Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Chạy trường: 3.000 USD một suất?

TP - Chạy vào trường công lập là một thực tế tồn tại suốt nhiều năm nay. Còn chạy vào trường tư thục mới xuất hiện với một vài trường có tiếng. Các chuyên gia giáo dục cho rằng nếu cơ chế tuyển sinh đầu cấp không thay đổi, vấn đề chạy trường sẽ ngày càng trầm trọng.

Với những trường uy tín, nhiều phụ huynh cho biết họ phải chạy hàng ngàn USD để con họ được vào học (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) Ảnh: Hồng Vĩnh

Chi 3.000 USD một suất ?

Đầu tháng Sáu năm ngoái, chị V., nhân viên kế toán làm việc trong một doanh nghiệp bắn tiếng khắp nơi để tìm mối nhờ chạy vào trường THCS T. (quận Hoàn Kiếm) cho con của anh trai chị.

Theo chị, gia đình ông anh chi trọn gói 2.000 USD cho đường dây của hiệu trưởng cũ. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng Sáu, người ta chính thức trả tiền lại vì hiệu trưởng mới tuyên bố không nhận bất kỳ trường hợp nào chuyển đến từ trường ngoài công lập (cháu chị học trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm).

Một thời gian ngắn sau gặp lại, chị hồ hởi khoe cháu chị đã xin được vào trường T. như mong muốn nhưng với giá 3.000 USD.

Năm nay gặp lại, chị cho biết, ông anh chị rút được 3.000 USD về vì cháu chị không cần học trường T. nữa sau khi thi đỗ trường THCS Hà Nội - Amsterdam. Chị nói: "Người ta vui vẻ cho mình rút vì còn đầy trường hợp chầu chực vào trường T. với giá đó mà không có cửa".

3.000 USD quả là con số khó tin ngay với cả những phụ huynh có con đang học tại chính các trường được xem là cao giá. Chị Tr. (tập thể ĐH Giao thông Vận tải), cựu phụ huynh học sinh trường G. (quận Ba Đình) kể:

"Năm 2004, nhờ có người nhà quen biết với thầy hiệu trưởng, tôi gặp thẳng hiệu trưởng để xin học cho cháu lớn. Ban đầu cũng chẳng tiền nong gì cả. Khi cháu được nhận vào học rồi tôi mới đi cảm ơn. Tôi mua túi quà, trong đó có để một phong bì 500 USD. Lúc về nhà, tôi được thầy gọi điện mời đến và trả lại quà. Lần khác tôi lại đến, nhưng phong bì là 700 USD và sau đó không thấy thầy nói gì nữa".

Chị Tr. bình luận: "Cách đây năm năm mà còn 700 USD, bây giờ ít ra cũng phải 1.000 USD. Mà đó là giá cảm ơn cho những trường hợp xin học nhờ có quan hệ xã hội. Còn chạy qua các mối trung gian thì chắc chắn phải hơn. Tuy nhiên 3.000 USD thì quá cao".

Tư thục cũng căng

Người có con học phổ thông căng thẳng hơn cả những người có con thi ĐH bởi thi ĐH nếu trượt thì còn thi lại - Anh Quốc, Cty Bán lẻ xăng dầu Hà Nội

Nghĩ tới lần chạy trường cho đứa cháu vào lớp một của trường tư thục nổi tiếng Hà Nội cách đây hai năm, anh Quốc (cán bộ Cty Bán lẻ xăng dầu Hà Nội) vẫn thấy ớn.

Dù được theo học lớp tiền lớp 1, và gửi gắm một giáo viên trong trường (với khoản đi trước là 300 USD) cháu anh Quốc vẫn thiếu điểm khi dự kỳ thi đầu vào của trường. Thời điểm ấy, xoay xở một suất trái tuyến vào trường công theo mong muốn là điều vô vọng với anh.

Bằng rất nhiều manh mối, anh Quốc tiếp cận được với một đại gia nghe nói là có mối quan hệ thân tình với bà hiệu trưởng. Buổi tối hôm đó, vị đại gia đưa anh Quốc đến nhà hiệu trưởng. Nhưng họ phải chờ bên ngoài hàng tiếng đồng hồ vì trước họ còn có vài chiếc ô tô xịn khác. Mấy ngày sau, khi cháu anh có tên trong danh sách học sinh chính thức của trường, anh mới thở phào nhẹ nhõm.

Thành tích của anh Quốc là một kỳ công bởi chỉ mấy ngày sau, chính một giáo viên của trường tư thục trên gọi điện hỏi thăm anh Quốc kinh nghiệm chạy trường. Chị nhận xin học cho một đứa cháu bên chồng nhưng không được bởi trường tư thục này rất nghiêm khắc với giáo viên trong việc chạy trường.

Tuy đối nội thì nghiêm như vậy nhưng với các mối quan hệ ngoại giao, hiệu trưởng vẫn phải nhượng bộ và năm đó trường tư thục nổi tiếng này phải mở thêm một số lớp so với dự kiến.

Năm nay, con trai anh Quốc lại có nhu cầu vào trường tư thục trên. Lợi thế của anh là hiện nay đang có đứa con học lớp 4 tại trường. Theo quy định của trường, trong công tác tuyển sinh, những gia đình có con đã và đang theo học sẽ được hưởng ưu tiên. Tuy nhiên, để chắc ăn, ngay từ khi trường mở lớp tiền học đường anh đã cho con theo học. 21/6 này trường sẽ tổ chức thi.

-----------------------

Còn nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét