Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Công nhân Việt Nam không lương gần 1 năm ở Mã Lai

Thanh Quang, phóng viên đài RFA 2009-04-09

Một nhóm gồm 31 công nhân Việt Nam làm cho công ty cơ khí Spectra Alucast ở Malaysia đã không nhận được đồng lương nào kể từ tháng 6 năm ngoái cho đến nay, khiến họ lâm cảnh cơ cực, đói khát ở xứ lạ quê người.

Công ty chỉ trả lương được 6 tháng đầu

Thưa qúy vị, sau khi chỉ được xem qua loa và rồi đặt bút ký hợp đồng một ngày trước khi phi cơ cất cánh, 31 lao động này, qua những đợt khác nhau, sau cùng đã đến xứ Malaysia để làm cho công ty cơ khí Spectra Alucast ở thành phố Klang (Bang Selangor).

Theo nhóm người lao động này, do những công ty cung ứng lao động ở VN đưa sang, thì 6 tháng đầu khi họ mới sang, công ty trả lương khá thỏa đáng với mức tương đương từ 225 Mỹ kim tới 280 Mỹ kim một tháng. Trong những tháng tiếp theo, họ bị công ty quịt lương, và chỉ khi nào đòi hỏi thì công ty mới tạm ứng mỗi người chút ít.

Tình cảnh của những lao động xuất khẩu này trở nên bi đát ngày càng đáng ngại khi kể từ tháng 6 năm ngoái cho đến nay, họ không nhận được đồng lương nào trong khi giới chủ nhân chẳng cần đếm xỉa đến họ. Bị rơi vào thế quá bức bách, một số trong nhóm công nhân này đã đình công trước thái độ mà họ cho là thách thức và tiếp tục bất chấp của công ty Spectra Alucast.

Hậu quả đến với 31 nạn nhân của chủ trương xuất khẩu lao động đó của Việt Nam ra sao?

Một trong số công nhân này mô tả :

- "Bọn em hơn 3 tháng nay rồi không có tiền ăn thì đi đào sắn để ăn. Lâu lâu thì có nhà thờ mua gạo về cho. Nếu mà tiền không có nữa thì có người lấy sắn để ăn."

Bây giờ chủ nhân có giải quyết gì không ?

- "Nó cũng chả thấy đến nói một câu gì cả. Nó vừa đến một lần và nó bảo ai muốn về nước? Bọn cháu bảo là bọn cháu muốn về nước, thì nó bảo rồi - thế về nước thì ký vào. Nhưng mà thấy nó bảo thế bọn cháu chắc là nó chỉ kiểm tra quân số thôi, chả thấy nói gì cả. Muốn về nước lắm nhưng mà không thấy nó nói gì, mà về nước thì không có tiền mua vé về. Đại Sứ Quán Việt Nam thì ai muốn về nước thì nó bảo nộp 1750 (ringgit) mới mua vé về được. Còn công ty Hantech ở bên Việt Nam đưa bọn cháu vào đây làm thì cháu gọi điện cho nó, nó nói được hai câu ba câu rồi nó tắt máy đi, nó không nghe máy nữa."

Và một công nhân khác trong nhóm cho biết thêm :

- "Bọn em là công nhân Việt Nam chuyển sang đây làm. Bọn em mới vào đây làm việc được một năm hai tháng nay rồi. Đầu năm 2008 vào làm thì công ty vẫn trả lương bọn em đều, cho tới tháng 6 thì nó trả thưa dần và không theo hợp đồng, thế là bọn em không đi làm nữa.

Làm một tháng thì nó trả cho một hai trăm chỉ đủ tiền ăn thôi thì bọn em làm tới tháng 12 thì bọn em nghỉ. Cho tới bây giờ thì công ty cũng chả đến thăm hỏi và nói năng gì với bọn em cả. Bọn em cũng không có tiền ăn. Thình thoảng thì nhà thờ cũng giúp mua gạo rồi mắm muối các thứ giúp đỡ cho bọn em nhiều lắm, không thì bọn em cũng chả biết sống thế nào trong thời gian qua.

Bọn em cũng nhiều lần gọi điện cho bên môi giới ở Việt Nam bảo là cố gắng chuyển công ty cho bọn em thì bọn em mới còn kiếm ra tiền để gửi tiền về trả ngân hàng. Bây giờ bọn em sang đây coi như người nào cũng còn nợ ngân hàng một khoản lớn là gần 20 triệu (đồng) đấy ạ."

Vô trách nhiệm của các công ty xuất khẩu lao động ?

Thưa qúy vị, một trong những tổ chức nhân đạo theo dõi sát và trợ giúp những công nhân VN bị ngược đãi ở xứ lạ quê người là Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People SOS), trụ sở tại Virginia (Hoa Kỳ). Chúng tôi nhân tiện liên lạc với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của Ủy Ban này, để tìm hiểu thêm về tình trạng của số 31 công nhân VN tại hãng Spectra Alucast ở Malaysia như vừa nói. TS Nguyễn Đình Thắng cho biết:

TS Nguyễn Đình Thắng : Chúng tôi rất quan tâm về tình trạng của số công nhân này bởi vì một thời gian đã dài rồi mà họ không nhận được thu nhập nào cả từ chủ sử dụng lao động. Chúng tôi có liên lạc được với một số nhà thờ ở vùng sở tại và họ đã giúp đỡ về lương thực đời sống trong chừng mực mà họ có thể giúp đỡ được, thành ra các công nhân này rất là túng thiếu, xin được cái gì thì ăn cái đó, có khi phải sống nhờ nơi bạn bè ở những công ty khác hoặc là những nhà hảo tâm ngưòi Mã Lai.

Thanh Quang : Theo chỗ tìm hiểu của Tiến Sĩ thì Đại Sứ Quán Việt Nam ở Malaysia và những công ty môi giới ở Việt Nam đưa họ sang đây phản ứng như thế nào trước tình cảnh của 31 công nhân này ?

TS Nguyễn Đình Thắng : Cho đến nay thì cả bên Đại Sứ Quán Việt Nam ở tại thủ đô Kuala Lumpur của Mã Lai cũng như các công ty xuất khẩu lao động đã đưa họ đến Mã Lai, chẳng hạn như công ty Hantech, hoặc là Cocecoc, hoặc là Solgimex và một công ty nữa là JSC không hề đả động gì đến số công nhân này mực dù họ đã nhiều lần kêu gọi, gọi điện thoại, đánh điện về Việt Nam, hoặc là qua thủ đô Kuala Lumpur để mà cầu cứu.

Có một đôi lần họ liên lạc được với nhân viên Đại Sứ Quán VN thì chỉ được trả lời à ớí rồi sau đó cúp điện thoại. Khi họ liên lạc trở lại thì không có ai bắt điện thoại để đáp cả. Công ty môi giới thì xem như hoàn toàn bỏ rơi những người này. Họ phủi tay sáu bảy tháng nay.

Thành ra tình trạng của những công nhân này hết sức là bi đát. Trên nguyên tắc khi những công nhân này không có công ăn việc làm, không được trả lương thì nhiệm vụ của công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam là bắt buộc phải can thiệp, phải gửi người sang để điều đình, và nếu điều đình không được thì phải chi trả cho đời sống của những công nhân này trong thời gian chờ đợi được giải quyết để hồi hương.

Tiền vé máy bay công ty phải trả. Và không những vậy, khi mà hồi hương thì công ty xuất khẩu lao động bắt buộc phải hoàn trả lại một phần các phí dịch vụ, phí môi giới, tiền ký quỹ mà các công nhân này đã đóng trước đây, trước khi lên đường đi Mã Lai.

Đồng thời, luật hiện nay bắt buộc Toà Đại Sứ phải có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân như thế này và hợp tác với công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam để can thiệp và đưa các công nhân này về nước trong trường hợp không đòi hỏi được những nhượng bộ từ phía chủ sử dụng lao động.

Thanh Quang : Thưa Tiến Sĩ, Liên Minh CAMSA có kế hoạch can thiệp cho 31 công nhân này nói riêng và những trường hợp tương tự nói chung hay không?

TS Nguyễn Đình Thắng : Liên Minh CAMSA, tên Việt Nam là Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, đó là một liên minh tập hợp của 4 tổ chức quốc tế, trong đó có Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển. Liên Minh CAMSA trong thời gian qua đã can thiệp cho rất nhiều trường hợp và hiện nay chúng tôi đang quan tâm đến hàng ngàn công nhân Việt Nam ở Mã Lai đã bị sa thải hoặc là mất việc hoặc bị giảm công việc vì lý do những xáo trộn trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 5 tháng 2 vừa qua ông Thứ Trưởng của Bộ Lao Động-Thương Binh- Xã Hội Việt Nam đã có buổi họp báo tuyên bố rất rõ ràng rằng nhiệm vụ của Bộ là can thiệp vào bảo vệ công nhân trong trường hợp bị mất việc, hoặc bị giảm việc, hoặc bị sa thải sớm vì những lý do hoàn toàn không phải lỗi của họ, thì chúng tôi đã lập danh sách của 31 công nhân này cũng như của nhiều trường hợp khác nữa và đã trao, bằng cách này hay cách khác, đến tận tay ông Trần Thanh Hoà - Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB-XH VN với hy vọng là ông ta và các nhân sự đồng nghiệp sẽ giải quyết những trường hợp này như là chính phủ Việt Nam đã từng hứa hẹn tại buổi họp báo nói trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét