Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Ba nhóm nhân công xuất ngoại, hai vấn đề

(TBOL) Chỉ trong vòng tháng Ba, 3 nhóm nhân công từ quốc nội xuất ngoại đi làm 3 loại công việc khác nhau tại 3 quốc gia Nga, Đài Loan và Hoa Kỳ đều gặp khó khăn, khiến họ không tiếp tục làm việc được nữa. Mặc dù công việc khác nhau, quốc gia họ đến làm việc cũng khác, nhưng những khó khăn của họ lại giống nhau trên 2 góc cạnh: một là họ bị lừa gạt khi ký khế ước lao động tại Việt Nam, và hai là nhà nước Việt Cộng không giúp họ khi họ gặp khó khăn ngoài hải ngoại, trong hoàn cảnh tứ cố vô thân.
Báo Tuổi Trẻ nói nhóm thứ nhất gồm 68 công nhân Việt Nam xuất ngoại sang Nga làm việc với hợp đồng ký với hãng trung gian mai mối nhân công Sovilaco. Toàn bộ 68 công nhân này đã trở về Việt Nam trong hai chuyến bay, chuyến trước gồm 41 người và chuyến thứ nhì, đến Tân Sơn Nhứt tối 30 tháng Ba, gồm 27 người.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, công nhân Võ Thị Hồng Quê (sinh 1978, ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) kể lại mỗi ngày cô phải làm quần quật từ 17 đến 20 tiếng đồng hồ liên tục gần hai tháng nhưng không được lãnh một đồng lương nào.
Ngày 26-12-2008, cô Hồng Quế ký hợp đồng với công ty xuất khẩu lao động - thương mại và du lịch Sovilaco - trụ sở tại 293 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, thành Hồ, để sang Nga làm thợ may công nghiệp tại Công ty Deitrast; cô phải nộp lệ phí cho Sovilaco 2.650 mỹ kim. Mức lương được Sovilaco cam kết mỗi tháng không dưới 400 mỹ kim, có thể đạt tới 500-600 mỹ kim mỗi tháng tùy theo tay nghề. Cùng đi theo diện của cô Hồng Quế còn có hơn 80 công nhân nam, nữ sang Nga làm việc tại phân xưởng may (thuộc Công ty Deitrast).

Anh Trần Nguyên Dương (xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) kể lại điều kiện ăn ở thật tệ. Cứ 20 người chen chúc nhau trong căn phòng chật chội chỉ 30m2. Mỗi ngày làm việc từ 8 giờ sáng, không được ăn lót lòng, 13giờ mới được ăn trưa. Đến 13g30 trở lại làm việc tiếp cho đến 20g mới được ăn bữa thứ hai nhưng cũng chẳng được ăn no. Trời thì lạnh, đêm đói ngủ không được nhưng sáng hôm sau vẫn phải dậy sớm để làm việc.
Các công nhân kể trước khi qua Nga làm việc, họ được Sovilaco cam kết là theo luật pháp Nga, công ty, ngay cả trong trường hợp không có việc làm, cũng vẫn phải trả tiền ăn, ở cho người lao động.
Nhưng khi tính lương thì bà chủ trừ tiền ăn ở mỗi tháng 140 mỹ kim, tiền thuế 33% và công nhân làm ngày nào ăn ngày đó. Vì vậy, làm cật lực thức khuya dậy sớm gần hai tháng trời nhưng công nhân nào cũng bị âm lương nên họ bắt đầu có phản ứng. Những ngày đầu tháng Ba 2009, khi công nhân đình công để chờ giải quyết lương thì “chủ bỏ đói, không cho ăn và khóa trái cửa lại không cho bất cứ ai được ra vào”.
Bị bỏ đói đến ngày thứ hai chịu không nổi, các công nhân tìm cách qua xưởng may bên cạnh xin cơm nguội ăn để chờ liên hệ với sứ quán Việt Cộng tại Nga xin giải quyết. Nhưng hôm sau thì bà chủ biết được nên dặn đầu bếp bên đó không cho ăn. Đói quá, các công nhân tìm cách bán đồ dùng cá nhân, áo quần mới, giày dép, bột giặt, thứ gì bán được công nhân đều đem ra bán để đổi mì gói ăn.
Cô Mã Thị Hồng Hạnh kể một chị công nhân đói quá đánh liều đem bán cái chăn với giá chỉ 30.000 đồng để mua mì gói. Đến khi về khuya, trời lạnh quá “chị ấy ngủ không được cứ qua giường ôm em khóc hoài”.
Chịu đựng một thời gian thì phía Sovilaco cử người sang giải quyết “nhưng họ chỉ cho ăn cầm chừng mỗi ngày một bữa cơm thôi”, anh Dương kể lại.
Khi sứ quán Việt Cộng tại Nga đến can thiệp thì cửa xưởng may mới được mở ra. Hầu hết công nhân đều phản ứng đòi về vì điều kiện làm việc và lương không đúng như hợp đồng ký với Sovilaco.
Nhưng tòa đại sứ Việt Cộng cũng vẫn vô trách nhiệm trong cách cho công nhân hồi hương.
“Chúng tôi biết từ Nga có chuyến bay trực tiếp về VN nhưng họ cho chúng tôi đi thành hai đoạn, đoạn thứ nhất sang Doha (Qatar) để được giá rẻ, đoạn thứ nhì từ Doha về Việt Nam” anh Dương nói. “Mà Doha chỉ có hai chuyến bay mỗi tuần, trong khi ở đây chúng tôi chịu đựng 3 ngày đói, khát.”
Xuất ngoại làm việc trong cảnh đói khổ, ngược đãi, những người lao động này trở về quê hương với nợ nần chồng chất. Cô Võ Thị Hồng Quê mếu máo: “Nhà em làm xuồng, ghe. Hôm rồi nhà nước trợ cấp cho gia đình em được 20 triệu đồng tiền dầu. Tiền dành dụm cả đời của mẹ em vét sạch mà vẫn còn thiếu 10 triệu đồng cho em nộp lệ phí nên mẹ phải vay nóng 10 triệu đồng bên ngoài với lãi suất đến 60%/tháng, khổ quá chưa biết làm sao đây”.
Hồng Hạnh than: “Trước khi đi, em tính lương mỗi tháng tệ lắm cũng được 400 mỹ kim như hợp đồng ký với Sovilaco. Trừ tiền ăn 100 mỹ kim, tiền ở 40 mỹ kim thì mỗi tháng em dành dụm được 260 mỹ kim. Nếu chịu khó làm thêm giờ thì khoảng một năm rưỡi là em có thể trả được tiền vay. Một năm rưỡi còn lại là “lãi ròng”, về quê em có một ít tiền cho ba mẹ. Nhưng thật không ngờ làm gần hai tháng mà giờ lại tay không trở về”.
Các công nhân được gọi tên trở về nước tối 27-3, cho hay sáng 28-3 họ đến Công ty Sovilaco để được giải quyết thì phía đại diện công ty chỉ đồng ý trả lại 1.800 USD cho mỗi người và yêu cầu họ làm giấy vay tiền để khi thanh lý hợp đồng thì trừ vào tiền ăn, ở nhà trọ mà công ty thuê giùm họ tại một căn nhà trên đường Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình ở tạm trong những ngày chờ giải quyết!
Ngày 18-3, tổng giám đốc công ty Nga ZAO “SP” Deitrast V.F. Dyagilev gửi thư trả lời công văn của Công ty Sovilaco khẳng định phía Deitrast không hề ký hợp đồng thuê lao động nước ngoài với Công ty Sovilaco.
Ông tổng giám đốc Nga này cho rằng tháng 7-2008, phía Deitrast có thư đặt tuyển 150 lao động nước ngoài là thợ may, có tay nghề bậc 5 ở VN cho bất cứ công ty nào có khả năng thực hiện việc tuyển công nhân. Phía Deitrast cho rằng hợp đồng mà Sovilaco nêu trong công văn là hợp đồng giả mạo và phía Deitrast không thảo luận nội dung các văn bản giả mạo.
Chiều 29-3, trả lời Tuổi Trẻ về việc này, ông Nguyễn Hải Nam - giám đốc Sovilaco - khẳng định có ký hợp đồng với Deitrast thông qua một người tên H.. Ban đầu người này tham gia hội đồng quản trị của Deitrast nhưng sau đó do mâu thuẫn nội bộ nên Deitrast không cho H. tham gia nữa. “Nếu không ký hợp đồng thì làm sao làm được visa cho công nhân đi lao động?” - ông Nam nói.
Ông Nguyễn Hải Nam cũng thừa nhận có biết chuyện phía Deitrast bỏ đói công nhân vì theo ông, “bên đó phải có làm mới có ăn”. Còn các công nhân thì đình công không chịu làm việc vì bị trừ 33% tiền thuế và các khoản ăn, ở khác khiến họ bị âm lương. Tuy nhiên, ông Nam cho biết sau đó Công ty Sovilaco đã cử người bay sang Nga để chu cấp gạo và mì gói cho công nhân. Ông Nam cho rằng phía Deitrast muốn chối bỏ trách nhiệm, sắp tới Sovilaco sẽ kiện Deitrast để bồi thường.
Liên quan đến phản ứng của công nhân khi họ bị yêu cầu ký giấy vay tiền vào sáng 28-3, ông Nam cho biết vì các công nhân hết tiền, muốn tạm ứng tiền nên công ty yêu cầu họ ký giấy vay tiền để khi thanh lý hợp đồng thì trả lại, công ty không chịu chi phí ăn ở cho công nhân trong thời gian chờ giải quyết. Vì sao chỉ giải quyết trả lại cho công nhân 1.800 mỹ kim thay vì 2.650 mỹ kim như ban đầu họ đã nộp thì ông Nam nói do trừ chi phí vé máy bay đi về của công nhân.
Vụ thứ nhì liên quan đến 31 ngư dân làm việc trên những tầu đánh cá Đài Loan ký hợp đồng với công ty Getraco, địa chỉ 17 Sông Thương, P.2, Q.Tân Bình, để làm thuê cho các chủ tàu đánh cá Đài Loan. Người ký hợp đồng với các thuyền viên là ông Trần Mạnh Lực, giám đốc công ty.
Theo tài liệu, các thuyền viên ký hợp đồng (3 năm) với mức lương 178 mỹ kim mỗ tháng, được trả 2 lần mỗi năm theo phương thức: công ty môi giới ở Đài Loan chuyển tiền về cho đối tác - Getraco, để Getraco chi trả cho gia đình thuyền viên.
Tuy nhiên, làm việc ròng rã một, hai năm trời có người chỉ nhận được vài tháng lương và một ít tiền tiêu vặt. Anh Thanh cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi phải làm quần quật từ 20-22 tiếng đồng hồ trên tàu; 14 tháng trời ròng rã ngoài khơi nhưng công ty mới trả cho gia đình tôi 6,8 triệu đồng, chỉ bằng bốn tháng lương”.
Theo bảng lương của Getraco, tổng số tiền lương của anh Thanh hơn 29 triệu đồng. Sau khi trừ phí chuyển tiền (trên 110.000 đồng), lệ phí dịch vụ xuất khẩu lao động (trên 3,6 triệu đồng), tiền đặt cọc gần 7,6 triệu đồng (sau khi thanh lý hợp đồng thuyền viên sẽ nhận lại số tiền này), số tiền thực nhận của anh Thanh là trên 17,7 triệu đồng. Tính ra, sau khi thanh lý hợp đồng, phía Getraco còn nợ anh Thanh 25,3 triệu đồng (cả tiền đặt cọc).
Trong khi đó, thuyền viên Cao Xuân Hùng làm 27 tháng (từ 20-10-2006 đến 26-1-2009) với mức lương 165 USD/tháng. Sau khi trừ 20 USD tiêu vặt, 10 USD bảo hiểm, anh Hùng còn nhận 135 USD/tháng. Chuyến đầu đi 11 tháng gia đình anh Hùng nhận 17 triệu đồng (tương đương 10 tháng lương). Chuyến thứ 2 đi hơn 16 tháng nhưng chẳng nhận thêm đồng nào. Anh Hùng đến công ty môi giới xuất khẩu lao động ở Đài Loan (đối tác của Getraco) để khiếu nại thì công ty này nói đã gửi lương về cho Getraco.

Anh Nguyễn Chí Thanh (ngụ xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết tháng 4-2007, một người tên Tình đến nhà hứa sẽ giúp đỡ anh một suất đi “hợp tác lao động” nước ngoài với mức lương cao. Anh Thanh đồng ý theo ông Tình vào Sài Gòn làm thủ tục xuất cảnh. Cùng đi với anh Thanh còn có 30 ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình…
Vào đến Sài Gòn, số ngư dân được đưa đến Trung tâm đào tạo cung ứng và xuất khẩu lao động - thuộc Công ty Getraco để ký hợp đồng làm thuê cho các chủ tàu đánh cá Đài Loan. Theo hợp đồng, các thuyền viên làm việc 3 năm với mức lương 178 mỹ kim mỗi tháng, được trả 2 lần/năm theo phương thức: công ty môi giới ở Đài Loan chuyển tiền về cho đối tác - Getraco, sau đó chi trả cho gia đình thuyền viên.
Hai thuyền viên Mai Xuân Khánh và Mai Thành Tín (ngụ Hà Tĩnh) lăn lộn 14 tháng ngoài khơi nhưng cũng chỉ nhận mỗi người 6,8 triệu đồng. Số tiền phía Getraco còn nợ anh Khánh và anh Tín trên 21 triệu đồng/người đến nay vẫn chưa trả.
Theo tài liệu, ngày 28-8-2008, các thuyền viên được chủ tàu cho về nước và hẹn sẽ gọi trở lại làm việc (có biên bản xác nhận của chủ tàu và Getraco). Căn cứ hợp đồng, sau 90 ngày, kể từ ngày thuyền viên về nước mà phía chủ tàu không gọi trở lại làm việc thì đề nghị Getraco thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, từ khi về nước đến nay đã 6 tháng trôi qua nhưng các thuyền viên vẫn không được gọi trở lại làm việc. Các thuyền viên tìm đến Công ty Getraco (trụ sở chính tại TP Vũng Tàu) khiếu nại thì ở đây chỉ ngược lên chi nhánh công ty ở Sài Gòn, số 26 Nguyễn Thị Huỳnh, Q.Phú Nhuận, Sai Goøn).
Tại đây, một lãnh đạo Công ty Getraco cho rằng tiền lương của thuyền viên đã được công ty môi giới Đài Loan gửi vào tài khoản cá nhân ông Lực. Do đó, ông Lực là người chịu trách nhiệm việc trả lương cho thuyền viên.

Vụ thứ ba, xẩy ra tại Houston, là vụ may mắn nhất cho các công nhân xuất ngoại. Khoảng 20 anh em thợ hàn, phần lớn dưới 30 tuổi, đang được Cộng Đồng người Việt Houston bảo trợ; họ được cung cấp chỗ ở, thực phẩm trong lúc chờ đợi vụ kiện họ đóng vai trò dân sự nguyên cáo kiện cả 3 công ty liên hệ đến khế ước và cung cách làm việc của họ.
Thời Báo gặp họ trong 3 bữa ăn, bữa thứ nhất tại căn nhà Cộng Đồng đứng ra thuê cho họ ở tạm; thực đơn là tôm tích (crawlfish) luộc, do đầu bếp Hoàng Duy Hùng nấu rất xuất sắc. Bữa thứ nhì tại nhà cô Bạch Hạc với một thực đơn buffet rất ngon miệng, và bữa thứ ba, tại tư gia của luật sư Hùng, với món tiết canh dê + vịt, và cháo vịt, do Thời Báo đi chợ và anh em thợ hàn trổ tài đánh tiết canh.
Trả lời câu hỏi của Thời Báo về lý do các anh không nhờ tòa đại sứ Việt Cộng giúp đỡ, một công nhân nói, “tòa đại sứ không giúp ai bao giờ.”

Câu nói này và phương cách tòa đại sứ Việt Cộng giúp công nhân Việt Nam tại Nga nêu lên vấn đề trách nhiệm và uy tín của toà đại sứ Việt Cộng. Họ chứng tỏ tinh thần vô trách nhiệm tại Houston khi họ không thăm hỏi, giúp đỡ gì nhóm thợ hàn mắc nạn.
Tại Nga, họ biết những người thợ may hồi hương không có lương, phải sống nửa tuần lễ tại Doha, mà họ không nghĩ đến một khoản tiền túi nho nhỏ giúp cho những người này có chút thực phẩm dằn bụng.
Góc cạnh vô trách nhiệm thứ nhì của nhà nước Việt Cộng là việc họ không nhìn nhỏ gì đến khó khăn của những công nhân Việt Nam phải ký những khế ước xuất ngoại làm việc viết bằng ngoại ngữ.
Một việc rất dễ làm là họ có thể bắt buộc những khế ước này phải viết song ngữ, Nga-Việt, Hoa-Việt, hoặc Anh-Việt để người công nhân hiểu họ ký cam kết những gì, và quyền lợi của họ là những gì.
Cả hai việc, (1) giúp người công nhân hiểu rõ những cam kết họ ký nhận, và (2) đến với họ khi họ hoạn nạn trên đất khách quê người không phải là những điều khó làm, nhưng lại là những điều chỉ có thể làm được khi nhà nước Việt Cộng có tinh thần trách nhiệm đối với công dân Việt Nam, điều Việt Cộng không có.

Nguyễn Đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét