Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Các đường dây đưa người Trung Quốc ra nước ngoài, làm ăn phát đạt

RFI Hôm nay, tờ Le Monde đưa tin về các đường dây lén lút đưa người từ Trung Quốc sang nước ngoài : các đường dây này đang phát triển mạnh. Bất kể có khủng hoảng hay không, việc xuất ngoại đã trở thành một giải pháp rất thịnh hành tại khu vực tam giác gồm các thành phố Phúc Thanh, Trường Nhạc và đảo Bình Đàm

Báo chí hôm nay chủ yếu quan tâm đến tình hình xã hội Pháp với kế hoạch khẩn cấp giúp giới trẻ tìm công ăn việc làm và những căng thẳng giữa nhân viên và ban lãnh đạo công ty.

Nhưng không ngày nào mà báo giới Pháp lại không có một bài báo dài về Trung Quốc. Hôm nay tờ Le Monde đưa tin về các đường dây lén lút đưa người từ Trung Quốc sang nước ngoài : các đường dây này đang phát triển tốt và không biết khủng hoảng là gì.

Từ tỉnh Phước Kiến, đặc phái viên của Le Monde mở đầu bài tường thuật bằng việc mô tả những ngôi nhà nhỏ được xây cất thẳng hàng, biến những vùng nông thôn xưa kia thành những thành phố nhỏ, đi từ Phúc Châu, thủ phủ của Phước Kiến, đến vùng bờ biển đối diện Đài Loan. Các ngôi nhà này mọc lên như nấm nhờ vào tiền gửi về từ nước ngoài. Bất kể có khủng hoảng hay không, việc đi ra nước ngoài đã trở thành một giải pháp rất thịnh hành tại khu vực tam giác gồm các thành phố Phúc Thanh, Trường Nhạc và đảo Bình Đàm.

Báo Le Monde kể lại câu chuyện của một người có biệt danh là « Jake », 38 tuổi, đã hai lần vượt biên và cả hai lần đều thất bại. Hậu quả là anh bị ngồi tù trong hai năm tại hai quốc gia khác nhau và anh mất khoảng 20 000 eurô cho chuyến đi, nhưng hai chuyến về đều do chính phủ Trung Quốc trả tiền sau khi anh bị buộc phải hồi hương. Nhưng không phải vì vậy mà anh Jake nản lòng vì, như anh nói « ở ngoại quốc, tôi tin chắc là sẽ tìm được việc làm và sẽ hoàn trả được món nợ ».

Robin Weng, 26 tuổi, là tác giả của một bộ phim kể lại cuộc sống chán nản của những người bạn xưa kia học cùng trường với anh ở Phước Kiến. Anh nói với phóng viên Le Monde : « Có ba loại người ở Phước Kiến. Loại thứ nhất làm ăn buôn bán trên cả nước Trung Quốc. Loại thứ nhì có học thức cao và trở thành công chức. Và loại thứ ba đi ra nước ngoài vì làm bất cứ một việc gì ở trong nước, họ cũng không thể nào kiếm hơn 150 eurô một tháng. Trong khi ở ngoại quốc họ có thể kiếm gấp 10 lần ».

Tại Phước Kiến, lén lút đưa người vượt biên không phải là một tội phạm.

Vốn là cái nôi của các hội kín, tỉnh Phước Kiến có một truyền thống dài lâu về cướp biển và buôn lậu. Trong các cộng đồng sống ở ven biển, tổ chức đưa người vượt biên là một dịch vụ hơn là một tội phạm. Người đứng đầu một đường dây đưa người ra nước ngoài có biệt hiệu là « đầu rắn » vì người này đi trước và rồng rắn theo sau là đám người vượt biên.

Các chính quyền địa phương không muốn ra tay đàn áp vì làm như vậy là sẽ bóp chết con gà đẻ trứng vàng. Theo Le Monde, chính phủ Trung Quốc chỉ làm ra vẻ có phản ứng một khi có một vụ tai tiếng làm khuấy động công luận ở phương Tây.

Năm 1993, một chiếc tàu bị đắm ở ngoài khơi đã tào cơ hội cho Cục điều tra Mỹ FBI khám phá rằng một nữ thương gia gốc Phước Kiến ở khu Phố Tàu của New York là bộ óc của một đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Chạy trốn về Trung Quốc, bà đã bị bắt tại Hồng Kông năm 2000 rồi dẫn độ về Hoa Kỳ. Tại đây bà bị tuyên án 35 năm tù.

Nhưng tại tỉnh Phước Kiến bà được ca ngợi như là người đã làm ơn cho dân chúng tại đây và sự kiện bà phải ngồi tù bị đánh giá là bất công vì nhờ bà mà một số người đã xây được mộ cho ông bà và xây luôn mộ cho chính họ để chuẩn bị tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét