rồi mới bay ra Hà Nội, trên một chuyến bay nội địa. Bởi vậy, lần này, tôi thấy mọi sự đều mới mẻ. Từ cảnh đến người. Chỉ duy có một điểm chung nhất, ở tất cả các phi trường tại Việt Nam, từ quốc tế đến quốc nội: đó là gương mặt lạnh lùng, vô cảm của các nhân viên hải quan. Đặt chân đến các nước khác qua ngả hàng không, điều chúng ta bắt gặp đầu tiên có thể là một nụ cười. Ở Việt Nam thì không. Tuyệt đối không. Gương mặt nào cũng lạnh tanh. Ánh mắt nào cũng lạnh tanh. Không khí chung quanh lạnh tanh.

Nhân viên hải quan ở quầy tôi đến mang bảng tên Đặng Tiến Dũng với mã số 008-688. Còn trẻ. Nhưng vẫn lạnh tanh. Dũng săm soi tờ hộ chiếu của tôi rất lâu. Rồi nhìn trên computer. Lại lật tới lật lui tờ hộ chiếu. Lại chăm chú đọc gì đó trên màn ảnh computer. Tôi linh cảm có gì không ổn. Nhưng vẫn kiên nhẫn chờ đợi. 10, rồi 15 phút trôi qua. Các hành khách trên chuyến bay từ Bangkok đã đi gần hết. Sau đó, Dũng đi gọi một nhân viên hải quan khác, mang bảng tên Dương Văn Huấn đến. Huấn cũng lại nhìn trên màn ảnh computer. Sau đó, Huấn cầm tờ hộ chiếu của tôi đi ra và bảo tôi đi theo. Đến phòng Công An Cửa Khẩu Nội Bài, Huấn bảo tôi ngồi chờ trên dãy ghế ngoài cửa rồi vào trong. Bằn bặt. Ngồi buồn, tôi mở điện thoại di động ra gọi cho một số người thân. Là, tôi đang chờ ở phi trường Nội Bài. Cả nửa tiếng đồng hồ sau, mới có một người mặc thường phục - sau này tôi biết tên là Lê Thao, đại diện hãng Hàng Không Thái Lan tại Việt Nam - ra hỏi tôi có hành lý không. Tôi bảo có. Thao bảo tôi ra ngoài lấy hành lý. Có mấy công an đi sau. Lúc ấy quầy hành lý đã vắng lắm. Chỉ có hai cái va-li của tôi chạy lòng vòng. Thao và một viên công an khác đẩy hành lý của tôi, cả bọn vào lại văn phòng công an cửa khẩu. Vẫn đứng ở ngoài cửa. Thao rút điện thoại di động nói chuyện với ai đó. Bảo, thu xếp gấp một vé máy bay đi Bangkok cho ông Nguyễn Ngọc Tuấn. Tôi vọt miệng hỏi: “Chuyện gì xảy ra cho việc nhập cảnh của tôi?” Thao đáp: “Em là đại diện của hãng Hàng Không Thái Lan. Em được công an cho biết là phải lo vé cho anh về lại Bangkok.” Tôi ngạc nhiên: “Nhưng tôi có visa vào Việt Nam mà?” Lúc ấy, một trong bốn, năm tên công an đứng chung quanh mới lên tiếng: “Nhưng nhà nước Việt Nam không hoan nghênh anh vào Việt Nam.” Tôi lặp lại câu nói vừa rồi: “Nhưng tôi đã được Toà Đại Sứ Việt Nam tại Úc cấp visa nhập cảnh vào Việt Nam rồi mà!” Viên công an ấy lại lặp lại câu nói vừa rồi: “Nhưng nhà nước không hoan nghênh việc nhập cảnh của anh.” Tôi ngạc nhiên thực sự: “Nếu vậy, tại sao Toà Đại Sứ Việt Nam ở Úc lại cấp giấy nhập cảnh cho tôi?” Viên công an ấy đáp: “Chuyện ấy thì anh về hỏi lại Toà Đại Sứ ở Úc.” Nói xong, viên công an ấy và mấy người khác kéo hành lý của tôi và giục tôi đi. Tôi hỏi: “Đi đâu?” Lê Thao dành đáp: “Anh lên máy bay về lại Bangkok. Chuyến bay đang chờ anh.” Tôi bảo đưa tôi xem giấy quyết định cấm tôi vào Việt Nam. Một viên công an chạy vào trong; một lát, chạy ra đưa tôi tờ biên bản đã ký sẵn, trừ chữ ký của “khách không đủ điều kiện nhập cảnh” - là tôi.[ii]

Đọc tờ biên bản, tôi mới thấy những câu “nhà nước Việt Nam không hoan nghênh việc nhập cảnh của anh” là câu đã được in sẵn. Họ chỉ lặp lại. Như vẹt.

Tôi điện thoại cho người đại diện Ban tổ chức cuộc hội nghị, báo tin tôi không được nhập cảnh. Chị bảo sẽ liên lạc ngay với công an. Tôi gọi điện thoại cho gia đình và một số bạn bè. Cũng để thông báo cái điều tương tự. Các công an cửa khẩu đứng kiên nhẫn nghe tôi trò chuyện. Xong, Lê Thao bảo: “Chúng ta đi.” Tôi sực nhớ lại cảnh tôi bị trục xuất ở phi trường Tân Sơn Nhất vào chiều Thứ Bảy 19 tháng 11 năm 2005. Lần đó, tôi ở phi trường đến hơn 5 tiếng. Trời oi bức lạ thường. Tôi phải vào toilet mấy lần để đi tiểu hoặc rửa mặt. Lần nào cũng có một, hai tên công an đi theo. Tôi rửa mặt, họ đứng bên cạnh. Tôi đứng đái, họ cũng ở bên cạnh. Thực tình, tôi chẳng biết họ canh chừng điều gì. Nhưng tôi không hề muốn lặp lại cái cảnh mình đứng đái có người kè kè bên cạnh. Tôi đứng dậy, đi theo Lê Thao.

Đó cũng là chiếc máy bay mới chở tôi từ Bangkok sang. Vẫn những cô tiếp viên cũ. Có người nhận ra tôi ngay. Tôi mới ngồi xuống ghế, chiếc máy bay đã lăn cánh ra phi đạo. Lúc ấy là 10:45 phút sáng. Tính ra, tôi chỉ ở phi trường Nội Bài đúng một tiếng 15 phút. Lúc máy bay cất cánh, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Lần tới… là bao giờ!” của Trần Tiến Dũng. Bài thơ được viết sau ngày tôi bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 2005, đã được đăng trên Tiền Vệ. Tôi lẩm nhẩm đọc, một mình, bài thơ trong trí nhớ:

mưa và nước đái chảy qua thành phố ngây ngất ướt

tiếp tục đi dưới mưa tháng mười hai

ngóng dòng sông người và ngó xuống

con cặc của mình chờ tới giờ đi đái với sự áp tải của hai gã công an

mọi sắc óng ánh đều lạnh sau gáy

tiếp tục đọc thơ và đái

và cầm cặc nhịp nhịp từng giọt

mừng tưng tưng rơi ướt từ ống quần đến mõm giày

rơi dài dài và nhớ lại

một bệt phân mùa cúm chim rớt trúng đầu

cái màu đỏ hắt nước mưa đầy mặt

nhớ lại đi em

mọi người sống trơ trơ trong đô thị tháng mười hai

những cái đầu trống rỗng đến mát mẻ

chúng ta là bạn tù

một người nào đó núp dưới cửa sổ đã gọi tên em

nhớ lại đi em

một thằng gieo mình vào vòng tay tuyệt vọng

thằng đó tin rằng nách em thơm như ngày xưa

lông nách và mùi nách không bao giờ có tuổi

chúng ta ở tù chưa đủ lâu để viết những câu cuối cho bài thơ

chưa đủ lâu để có cái la bàn và tranh cãi và cá độ

cửa nhà tù ở hướng nào trong cơn mưa của đôi mắt?

Nguyễn Hưng Quốc

Lần tới… là bao giờ!

được phép thăm nuôi người cha mỏng manh và bạn tù văn nghệ



về hai con nhỏ chân dài

ngây ngất ướt dưới tháng mười hai Sài Gòn

chúng ta tiếp tục đọc thơ và cá độ

hai con nhỏ dâm hết biết đó

tìm đường Tự Do hay chìm giữa hố người Đồng Khởi.

30/11/2005

Lúc ấy, tôi chợt nhớ là, trong suốt hơn một tiếng đồng hồ ở phi trường quốc tế Nội Bài, tôi chưa kịp đái một phát nào cả.

Thật tức.

Thôi, hẹn dịp khác vậy.

Melbourne ngày 7.4.2009

[i] Xem bài “Không được nhập cảnh vào Việt Nam!” đăng trên Tiền Vệ.

[ii] Hai trang trên passport với hai lần visa bị huỷ
----------
BBC cũng đăng tin:
Nguyễn Hưng Quốc không được nhập cảnh
Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc, Chủ nhiệm Ban Việt học, ĐHTH Victoria, Úc

Nguyễn Hưng Quốc nói ông bị trục xuất sau khi đặt chân xuống phi trường Nội Bài

Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc, tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Ban Việt Học, khoa Truyền thông và Nghệ thuật, thuộc Đại học TH Victoria của Úc vừa bị từ chối không được nhập cảnh tại sân bay Nội Bài hôm Chủ nhật ngày 5 tháng Tư vừa qua, mặc dù đã được Sứ quán Việt Nam tại Úc cấp visa.
...
"Cảm giác như bị lừa"

Ông cũng cho biết ngoài cảm giác ngỡ ngàng, hoang mang ban đầu thì sau đó là cảm giác buồn khi là một người Việt, đặt chân trên đất nước mình, quê hương mình, nơi mình tha thiết mong được trở về mà đã đặt chân tới nơi rồi lại bị từ chối.

"Tôi có lên tiếng phê phán chuyện này chuyện kia thì cũng từ góc độ của một nhà trí thức với thiện chí làm thế nào để xây dựng đất nước mình, văn học mình, văn hóa mình mỗi ngày một tốt hơn".

Nguyễn Hưng Quốc

Không những thế việc đã được cấp visa tại Úc và rồi không được phép nhập cảnh còn khiến ông có cảm giác như người bị lừa vì theo ông nếu không đồng ý cho ông vào thì đừng cấp visa chứ không nên cấp visa rồi khi tới cửa khẩu thì bảo rằng nhà nước không hoan nghênh và như vậy với ông câu chữ "Nhà nước không hoan nghênh" là hoàn toàn mơ hồ và thậm chí là vô nghĩa.

Tuy nhiên ông cho biết, nếu trong tương lai có một dịp nào đó có điều kiện thì ông sẽ lại xin visa và nếu có visa thì ông vẫn về Việt Nam vì đối với ông một điều rất đơn giản là Việt Nam là đất nước quê hương ông.

Ông Nguyễn Hưng Quốc sinh năm 1957, người Quảng Nam, vượt biên khỏi Việt Nam năm 1985, đầu tiên sang Pháp, sau đó định cư tại Úc từ năm 1991. Ông tốt nghiệp ngành sư phạm tại thành phố Hồ Chí Minh và lấy bằng tiến sĩ văn học tại ĐHTH Victoria, Úc. Tại ĐHTH Victoria, ông giảng dạy về ngôn ngữ, văn học, văn hóa và chiến tranh Việt Nam. Ông đã xuất bản một số tạp chí văn học hải ngoại như Văn, Văn Học, Hợp Lưu.v.v. và một số cuốn sách như "Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam", "Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản", "Văn học Việt Nam từ điểm nhìn hậu hiện đại", "Văn hóa văn chương Việt Nam", "Sống với chữ", "Mấy vấn đề phê bình và lý thuết văn học" .v.v.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét